Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Clip HT Quảng Đức tự thiêu diễn lại: từ điểm nhìn chuyên môn
Minh Thạnh
04/11/2011 14:09 (GMT+7)

Việc đóng diễn lại video clip Hòa thượng Thích Quảng Đức theo kiểu biến một vụ tự thiêu thành một vụ giết người, một cuộc đấu tranh bất bạo động biến thành vụ ẩu đả thô bạo giang hồ như thể, không gì khác hơn là nhằm bôi nhọ hình ảnh thiêng liêng của Phật giáo Việt Nam

Trong bài trước, chúng ta đã có thể kết luận video clip Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu hiện đang phổ biến trên mạng internet là một sản phẩm được đóng diễn lại, không phải quay tại hiện trường.

 
Trong bài này chúng ta sẽ cũng đi đến cùng một kết luận, nhưng không phải trong sự so sánh với những bức ảnh chụp tại hiện trường, mà từ những điều rút ra  từ chính video clip trên.
 
Chắc chắn là phần đông Phật tử chúng ta đều không phải là người dễ bị lừa gạt bởi những trò tiểu tâm như thế.
 
Nhưng dù có một vài Phật tử ngộ nhận đi nữa, thì thiết tưởng chúng ta cũng vẫn nên tìm hiểu để lên tiếng làm cho sáng rõ, với tinh thần “Chân thật biết là chân thực, phi chân biết là phi chân” (Kinh Pháp cú).
 
Tuy nhiên, điều đáng nói đây là video clip duy nhất về sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu được quảng bá trên mạng không được giới thiệu rõ ràng, nhưng được dịch ra nhiều thứ tiếng, thậm chí tiếng Nga, do đó số khán giả trên khắp thế giới lầm tưởng có thể là rất nhiều. Do đó, việc làm sáng rõ, thực hư, giả chân video clip này lại càng cần thiết hơn nữa.
 
Những lời giới thiệu xuất xứ video clip trên trang Youtube, một trang mà hầu như ai cũng có thể post video lên, thường là không đáng tin. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xin ghi nhận lại ở đây để bạn đọc tham khảo.
 
Video clip Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu (bắt đầu bằng hình ảnh chư tăng vây quanh Hòa thượng được trích từ một đoạn phim dài hơn, nói về mâu thuẫn giữa Phật giáo và chính quyền Ngô Đình Diệm). Đoạn phim đó được giới thiệu như sau:
 
“Một trích đoạn trong bộ phim tài liệu “MONDE CANE” của hai nhà làm phim Guatiero Jacopettit, Franco Prosperi (Italia) sản xuất năm 1963 về những vụ đàn áp biểu tình tại Sài Gòn và vụ tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức tại ngã tư Lê Văn Duyệt – Phan Đình Phùng”.
 
Trước hết, về mặt chuyên môn, ý kiến cho rằng vào năm 1963 chưa có phim màu để nói rằng video clip  màu mà chúng ta đang tìm hiểu đây là giả mạo, thì không hẳn đúng. Phim màu được dùng để quay phim tài liệu từ Thế chiến thứ II. Chỉ có điều là nó không thông dụng vì đắt tiền, việc in tráng khó khăn. Trên kênh National Geographic vẫn thường xuyên chiếu những phim “World War II in color”. Mới đây, chúng ta cũng mới có được bản màu phim về Điện Biên Phủ do một đạo diễn Xô Viết nổi tiếng thực hiện (1954).
 
Đoạn trích video clip có thuyết minh bằng tiếng Ý, vì vậy, không thể hiểu được lời thuyết minh.
 
Nhưng trong cách dựng phim (suốt cả trích đoạn dài, gồm trường đoạn biểu tình trước đó) không hề có dấu hiệu nào từ tác giả cho biết đây là phim đóng lại để thể hiện sự minh bạch đối với khán giả.
 
Phim tài liệu đóng lại vẫn là một loại hình phổ biến. Thường có hai dạng đóng lại:
 
1.      Dùng chính khung cảnh đã xảy ra sự kiện và những người đã tham gia sự kiện để đóng lại những giờ phút lịch sử mà việc ghi hình thực tế tại lúc diễn ra sự kiện đã không thực hiện được. Việc tái tạo là đúng như thật, như đã diễn ra, với chính những người có mặt khi sự kiện diễn ra. Để phục vụ cho một số mục tiêu như cổ động, tuyên truyền chẳng hạn, việc đóng lại không được thông báo cho khán giả.
 
2.      Phim đóng lại theo lời kể của một nhân vật có mặt tại hiện trường. Trong trường hợp này, thông báo phim tư liệu đóng lại được thể hiện bằng nhiều cách: lời kể của nhân vật đã trực tiếp chứng kiến, các thông tin bằng chữ...
 
