Nếu
biết thể nghiệm lời Phật dạy trong cuộc sống, mọi người và phụ nữ nói
riêng, dù sống trong hoàn cảnh nào, cũng sẽ được tinh thần an lạc và xây
dựng được gia đình hạnh phúc ấm êm.
Là đệ tử Phật, chúng ta đều biết rằng thời pháp đầu tiên mà Đức Phật
giảng dạy ở Lộc Uyển là pháp Tứ Thánh đế, tức bốn sự thật mà Đức Phật đã
chứng đắc được khi thành đạo dưới cội Bồ đề. Một là Ngài nói rõ về kiếp
sống khổ đau của con người, hai là nguyên nhân của tất cả khổ đau trên
cuộc đời này, ba là Ngài chỉ dạy phương pháp giúp cho mọi người chấm dứt
khổ đau trong cuộc sống và cuối cùng, đạt được đời sống an lạc sau khi
áp dụng đúng đắn giáo pháp của Đức Phật chỉ dạy. Vì vậy, trong suốt 49
năm thuyết pháp giáo hóa độ sinh, Đức Phật đã triển khai yếu nghĩa của
pháp Tứ Thánh đế trong mọi tình huống khác nhau.
Ngày nay, một trong những vấn đề xã hội thường được đặt ra là sự bạo
hành trong gia đình, một hình thức khổ đau thường xảy đến cho giới phụ
nữ. Đối trước vấn nạn này, hàng đệ tử Phật có suy nghĩ gì và giải quyết
cách nào? Có thể nói bất cứ một vấn đề nào xảy ra cũng đều có nguyên
nhân; cũng vậy, tình trạng bạo hành trong gia đình phát xuất từ đâu,
chúng ta phải tìm được nguyên nhân của nó thì mới có phương pháp chấm
dứt sự bạo hành để vợ chồng xây dựng được đời sống hạnh phúc trong gia
đình.
Mọi người gặp gỡ nhau trong kiếp sống này và sống chung với nhau như vợ
chồng, theo đạo Phật, phải có nhân duyên với nhau, hoặc thiện duyên,
hoặc ác duyên. Nếu là ác duyên, hay còn gọi là nghiệp chướng tiền khiên,
tức do oan nghiệp nhiều đời mà nay gặp lại nhau, thì sẽ trở thành vợ
chồng trong hoàn cảnh sống “Oán tắng hội khổ”. Người thế gian cũng có
nhận thức về “Khổ duyên vô cùng” của vợ chồng qua câu nói chúng ta
thường nghe là “Vô oan trái bất thành phu phụ”. Cho nên, vợ chồng sống
chung với nhau trong một gia đình, chẳng những không thể đồng tình với
nhau, không thương quý nhau, mà trái lại, họ không bao giờ có cùng suy
nghĩ, có cùng niềm vui, cho đến luôn luôn có lời nói và thái độ chống
trái nhau, thậm chí thù ghét nhau. Mỗi ngày sống chung trong một mái
nhà, mà vợ chồng nhìn nhau bằng cặp mắt bực bội, khó chịu và nỗi oán
ghét đó lớn dần và bị dồn ép đến mức độ không chịu đựng được nữa, thì
phần lớn người chồng sẽ có hành động “vũ phu”. Sự bạo hành trong gia
đình phát xuất từ đây.
Thiết nghĩ để hóa giải vấn đề bạo hành trong cuộc sống vợ chồng, người
phụ nữ cần phải chọn người chồng thích hợp, không cần phải là người giàu
có, hay có địa vị trong xã hội, nhưng phải chọn người mình thương yêu
được, quý trọng được và người bạn đời cũng thương quý mình, thì đó là
mẫu người bạn đời để người phụ nữ chung sống, xây dựng gia đình hạnh
phúc. Vì vậy, nếu không chọn được người bạn đời như thế, nhiều người đã
chọn đời sống độc thân, chắc chắn sẽ không bị sự bạo hành xảy đến cho
họ.
Trong thực tế cuộc sống, chúng ta thấy không ít những phụ nữ đã chọn lầm
người bạn đời, hoặc nói đúng hơn là do nghiệp chướng mà phải gặp người
chồng hung dữ, độc ác, thù nghịch, nhưng vẫn phải sống trong một nhà với
người chồng chuyên đánh đập họ một cách tàn nhẫn. Bạo hành trong gia
đình thường xuyên xảy ra một cách tự nhiên mà họ phải gánh chịu như
không khí họ hít thở vậy!
Đối với những người phụ nữ đang mang “Túc nghiệp” như thế, Đức Phật dạy
họ nên quán sát lý nhân duyên, theo đó, họ sinh lại cuộc đời này là để
trả mối oan trái đã tạo ra trong kiếp quá khứ với người chồng của họ.
Nghĩa là người vợ chấp nhận thực tế, tức chấp nhận nghiệp đã tạo; vì
theo Phật, không có việc gì tự nhiên xảy đến cho mình; mọi việc đều có
nhân đời trước, nay hội đủ duyên, mới kết thành quả báo như vậy.
Theo Phật, chấp nhận nghiệp không có nghĩa là thụ động buông xuôi, phó
mặc cho số mệnh. Trái lại, áp dụng pháp Phật dạy, người phụ nữ nhẫn
nhục, nhịn chịu và niệm Phật, để nương nhờ Phật lực mà xóa nghiệp.
Thường quán sát rằng thân vật chất này hiện hữu trên cuộc đời là để trả
nợ; cho nên bình tĩnh để tìm xem người bạn đời muốn gì, cần thì “trả”,
kể cả họ cần ly hôn cũng bằng lòng.
Thực tế cho thấy một số nữ Phật tử đã nghe lời tôi khuyên, cố gắng giữ
tâm không buồn, không giận, không lo, không sợ và thường nhiếp tâm niệm
Phật, cho nên họ đã hóa giải ác nghiệp, được người bạn đời cư xử tốt
lại, hoặc có người không phải sống chung với người chồng hung ác nữa thì
cũng hết khổ.
Tóm lại, nếu biết thể nghiệm lời Phật dạy trong cuộc sống, mọi người và
phụ nữ nói riêng, dù sống trong hoàn cảnh nào, cũng sẽ được tinh thần an
lạc và xây dựng được gia đình hạnh phúc ấm êm.
HT. Thích Trí Quảng (Theo GNO)