Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Chuyện U30 Việt đi tu như… đi nghỉ và cưới nhau trong chùa
29/02/2012 10:59 (GMT+7)




Lê Tú Minh đã tới thiền viện Viên Chiếu (Đồng Nai) hơn một lần để tu tập. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Một ngày đẹp trời đầu tháng Tám, nhà báo Hà Tùng Long, sinh năm 1984, gọi điện phấn khởi báo với mẹ: “Mẹ ơi, con đi tu rồi. Đang ở chùa.” Mẹ, hốt hoảng: “Ơ thế không lấy vợ nữa à? Đi tu là thôi rồi đấy à? Không về nhà nữa à?”. Long: “Mẹ yên tâm, 3 ngày nữa con sẽ hoàn tục…”. Mẹ: “Làm mẹ hết cả hồn!”.

Đó là lần đầu tiên Hà Tùng Long đi tu, và tất nhiên đã có lần tiếp theo ngay trong tháng đó. Nhìn vẻ ngoài sành điệu, chuyên kết giao với các ngôi sao làng giải trí, ít ai ngờ Long lại có sở thích tu tập. Anh là một trong số hàng trăm bạn trẻ ở Hà Nội đang háo hức đến với các khóa tu.

Không thoải mái, vẫn muốn đi tu

Một khóa tu thường kéo dài 3-5 ngày. Các tu sinh phải tuân thủ một thời gian biểu tất nhiên không giống ngày thường. Độ 4 giờ sáng, tu sinh sẽ đồng loạt thức giấc bởi tiếng chuông nhẹ. Sau đó ngồi thiền trong khoảng 1 tiếng, cũng có thể là “đi thiền”- vừa đi vừa niệm chú quanh khuôn viên chùa. Thiền xong tỏa đi làm các công việc tự giác hoặc theo phân công: dọn dẹp, phụ bếp…

Sau bữa sáng diễn ra trong vòng nửa tiếng, tất cả tập trung ở tổ đường vào lúc 6 rưỡi nghe giảng pháp. Tầm 9-10 giờ, tu sinh có thời gian tự do, có thể tâm sự riêng (gọi là vấn an) với các thầy, hoặc vào thư viện đọc sách, đi dạo… tùy ý.

Ăn trưa, nghỉ trưa xong, đầu giờ chiều là buổi thảo luận chung với các thầy về một chủ đề nhất định. Tối ăn nhẹ (người tu hành thường bỏ qua bữa tối)- cháo hoặc chè. Sáu rưỡi tối tập trung ở tổ đường tụng kinh Sám hối (đồng thanh đọc cùng các thầy). Sau đó ngồi thiền, và đi ngủ vào quãng 9h tối.

Ăn trong chùa, gọi là thọ trai, tức là bỏ tất cả đồ ăn (chay, tất nhiên) vào một bát. Trước khi ăn có niệm chú. Khi ăn phải chú mục vào bát của mình, không nói chuyện. Thường thì chùa không đủ phòng nghỉ cho một lúc 3-4 trăm tu sinh, nên phải tận dụng cả giảng đường hoặc tổ đường làm nơi nghỉ. Đồ dùng cá nhân có nơi gửi. Sáng dậy, việc đầu tiên, tu sinh đi lấy đồ để làm vệ sinh cá nhân.

Có 2 loại trang phục để mặc trong chùa: Áo pháp (giống áo dài, màu lam) bắt buộc khi lên tổ đường, áo La hán hay áo vạt thò (ngắn hơn áo pháp, màu nâu, lam) cho các sinh hoạt khác. Trong thời gian tu hạn chế dùng đồ điện tử, có khóa tu giữ điện thoại di động của tu sinh trong suốt thời gian tu tập.

Trong vòng một tháng hè, Trần Thị Thúy, sinh năm 1990 ở Đông Anh (Hà Nội) tham gia liền 3 khóa tu, trong đó có 2 khóa nối liền nhau. Khi “hoàn gia”, chắc trông cô có vẻ phờ phạc nên chị họ phản ảnh với bố mẹ Thúy: “Chú thím nghĩ gì cứ cho em đi thế này. Giải quyết được gì không, mà về người không ra người…”. “Bố mẹ em cố gắng giải thích nhưng chị ấy không hiểu”, Thúy kể.

