Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Không thể để tái diễn cách nói hỗn xược, vô lễ, xúc phạm liệt vị tôn túc
Minh Thạnh
06/03/2013 15:09 (GMT+7)




Đến đây, thiết tưởng đã cần làm rõ, đó là lời của Minh Mẫn trong bài “Trẻ hóa nhiệm kỳ VIII THPG” đăng trên một số trang mạng Phật giáo.

Đồng tình, bênh vực cho cách nói trên, trước hết, đó là việc làm, như một thành ngữ cỗ  vẫn nói: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Dưới đây, chúng ta cùng tìm hiểu cái thanh, cái khí đó là gì.

Ý kiến phản hồi này viết “Ủa, hình ảnh con bò kéo xe trong Phật giáo rất bình  thường mà. Bò già mà kéo xe lại càng khổ, tội nghiệp cho nó, thương nó mình phải tìm cách giải phóng nó ra khỏi cái ách xe chớ có gì ghê gớm đâu mà nâng quan điểm lên ghê vậy…”.

Vấn đề văn hóa phát ngôn trên các trang mạng Phật giáo quả là một vấn đề lớn bộc lộ qua những suy nghĩ, ý kiến như vậy.

Việc đem thú vật ra để so sánh, trong nội dung cách nói ngoài đời, đã là một điều khiếm nhã, bất lịch sự, kém lễ độ, nếu không muốn nói là vô văn hóa, huống nữa, đây lại là trong đạo Phật, tín đồ nói về tu sĩ, Phật tử nói về guồng máy giáo hội địa phương.

Suy nghĩ, liên tưởng, so sánh, phát ngôn một cách cục súc, thô tháo, trước hết nó cho thấy trình độ, bản chất của người phát ngôn.

Những tín đồ dễ dàng so sánh bậc tôn túc trưởng thượng của tôn giáo mình với một loài thú vật như vậy thì nó sẽ cũng dễ dàng gọi những bậc trên trước, trưởng huynh, cha chú trong dòng tộc, gia đình, cũng bằng những so sánh như vậy. Vì ở đây, họ coi là “rất bình thường mà”.

Sự lây lan ô nhiễm cách nghĩ cách nói tục tằn, hạ cấp như vậy, nếu không được nghiêm khắc uốn nắn, thì chắc chắn không khỏi làm bất tịnh môi trường văn hóa Phật giáo.

Tôi không phê phán nhằm vào tác giả Minh Mẫn, mà chỉ phê phán việc làm, lời nói có hại cho đạo Phật của tác giả Minh Mẫn.

Có vẻ thật là khó hiểu, trước việc một tín đồ Phật giáo khi nói về guồng máy giáo hội của mình, về chư vị tôn đức lãnh đạo tôn giáo mình, lại đi so sánh với thú vật như thế. Có lẽ có đến vô số cách diễn đạt, so sánh, đến nỗi gì mà tác giả lại chọn cách nói ví von hạ đẳng, thóa mạ, xúc phạm, mang tính chất thô tục đường phố đến như vậy khi nói về guồng máy Phật giáo?

Đến khi xem bức ảnh được chính tác giả Minh Mẫn đăng tải trên trang blog của mình, với chú thích cũng từ chính tác giả dưới bài “Thư cho con trước giao thừa”: “NHỮNG NGÀY CON BƠM QUẸT GAS NGOÀI VỈA HÈ NGÃ TƯ TRUNG CHÁNH – HÓC MÔN” (in hoa trong nguyên văn chú thích), thì nguyên nhân của vấn đề đã được lý giải. Đó chính là ảnh hưởng từ môi trường mưu sinh trước đây của tác giả, nói theo thuật ngữ Phật giáo, đó là vì “tập khí”.

Quá trình mưu sinh vỉa hè đã khiến hôm nay, những cách nói bỗ bã, những so sánh hồ đồ, tục tằn, mang đầy khí chất hạ lưu đường phố, hiện diện trong lời văn của tác giả.

Hiểu được điều này, người đọc chúng ta có thể nhìn tác giả với sự thông cảm!

Thông cảm nhưng không thể bỏ qua. Sự nghiêm khắc lưu ý để ngăn chận việc tái diễn là điều cần thiết.

Điều rất mong là những người đi ủng hộ, bênh vực, đề cao cái nói hạ cấp như so sánh “cổ xe do bò già kéo” đừng làm việc ty liệt đó nữa. Có hay gì kiểu nói tục tằn du nhập từ ngôn ngữ vỉa hè của một thời mưu sinh lăn lộn? Đây không  là chuyện “rất bình thường” như ai đó quan niệm. Nói trên trang mạng Phật giáo về hoạt động giáo hội, về chư tôn đức bằng so sánh dung tục đường phố thì sao gọi là “rất bình thường”, mà phải coi là bất bình thường trầm trọng. Để không thôi, trên trang web Phật giáo rồi người ta cứ lại văng tục, chửi thề, so sánh thú vật lung tung lên như vậy, kiểu “vỉa hè Ngã tư Trung Chánh – Hốc Môn”, thì thật không ra làm sao cả, không còn thể thống gì hết.

Khi tham gia phát ngôn trên các diễn đàn Phật giáo, tác giả hãy nên tự làm mới mình, xóa bỏ những tập khí ngôn từ “đá cá lăn dưa” còn vấy nhiễm. Hãy giữ gìn sự thanh tịnh của các trang mạng Phật giáo như giữ gìn sự sạch sẽ cửa chùa.

So sánh, ví von kiểu thú vật hạ cấp như chúng ta đã thấy chỉ làm người đọc xem thường, đánh giá thấp thỏi tác giả của nó, làm ảnh hưởng chung đến cộng đồng mạng, đến chung cả người đọc Phật giáo. Theo cách trả hoàn lại mà Đức Phật đã dạy, chúng ta hãy trả những rác rưởi đường phố về lại cho đường phố. Ăn nói xô bồ, lỗ mãng, lưu manh với kiểu so sánh thú vật như thế không bao giờ là chuyện “bình thường” đối với người có văn hóa trong đạo Phật.

MT

Các tin đã đăng:
Về đầu trang