Nhân sự kiện bài “Đề xuất nghiên cứu thành lập ngân hàng Phật giáo”
thu hút được sự quan tâm của bạn đọc, nhất là có những ý kiến trái
chiều nhau, phủ nhận nhau, và cũng nhân mới đây vừa có một hội thảo do
Ban Kinh tế Tài chánh Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức, mà âm vang
của những ý tưởng mới vẫn còn, chúng tôi thấy rằng càng cần thiết phải
bàn luận sâu hơn nữa về việc làm kinh tế Phật giáo, nhằm làm rõ những
vấn đề chung, cũng như trả lời một số câu hỏi của bạn đọc nêu ra với
chúng tôi.
1. Liệu việc nâng cấp kinh tế Phật
giáo là một việc làm “thiếu cơ sở thực tế”. Theo tôi, kinh tế tài chánh
là một vấn đề trong số những vấn đề thực tế nhất của mọi tổ chức hội
đoàn. Việc làm kinh tế là việc đã tồn tại trong Phật giáo một cách hiển
nhiên, ở cấp có tổ chức, vĩ mô, như hoạt động Ban Kinh tế Tài chính,
hoạt động của các công ty trực thuộc Giáo hội; hay ở cấp tự phát, cá
nhân, như cá nhân Tăng Ni làm tương chao đem ra chợ bán hay đi bỏ mối.
Phủ nhận hiện thực đó mới là không thực tế.
2. Phật giáo làm kinh tế không có
nghĩa là tư sản hóa tăng ni, biến tăng ni thành giai cấp tư sản. Một bạn
đọc có hỏi, nếu không phải là từ một vị tôn đức đối với một Phật tử,
thì sẽ mang mầu sắc biểu cảm nên được xem lại, rằng “có biết nhìn sang các nước Phật giáo Nam Tông không?”.
Xin phép được trả lời, kinh tế Phật giáo là việc mà Phật giáo toàn
cầu đều làm không riêng gì Bắc Tông hay Nam tông.Có thể người hỏi chưa
hiểu nhiều về Phật giáo Nam tông nên mới hỏi như vậy.
Theo truyền thống, Phật giáo Nam tông chia làm 2 tổ chức tách biệt,
một tổ chức được gọi là “Giáo hội Tăng già”, tổ chức còn lại là “Hội cư
sĩ”.
Phật giáo Theravada Việt Nam trước năm 1981 cũng có 2 tổ chức như
vậy, mà nòng cốt là Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam, chuyên lo
việc tu học, hoằng pháp. Còn việc kinh tế tài chính quản trị cơ sở vật
chất, xúc tiến thủ tục hành chính như xuất bản sách… đều giao cho hội cư
sĩ.
Nguồn tịnh tài cúng dường, chư tăng nguyên thủy không cất giữ như
một của riêng mà thường do thủ quỹ là một tập thể, có nhiều Phật tử tham
gia.
Chư tăng không trực tiếp làm kinh tế, mà hội cư sĩ phải lo liệu các
nguồn tài chính để cung ứng cho Phật sự giáo hội tăng già, chỉnh trang
xây dựng chùa chiền. Điều đó không loại trừ việc tổ chức cư sĩ Phật giáo
Nam tông mở công ty, xí nghiệp, hãng hàng không, thậm chí ngân hàng… để
phục vụ nhu cầu chi tiêu cho việc hoằng pháp, xây dựng tu bổ chùa
chiền.
Thuở Đức Phật hiện tiền, việc trưởng giả Cấp Cô Độc cúng dường vàng
mua Tịnh Xá Kỳ Viên cũng là một hình thức như vậy. Nếu xét quyền sở
hữu, thì Tịnh Xá Kỳ Viện thuộc sở hữu Tăng đoàn (ngày nay là Giáo hội
Tăng già), vì ông Cấp Cô Độc đã hiến cúng, tức chuyển giao quyền sở hữu
có một khu vườn tịnh tu là nhu cầu của Tăng đoàn. Nhưng tăng đoàn không
đứng ra trả tiền mua khu vườn của Thái tử Kỳ Đà, mà Trưởng giả Cấp Cô
Độc đảm nhận việc chi tiêu, thực hiện hoạt động mua bán. Công thức kinh
tế Phật giáo theo truyền thống Nam tông là như vậy. Chư tăng không nắm
giữ hay làm kinh tế để có tiền làm của riêng, mà do đoàn thể Phật tử đảm
nhiệm dưới nhiều hình thức. Lợi nhuận có được sẽ đưa vào quỹ hiến cúng.