Cậu bạn thân từ hồi cấp III của Thúy cũng đặt vấn đề: “Đi tu có gì mà ham thế?!”. Thúy nói với bạn: “Chả có gì! Vào đấy ăn cơm chay không thịt thà gì rồi, cũng không được thoải mái như ở ngoài, nhưng tớ vẫn muốn đi. Vào đấy tớ tìm được sự yên tĩnh, thoải mái”.

Cưới nhau trong chùa

Đầu tiên không biết ở Hà Nội cũng có khóa tu, Thúy định rủ bạn vào tận chùa Hoằng Pháp ở TPHCM tu tập. Được một người bạn thông báo về khóa tu đầu tiên của chùa Bằng (Hoàng Mai, Hà Nội) dành cho các bạn trẻ mang tên Tìm lại chính mình, Thúy rủ một cô bạn cùng lớp cấp III tham gia. Đến khóa tu Báo hiếu mùa Vu Lan cũng ở chùa Bằng, cô có 2 bạn đi cùng.

Hà Tùng Long đi tu lần 2 gặp gặp lại 4-5 bạn từng tu cùng anh ở khóa trước. “Chúng tôi cùng thấy khóa tu thứ nhất mang lại nhiều hứng thú quá, khiến bản thân có nhiều thay đổi nên muốn tham gia tiếp,” Long nói.

Cùng tu tập với Long có cả những người đã lập gia đình, có chị mang theo cả con trai 8 tuổi. Một anh vợ mới sinh con vẫn tranh thủ đi tu, có điều cứ đến tối lại xin phép về với gia đình. Sau khi cùng dự tu, nhiều người trở thành bạn bè. Một vài người (có thể là bạn bè từ trước) trở thành vợ chồng và làm lễ cưới trong chùa theo nghi thức Phật giáo, gọi là lễ Hằng thuận. Lác đác người chuyển sang đi tu hẳn.

Không phải vị phụ huynh nào cũng ủng hộ con cái đi tu, dù chỉ là thỉnh thoảng. Nữ kiến trúc sư Lê Tú Minh (pháp danh Chơn Phước Đức) tâm sự: “Gia đình tôi không ủng hộ. Đấy cũng là một thiệt thòi. Nhưng đến lúc lực mình mạnh, mình sẽ thuyết phục được mọi người…”.

Thuyết phục bằng hành động, bằng chính đời sống ngày một tốt lên của mình là cách của Minh. Tuy nhiên, cô cũng công nhận cách hiệu quả nhất để thuyết phục gia đình là… lấy một người chồng tốt.

Tham gia khóa tu, thấy một số bạn sinh viên được chùa cho ở nhờ, Thúy lấy làm tâm đắc và đang vận động bố mẹ cho vào chùa ở. Cô chưa dám nói với bố, còn mẹ cô cũng chưa có ý kiến chính thức. Thúy không lo chuyện nhớ nhà lắm vì cô định chuyển sang ở chùa gần nhà.

Người thứ hai cô chia sẻ về ý định ở chùa là bạn cùng phòng trọ, nhưng bạn có vẻ không đồng tình lắm, chỉ bảo: “Mày lúc nào cũng chùa chiền.” Theo Thúy: “Vào chùa các thầy cũng dạy cho mình nên người, biết lẽ phải. Thế em mới thích chứ!”

Trần Thị Thúy (đứng thứ hai hàng thứ hai từ phải sang) dự khóa tu ở chùa Bằng.

Thay đổi

Cuộc sống trước khi tham gia tu tập của Trần Thị Thúy hẳn không có gì đáng phàn nàn. Thậm chí ở nhà cô không biết đến những việc như đi chợ, nấu cơm, giặt quần áo, vì bố mẹ lo hết. “Em tuy ở nhà quê nhưng không thiếu thốn một cái gì, không bất mãn với một cái gì, không có gì khiến mình phải thất vọng”, Thúy khẳng định.

