Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Đề xuất tổ chức các giải thưởng văn hóa nghệ thuật PG
Minh Thạnh
24/12/2010 17:45 (GMT+7)


Tất nhiên, Phật giáo không thể tự phong kỷ lục, tự khen kỷ lục của mình được, mà cần phải có một cơ quan bên ngoài công nhận.

Mỗi lần đạt được kỷ lục Phật giáo là mỗi lần Phật giáo được các cơ quan truyền thông nhắc đến.

Nhưng khi đó Phật giáo Việt Nam ở vị trí thụ động, tức là Phật giáo Việt Nam nhận lời khen về những điều được coi là thành tích vượt bậc, là kỷ lục của mình.

Còn điều mong mỏi của tôi, là Phật giáo được các cơ quan truyền thông nhắc đến từ phía khen tặng những đơn vị khác, một cách chủ động.

Hiện nay các công trình văn hóa nghệ thuật Phật giáo hoặc có liên hệ đến Phật giáo do các cá nhân, tập thể và cả cơ quan nghiên cứu nhà nước tổ chức biên soạn và xuất bản khá nhiều.

Đối với các cá nhân tác giả, có thể là tu sĩ, cư sĩ, có thể là người chịu ảnh hưởng của đạo Phật, hay cả những người không tôn giáo.

Chỉ riêng sáng tác văn học, sách nghiên cứu… Phật giáo hoặc có liên hệ đến Phật giáo, chúng ta có thể thấy số lượng đáng kể bày ở, thường là một khu vực riêng, với nhiêu kệ, trong những nhà sách lớn.

Và cũng có nhiều nhà sách chỉ chuyên bán các sách, đĩa hình, đĩa tiếng Phật giáo.

Để khuyến khích hoạt động hoằng pháp này, định hướng đối với công chúng, độc giả, các cơ quan có trách nhiệm của Phật giáo Việt Nam có thể xây dựng các giải thưởng văn hóa nghệ thuật Phật giáo, trước hết ở lĩnh vực trước tác, biên soạn, phiên dịch.

Giải thưởng có thể mang tên những vị cao tăng Phật giáo Việt Nam có nhiều cống hiến trên lãnh vực văn hóa nghệ thuật cho Đạo Pháp và Dân tộc, thí dụ Giải thưởng Vạn Hạnh, hay giải thưởng Mãn Giác, hay giải thưởng Thích Mật Thể, giải thưởng Thích Minh Châu…

Giải thưởng có thể gồm bằng khen, danh hiệu, biểu tượng và tịnh tài.

Giải thưởng được hội đồng giải thưởng là những cao tăng, học giả xem xét tuyển lựa, bỏ phiếu để chọn tác phẩm đạt giải.

Giải thưởng có thể tổ chức định kỳ hàng năm, hay một vài năm một lần với thời hạn cố định.

Buổi lễ phát giải được tổ chức long trọng, người đạt giải được các vị lãnh đạo cao nhất của Phật giáo Việt Nam, như Đức Pháp chủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự trao tặng, hướng đến mục tiêu thông báo rộng rãi về giải thưởng, tác giả, tác phẩm, đạt giải trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Một quỹ giải thưởng được xây dựng để cung cấp nguồn tịnh tài để trao tặng giải thưởng. Quỹ giải thưởng được vận động toàn thể tăng ni Phật tử, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp tổ chức thiện chí đóng góp, trao tặng tịnh tài.

Một giải thưởng riêng (trong nhiều giải thưởng) có thể do một cá nhân, một hỗ trợ và nêu tên cụ thể để tán thán sự đóng góp đó của nhà hảo tâm đối với Phật giáo và xã hội.

Giải thưởng vừa có tác dụng thể hiện sự ghi nhận của Phật giáo Việt Nam đối với những đóng góp cho Phật giáo, cho sự nghiệp hoằng pháp, nghiên cứu Phật học…, vừa có tác dụng động viên thúc đẩy hoạt động nghiên cứu Phật học, trước tác, biên soạn, dịch thuật những tác phẩm đem lại lợi ích cho Phật giáo.

Giải thưởng cũng góp phần xây dựng quan hệ tốt giữa Phật giáo Việt Nam đối với các nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, dịch giả…, là giới trí thức tinh hoa của xã hội, cũng như những cơ quan nghiên cứu, cơ quan xuất bản…

Giải thưởng là một cách để đưa Phật giáo tiếp cận hơn nữa với hoạt động xã hội.

Các tác phẩm được giải thuộc dạng sách chẳng hạn, khi tái bản, hoặc khi xuất bản (được tặng giải thưởng khi còn là bản thảo) sẽ được in tên giải thưởng trên bìa sách, vừa có tác dụng tăng giá trị quyển sách, vừa có tác dụng thúc đẩy tác giả đọc sách.

Trị giá giải thưởng có thể tăng dần theo sự phát triển của quỹ giải thưởng, nhưng khởi đầu có thể không nhiều, chẳng hạn vài mươi triệu đồng. Số tiền này không phải là lớn, nhưng tác dụng, lợi ích của giải thưởng sẽ rất đáng kể.

Thời điểm trao giải thưởng có thể là vào dịp lễ Phật đản, và cũng là một cách thức quảng bá sự kiện Phật giáo quan trọng này.

Hiện ở Việt Nam cũng đã có một số giải thưởng trên lãnh vực khoa học xã hội và nhân văn, chẳng hạn Giải thưởng mang tên cố giáo sư Trần Văn Giàu… Phật giáo chúng ta có thể tham khảo hình thức xây dựng và hoạt động những giải thưởng như vậy.

Trước hết, giải thưởng sẽ đặt Phật giáo Việt Nam chúng ta ở vị trí chủ động phát thưởng, khen thưởng, và người nhận đương nhiên là giới trí thức, văn nghệ sĩ, tầng lớp ưu tú của xã hội.

Thay vì Phật giáo lại ở vị trí thụ động, nhận sự công nhận, có tính chất biểu dương, khen thưởng từ một đơn vị nào đó.


Nguon: http://www.phattuvietnam.net/8/12712.html

Các tin đã đăng:
Về đầu trang