So với những trường hợp xuyên tạc và công kích Phật giáo
khác mà các trang mạng Phật giáo Việt Nam đã đề cập, thì đây là trường hợp đặc biệt
hơn cả, với mức độ công kích Phật giáo có cường độ mạnh chưa từng có, và các ý
kiến phản ứng dưới dạng đề cao người đứng đầu tổ chức cũng mạnh và cực đoan
hiếm thấy!
Tại sao người tham gia tổ chức của ông Duy Tuệ lên đến mức
có những biểu hiện như thế? Phải chăng tác giả Duy Tuệ có nói lên được điều gì đúng,
hay mới lạ? Có như thế mới thu hút được nhiều người vào tổ chức?
Nhất là, phải có cái mới thì mới có thể thu hút được người
theo, gia nhập tổ chức.Vậy cái mới mà tác giả Duy Tuệ đã nói và viết là gì?
Những yếu tố ban đầu và nổi bật mà chúng ta có thể ghi nhận
qua các bài nói và viết của ông, nhất là trong sách ““Ta là ai? Thông tỏ sự
hiểu lầm sau hàng ngàn năm” là công thức: Nhất thần giáo + Chủ nghĩa
Mao + màu sắc Phật giáo “đội lốt”.
TẠO HÓA!
Trong các tác phẩm và bài nói của mình, nhất là quyển ““Ta
là ai” thông tỏ sự hiểu lầm sau hàng ngàn năm”, tác giả Duy Tuệ, nhìn
chung, không nói về thượng đế, về chúa trời, hay về Ala với sự tôn kính, nhưng
có một điều đáng lưu ý, là lại xuất hiện khá phổ biến khái niệm “tạo hóa”, như
là đấng tạo ra con người và vũ trụ.
Khái niệm “tạo hóa”, sống theo “tạo hóa”, thuận với “tạo
hóa”, khai thác tiềm năng mà “tạo hóa” đã ban phát, đón nhận những cơ hội tạo hóa…,
là những điều thường gặp trong những bài nói, bài viết của tác giả Duy Tuệ
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng “tạo hóa” trong các tác phẩm
của tác giả Duy Tuệ là một đấng tạo hóa phiếm chỉ, không xác định. Hiểu chung chung
là trời, tạo vật chủ cũng được, mà hiểu cụ thể là chúa, là Ala… cũng đều được?!
Khái niệm “tạo hóa” này có tác dụng đưa những người đã tham
gia vào tổ chức “Đại gia đình Minh Triết” hay chỉ mới đọc sách của tác giả Duy Tuệ
tiến đến gần hơn với những tôn giáo nhất thần, mà ở Việt Nam là Ca tô La Mã,
Tin Lành… Việc tạo môi trường tiếp cận này, nói theo từ ngữ cải đạo, là tạo nên
“cánh đồng truyền giáo”.
Việc công nhận “tạo hóa” là một điều kiện tiên quyết, bắt
buộc, nếu muốn thực hành những chỉ dẫn trong các tác phẩm nói và viết của tác
giả Duy Tuệ. Như vậy, ở đây, nhất thần giáo chỉ mới có hai phần: nhận thức và
kỹ năng thực hành. Nó khuyết cái nội dung ở giữa vẫn thường thấy, là kiến thức
tôn giáo cụ thể. Nếu có yếu tố này, tức là đã thực hiện xong việc cải đạo.
CHỦ NGHĨA MAO!
Cực đoan của việc phủ nhận truyền thống biểu hiện trong thế
kỷ XX ở chủ nghĩa Mao
Nói chủ nghĩa Mao là nói theo cách nói thông thường, chứ
thực ra, đó là chủ nghĩa Giang Thanh, hay chủ nghĩa “Bè lũ bốn tên” (1), những người
đã trực tiếp phát động và chỉ đạo cuộc Đại Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc trong
thời gian 10 năm (1966-1976), mà hiện nay các bộ sử Trung Quốc gọi là “Mười năm
động loạn”.
Động loạn đã đi vào tác phẩm của tác giả Duy Tuệ ở chỗ phủ
nhận những khuôn mẫu được để lại từ xưa. Tuy nhiên, mũi dùi của động loạn, trong
các tác phẩm mà chúng ta đang bàn luận, tập trung vào Phật giáo, với việc đả
phá các chuẩn mực khuôn mẫu là Phật, Pháp, Tăng. Động loạn xuyên suốt bài nói
và viết của tác giả Duy Tuệ, có chỗ được che giấu, ẩn lậu, có chỗ bộc lộ, cao
trào như chúng ta đã thấy qua các trích dẫn từ tác phẩm cụ thể ““Ta là ai”
Thông tỏ sự hiểu lầm từ hàng ngàn năm”. Cụm từ “Thông tỏ sự hiểu lầm từ
hàng ngàn năm” cho thấy rõ tư tưởng “động loạn”, đánh đổ truyền thống, mà ở
đây được cho là “sự hiểu lầm”.
