Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Hoạt động thanh thiếu niên Phật tử: Thực trạng và kiến nghị
Cẩm Vân
28/04/2013 10:50 (GMT+7)


 

Nam Mô Bổn sư Thích Ca mâu Ni Phật
Kính bạch Chư Tôn đức Tăng Ni
Kính thưa các quý vị đại biểu
Thưa các bạn nam nữ thanh niên Phật tử

Con rất tâm đắc với chủ đề Hội thảo ngày hôm nay “Phương hướng phát triển Câu lạc bộ Thanh thiếu niên Phật tử phía Bắc” ở các góc độ tiếp cận khác nhau nhiều bài tham luận và trong báo cáo của ban hướng dẫn cũng đã nêu. Là thành viên trong ban chủ nhiệm Câu lạc bộ thanh niên Phật tử Quán Sứ con xin nêu mấy suy nghĩ về Phật giáo và tuổi trẻ để Chư tôn Đức Tăng Ni, các quý vị đại biểu, các bạn nam nữ Thanh niên Phật tử nghiên cứu kham khảo và cùng trao đổi.

Kính thưa các quý vị

Trong quá trình tồn tại và phát triển của Phật giáo Việt Nam hằng ngàn năm nay có thể khẳng định một điều là: Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, hoạt động của Giáo hội không thể thiếu, không thể tách rời vai trò quan trọng của tri thức cư sĩ Phật tử, hẳn chúng ta còn ghi nhớ đến ơn Đức cao dầy của chư tôn Đức và Cư sĩ  Phật  tử  có công trong việc sáng lập ra tổ chức thanh thiếu niên Phật tử trong lịch sử Phật giáo Việt Nam với  sự nghiệp  chấn hưng Phật giáo trong những năm 1945  như Hoà thượng Tố Liên, Hoà thượng Trí Hải, cư sĩ Thiều Chửu, Cư sĩ Lê Đình Thám, Võ Đình Cường, cư sĩ Tống Hồ Cầm…

Sau thời gian thành lập GHPGVN, Đại hội II 1987 -1992 phong trào sinh hoạt thanh thiếu niên phía Bắc bắt đầu được khôi phục do sự nỗ lực  phát tâm công đức của Phật tử Hữu Thức, Công Chương, Diệu Nhân –Xuân Loan nhưng không có tổ chức hướng dẫn chặt chẽ do đó các hoạt động của thanh thiếu niên Phật tử đã dần chìm lắng.

Nhưng trong những năm 1997- 2007 thời kỳ hội nhập quốc tế, bùng nổ công nghệ thông tin một số Phật tử như Trọng Hoàng, Trí Minh Sơn Trà, Diệu Nhân Xuân Loan tiếp tục  khởi xướng, tiên phong cho công cuộc cải tổ sinh hoạt thanh thiếu niên theo tổ chức  mô hình mới với tên gọi Câu lạc bộ thanh thiếu niên Phật tử và tại Đại hôi VII  năm 2012 Giáo hội PGVN đã nghi nhận và  đánh dấu bước phát triển phong trào thanh thiếu niên Phật tử  vào trang sử mới.

Qua giai đoạn lịch sử trong từng thời kỳ khác nhau của Phật giáo, chúng ta khẳng định  vai trò của trí thức cư sĩ, Phật tử có phát huy tác dụng đến đâu trong hoạt động thanh thiếu niên Phật tử cũng đều do sự quan tâm giúp đỡ chỉ đạo của Chư tôn đức tăng ni trong Giáo hội, quý Thầy trụ trì  chùa và được các cấp chính quyền ủng hộ.

Hiện nay số lượng Phật tử trẻ đến với Phật giáo ngày càng nhiều với động cơ mục đích khác nhau như: tìm học hỏi giáo lý Phật giáo, cầu xin sự may mắn an lạc trong cuộc sống, đi du lịch chiêm bái tham quan…

Việc tập hợp đông đảo Thanh thiếu niên Phật tử ở nhiều địa phương, Tổ đình, chùa, Tự viện ngoài việc học giáo lý, giáo luật, nghi lễ còn có các hoạt động Phật sự như tham gia tích cực vào các phong trào từ thiện, khuyến học, đền ơn đáp nghĩa…

Tuy nhiên nhìn vào thực trạng tình hình hoạt động của Thanh thiếu niên Phật tử miền Bắc hiện nay chúng con thấy còn một số vấn đề cần tháo gỡ khó khăn để hoạt động của thanh thiếu niên Phật tử phụng sự Đạo pháp thiết thực có hiệu quả hơn.

Một là: Hiện nay chưa hoàn thiện mô hình thống nhất về hướng dẫn Phật tử trong cả nước gần đây ở một số Tổ đình tự viện, chùa bắt đầu thành lập mô hình Câu lạc bộ Thanh niên Phật tử, ở các tỉnh miền Bắc còn nhỏ lẻ chủ yếu ở Thành phố lớn và các Tổ đình lớn, số lượng thanh thiếu niên Phật tử tuy có tăng nhưng chưa nhiều.

Theo tìm hiểu sơ  bộ cho thấy hầu hết những người đi Chùa không hiểu giáo lý Giác ngộ của Đạo Phật, không thấy rõ chân lý đạo đức rất nhiệm màu rất khoa học, họ chỉ thấy sự huyền bí cầu mong sự may mắn làm cho nhiều người ngộ nhận đạo Phật là mê tín dị đoan. Thật tội nghiệp cho các bạn thanh niên khi đến chùa phải dấu diếm, trốn tránh gia đình và người thân, điều này chúng ta nhận thấy việc hướng dẫn Phật tử thật quan trọng và lớn lao.

