Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Phật giáo và tính dục: Con đường xa lìa thế tục
10/12/2010 17:56 (GMT+7)

Kỷ cương giới luật ghi chép trong kinh sách được xem như trực tiếp xuất phát từ những lời giáo huấn của Đức Phật, do đó thường được áp dụng chung cho tất cả các tông phái trừ một vài ngoại lệ đối với Phật giáo Nhật bản.

Tại quốc gia này sự giữ gìn giới luật quy định cho người xuất gia không mấy khi được tôn trọng và ngày nay một số nhà sư có gia đình, họ vừa là người xuất gia vừa là học giả.

Trong Luật Tạng (Vinaya) có một phân đoạn mang tên là Pratimoksha (Lời nguyện giải thoát mang tính cách cá nhân) trình bày chi tiết các giới luật quy định chung cho cư sĩ , cho các sa-di, các tỳ-kheo, cả nam lẫn nữ.


Phật tử tại gia có thể nguyện giữ năm giới luật, trong số này có ba giới luật liên quan đến thân xác : không tước đoạt sự sống, không tự ý chiếm giữ những gì không phải của mình, không thực thi những hành động tính dục thiếu hạnh kiểm, nguyên văn giới luật thứ ba như sau : "tôi nguyện giữ giới không thực thi hành vi sai lầm về lạc thú tính dục"

Kính trọng mình và người khác

Bất cứ ai trong xã hội cũng không bị bắt buộc phải tuân thủ giới luật trên đây, thế nhưng khi đã nguyện giữ giới thì phải giữ một cách nghiêm chỉnh : hành động giữ giới mang tính cách cá nhân, một sự tự nguyện.

Phật giáo không nêu lên một tác phong tính dục chính xác nào để cấm đoán, nếu có thì đấy là những hành vi sai trái mang lại khổ đau cho người khác.

Tại Á châu, giới luật liên quan đến tính dục được mô tả rõ ràng hơn các nơi khác, chẳng hạn như sự răn cấm ngoại tình, dầu sao đấy cũng chỉ là cách giới hạn bớt tính cách quá rộng rãi của giới luật về tính dục vì giới luật này chỉ răn dạy sự kính trọng chính mình và người khác.

Giới luật đó không hề ám chỉ sự đồng tính luyến ái, thật vậy đồng tính luyến ái được chấp nhận khá dễ dàng tại các quốc gia Đông nam Á.

Thế nhưng các hành động tính dục bị cấm đoán triệt để nơi chùa chiền, sự cấm đoán đó được quy định tùy thuộc vào hai giai đoạn tu tập : giai đoạn sa-di và giai đoạn tỳ-kheo đã thụ phong.

Người sa-di cả nam lẫn nữ phải tuân thủ mười giới luật, trong số này có giới luật bắt buộc phải giữ gìn sự trong trắng ("đoạn dục" - tức không được thực thi các hành động dâm dục, tính dục hay dâm ô).

Người xuất gia sau khi được thụ phong sẽ chính thức được xem như người đã "từ bỏ đời sống gia đình", người ta còn gọi họ là những người tỳ-kheo (bhikkhu) hay tỳ-kheo-ni (bhikkhuni) tức là các nam hay nữ tu sĩ, họ phải chọn một lối sống đơn giản và đạm bạc.

Đó là con đường quyết tâm xa lìa thế tục, trên con đường đó người tu hành phải loại bỏ mọi hành vi tiêu cực và chọn cho mình một thể dạng tâm thức đạo hạnh, tập trung nghị lực vào việc tu học và thực thi Đạo Pháp (Dharma - còn gọi là Con Đường).

Sự đoạn dục hoàn toàn là một trong bốn giới luật căn bản mà họ phải tuân thủ, nếu vi phạm vào đấy sẽ bị khai trừ tức khắc và vĩnh viễn khỏi tập thể tăng đoàn.

Tuy nhiên cũng có những giới luật kém triệt để hơn, chẳng hạn trong số này có mười ba giới cấm nghiêm trọng, nếu phạm vào đấy sẽ bị khai trừ khỏi tăng đoàn nhưng chỉ tạm thời. Trong số mười ba giới cấm ấy có sự thủ dâm, cố ý phóng uế tinh dịch, đụng chạm thân xác hay sờ mó phụ nữ, nói những lời lẳng lơ hoặc hàm ý dâm dục, xúi dục người phụ nữ bán dâm hay đứng ra làm mối lái.

Tuy nhiên, sự ô nhiễm ban đêm xảy ra lúc đang ngủ không phải là một hành động lỗi lầm.

Một người tu hành nếu có những ý tưởng thèm muốn phụ nữ phải tức khắc thiền định về sự kinh tởm của thân xác. Nếu không kiềm chế được sự ham muốn phải xin hoãn lại các lời nguyện và hoàn tục trước khi xảy ra tình trạng không hàn gắn được [tức là bị khai trừ vĩnh viễn], xử sự như thế sẽ không có ai chê trách.

Ngược lại, [trong chốn chùa chiền] nếu người tu hành không khắc phục được sự cám dỗ sẽ bị khai trừ ngay khỏi tăng đoàn đúng theo sự quy định của giới luật.

Đối với người nữ tu giới luật cũng tương tự như thế không có nhiều khác biệt, tuy nhiên trong trường hợp một người nữ tu bị hãm hiếp tức ngoài sự ưng thuận của mình và không hề phát lộ sự thích thú, thì đấy không phải là một sự vi phạm quan trọng và có thể tha thứ.

