Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Lạm dụng thuốc kích thích ăn khiến trẻ chậm lớn
14/10/2010 19:05 (GMT+7)

 Điều đáng nói, nhiều trường hợp trẻ suy dinh dưỡng nặng do phụ huynh cho sử dụng thuốc kích thích ăn.

Các “hạt tiêu” đang chờ khám dinh dưỡng tại BV Nhi Đồng 2, TPHCM. Ảnh: Lao Động.

Tự ý mua thuốc: Coi chừng mang họa!

Bế đứa con 16 tháng trên tay, đang ngồi chờ đến lượt khám dinh dưỡng tại Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, chị N.P.P - 29 tuổi, trú tại quận Phú Nhuận - cho biết: “Lúc 12 tháng tuổi, cháu nặng 9kg. Nhưng khi sang đến tháng 16, số cân nặng của cháu chỉ lên được 100 gram. Mỗi ngày cháu uống 400ml sữa, ăn 3 bữa cháo nhưng vẫn không cải thiện cân nặng. Lúc 13 tháng, tôi nghe nhiều người mách uống thuốc bổ sung vitamin, mua hàng xách tay từ nước ngoài mang về hiệu P... giá 270.000 đồng/lọ, cháu sẽ mau tăng cân và phát triển chiều cao. Tuy nhiên, uống một thời gian thấy cháu càng biếng ăn và xanh xao hơn...”.

Cũng tại khu vực chờ khám, chúng tôi gặp chị H - nhà ở đường 3 tháng 2, quận 11 - có hai con sinh đôi “hạt tiêu” như nhau. Chị H cho biết, thấy con biếng ăn, chị ra chợ dược phẩm ở quận 11 mua thuốc kích thích ăn. Người bán giới thiệu cả chục mặt hàng. Tuy nhiên, khi chị mua lọ thuốc hiệu Ste...về cho trẻ uống thì cháu tiêu chảy kéo dài, ăn uống kém, lúc nào cũng mệt lả...

Theo BS Nguyễn Thị Hoa - khoa Dinh dưỡng BV Nhi Đồng 1 TPHCM - rất nhiều trẻ đến khám bởi tình trạng lạm dụng thuốc kích thích vô tội vạ của phụ huynh, khiến con phải mang họa. Trung bình mỗi tháng, BV Nhi Đồng 1 tiếp nhận khoảng 3.000 trẻ đến khám và tư vấn dinh dưỡng, 70% trong đó đến khám vì biếng ăn, còn lại là chậm tăng cân. “Nhiều trường hợp nghe theo quảng cáo, tự ý mua thuốc cho con uống mà không có sự chỉ định của bác sĩ, khiến nhiều trẻ bị phù thũng và thêm một số bệnh lý khác” - bác sĩ Hoa cho biết.

Biếng ăn do bệnh lý hay tâm lý?

Theo các BS, trẻ biếng ăn có nhiều nguyên nhân và trước tiên phụ huynh phải tìm được nguyên nhân mới trị được bệnh. Biếng ăn ở trẻ có các dạng do bệnh, do khẩu vị, do thay đổi thời tiết, mọc răng, chích ngừa. Các BS BV Nhi Đồng 2 còn cho biết, nhiều phụ huynh không có thời gian chuẩn bị thức ăn cho trẻ nên cứ nấu cháo trắng, xay thịt, càrốt, khoai tây đổ vào và ngày nào cũng bắt trẻ ăn vì nghĩ đây là những chất bổ dưỡng.

Tuy nhiên, khi thấy món cháo là trẻ khóc thét và không chịu mở miệng. Hoặc trẻ thường thích ăn nhạt, nhưng các bà mẹ thích nêm mắm muối theo khẩu vị của mình, do đó trẻ từ chối thức ăn...

Trẻ bị thiếu chất dinh dưỡng như thiếu máu, thiếu kẽm, thiếu vitamin..., cần bổ sung các loại thuốc bổ. Tuy nhiên, không nên tự động mua thuốc vì phải biết chính xác trẻ thiếu chất gì để bổ sung. Nếu bổ sung những thuốc có chất mà trẻ không thiếu thì trẻ sẽ biếng ăn hơn. Khi uống đúng loại thuốc, trẻ sẽ ăn ngon hơn. Tuy nhiên, những loại thuốc này không gọi là “thuốc kích thích ăn” mà chỉ gọi là thuốc bổ (bổ sung vitamin và muối khoáng) mà thôi.

Theo Lao Động

Các tin đã đăng:
Về đầu trang