Ngài Ajahn Passano cho biết: "Gia đình tôi rất mộ đạo. Cha tôi lớn lên trong nhà thờ United Church,
mỗi ngày chúng tôi cùng học giáo lý với nhau. Tuy nhiên, vào năm tôi 16
hay 17 tuổi, tôi không còn đức tin nữa. Tôi bắt đầu tìm hiểu một tôn
giáo khác".Và dưới đây là cuộc trò chuyện của Ngài Ajahn Passano với tạp chí Fearless Mountain Magazine:
Ngài có
bao giờ nghĩ rằng ngài sẽ trở thành tu sĩ không?
Không. Nhưng việc trở thành tu sĩ có một sức hút
kỳ lạ đối với tôi.
Đối với tôi cuộc sống tu hành thật là huyền bí.
Nhưng lúc ấy ở Manitoba
không có một tu sĩ Phật giáo nào cả, thậm chí ở trường đại học của tôi ở
Winnibeg cũng không. Tuy thế, tôi có dự một lớp Tôn giáo phương Đông, trong đó
có cả Phật giáo, nên tôi tiếp tục nghiên cứu về đạo Phật.
Khi tôi học xong đại học, tôi vẫn mơ hồ không
biết mình có nên nghiên cứu Phật giáo (PG) tiếp hay không. Tôi tìm cách học
Thiền định, vì tôi biết rằng cần phải học thiền định nếu tôi muốn tiếp tục
nghiên cứu.
Tôi đọc hầu như tất cả những sách nói về Thiền
định vì ở Canada
lúc bấy giờ đó là phương tiện duy nhất để tìm hiểu về thiền. Một năm sau tôi
đến Thái Lan, cảm thấy rất dễ chịu nên tôi muốn ở lại đó một năm. Tôi muốn tìm
nơi để thực hành thiền định.
Tôi đi đến Chiang Mai và tình cờ trông thấy một
tu viện, nơi đây lại có bộ Tam Tạng Kinh bằng tiếng Anh. Thế là tôi ở lại một
khách sạn gần đó, và mỗi ngày tôi đến tu viện để đọc bộ sách ấy. Lại một tình
cờ nữa: Tu viện ấy là Thiền viện. Một chú Sa-di người Đức ở đó đã sắp xếp cho
tôi tham dự một khóa tu thiền. Đó là khóa tu thiền đầu tiên của tôi, kéo dài
một tháng trong im lặng.
Ngài đã
thực sự tiến vào con đường thiền định?
Vâng, con đường đó đang mở ra trước mắt tôi. Tôi
có một số kinh nghiệm vững chắc về định, tĩnh, và quán tưởng. Điều đó thúc đẩy
tôi đến với Thiền Minh Sát. Các tu sĩ ở đây khuyến khích tôi xuất gia. Tôi từ
chối và nói rằng tôi đang trên đường học hỏi, tôi chưa sẵn sàng. Họ bèn giải
thích rằng xuất gia trong ba tháng ở Thái Lan là một việc rất bình thường. Tôi
nghĩ tôi có thể thử trong vài ba tháng, nên tôi đồng ý.
Cùng lúc đó tôi nghe nói về Thiền sư Ajahn Chah.
Một vị Tăng khuyên tôi nên đến diện kiến ngài. Tôi đã xuất gia được một hai
tháng rồi, nên tôi có thể đi đến Wat Pah Pong để gặp ngài. Quả là một ấn tượng
vô cùng sâu sắc. Điều đầu tiên ngài nói là nếu tôi muốn học thiền định với
ngài, tôi phải ở lại đó năm năm. Điều đó quá khó đối với tôi vì tôi chưa sẵn
sàng xuất gia chính thức.
Tôi đã ở lại đó chỉ một tháng, sau đó đi đến một
tu viện khác, tu viện Wat Sai Ngam. Nơi đây tôi đã có cơ hội thực hành một số
nghi lễ thiền định trang trọng. Tôi tiếp tục gặt được nhiều kinh nghiệm trong
thiền định. Rồi một ý tưởng chợt hiện lên trong tôi: Nếu tôi thực sự muốn tu
thiền, tôi sẽ phải trở lại với Thiền sư Ajahn Chah. Năm năm là năm năm. Đừng
suy nghĩ về nó nữa!
Sau mùa an cư kiết hạ, tôi định trở lại với Thiền
sư Ajahn Chah. Nhưng lại có một trở ngại, nên tôi dùng thời gian ấy tranh thủ
học một ít tiếng Thái và thổ ngữ Lào.
Thưa ngài,
chuyện gì đã xảy ra?
