dơi ngựa Thái Lan chỉ còn khoảng 1.000 cá thể
và dơi ngựa lớn còn không tới 20 cá thể. Nguyên nhân nào khiến đàn dơi
suy giảm nghiêm trọng đến vậy?
Khách du lịch đến Sóc Trăng ai cũng muốn ghé lại chùa Mahatup để ngắm...
dơi. Người mới đến lần đầu sẽ rất ngạc nhiên trước cảnh tượng những
con dơi treo mình lủng lẳng trên cây trong khuôn viên chùa. Người đã
đến vài lần thì thở dài, không hiểu vì sao đàn dơi ngày một ít đi, thưa
dần.
Dẫn chúng tôi xem dơi, Phó Đại đức Lâm Tú Linh ngậm ngùi: Đã thành
quy luật, chiều tối dơi tản đi kiếm ăn, gần sáng mới bay về chùa. Dơi
bị mất nhiều vì người ta tìm đủ mọi cách để săn bắt, mà nhà chùa không
biết làm sao ngăn chặn. Dơi kiếm ăn trong bán kính vài chục cây số, có
thể người săn dơi họ quan sát hướng dơi bay, đoán định khu vực rồi đặt
lưới bẫy.
Đàn dơi ngựa sống trong khuôn viên chùa Mahatup ngày một thưa thớt do nạn săn bắt trái phép.
Theo Phó Đại đức Lâm Tú Linh, chùa Mahatup được công nhận di tích
lịch sử - văn hóa quốc gia năm 1999. Cũng năm đó, UBND tỉnh Sóc Trăng
đã ban hành quyết định nghiêm cấm săn bắt, tiêu thụ dơi quạ trên địa
bàn tỉnh, nhờ vậy mà tình trạng kẻ xấu lẻn vào tận chùa dùng súng bắn
dơi không còn nữa.
Tuy nhiên, khi dơi rời khỏi chùa đi tìm mồi và vướng vào bẫy mai
phục thì vô phương phát hiện. Chỉ một lần duy nhất vào năm 2009, công
an thị xã (nay là TP. Sóc Trăng) bắt được 2 đối tượng săn bắt dơi trái
phép, tịch thu và thả về chùa 7 con dơi ngựa lớn.
Người rất có “duyên”, hiểu rõ đàn dơi ở chùa Mahatup là nghệ sĩ nhiếp
ảnh Hứa Tấn Hưng. Anh Hưng làm thợ chụp ảnh cho khách du lịch ở ngôi
chùa này từ năm 1994.
Một buổi chiều của năm 1996, bỗng dưng hàng ngàn con dơi đập cánh bay
lượn vòng quanh trên nóc tòa chánh điện. Trong khoảnh khắc, anh Hưng
chụp được đúng 3 bức ảnh (bằng máy ảnh sử dụng phim). Những bức ảnh ấy
đã trở thành biểu tượng của chùa Mahatup, của đất Sóc Trăng.
Vậy mà lúc này anh Hưng thở dài: Bây giờ nằm mơ cũng không thấy lại
cảnh dơi bay rợp trời như xưa. Tôi buồn vô cùng vì đàn dơi ngày một ít
dần. Nhiều buổi chiều vác máy ảnh vào chùa cứ ngồi thẫn thờ, nhìn những
cánh dơi lẻ tẻ bay đi tìm mồi mà xót xa không cầm lòng được.
Chùa Mahatup thời “hoàng kim” của dơi ngựa
(chụp lại từ một bức ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hứa Tấn Hưng).
Anh Hưng bảo những tháng cuối năm là mùa dơi giao phối, tháng tư dơi
đẻ con. Mỗi dơi mẹ chỉ đẻ duy nhất một dơi con. Dơi mẹ thường “ôm” con
từ 2 – 3 tháng, đúng lúc mùa cây trái chín rộ. Dơi mẹ cần ăn trái cây
nhiều để lấy sữa nuôi con, biết được tập tính này, những tay săn dơi
thường chọn những vùng cây trái giăng bẫy. Vậy là dơi bị chơi một “cú
đúp”, số lượng loài bị suy giảm rất nhanh.
