Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Thương con như thế bằng mười hại con!
01/03/2012 13:35 (GMT+7)

Cụ thể của vụ việc được phát ở tập 7 (chương trình phát vào 21g Chủ nhật hàng tuần) phân cảnh thi của thí sinh Lê Nguyễn Quỳnh Anh (15 tuổi) trình bày ca khúc Tình mẹ, trước đó thí sinh được chính người nhà giới thiệu là có tài năng ca hát, “đỉnh của đỉnh” tài năng… Thế nhưng, khi thí sinh này trình bày thì Ban Giám khảo lại cho rằng “giọng hát của em chưa hay lắm, chưa thuyết phục, có thể gặp ở bất cứ đâu mặc dù em làm chủ sân khấu tốt…”. 

Kết quả là giám khảo Thành Lộc và Huy Tuấn không đồng ý cho Lê Nguyễn Quỳnh Anh đi tiếp vào vòng trong. Ngay khi ấy, mẹ thí sinh Quỳnh Anh bước ra và cho rằng: Quỳnh Anh hát như vậy là hơn các thí sinh của những đêm trước mà sao không được vào…


Mẹ Quỳnh Anh bênh con, tạo ra dư luận trái chiều - Ảnh chụp từ YouTube

Thương con mà không dạy con lễ nghĩa, khiêm cung thì có của nhiều chúng lại càng hoang phí, học càng hay chúng lại càng gian trá!

Bỏ qua “nghi án” (hay sự thật?) nhà đài, đơn vị tổ chức cố tình bày chiêu trò, giữ lại “câu chuyện” hơi thái quá trong cách phản ứng kia để tạo scandal, đánh động dư luận nhằm thu hút sự quan tâm của khán giả, ở đây chỉ nghĩ về cách bênh con của người mẹ như thế rõ ràng là không được tế nhị lắm. 

Ai cũng hiểu một điều rằng tâm lý của những bậc làm cha, làm mẹ bao giờ cũng xem con cái của mình là… nhất, là số 1, nhưng không nên vì vậy mà cái gì cũng khen, cũng vỗ tay cổ xúy con trong bất cứ việc gì con nói và làm. Và khi con cái đi vào cuộc sống, bước vào đời với những cọ xát nhất định thì việc thất bại là lẽ đương nhiên, mình phải có cách dạy con đối mặt với thất bại như thế nào là tốt nhất, chứ không phải ra sức bênh con!

Có những ông bố bà mẹ sẵn sàng “ăn thua đủ” với bất kỳ ai đụng đến con mình, dù chưa biết con mình đúng hay sai. Có những ông bố bà mẹ lúc nào cũng bênh con, con mình lúc nào cũng đúng chứ không sai… Đó là cách hành xử dung túng, giáo dưỡng tánh ỷ lại, coi trời bằng vung, nuôi lớn tâm kiêu mạn… của con mình. Và rồi chúng sẽ sống với điều đó một cách tự mãn và đương nhiên tâm tính ấy là có hại cho người khác cũng là cho chính bản thân người con.

Không ít thiếu gia, cậu ấm cô chiêu con của những đại gia, của những người có chức có quyền đã được bố mẹ “thổi” vào tư tưởng sự bảo hộ tuyệt đối ấy nên đã tự tung tự tác, sống không cần biết đến ai, cũng chẳng biết sợ luật pháp và đương nhiên càng không mảy may nghĩ đến luật Nhân quả. Bởi cha mẹ có dạy cho con sự thượng tôn pháp luật đâu, và bởi cha mẹ cũng không hề biết đến luật Nhân quả nên cứ thế mà dung túng con mình đến nỗi hư thân, tâm tánh trái khoáy…

Trở lại chuyện của cuộc thi Tìm kiếm tài năng Việt Nam với sự đình đám như đã nói ở trên. Lẽ ra, nếu thật thương con và biết kiềm chế thì người mẹ sẽ không phản ứng hơi quá (để cho dư luận - báo mạng và một số tờ báo giấy “ném đá” tơi bời rằng: cả nhà “nổ”, chém gió…); sự im lặng của người mẹ cùng những lời khuyên xác đáng cho con trước thất bại từ cuộc thi biết đâu sẽ dạy cho con bài học: đứng lên từ thất bại. Đó là chưa nói đến việc người nhà luôn luôn khẳng định con có tài năng, là “đỉnh của đỉnh” thì có khác nào bảo người con ấy không cần phấn đấu gì nữa, đã là tài năng rồi. Từ đó, há chẳng phải sẽ làm cho người con, người em ấy… tự mãn, tự kiêu, không nhìn thấy ai nữa (vì đang ở đỉnh tài năng)?

Hơn nữa, một cuộc thi có giám khảo và đương nhiên quy định rất rõ ràng thí sinh phải tuân theo quyết định của giám khảo bởi đó là những người có chuyên môn. Một thí sinh có tài năng cỡ nào mà có biểu hiện thiếu tôn trọng khán giả, giám khảo, thiếu khiêm cung (như cách giới thiệu của gia đình) thì thiết nghĩ cũng sẽ khó được chấp nhận. Tài năng xưa nay vốn phải đi đôi với phẩm hạnh, đức khiêm cung thì tài năng ấy mới thực sự tỏa sáng và được đông đảo công chúng chấp nhận.

Nghĩ đến đây, tôi nhớ đến một châm ngôn rất hay mà tôi học được rất lâu rồi, đại ý là: Thương con mà không dạy con lễ nghĩa, khiêm cung thì có của nhiều chúng lại càng hoang phí, học càng hay chúng lại càng gian trá!

Là cha mẹ, ai chẳng thương con, nhưng thương con như thế nào cho con mình lớn lên có lễ nghĩa, khoan hòa, bao dung… chứ không phải ăn thua đủ với người khác chỉ vì thất bại nào đó, hay thậm chí là một thiệt thòi nho nhỏ. Đấu tranh là cần thiết, nhưng phải đúng lúc, đúng nơi, trên tinh thần lắng nghe, tôn trọng… chứ không phải là bạ đâu lên tiếng đó. 

Rất nhiều ông bố bà mẹ đã đấu tranh cho con mình theo cách bạo động và sân si kiểu đó đã gây ra khá nhiều hệ lụy chẳng lành, nhưng xem ra nhiều người vẫn chưa nhận ra?

Lưu Đình Long

http://giacngo.vn/phatgiaotuoitre/2012/03/01/324612/

Các tin đã đăng:
Về đầu trang