Trước năm 1975, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam cũng có sở
kinh tế là đài hỏa táng Xá lợi Phật Đài, Thủ Đức, Sài Gòn. Tôi có viếng
thăm thượng tọa Thích Pháp Tri, trụ trì cơ sở này, thì ngài cũng không
vướng víu đến tiền bạc thu nhập, không trực tiếp điều hành công việc, mà
có một ban, bây giờ thường gọi là ban quản trị đảm nhiệm. Mỗi khi
Thượng tọa Thích Pháp Tri về chùa Ấn Quang họp, thì có một vị cư sĩ thị
giả đi theo, chi trả mọi thứ tiền khi cần.
Nếu không am hiểu Phật giáo Nam tông thì dễ ngộ nhận là Phật giáo Nam tông không có kinh tế nhà chùa.
Riêng với trường hợp ý tưởng thành lập ngân hàng Phật giáo của Hòa
thượng Thiện Hòa, thì cần hiểu bối cảnh Hội Phật học Nam Việt đã sớm
tách ra khỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Hiện trạng đó khiến
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại miền Nam trước 1975 thực
chất là một Giáo hội Tăng già. Vì vậy, Tổng vụ Tài chánh Kiến thiết do
chư tăng điều hành phải trực tiếp đứng ra làm kinh tế, để cáng đáng nhu
cầu tài chánh của Giáo hội. Từ đó, mọi hình thức kinh doanh khả dĩ tạo
ra nguồn tài chính đều được tính đến.
Đây là một hệ quả của diễn biến lịch sử, rất thực tế của Phật giáo Việt Nam.
3. Giai đoạn các vị Tăng ni cao điểm
phải đi làm kinh tế nhà chùa trải dài trong khoảng 20 năm sau 1975.
Trong hoàn cảnh khó khăn chung của đất nước, những vị Tăng ni kiên tâm
với việc tu hành phải làm thêm đủ việc để kiếm sống mà tu tập. Đó là
điều bất khả kháng. Nghe băng giảng, tôi biết sư cô Như Thủy và các đệ
tử của Hòa thượng Thanh Từ phải trồng rau, trồng lúa để bán, xịt thuốc
trừ sâu, trừ rầy mà chảy nước mắt. Hòa thượng Từ Thông thì điều hành một
cơ sở sản xuất mì sợi, quý tăng ni ở Tổ Đình Từ Nghiêm làm nước tương
để bán… Mãi đến gần đây, ni cô ở cạnh nhà tôi phải còn se nhang bán ở
chợ, còn nhà chùa trồng lúa, trồng rau, cũng để bán.
Qua một bài viết đăng trên Phattuvietnam.net, chúng ta cũng biết có thầy ở hải ngoại đi cắt cỏ thuê nhiều năm dành dụm tiền lập chùa.
Tất cả những điều đó, Phật tử chúng ta sao không thể không chấp nhận?
4. Đó là cách làm kinh tế người tu
sĩ buộc phải trực tiếp đi làm, đi mua, đi bán như người đời phải cần
tiền, đếm tiền, cộng sổ thu chi lời lỗ. Rõ ràng là hạ sách, nhưng chúng
ta đã chấp nhận. Còn có cách làm kinh tế mà người tu sĩ chỉ lãnh đạo
chung không trực tiếp tham gia, lợi nhuận, theo đúng lẽ, không chia chác
vào túi riêng, mà đưa vào quỹ Phật sự, thì sao chúng ta lại cho là
không thích hợp, mà cho đó là cách làm của Vatican?