Tại sao người ta ráo riết săn bắt dơi?
Qua tìm hiểu thực tế tại địa bàn TP. Sóc Trăng, chúng tôi được biết
nơi đây có ít nhất 4 điểm kinh doanh “đặc sản” dơi quạ. Dĩ nhiên, họ
chỉ bán cho khách quen hoặc người quen giới thiệu.
Anh C.L, một “thổ địa” ở TP. Sóc Trăng cho biết: Giá 1 con dơi Thái
Lan (khoảng 0,5 kg) giá từ 450.000 đến 500.000 đồng; dơi ngựa lớn (1kg
trở lên) giá từ 750.000 đến 800.000 đồng/con.
Mức giá hấp dẫn này đã khiến nhiều người tìm mọi cách săn bắt dơi.
Thực tế đã hình thành cả một đường dây ngầm cung cấp dơi quạ cho các
nhà hàng, quán ăn và khách có nhu cầu trong và ngoài tỉnh.
Không ít nhà hàng, quán ăn bất chấp lệnh cấm vẫn âm thầm bán các món
ăn được chế biến từ dơi quạ như: Cháo dơi, rượu huyết dơi, dơi quạ
rô-ti... Giá cả tính theo trọng lượng, cứ 1kg dơi có giá 1,2 triệu đồng
(chưa tính tiền chế biến). Một số cán bộ, công chức vẫn xem đây là món
đặc sản để giới thiệu với khách.
Chính điện Chùa Dơi.
Một cán bộ của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng nói với chúng tôi,
trong 3 năm trở lại đây, lực lượng kiểm lâm Sóc Trăng không phát hiện
được bất cứ một trường hợp vận chuyển, mua bán, săn bắt dơi ngựa nào
trên địa bàn. Có thể ở đâu đó, người dân vẫn còn săn bắt dơi ngựa; một
số nhà hàng, quán ăn vẫn lén lút kinh doanh thịt dơi ngựa. Do lực lượng
pháp chế cơ động của kiểm lâm rất mỏng nên khó kiểm soát hết.
Rõ ràng tình trạng săn bắt, tiêu thụ dơi ngựa trái phép trên địa bàn
tỉnh Sóc Trăng đã và đang tồn tại, trở nên rất khó ngăn chặn. Để bảo vệ
đàn dơi trước nguy cơ bị tuyệt chủng, chúng tôi đề nghị các lực lượng
chức năng địa phương phạt thật nặng những người vi phạm quyết định cấm
săn bắt, tiêu thụ dơi và có biện pháp nghiêm khắc hơn nữa đối với những
quán ăn, nhà hàng vi phạm; đặc biệt là những cán bộ, công chức xem dơi
quạ là món ăn “đặc sản” để tiếp đãi khách quý.
Theo các chuyên gia của Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật Việt
Nam, dơi ngựa là loài lớn nhất trong họ dơi quạ Pteropodidae và thuộc
bộ dơi Chiroptera. Trên thế giới, dợi ngựa lớn (Pteropus vampyrus) và
dơi ngựa Thái Lan (Pteropus lylei) có mặt ở các nước Indonesia,
Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Dơi ngựa Thái Lan có trọng lượng trừ
400g đến 0,5kg/con, dơi ngựa lớn từ 600g đến 1,1kg/con. Hai loài dơi
này đã được ghi trong phụ lục II của Công ước CITES trừ năm 1989.
CITES (Conversion on International Trade din Endangered Species of
Wild Fauna and Flora) là công ước về cấm buôn bán quốc tế các loài
động, thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng. Ngày 15-1-1994, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 121 tham gia công ước này.
|
Theo Hồng Bỉnh Hiếu - QĐND