Nếu không có những yếu tố như trên, phim tài liệu (không có cốt truyện, nhân vật) về một sự kiện nhưng lại là phim đóng diễn lại, không phải thu hình vào thời điểm sự kiện diễn ra thật sự, tạo cách hiểu lập lờ nơi tác giả, thì đó là một dạng phim tài liệu ngụy tạo.
 
Để phim giả đóng dựng lại trông có vẻ giống như phim thực, những đạo diễn không đứng đắn thường sử dụng thủ thuật trộn lẫn những đoạn phim quay ngay tại hiện trường (phim tài liệu thực) với những đoạn phim đóng diễn lại (phim tài liệu giả). Trích đoạn “Monde Cane”, trong đó có trường đoạn Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu thuộc loại xen lẫn thật giả này (1).
 
Riêng trường đoạn Hòa thượng Quảng Đức tự thiêu lại là trường đoạn hoàn toàn giả.
 
Như đã nói, việc so sánh video clip với ảnh chụp tư liệu để chứng minh video clip Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu là phim đóng diễn lại coi như đã xong, đã đi đến kết luận rõ ràng.
 
Ở đây, chỉ căn cứ vào nội dung video và có thể với những so sánh khác. Dưới đây là một số điểm phân tích:
 
-         Trợ lý đạo diễn đã sơ suất rất nặng nề khi chọn địa điểm quay. Hẳn là theo tài liệu, họ đã tìm một địa điểm có trạm xăng để thu hình. Nhưng họ không biết gì về trạm xăng góc Nguyễn Đình Chiểu – Cách Mạng Tháng Tám (Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt vào năm 1963) vẫn còn tồn tại cho đến khi tháo dỡ để xây tượng đài Bồ Tát Thích Quảng Đức. Nhưng nhìn từ góc đặt máy quay thì trạm xăng không phải là bối cảnh. Đàng này, vì không có thực tế, nên đạo diễn (đúng hơn là trợ lý đạo diễn phụ trách chọn cảnh quay) đã thể hiện bối cảnh là một trạm xăng, với dòng chữ Esso. Trạm xăng này, đã ở sai vị trí, lại rất khác với trạm xăng thực tế. Sơ suất này của trợ lý đạo diễn đã khiến người xem ở TPHCM dễ dàng nhận ra đây là phim dựng lại.
 
-         Sai sót thứ hai là sai sót của giám đốc thiết kế mỹ thuật (art director) hoặc có thể là họa sĩ phục trang (costume designer). Toàn bộ các nhà sư trong đoạn phim đều mặc pháp phục theo kiểu Nam tông, chỉ một màu vàng sẫm. Điều này trái với thực tế là trong các cuộc biểu tình chống Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo do Ủy Ban Liên phái Phật giáo tổ chức, y phục của các vị sư có sự khác biệt (do nhiều tông phái khác nhau).
 
Chung quanh Hòa thượng Thích Quảng Đức, một vị giáo phẩm Bắc Tông, nhưng toàn là tăng chúng Nam tông là điều vô lý. Giám đốc nghệ thuật không hiểu gì về Phật giáo Việt Nam, nói chi là có thể biết được chính xác y phục của tu sĩ Phật giáo có mặt lúc đó. Họ chỉ cho “diễn viên quần chúng” mặc một kiểu y phục như chư tăng Campuchia, Thái Lan...
 
-         Một sơ suất nữa của Giám đốc nghệ thuật hay nhân viên phục trang là ở trang phục của cảnh sát. Cảnh sát chế độ Sài Gòn không mặc như thế (dây đeo quân trang màu trắng), mà họ dùng dây đeo quân trang màu sẫm (nâu).
 
-         Sơ suất của đạo diễn, có thể kể trước tiên là vị trí đặt camera. Quay theo kiểu trong video clip là kiểu quay lén như bằng điện thoại di động hiện nay, kiểu quay nghiệp dư.
 
Còn phóng viên vào năm 1963 có máy quay phim, lại là phim màu, phải là loại phóng viên chuyên nghiệp hàng đầu. Họ không bao giờ chấp nhận góc quay như thế. Mà ít ra, họ phải thu hình ở vị trí như phóng viên ảnh với bức ảnh đã chụp, tức ở vị trí hàng đầu, không sau ai cả.
 
-         Một sơ suất nữa của đạo diễn là hoạt động của toán cảnh sát. Đạo diễn không hiểu gì về nghiệp vụ cảnh sát có tính chất toàn cầu. Khi thấy có một biến cố nào sắp xảy ra, mà chết người là điều nghiêm trọng, thì công việc của cảnh sát là phá vỡ ngay biến cố đó, cụ thể là ngăn chận ngay việc người khác đổ xăng lên nhục thân Hòa thượng, thu giữ bình xăng, giữ người tưới xăng (tức kẻ đang chuẩn bị một vụ giết người).
 
Còn khi ngọn lửa bùng lên rồi, nếu có cảnh sát, thì việc của cảnh sát là dập lửa, cứu nạn nhân, không cho xảy ra việc chết người.
 