Nếu bạn xuất gia ở một nơi khác, thì bạn chỉ là khách
khi đến một tu viện nào đó. Bạn phải xem xét kỹ những thông lệ ở tu viện mới
rồi mới quyết định có nên ở lại đó không. Những vị tu sĩ lớn tuổi cũng dò xét
bạn. Sau hai ba tháng chờ đợi, cuối cùng tôi đã được chấp nhận. Nếu bạn không
tuân theo quy định ở tu viện đó - chẳng hạn bạn thường sử dụng tiền để mua sắm
- thì việc đó phải được chấm dứt ngay.
Chuyện này đã xảy ra vì đa số Tăng sĩ đều sử dụng
tiền. Thậm chí nếu Phật tử cúng dường y cho bạn, và bạn đem nhuộm nó theo ý
bạn, sư Ajahn Chah sẽ yêu cầu bạn thay y khác. Y phải do chính tu viện may.
Chất nhuộm cũng là chất nhuộm của tu viện. Y của tu sĩ phải là loại y mặc ở
rừng. Bát cũng rất to, vì ở rừng bạn có thể dùng nó để đựng đồ dùng cần thiết
khi di chuyển. Những bát này rất đặc biệt, ai cũng mong nhận được chúng.
Nghe như rất
cổ truyền phải không thưa ngài?
Đúng vậy. Đó chính là cái cảm giác khi ở Wat Pah
Pong: dường như các truyền thống thời Đức Phật vẫn đang tiếp tục truyền đến tận
đây. Phong tục cổ xưa, tình trạng nguyên vẹn, và tính giản đơn mộc mạc! Nhưng
điều gây ấn tượng nhất cho tôi là sự tĩnh lặng nơi đây. Mọi thứ đều được trông
chừng hết sức cẩn thận.
Nổi bật hơn cả là sự tinh tấn của các Tăng và
sa-di, và sự thuần thành của Phật tử. Trong vùng đất nghèo khó như ở Đông Bắc
Thái Lan, nhưng người Phật tử luôn cúng dường chư tăng mỗi buổi sáng. Trong
những ngày lễ, họ đi nghe pháp rất đông, ngồi thiền và đọc kinh. Bạn có thể cảm
thấy truyền thống PG cổ xưa vẫn còn đọng lại nơi đây.
Tôi nghe
nói Phật tử ở đây thức suốt đêm để thiền định?
Đúng. Họ thức suốt đêm để ngồi thiền, một tuần
một lần vào những đêm có lễ. Đối với tôi là người mới đến, thật khó khăn khi
phải ngồi yên dù chỉ một giờ. Mà bạn không được ngồi trên bồ đoàn có nệm
mousse. Bạn phải ngồi trên một lớp vải, trên sàn cứng. Một số người chỉ có thể
tọa thiền như thế trong hai ba giờ, rồi họ phải đứng dậy đi thiền hành, rồi lại
ngồi tọa thiền tiếp…cứ như thế cho đến hừng đông. Và bạn phải tụng kinh. Việc
này gây cảm hứng nơi tôi. Có một ảnh hưởng tương tác rất lành mạnh giữa Tăng
đoàn và Phật tử ở đây. Luôn có Phật tử đến cúng dường, hỏi han, và tỏ lòng tôn
kính ngài Ajahn Chah. Họ cũng giúp đỡ trong mọi sinh hoạt của tu viện. Họ luôn
ý thức rằng tu viện là trung tâm của cộng đồng.
Tu sĩ Nam Tông
Khi nào ngài
đã trở thành vị trụ trì Wat Pah Nanachat?
Vào năm thứ chín sau khi tôi xuất gia. Thật ra
tôi không bao giờ có ý định như thế. Tôi đã từng ở một tu viện trực thuộc, diện
tích chỉ khoảng 1.000 mẫu Anh. Nhưng tu viện đó nằm trong một cánh rừng đẹp, có
một cái hồ vây quanh. Tôi đã hy vọng ở lại đó lâu hơn. Nhưng ngài Ajahn Chah
gửi lời mời tôi trở lại Wah Pat Nanachat để chuẩn bị trở thành một trụ trì. Vì
ngài yêu cầu, nên tôi đã thực hiện điều đó.
Thiền sư
Ajahn Chah đã nhìn thấy một vài phẩm chất nơi ngài nhưng có lẽ ngài không biết?
Tôi nghĩ tôi phải cố gắng đáp lại những gì Thiền
sư thấy nơi tôi hơn là tôi nhìn thấy nơi chính mình. Thật là khổ khi rơi vào
hoàn cảnh đó. Là một người lãnh đạo và có nhiều trách nhiệm hơn, phần lớn là
việc giải quyết những vấn đề của con người, nên việc này rất khó. Giữa muôn
trùng đau khổ trong vũ trụ mênh mông này, thì việc đối phó với đau khổ của con
người là điều quan trọng nhất. Tôi không thể nào lựa chọn! Tôi phải giúp đỡ mọi
người. Tôi phải học dần từ việc đó.