Hai là: Vai trò lãnh đạo của Giáo hội từ Trung ương đến cơ sở, nhất là vai trò hướng đạo của Ban hướng dẫn Phật tử các Tỉnh thành chưa phát huy hết trách nhiệm trong vai trò lãnh đạo, chưa khẳng định được vị trí quan trọng của mình.

Ba là: Đa số Thanh thiếu niên Phật tử đều là những học sinh, sinh viên ngoài việc học tập, rèn luyện ở xã hội có ý thức Giác ngộ, tự nguyện đến với đạo Phật nhưng ngoài việc tìm hiểu giáo lý, giáo luật nội dung sinh hoạt còn nghèo nàn, chưa gắn được với các hoạt động ngoài xã hội và hoạt động của Hội liên hiệp Thanh niên. Đây cũng là vấn đề cần phải quan tâm mới có hiệu quả thiết thực, làm sao để cho Thanh thiếu niên Phật tử thấm nhuần phương châm Đạo pháp – Dân tộc.

Bốn là: Trong điều kiện hiện nay, Ban hướng dẫn Phật tử Trung ương và cơ sở tuy hoạt động có hiệu quả và ngày càng phát triển nhưng còn gặp nhiều khó khăn trong kinh phí. Bản thân học sinh, sinh viên đều là những người chưa có thu nhập, cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào gia đình, vì vậy việc hoạt động Phật sự cũng rất hạn chế. Đòi hỏi sự giúp đỡ quý báu của các Thầy, các nhà hảo tâm để phát triển tổ chức hoạt động trên phạm vi rộng.

Năm là: chúng con sinh hoạt được tại các chùa là do sự quan tâm, đồng cảm của quý Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức, Tăng Ni, nhưng bên cạnh đó có một số nơi quý Thầy chưa được hoan hỷ trước các hoạt động của Thanh thiếu niên Phật tử sinh hoạt tại chùa, một số địa phương cũng gặp phiền phức của các cấp chính quyền.

Trước những thực trang trên chúng con xin kiến nghị:

1. Đề nghị Ban hướng dẫn Phật tử trung ương phải có chương trình tổng thể cả nhiệm kỳ và từng năm, phối hợp chặt chẽ với Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam để các hoạt động của Thanh thiếu niên Phật tử được quảng bá rộng rãi trong quần chúng như,  phong trào tình nguyện, khuyến học, xóa đói giảm nghèo, từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, phòng chống tệ nạn xã hội…Các hoạt động này gắn với hoạt động của Giáo hội, của các Tổ đình, Tự viện, Chùa … hằng năm có số liệu đánh giá, khen thưởng, kiểm điểm.

2. Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền giáo dục cho Thanh thiếu niên về giáo lý Phật pháp, nghi lễ cũng như các chính sách pháp luật của nhà nước trong điều kiện hiện nay, Chư tăng cần tăng cường tổ chức kết nối, học tập giữa Phật tử với các cơ quan chức năng các cấp chính quyền để tìm hiểu chủ đề Tôn giáo - Phát luật, tạo ra bức tranh phong phú về Đạo và Đời gắn chặt  bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam,

3. Hằng năm Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương thường xuyên tổ chức các buổi toạ đàm Tuổi trẻ và Phật giáo tại các tỉnh thành, địa phương, chùa...

4. Ban hướng dẫn các cấp cơ sở nên thường xuyên liên lạc với ban hướng dẫn Phật tử Trung ương để tìm phương pháp chỉ đạo, hướng dẫn hữu hiệu nhất trong từng thời kỳ, cử các vị Tăng ni trẻ có trình độ thường xuyên đến chia sẻ, hướng dẫn giáo lý cho Thanh thiếu niên Phật tử.

Đức Phật dạy trong kinh có 4 điều không nên xem thường: Một đốm lửa nhỏ, một con rắn nhỏ, một Tu sĩ trẻ và một TháI tử”. Những điều đó cho ta thấy đức Phật rất coi trọng thế hệ trẻ, Tất cả bốn điều trên chúng ta thấy đức Phật có tầm nhìn chiến lược vi diệu một nhà giáo dục cao siêu tuyệt vời, Ngài đã nhìn nhận ra những hạt nhân nhỏ bé sẽ là sức mạnh cho kết quả tương lai to lớn.

Trên đây là đôi điều trăn trở và suy nghĩ của con về chủ đề “Phương hướng phát triển Câu lạc bộ Thanh thiếu niên Phật tử phía Bắc”, xin nêu lên để chư Tôn đức Tăng Ni, các quý vị đại biểu và các bạn thanh thiếu niên Phật tử cùng tham khảo và trao đổi.

Kính chúc chư tôn đức cùng toàn thể các đại biểu vô lượng an lạc, vô lượng cát tường.

Kính chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!

Nam mô A Di Đà Phật.

http://www.phattuvietnam.net/diendan/chanhung/23305-ho%E1%BA%A1t-%C4%91%E1%BB%99ng-thanh-thi%E1%BA%BFu-ni%C3%AAn-ph%E1%BA%ADt-t%E1%BB%AD-th%E1%BB%B1c-tr%E1%BA%A1ng-v%C3%A0-ki%E1%BA%BFn-ngh%E1%BB%8B.html

Các tin đã đăng:
Về đầu trang