Chùa nằm dưới những hàng cây rợp bóng, không khí uy nghiêm thoát tục.
Từ cổng vào dẫn lên bậc tam cấp, tôi đi dọc các hành lang mát rượi và
yên tĩnh. Thoạt nhìn, chùa có kiến trúc không khác mấy so với vô vàn
ngôi chùa khác, với mái vòm cong vút, tượng phật uy nghi.
Nghe chuyện sinh linh
Ấn tượng của tôi không nằm ở tòa chánh điện lung linh ánh phật mà ở khu nhà bên cạnh. Nơi có tượng của nhiều hài nhi
quây quần, vui cười chạy nhảy dưới chân bên một vi phật. Dưới chân
chúng là sữa, bánh kẹo, trái cây... chắc là của phật tử cúng nguyện. Sư
cô Như Lan giải thích với tôi đó là nơi thờ cúng vong hồn những đứa
trẻ không được chào đời. Mỗi ngày nhà chùa đều đặn cúng cháo cho các
cháu. “Đó cũng là nơi các cháu thích đến nhất” - bà nói. Chừng
thấy tôi chưa hiểu, bà giảng giải thêm hình hài những bức tượng ấy như
thế nào thì các sinh linh trong thế giới tâm linh như thế ấy. Cũng
chạy nhảy vui đùa như thế giới thật. Khách lạ mới đến có thể ngạc nhiên
nhưng những người ở trong và xung quanh chùa đều như nghe được tiếng
những đứa trẻ gọi nhau í ới, leo trèo cười đùa trên những tán cây quanh
chùa như cảnh thật. Bà kể, trước đây, vong linh các cháu chưa đông như
bây giờ. Nhưng từ khi nhà chùa tổ chức lễ cầu siêu cho các thai nhi bị
chối bỏ, chúng tìm đến ngày một đông. “Người phá bỏ thai nhi từ khắp nơi đến đây sám hối. Vong hồn chúng theo đến rồi ở lại nơi đây”
- bà tâm sự. Mỗi đợt cầu siêu, có đến hàng ngàn người nêm chặt sân
chùa, nhiều người trong số đó bị vong hồn bọn trẻ nhập vào, người chạy
nhảy tung tăng, người khóc đòi quà như con nít. Chứng kiến cảnh đó,
không ai không tin vong hồn những đứa trẻ thật sự hiển linh.
Bà kể tiếp, những người đến đây khấn
nguyện ra về đều vơi bớt sầu muộn hoặc cảm giác hối lỗi. Phần vì trời
phật chứng dám, phần vì đã giúp vong linh con cái mình tìm được nơi yên
nghỉ. Nhiều người kể với bà rằng họ tìm đến chùa rất tình cờ. Có khi
đi ngang qua chùa. Đêm về nằm mơ thấy sinh linh bé nhỏ mình phá bỏ lúc
trước hiện hồn về báo mộng nhờ cha mẹ mang chúng vào chùa để được vui
chơi với chúng bạn. Sáng tỉnh ra, những người ấy làm theo lời mách bảo,
từ đó vơi đi phần nào cạm giác tội lỗi. Họ thường đến chùa khấn nguyện
vì tin chắc rằng vong hồn con mình đang ở trong đó.
Chùa Từ Quang
Buổi trưa, không khí trong chùa thanh
tĩnh nhưng số người đến khấn nguyện vẫn đều đặn. Tôi nhác thấy bóng
người phụ nữ gầy gò lớn tuổi chắp tay khấn nguyện từ ngoài cổng tất tả
bước vào. Bà bảo vào đây cầu nguyện cho đứa cháu tên là Ngọc. Khi con
gái bà phá bỏ cái thai trong bụng không biết cháu bé là nam hay nữ, nên
đặt tên như vậy sẽ hợp hết. Con bà tên T. làm công nhân ở KCN gần đó.
Hai năm trước, cô có thai sau mối tình vụng trộm rồi lén đi phá, bà
biết thì đã quá trễ. Phá bỏ cái thai xong T. trở nên lầm lũi, ít nói.
Người nhà tưởng cô bệnh nên chạy chữa khắp nơi nhưng không thuyên giảm.
T. mất việc ở nhà, bệnh tình trở nặng. Cô chạy nhảy suốt ngày, ban đêm
khóc ré lên như con nít. Bà trộm nghĩ rằng con gái mình bị vong hồn quở
trách nên thắp nhang khấn khuyện ngày này qua ngày khác.
Ngày nọ, bà nằm mơ thấy một đứa con nít chạy qua khóc lên thảm thiết nói rằng: “Mẹ ơi sao nỡ giết con! Con bây giờ vất vưởng, không nơi nương náu đau khổ lắm”.
Bà choàng tỉnh, ngay hôm sau đưa con gái vào chùa cùng sám hối. Bà đặt
tên cháu là “Vô Danh” rồi khấn nguyện xin vong hồn cháu về chùa tá
túc. Tối đó bà nằm mơ cũng đứa trẻ ấy cười tíu tít nói rằng đã được ăn
ngon mặc đẹp, được vui đùa cùng bạn bè. Nhưng đứa trẻ chợt khóc nói rằng
không thích cái tên bà đặt. Thế là bà đặt tên Ngọc. T. bây giờ đã
thuyên giảm bệnh tình, hồi phục nhanh như phép màu. Hai mẹ con đều đặn
thay nhau vào chùa khấn vái cho Ngọc. “Chuyện như vậy ở đây nhiều
lắm chú à. Sinh linh là có thật. Nhờ chúng mà những người như con tôi
biết mình gây ra tội gì để mà sám hối, cứu chuộc” - bà nói.