Đánh đổ truyền thống ở chủ nghĩa Mao bộc lộ cụ thể và cao
trào bằng Đại Cách mạng Văn hóa, trong đó, các nhà tu hành buộc phải hoàn tục, cải
tạo, các cơ sở thờ tự, kiến trúc truyền thống ở Trung Quốc đều bị hủy hoại ở
mức độ khác nhau (chỉ trừ Cố cung khi đó đã trở thành bảo tàng).
Điều rất đáng lo ngại là có phải, tư duy “động loạn” này,
hiện nay, lại bộc lộ trong cái trước tác mới phát hành, phổ biến gần đây tại
Việt Nam
mà chúng ta bàn luận? Tác giả những tác phẩm đó có thể truyền bá quan điểm nhất
thần giáo, đề xướng, chỉ dẫn những ứng dụng của nó, mà cụ thể là khai thác,
phát triển những tiềm năng mà “tạo hóa” đã ban cho con người. Điều đó cũng dễ
chia sẻ.
Thế nhưng, hà cớ gì phải “động loạn” với các “khuôn mẫu”
truyền thống, mà tập trung chủ yếu vào Phật giáo. Đây là câu hỏi lớn nhất và cũng
là điều nguy hiểm nhất đối với Phật giáo và đối với xã hội. Cái sức hấp dẫn một
thời của chủ nghĩa Mao là sự động loạn, mà cao điểm là kích thích, khơi dậy bản
năng bạo động số đông nhằm vào truyền thống, mà đỉnh cao ở Trung Quốc là xu thế
“phê phán Khổng Tử”.
Nay, nếu một “đạo” nào đó mới phát minh ở Việt Nam lại khởi
nguyên từ tư duy này, lấy sự động loạn, đạp đổ truyền thống làm yếu tố hấp dẫn,
thu hút quần chúng, thì quả là cực kỳ nguy hiểm.
Đã có sự động loạn theo kiểu Mao-ít trên những trang giấy
tiếng Việt nói về lẽ “đạo” từ ngòi bút “đạo sư”, còn thơm mùi mực in mới, và được
một số người đề cao trên mạng.
Chúng ta có thể dễ dàng chia sẻ điều này, đạo đức rõ ràng
không thể được xây dựng trên sự động loạn. Một cuốn sách đạo, mà đọc
mươi trang, là thấy tư duy đạp đổ truyền thống đạo đức theo kiểu chủ nghĩa Mao,
liệu đưa bạn đọc hâm mộ đó đến đâu? Chúng ta cần tỉnh táo vì một lẽ, một “hiền
giả” không thể là một vệ binh Đại Cách mạng Văn hóa, hết sức hậm hực, cay cú
đến mức cuồng điên với truyền thống.
MÀU SẮC ĐẠO PHẬT
Đối tượng nhằm vào của tư duy nhất thần giáo và chủ nghĩa
Mao mà chúng ta đang bàn luận là những Phật tử, thậm chí, là tu sĩ Phật giáo. Vì
vậy, cái mới lạ với chừng ấy chưa đủ. Nó quá đắng, quá chát, quá nóng, quá, quá
xốc… để người ta đón nhận. Cần phải làm mềm nó, làm ngọt nó, là dịu nó, làm cho
nó trở nên quen thuộc. Vì thế, Phật giáo, đối tượng đả kích chính, lại được
dùng đến với màu sắc bên ngoài.
Ở đây chúng tôi muốn nói đến những từ ngữ như “Pháp âm”,
“đạo”, “Phật tâm”, “Phật tâm danh”, “tu tập”, “thiền”, “hiền giả”,”duy tuệ thị
nghiệp”… và rất nhiều từ ngữ khác đại loại như vậy. Nếu không tìm hiểu kỹ,
một sự lầm lẫn, ngộ nhận có thể xảy ra, rằng đây cũng là Phật giáo.
Sau khi tạo nên tâm lý Phật giáo bằng màu sắc Phật giáo của
chiếc áo từ ngữ, tạo sự dễ dàng để tiếp cận, thì ngay sau đó, là đính chính không
phải Phật giáo, để “thông tỏ sự hiểu lầm”. Đây là đoạn cuối của công
thức. Nếu không có nó, những yếu tố nhất thần giáo và Mao-ít động loạn sẽ rớt
lại một bên đường, với sự dè dặt và nghi ngại của người đọc.
Bài này cũng nằm trong loạt bài phê bình sách, cụ thể là tác
phẩm, có thể tạm coi là tác phẩm “triết học” của tác giả Duy Tuệ. Những vấn đề của
tác phẩm tương tự cùng tác giả không dừng lại ở đây. Mong bạn đọc chúng ta cùng
bàn bạc, thảo luận từ điểm nhìn người đọc.
(1) Giang Thanh, Diêu Văn Nguyên, Vương Hồng Văn,
Trương Xuân Kiều. Bốn người này, sau khi Mao Trạch Đông chết, đã bị bắt,
bị truy tố, bị xử tù giam về những tội trạng đã gây ra trong thời Đại
Cách Mạng Văn hóa.