Mặc dù Phật giáo Nguyên thủy chủ trương sự cấm đoán khắt khe về tính dục, thế nhưng đời sống xã hội trong các quốc gia Đông nam Á theo Phật giáo Theravada (Nguyên thủy) lại không quá khắc nghiệt nếu các tác phong tính dục không mang tính cách hung bạo và ngoại tình gây ra khổ đau cho người khác.
Suy tư về tính cách ghê tởm của thân xác

Thây ma thật ghê tởm : thân xác của người sống cũng chẳng hơn gì ! Người du-già nên xem thân xác là những gì kinh khiếp và phải luôn nhớ đến điều ấy. Có ba mươi hai thứ ghê tởm thuộc màu sắc, hình tướng, mùi hôi, vị trí và sự phân bố [các đối tượng nhận biết của giác cảm]. Vật chất đào thải từ thân xác thật ghê tởm và nhơ nhớp. Các thành phần chống đỡ thân xác cũng thế. Giống như một con giòi sinh ra từ một đống uế tạp, thân xác được hình thành từ sự dơ bẩn. Bên trong thân xác chất chứa những thứ ô uế tương tợ như một hố phân. Chất ô uế thấm ra ngoài giống như dầu thấm qua một cái bình bằng đất. Thân xác là một ổ sâu bọ, không khác gì một đống rác. Thân xác giống như một mụt nhọt, một căn bệnh hay một vết lở loét không chữa lành được, ghê tởm và bạc nhược chẳng khác gì một xác chết.

ASUBHANUPASSANA [phép Quán bất tịnh : một phép tu tập của Phật giáo cổ truyền (nguyên thủy) hướng vào sự suy tư về 32 thành phần ô tạp của thân xác] do Philippe Cornu trích dẫn và dịch từ bản gốc.

Một vài giới luật về tính dục dành cho người xuất gia

Parajika thứ nhất [kinh sách tiếng Hán dịch chữ Parajika là Đại giới có nghĩa là các giới cấm quan trọng nhất] : Không được giao hợp tính dục.

Nếu một tỳ-kheo đưa cơ quan sinh dục của mình vào một cơ quan sinh dục, vào hậu môn hay vào miệng của một người khác dù là đàn ông hay đàn bà, hoặc đưa cơ quan sinh dục [của người khác] vào miệng mình hay hậu môn của mình, [hoặc đưa cơ quan sinh dục của mình vào cơ quan sinh dục, hậu môn hay miệng] của một con thú hay một thây ma, dù chỉ sâu bằng chiều dài của một hạt mè, người tỳ-kheo ấy sẽ mất hết cương vị của người tu hành.

Dù cho người tỳ-kheo quấn cơ quan sinh dục của mình bằng băng vải, trong một cái bao, ăn mặc theo người thế tục, hoặc trần truồng, dù không cảm nhận một sự thích thú nào, cũng đều mất hết cương vị của người tu hành.

Mười trường hợp sau đây không phạm tội trọng đại : khi người tỳ-kheo đang ngủ và hoàn toàn không ý thức là mình đang giao hợp khi chuyện đó xảy ra ; khi mình không đồng lõa ; khi mình bị bất tỉnh hay điên rồ ; trong trường hợp bị ma quỷ ám ảnh và không chủ động được mình [...] ; hoặc trước khi thệ nguyện giữ giới có phạm vào các hành động ấy.

Sanghadisesa thứ nhất [Sanghadisesa là các lỗi lầm phải đưa ra trước hội đồng tăng đoàn để xét xử và bị tạm thời khai trừ] : Không được cố tình phóng thải tinh dịch.

Nếu người tỳ-kheo thủ dâm hay nhờ người khác thủ dâm để phóng thải tinh dịch, phải đưa ra hội đồng tăng đoàn. Người tỳ kheo không được cố tình trân quý cơ quan sinh dục của mình, không được sử dụng nó như một công cụ, hoặc để lòng thòng. Nếu phóng thải tinh dịch dù thật vô nghĩa chỉ đủ cho con ruồi uống một ngụm [...] cũng phạm vào lỗi lầm sanghadisesa.

Thế nhưng, xuất tinh khi đang ngủ và đang nằm mơ, không có lỗi lầm gì. Nếu trong khi đại tiện tinh dịch són ra ngoài ý muốn của mình, không có lỗi lầm gì. Khi giữ vệ sinh cơ quan sinh dục hoặc khi bôi thuốc, một chút tinh dịch nhỉ ra và mình không cảm nhận sự thích thú, không có lỗi lầm gì.

Sanghadisesa thứ tư : Không được đề nghị làm tình với một người phụ nữ.

Nếu người tu hành nghĩ đến dâm dục và đề nghị với một người đàn bà một cách sỗ sàng hành động giao cấu - với mình hay với một người khác - sẽ bị đưa ra hội đồng tăng đoàn. Nếu người tu hành nói với một phụ nữ là các cô gái nào muốn tái sinh trong các điều kiện thuận lợi phải hiến thân cho mình sẽ phạm vào lỗi lầm sanghadisesa thứ tư.

THE MANUAL OF THE BHIKKHU (TẬP SÁCH GIÁO KHOA CỦA NGƯỜI TỲ-KHEO), Ven. DHAMMA SAMI, 2002, Philippe Cornu dịch từ bản gốc tiếng Anh.

Phippe Cornu
Hoang Phong (dịch)
Theo: thuvienhoasen.org

Các tin đã đăng:
Về đầu trang