Sám hối không bao giờ muộn
Thì ra câu chuyện người phụ nữ luống
tuổi kể cho tôi bên sân chùa bà cả xã biết và đều tin cả. Gần chùa là
nhiều khu công nghiệp nhiều công nhân nữ nên trước đây nạn phá thai xảy
ra như cơm bữa. Nhiều cô phá thai xong vào chùa sám hối. Cũng từ đó,
nhà chùa khai sinh lễ cầu siêu cho các sinh linh như vậy vào rằm tháng
tám âm lịch hàng năm. Đại đức Thích Giác Thiện, Trụ trì chùa Từ Quang
giải thích rằng lúc đó là tết truyền thống của những em bé trẻ thơ
ngây. Nhưng thật tội nghiệp cho những sinh linh vô tội ở thế giới bên
kia đang khóc thầm không được ai chia sẻ. Nhà chùa tổ chức đại lễ cầu
siêu cũng coi như là dịp kỷ niệm ngày giỗ hội cho các bé vô thừa nhận.
Lễ tổ chức từ năm 2009, mỗi lần có cả
chục ngàn người đến cầu siêu, sám hối. Những người đến đây điền tên các
cháu vào bài vị. Toàn những cái tên nghe nhói lòng: Vô Danh, Vô Phước,
Rơi, Rớt, Bỏ, Lầm... Người ta không biết rằng các cháu vẫn hiển hiện
trong thế giới tâm linh nên rất tủi phận khi mang những cái tên như
vậy. Hồi trước, người đến chùa khắc những cái tên này vào các thân cây.
Người ta kể lại, trên những cái cây ấy lúc nào cũng nghe tiếng khóc ai
oán. Bây giờ hết rồi, mỗi người đến lễ cầu siêu ghi số lần phá bỏ, nhà
chùa sẽ đặt tên cho từng sinh linh một cái tên đàng hoàng.
Đại lễ cầu siêu cho các sinh linh được tổ chức tại chùa Từ Quang vào rằm tháng tám hàng năm
Người đến chùa Từ Quang hầu hết đều mang
trong mình nỗi day dứt và cảm giác tội lỗi. Một bà mẹ kể lại câu
chuyện của mình hàng chục năm trước: “Thời bao cấp, vợ chồng làm cả
tháng lương không đủ nuôi hai đứa con đã khổ, đẻ thêm thì mất việc nên
đành nhắm mắt phá thai tới bốn lần...!”. Năm nay bà mẹ này đã hơn
60 tuổi và mang trong mình căn bệnh ung thư dạ con. Bà không còn sống
được lâu nên thường vào chùa để sám hối, hóa giải nghiệp báo. Một phụ
nữ tên A. ở Hải Phòng “nổi tiếng” vì kỷ lục phá thai đến 20 lần tìm đến
chùa Từ Quang hàng năm. Mỗi lần như vậy là một lần đau khổ, nước mắt
lưng tròng. Bây giờ, sau kỷ lục buồn ấy, chị chỉ mong một lần được làm
mẹ, được bế con trên tay nhưng không thể. Chị đã vĩnh viễn mất cơ hội
làm mẹ sau nhiều lần bỏ thai như thế. Người ta bảo đó là những trường
hợp bị sinh linh báo oán vì phạm tội lỗi quá nhiều lần.
Từ trước đến nay, đã có hàng chục ngàn
người đến chùa Từ Quang sám hối. Tức là đã có hơn ngần ấy sinh linh nhỏ
bé không có cơ hội cất tiếng khóc chào đời. Và có lẽ có gấp nhiều lần
con số ấy sinh linh đang vất vưởng vô định ở khắp nơi. Chợt xót xa nghĩ
đến lời trụ trì Thích Giác Thiện rằng: “Đạo lý không cho phép chúng
ta giết người. Vậy mà có những người vô tình hay cố ý lại ra tay giết
người không thương tiếc. Người bị giết ở đây chính là những em bé chưa
bao giờ nhìn thấy ánh sáng của cuộc đời, hoàn toàn vô tội. Có ai đã từng
đọc nhật ký của một em bé sắp chào đời chưa? Sẽ đau đớn như thế nào
nếu nó ghi rằng: Mẹ giết mình!”.
Tôi lại nhớ hình ảnh những đứa trẻ vui
đùa dưới chân phật bên trong điện thờ mà thấy lòng nặng trĩu. Có thể
những lời sám hối hôm nay đã giúp chúng siêu thoát. Nhưng chúng đã có
thể hiển hiện thật sự bằng xương bằng thịt nếu như không bị người sống
đang tâm phá bỏ. Những lời sám hối thành tâm sẽ không bao giờ muộn. “Phàm làm việc gì, hãy nghĩ đến hậu quả của nó”, phật pháp chẳng đã răn dạy con người chúng ta như vậy đó sao!
Theo Kiến Giang - Báo Công lý