Nếu tình huống diễn biến có thể đã đến mức chết người, thì cảnh sát phải cứu người, đưa đi bệnh viện (có thể là giữ ngay tử thi, phòng ngừa hệ quả sau đó).
 
Đàng này, trong video clip cảnh sát đã hành động như những người bảo vệ việc tư thiêu, mà video clip diễn tả như một vụ giết người, không cho người chung quanh cản trở việc tưới xăng.
 
Những diễn viên “cảnh sát Sài Gòn” đã được chỉ đạo diễn xuất kỳ quặc đến mức không chút nào là cảnh sát, khiến cho khán giả đã thấy là giả, nhưng dàn dựng quá ấu trĩ.
 
Nếu xem trường đoạn trong đoạn trích trước cảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, thì chúng ta cũng có thể thấy nhiều sai sót vụng về của đạo diễn. Đoạn phim thuyết minh bằng tiếng Ý nên tôi không hiểu gì. Nhưng khi đạo diễn thể hiện một tượng Phật với động tác zoom máy nhanh, góc quay hấc, tạo nên người đọc cảm tưởng về sự trả thù của Đức Phật sau những vụ đánh đập nhà sư và đàn áp biểu tình trước đó. Nhưng tượng Phật là tượng Phật đứng khá lớn kiểu... Nam tông, dựng nơi công cộng. Còn nhà sư bị binh lính đánh đập đổ máu cũng mặc y Nam Tông!
 
Cuộc biểu tình chống chính quyền Sài Gòn sau việc nhà sư bị đánh đập được thể hiện là một cuộc biểu tình bạo động, lật xe, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, hết sức xa lạ với tinh thần bất bạo động của Phật giáo Việt Nam. Cuộc xô xát hỗn loạn giống như những cảnh xung đột ở Palestin, lại lấy bối cảnh là nơi dáng dấp thôn quê, càng trái ngược với những cuộc biểu tình của Phật giáo Việt Nam năm 1963 tập trung ở trung tâm Sài Gòn.
 
Sai trong thể hiện diễn xuất là của đạo diễn. Còn sai trong chọn địa điểm, thì theo giáo khoa điện ảnh, là do trợ lý đạo diễn.
 
Vì vậy, đoạn phim tài liệu dựng lại là một đoạn phim hết sức vụng về, cẩu thả.
 
Dường như chỉ có vài mươi giây ghi hình Bà Ngô Đình Nhu đi vài bước tươi cười trước cửa một dinh thự là phim tài liệu thật. Điều này làm cho khán giả tưởng lầm tất cả đều thật.
 
Cái cách làm phim tài liệu giả này không lạ gì với điện ảnh phương Tây, nói chi là Holywood. Khi học ở trường sân khấu điện ảnh, tôi đã được thầy cho xem một số ảnh từ những phim tài liệu được đóng diễn lại sự kiện Tết Mậu Thân 1968 ở Huế, một sự kiện mà khán giả truyền hình rất quan tâm lúc đó.
 
Thật không thể nhịn cười khi thấy những cô gái Huế chèo đò trên sông “Hương” mặc áo sườn xám kiểu Trung Quốc, còn việc tấn công vào Huế thì được đóng diễn theo kiểu công thành thời Trung cổ, những người lính dùng một cây to để húc vào cửa thành...
 
Việc đóng diễn lại video clip Hòa thượng Thích Quảng Đức theo kiểu biến một vụ tự thiêu thành một vụ giết người, một cuộc đấu tranh bất bạo động biến thành vụ ẩu đả thô bạo giang hồ như thể, không gì khác hơn là nhằm bôi nhọ hình ảnh thiêng liêng của Phật giáo Việt Nam trước khán giả truyền hình mạng toàn thế giới, hạ thấp giá trị tinh thần của Phật giáo Việt Nam, xuyên tạc lịch sử và cung cấp tư liệu cho những kẻ có ý đồ xuyên tạc lịch sử Phật giáo Việt Nam khai thác.
MT
 
(1) Không nên lầm với loại phim bán tài liệu (semidocumentary) hay còn gọi là docudrama, hay docudrame, là phim tài liệu đóng diễn lại các sự kiện lịch sử, tập trung mô tả sự kiện ở mức chân thực tối đa, sử dụng thi pháp điện ảnh mang tính văn học, có thể có hư cấu để làm dịu đi tính chất tư liệu vốn khô khan khó tiếp thu, cũng như thể hiện cảm xúc, suy nghĩ chủ quan của đạo diễn. Ngoài ra còn có loại phim tài liệu dàn dựng (docufiction) hoặc phim truyện lịch sử (historical fiction), khác rất xa với đoạn phim tào liệu mà chúng ta đang bàn luận ở đây.
 
Xem đoạn phim tài liệu có thuyết minh bằng tiếng Anh:

Nguon: http://www.phattuvietnam.net/diendan/16902.html

Các tin đã đăng:
Về đầu trang