Việc
này đáp ứng sự mong mỏi bấy lâu nay của Tăng Ni Phật tử, muốn có một
bản kinh Nhật tụng thống nhất, hoàn toàn tiếng Việt, để việc hiểu nghĩa
từ việc tụng đọc là điều đương nhiên, không gặp trở ngại như hiện nay.
Chắc
chắn rằng từ lâu bạn đọc là Tăng Ni Phật tử đã nghe được, đọc được
những lời yêu cầu, những câu chuyện thể hiện nhu cầu của chính giới Phật
giáo về nhu cầu cần có kinh tụng hoàn toàn bằng tiếng Việt để có thể
hiểu nghĩa.
Bài
viết này ghi nhận câu chuyện lại từ tín đồ… một tôn giáo khác, nhưng
cũng thể hiện nhu cầu về một bản kinh tụng tiếng Việt đối với đạo Phật,
phục vụ cho chính người theo đạo Phật.
Người
viết bài này có dịp vào một quán ăn trong bối cảnh gần bên là một đám
tang. Địa điểm diễn ra câu chuyện là khu Ông Tạ (ngã ba Phạm Văn Hai –
Cách Mạng Tháng 8), nơi có đa số dân cư là tín đồ một tôn giáo khác
không phải Phật giáo. Trong khi đó tang lễ được cử hành theo nghi thức
Phật giáo, tụng kinh cầu siêu A Di Đà chữ Hán.
Một
đám đông những người theo tôn giáo khác không phải đạo Phật đi phúng
viếng đám tang do gặp lúc tụng kinh nên tập họp lại trong quán. Khi
tiếng tụng kinh vọng qua, có người nhận xét:
- Tôi lắng nghe tiếng đọc kinh, nhưng không nghe được gì cả!
- Nghe được, nhưng không hiểu được, vì bằng tiếng gì ấy, có lúc hình như là tiếng Ấn Độ.
Một người nêu câu hỏi:
- Sao bên Phật không đọc kinh tiếng Việt cho mọi người hiểu tất như bên mình nhỉ?
Người khác trả lời:
- Tiếng Việt đấy chứ, nhưng mà tiếng Việt đời xưa, nên nghe được mà không hiểu gì hết, giống như nói chữ Nho trong hát bội.
Có người lại nói:
- Tôi thì nghe được đôi chút, ở chỗ “bà già đá ra, bà già đá vô”.
Có người phản ứng:
- Thôi đừng giỡn, đám tang mà.
Giọng cũ cãi lại:
- Thì nghe được chỗ nào nói chỗ đó!
Cứ
như thế đám người lắng nghe rồi bình luận tiếp. Theo tôi, họ nói thật
tình, không trêu ghẹo, châm chọc, cũng không biết tôi là người theo đạo
Phật đang lắng nghe họ. Mọi người đều xác định là không hiểu, không biết
tại sao lại “đọc kinh mọi người không thể hiểu được như thế” và muốn
hiểu xem kinh nói gì…
Tôi nghe họ nói chuyện bình luận việc tụng kinh, nghe kinh mà lấy làm buồn cho Phật giáo Việt Nam.
Tôn
giáo mà họ theo dường như vẫn còn bị xem là xa lạ, cách biệt với văn
hóa Việt. Ấy vậy mà, bây giờ họ nhìn việc tụng kinh của Phật giáo Việt
Nam một cách xa lạ, khó hiểu, bằng tiếng nước ngoài, không như “kinh bên
mình tiếng Việt cứ mà hiểu tất”.
Từ
sự ái ngại dành cho Phật giáo Việt Nam như thế, tôi cảm thấy nhu cầu về
một bản kinh tụng hoàn toàn tiếng Việt, kinh tụng đọc là mọi người
“hiểu tất” cần thiết hơn bao giờ hết. Nhưng cũng nghe nói bản kinh đang
được tích cực ráo riết biên soạn, xúc tiến, tôi kiên nhẫn chờ đợi, để
đến nay nghe được tin vui.
Tôi
nghĩ rằng, khi kể lại câu chuyện không vui trên, thì lòng biết ơn đối
với các vị tôn đức chỉ đạo, tổ chức và trực tiếp biên soạn thực hiện in
ấn quyển kinh Nhật tụng tiếng Việt sẽ thêm phần ý nghĩa và giá trị quyển
kinh Nhật tụng tiếng Việt sẽ càng được khẳng định.
MT