Như vậy là có 2 cách tư duy về kinh tế Phật giáo:
- Cách người tu sĩ làm nông dân,
gánh tương chao tàu hủ bắp cải dưa leo ra chợ bán như những người buôn
gánh bán bưng, thì lại được chấp nhận, cho đến nay vẫn khá phổ biến ở
miền Nam.
- Còn cách Giáo hội mở những hoạt
động kinh doanh, thương mại,dịch vụ, trong đó không loại trừ ngân hàng,
thì bị cho là “lai” Vatican?
Cũng đâu phải Giáo hội kinh doanh ngân hàng, dịch vụ du lịch,
thương mại, siêu thị, sản xuất… thì tăng ni phải làm nhân viên giao
dịch, hướng dẫn viên du lịch, hay nhân viên quản lý công nợ, người quản
lý, nhân viên bán hàng. Nghĩ như vậy cũng buồn cười khi có người gửi thư
phản đối tôi đề xuất thực hiện kênh truyền hình Phật giáo thì tăng ni
phải cầm camera lăng xăng chạy tới chạy lui trong một cuộc lễ, thì lấy
gì mà giữ trang nghiêm cho người tu sĩ. Sao mà nghĩ đơn giản quá vậy?
Đâu phải Quân đội mở ngân hàng thì thiếu úy, trung úy phải ra ngồi quầy
giao dịch, hay quân đội mở công ty điện thoại thì trung sĩ, thượng sĩ
phải leo cột kéo dây điện thoại…
Trong tinh thần hòa hiếu của nhà Phật, tôi nghĩ rằng đối với kinh
tế nhà chùa, nếu ai nghĩ rằng, đó chỉ là việc gồng gánh nhang đèn, tương
chao, đậu hủ, rau cải ra chợ ngồi bán thì xin cứ nghĩ theo cách đó.
Và xin đừng phủ nhận những cách làm khác để tạo nguồn tài chính cho
Phật giáo, khác với kiểu gánh bán tương chao, tàu hủ. Như đã nói, cách
nào thì cũng thu tiền vào, cũng đếm tiền, cũng tính toán lợi nhuận. Vấn
đề là ở chỗ thu ra sao? Có thất thoát vào túi cá nhân không? Có dùng
đúng cho Phật sự không?
Những cách làm kinh tế tài chính phù hợp với tinh thần tôn giáo,
tức là đem lại nguồn tài chính cho nguồn quỹ chung, không biến người tu
sĩ thành người bán hàng, nhân viên tiếp thị…, thì chúng ta điều nên học
tập, dù đó là Vatican, hay của Ban Tài chính Quản trị của các tổ chức
chính trị, xã hội.
Chúng tôi biết có dòng tu Thiên Chúa cất cao ốc cho thuê để tạo
quỹ. Đó là kinh doanh bất động sản.Nguồn thu được phục vụ cho hoạt động
của tôn giáo họ rất lớn. Nhưng người tu sĩ có phải ra mặt làm nhân viên
phục vụ, kỹ thuật hay tạp dịch đâu. Sau cứ sau 10 - 15 năm tiền thu về
đủ để xây một nhà thờ mới. Chúng ta nghĩ gì về cách làm này? Có phải đó
là một cách “để lại vô số di chứng khuyết tật cho đời” như có bạn đọc bình luận.
Ở đây, chúng ta coi chừng, những thế lực ngoại đạo muốn Phật giáo
lụi tàn không bao giờ muốn thấy một Giáo hội Phật giáo Việt Nam có nguồn
tài chánh dồi dào, có cơ sở kinh tế tự túc ổn định, phát triển, đa
dạng, đảm nhiệm được nhu cầu tài chánh của việc hóa đạo, hoằng pháp, bảo
đảm thực hiện ngày càng nhiều các dự án của Giáo hội.
Chắc chắn, họ chỉ muốn tu sĩ Phật giáo có làm kinh tế thì chỉ làm tương chao, nhang đèn, rồi ra chợ ngồi bán, vậy thôi.
Mong rằng chúng ta đừng nghĩ như họ.
MT