Nhân dịp nghỉ hè, hầu như ngày nào Thúy cũng tụ tập bạn bè đi ăn nhà hàng, hát karaoke- mỗi lần cũng hết đôi triệu, gặp dịp sinh nhật bạn bè, tiền quà có khi cũng đến gần triệu nữa. Thúy nói: “Em chưa làm ra tiền, thỉnh thoảng bố mẹ cho đồng nào cũng tích cóp đi nhậu nhẹt thế. Bạn em toàn đi làm hết, đi chơi không bao giờ lo nghĩ đến tiền”. Mới đây, cô cùng mấy anh chị em trong nhà đi nghỉ ở biển. Chuyến đi 3-4 ngày tốn hơn 50 triệu.

Thúy kể chuyện ăn chơi với thầy ở chùa làng cô. Thầy hỏi: “Con đi hết nhiều tiền như thế mà con cũng không cảm thấy vui?” Thúy công nhận, tiếng là đi nghỉ mát nhưng ra đấy cô cũng không tìm thấy sự yên tĩnh, còn mệt mỏi thêm. Thầy: “Giá như số tiền ấy con công đức vào chùa thì nó sẽ làm được bao nhiêu việc, bao nhiêu phước”. Câu nói của thầy làm Thúy Anh nghĩ bao nhiêu đêm. “Giờ mới hiểu ra mình quá hoang phí, trong khi bố mẹ vất vả làm ăn nuôi mình ăn học”, cô nói.

Hà Tùng Long cùng bạn tu ở chùa Bằng.

Hà Tùng Long dự tu ban đầu do tò mò, ham vui, thích sinh hoạt cộng đồng. Xong khóa đầu tiên, Long mới gật gù: Hóa ra, con người mình còn có thể thay đổi được. Đó cũng là lần đầu tiên, Long được tập ngồi thiền thật, trước đó anh chỉ ngồi theo kiểu bắt chước. “Ngồi thiền đòi hỏi hướng mọi tư duy về một ý nghĩ duy nhất, loại bỏ mọi buồn phiền đời thường. Qua 3 ngày, mình cảm thấy rõ ràng nhẹ nhàng thoải mái hơn, và muốn được hòa trong không khí đấy nhiều hơn nữa”. Ra chùa, Long bắt đầu kiếm sách thiền về nghiên cứu.

Trong lịch hoạt động thường ngày của Lê Tú Minh có thiền và cả đọc kinh. Cô đặc biệt ưa thích Bát Nhã Mật đa tam kinh. Minh cho rằng mình có duyên với kinh này, đọc vài lần thuộc ngay. Minh đã trải qua hơn chục khóa tu trong thời gian 2007-2009. Cô từng tu tập tại hầu hết các thiền viện ở phía Bắc, đến cả thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt hay Viên Chiếu ở Đồng Nai.

Không đợi tổ chức khóa tu, Minh cùng vài người bạn cùng sở thích vẫn rủ nhau nghỉ phép ở thiền viện, năm có khi 4-5 lần, thỏa mãn cả sở thích du lịch lẫn tâm linh. Giờ đây, Minh tu tại gia là chính. Cô cho hay: “Chưa biết năm 60 tuổi, tôi có xuất gia hay không, nhưng quan điểm hiện nay của tôi khi đến với đạo Phật là chỉ muốn cho phần đời sống bình thường của mình tốt đẹp hơn, tỉnh thức hơn”.

Có cả những người đã lập gia đình, có chị mang theo cả con trai 8 tuổi. Một anh vợ mới sinh con vẫn tranh thủ đi tu, có điều cứ đến tối lại xin phép về với gia đình. Sau khi cùng dự tu, nhiều người trở thành bạn bè. Một vài người (có thể là bạn bè từ trước) trở thành vợ chồng và làm lễ cưới trong chùa theo nghi thức Phật giáo, gọi là lễ Hằng thuận. Lác đác người chuyển sang đi tu hẳn.

Các tin đã đăng:
Về đầu trang