Việc tu
tập thiền định của ngài có thay đổi nhiều theo thời gian không?
Một điều mà tôi luôn thực hiện từ ngày đầu tiên
đến bây giờ, là chánh niệm trong hơi thở. Tôi thử nghiệm rất nhiều phương pháp,
nhưng chánh niệm trong hơi thở là điều căn bản quan trọng nhất. Tất nhiên, việc
hành thiền này càng lúc càng được tinh luyện hơn để có hiểu quả nhất.
Lời dạy của Đức Phật dường như rất đơn giản,
nhưng ý nghĩa uyên thâm sâu sắc của nó bây giờ mới dần tỏa sáng. Còn những thay
đổi khác là mọi việc tôi làm bây giờ hình như trở nên dễ dàng hơn so với lúc
ban đầu. Thoạt đầu tôi có rất nhiều kế hoạch và cố gắng không ngừng. Bây giờ
tôi yêu thích việc tu tập thiền định hơn lúc đầu, bởi vì giờ đây mọi thứ đều
dường như rõ ràng hơn và tôi hài lòng hơn.
Ngài có
thể nói gì về việc các ngài đồng trụ trì ở đây?
Chia sẻ tránh nhiệm và có luôn người hội ý thì
rất tốt, rất hữu ích. Ngoài ra, không thể chỉ có một người duy nhất trong hàng
lãnh đạo, với một khuôn mẫu duy nhất. Thầy Ajahn Chah và tôi có tính tình khác
hẳn nhau và tạo ra hai mẫu người khác nhau nhưng cùng nhau tu tập. Điều đó rất
tốt, chúng ta có nhiều cách khác nhau để đi đến đích. Nó giúp mọi người có cơ
hội “dễ thở hơn”, và thấy được mình nên làm gì, thay vì chỉ ‘mô phỏng’ theo
thầy Ajahn Chah.
Đào tạo tu
sĩ ở Hoa Kỳ khác với ở Thái Lan như thế nào?
Ở Thái Lan đời sống có tính cách chuyên quyền,
độc đoán. Còn ở Hoa Kỳ chúng tôi luôn mong muốn được tham khảo nhiều ý kiến
hoặc được tư vấn trước khi đi đến bất cứ một quyết định nào. Ngoài ra, khuynh
hướng của xã hội Mỹ là rất bận rộn. Chúng tôi phải luôn ý thức không để tu viện
sa lầy bởi hình thức siêu tổ chức, nơi mà mọi việc đều phải làm theo giờ quy
định và có rất ít thời gian rảnh rỗi. Thái độ sống đó rất dễ dàng thâm nhập vào
tu viện của chúng ta.
Tôi nghe
nói người châu Á thường tự hài lòng với chính mình và không tự ghét mình như
người Mỹ?
Tôi không nghĩ như thế. Tôi chỉ nghĩ người châu Á
không tự làm họ bối rối, họ luôn tự chấp nhận mình là như thế. Họ không phân
tích rắc rối, và đánh giá điều này điều kia như đầu óc người phương Tây, đặc biệt
là người Mỹ!
Sự tu tập
khác nhau như thế nào ở phương Tây?
Tôi thiên về chỉ đạo mọi người tu tập theo hướng
hòa hợp. Tôi yêu cầu họ phải hiểu rõ đức hạnh, giới luật và lòng vị tha của
mình. Con người thường chỉ nghĩ đến bản thân mình, nên họ khó có được lòng vị
tha và từ bi. Lòng vị tha đại lượng, không phải chỉ về vật chất, nó còn nói về thời
gian, sự phục vụ, và sự hy sinh.
Người ta nói: Nếu
tôi hiểu được chính mình, thì tôi sẽ bình yên. Nhưng không có kết thúc cho
việc tự hiểu mình. Con người xa lạ với chính mình quá. Chính vì thế tôi cũng
nhấn mạnh sự chánh niệm về cơ thể. Nó giúp chúng ta vượt qua được sự ám ảnh về bản
thân của mình, hay sự so sánh và đánh giá bản thân. Cứ luôn hỏi ‘cái gì’ là
điểm thuận lợi dành cho ta, và cứ thế mà xoay tròn, rồi lại hỏi trở lại…
Chú ý đến cơ thể mình là một phương thuốc giải
độc. Ta có thể chú ý đến hơi thở hay cảm giác của cơ thể, hay là tư thế, dáng
điệu. Nhưng điều quan trọng nhất là phải luôn hướng suy nghĩ vào cơ thể của
mình.
Thủy Ngọc lược dịch (Theo urbandharma.org)