Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Cách viết tin, bài truyền thông Phật giáo (phần 1)
Bạch Tầm Xuân
07/12/2011 21:38 (GMT+7)


 

Các bạn đừng ngần ngại sợ mình viết không hay, chỉ cần bạn cung cấp đầy đủ nội dung là các biên tập viên có thể giúp bạn hoàn thiện bài viết. Với một người Phật tử không phải là “phóng viên” chuyên nghiệp thì cách viết tin, bài như thế nào? Tôi xin chia sẻ một số “mẹo” cơ bản như sau.
 
1. Viết tin ngắn:
 
 Là cách đưa tin nhanh, dễ đọc, dễ nhớ. Câu văn cần hết sức đơn giản, ngôn từ giản dị, không nên viết câu phức, câu kép.
 
- Bạn có thể cung cấp nội dung cho người đọc bằng cách trả lời các câu hỏi sau đây: Sự kiện gì? Diễn ra ở đâu, vào lúc nào? Ai tham gia, tham dự?
 
- Nếu bạn muốn mở rộng tin thì có thể viết thêm: Sự kiện diễn ra với ý nghĩa gì? Và sự kiện diễn ra  như thế nào?
 
- Nếu bạn gửi tin mang tính chất thông báo sự kiện, chương trình sẽ diễn ra thì không cần ảnh kèm theo bài viết.
 
- Nếu bạn gửi tin sau sự kiện diễn ra thì nên có ảnh kèm theo, dưới mỗi ảnh có dòng chú thích và tên người chụp ảnh.
 
2. Viết bài về một sự kiện, chương trình Phật giáo:
 
Với cách viết của nhiều Phật tử hiện nay, chỉ đơn thuần là chuyển tại nội dung của một sự kiện, một chương trình, thì đây là cách viết an toàn, đầy đủ. Ưu điểm của cách viết này là trang nghiêm, thanh tịnh, phù hợp với các nghi lễ, sự kiện Phật giáo.
 
Tuy nhiên, bạn có thể viết sinh động và sáng tạo hơn với các loại hình chương trình Phật sự, khóa tu ngắn ngày, hoạt động từ thiện. Giả sử bạn là một Phật tử tích cực viết bài cho ngôi chùa ở địa phương, bạn thử so sánh qua ví dụ này:
 
-         Lễ Phật thành đạo năm 2010, bạn viết bài về Lễ Phật thành đạo của chùa A. 
 
-         Lễ Phật thành đạo năm 2011, bạn viết bài về Lễ Phật thành đạo của chùa A. 
 
Rất có thể hai bài viết này hao hao giống nhau.
 
Hoặc ví dụ, bạn viết bài Lễ Phật thành đạo ở chùa A và Lễ Phật thành đạo ở chùa B. Rất có thể hai bài viết này hao hao giống nhau. Đấy là còn chưa kể đến hàng trăm bài viết của các Phật tử đến từ hàng trăm ngôi chùa khác, người đọc sẽ thấy thông tin na ná nhau.
 
Chúng ta viết bài là còn phục vụ cả những người đang tìm hiểu đạo Phật. Để bạn đọc có ấn tượng, có cảm xúc với một chương trình, sự kiện Phật giáo đòi hỏi chúng ta phải chịu khó sáng tạo chi tiết trong bài viết của mình.
 
Thay vì bạn cố gắng viết một bài báo, thì bạn cứ nhẹ nhàng mà kể lại một câu chuyện có cảm xúc, có nhân vật, có chi tiết để thu hút người đọc. Sau đó bạn tiếp tục chuyển tải đầy đủ nội dung của một sự kiện, chương trình.
 
Ví dụ, mở đầu câu chuyện, bạn có thể viết tự nhiên như chuyện đời, bạn kể về ai đó (nhân vật) đi dự Lễ Phật thành đạo. Nhân vật có cảm nghĩ, cảm xúc như thế nào? Tại sao nhân vật đi dự Lễ Phật thành đạo.v.v...
 
Cách mở đầu câu chuyện chính là điểm sáng tạo của người viết, càng khai thác chi tiết càng có cái để sáng tạo. Sau đó, câu chuyện mới chuyển dần chuyển tải nội dung Phật giáo, đến đây là bạn đang kể chuyện đạo rồi đấy!
 
Với cách kể chuyện có chi tiết nhân vật, có cảm xúc nhân vật thì người viết có thể cuốn hút người đọc tiếp tục xem hết thông tin sự kiện, chương trình Phật giáo. Khi website Phật giáo cập nhập hàng loạt bài viết về một ngày lễ, một sự kiện Phật giáo của các Phật tử gửi từ địa phương thì cũng không tạo sự nhàm chán cho bạn đọc.
 
Hoặc cách viết khác, bạn có thể so sánh sự kiện, chương trình hoạt động của năm nay so với năm ngoái (của cùng một ngôi chùa tổ chức). Bạn có thể so sánh điểm giống nhau và khác nhau, thuận lợi và khó khăn, số lượng và quy mô.
 
Xin nhấn mạnh là chúng ta chỉ nên so sánh sự kiện, chương trình của cùng một ngôi chùa tổ chức. Rất không nên so sánh sự kiện chùa này với chùa khác.
 
Trên đây là một số “mẹo” viết tin, bài truyền thông Phật giáo. Phần 2 xin tiếp tục được chia sẻ với quý đạo hữu một số kỹ thuật cơ bản về bố cục, khuôn hình để chụp ảnh, quay phim tư liệu của chùa.
 
Kính chúc quý đạo hữu thân tâm an lạc, và có nhiều tin, bài và ảnh gửi từ các địa phương.

 

Nguon: http://www.phattuvietnam.net/5/truyenthong/17330.html

Các tin đã đăng:
Về đầu trang