Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Đạo đức tình dục Phật giáo.
30/08/2010 09:07 (GMT+7)

Trong lĩnh vực này, truyền thống của chúng ta ít đề cập hơn so với những truyền thống khác, và điều này có thể để lại cho người mới nhập đạo sự phân vân, rằng Phật giáo có nói gì về đề tài này hay không. Thực tế, Phật giáo nói một cách xác quyết. Trong khi mở rộng đề tài, tôi sẽ nêu bật những câu hỏi đó mà chúng liên quan đến những vấn đề được đề xuất bởi những phong trào giải phóng khác nhau - phong trào phụ nữ, những người đồng tính, và những người mang giới tính thiểu số. Tôi không nghĩ là tôi vượt xa mục tiêu khi nói rằng tất cả những phong trào này, bất kể những gì hiện diện xung quanh, đang chiến đấu chống lại những hình thức định kiến khác nhau, và chống lại bạo lực và xúc phạm được đặt cơ sở trên những định kiến này.

Những định kiến chống lại phụ nữ và chống lại những người có giới tính thiểu số luôn được gia cố bằng một vài đặc điểm chuẩn của tâm lý học xã hội, chẳng hạn như tính bất dung, sự khác biệt và tính luôn thiếu an toàn vững chắc của những người xem mình là “bình thường” nhưng không hoàn toàn chắc chắn. Tuy nhiên, phần quan trọng là những hình thức định kiến, những kiểu cách ngăn cản và đàn áp khác nhau liên quan đến trào lưu chính thống tôn giáo hữu thần.

Giống như tất cả mọi tôn giáo, Phật giáo có một quan điểm đạo đức rõ ràng trong những vấn đề con người và có thái độ cụ thể đối với cách hành xử tình dục. Hệ thống chung nhất của đạo đức học Phật giáo là năm giới:

1. Không làm hại chúng sinh / thực hành lòng từ bi.

2. Không lấy vật không cho / thực hành bố thí.

3. Không phạm tà hạnh / thực hành sự thỏa mãn.

4. Không nói dối / thực hành nói lời chân thật.

5. Không dùng những chất gây say / thực hành chánh niệm.

Những giới này mang hình thức tự nguyện, những cam kết cá nhân. Chúng không phải là những điều răn; không có Thượng đế trong Phật giáo, vì vậy không ai ra lệnh cho ai.

Các giới biểu đạt những nguyên tắc cơ bản hơn là những luật lệ cố định, phải tuân thủ một cách tuyệt đối. Như mọi hệ thống đạo đức không thuộc trào lưu chính thống, Phật giáo cung cấp cho chúng ta những nguyên tắc hướng dẫn phổ quát trong khi không khiến chúng ta vơi giảm đi bổn phận thực hiện những suy xét đạo đức thích hợp trong mỗi tình huống mang ý nghĩa đạo đức mà chúng ta gặp phải. Suy xét đạo đức thì không bao giờ là vấn đề áp dụng mù quáng một luật lệ.

Năm giới cấu thành một tập hợp nhất thể - mỗi giới hỗ trợ các giới còn lại. Để biết “tà hạnh” có nghĩa là gì thì bạn hãy nhìn vào những giới khác. “Tà hạnh”, có nghĩa là bất kỳ hành vi tình dục nào dính dáng đến bạo lực, chèo kéo hay lừa gạt - hành vi mà theo đó đưa đến khổ đau phiền muộn. Ngược lại, hành vi tình dục đúng đắn được đặt trên cơ sở của lòng từ bi, sự rộng lượng, trung thực, và tâm thức trong sáng - hành vi mà nó nhận được những kết quả tốt đẹp.

Giới thứ ba về tà hạnh là hoàn toàn không cần thiết, nếu trong đời sống tình dục, chúng ta hành động không bạo lực, không chiếm đoạt những gì không tự nguyện hiến dâng, không lừa gạt và không hành động vì những trạng thái tâm thức dối trá và tắc trách. Hoạt động tình dục là một sinh năng hết sức mạnh mẽ, tập trung nhiều vào lòng khao khát, tưởng tượng và ảo giác. Nó có nguyên tắc của riêng nó! Nếu chúng ta có xu hướng biến mình thành những kẻ khờ dại, hành động một cách xuẩn ngốc và phá hoại - và tất cả chúng ta có khuynh hướng này - thì như vậy chúng ta có khả năng thể hiện xu hướng đó trong đời sống tình dục của mình. Ngược lại, mỗi chúng ta cũng có khuynh hướng tương phản, hành động vì lòng thân thiện, rộng lượng và trí tuệ. Với rèn luyện đạo đức và thiền định, đời sống tình dục của chúng ta cũng có thể biểu lộ một cách mạnh mẽ khuynh hướng này. Do đó giới thứ ba biểu lộ một đạo đức tình dục vững chắc.

Chúng ta hãy nhìn tinh thần của các giới như là một tổng thể trước khi trở lại vấn đề giới tính. Giải thoát là hứa hẹn tối hậu của thực hành Phật giáo - của việc rèn luyện đạo đức (giới) cũng như hai vấn đề tu tập quan trọng khác, thiền định và trí tuệ. Giải thoát có nghĩa là thoát ra khỏi những ám ảnh trói buộc, những cưỡng bách và những cản ngăn trạng thái tâm lý của chúng ta, và vì vậy tự giải phóng bản thân để ứng phó một cách hợp lý trong mọi tình huống. Thông thường, giải thoát mang lấy hình thức tiết chế, khả năng từ chối sự cưỡng bách do thói quen hay vì được tin là đúng, sự tham muốn, khuôn mẫu hay sự lệ thuộc. Đôi khi giải thoát mang lấy hình thức chấp nhận, một sự chấp nhận gạt bỏ những sợ hãi do thói quen và vì được tin là đúng, những định kiến và những cản trở.

Chúng ta có thể xem tha nhân và những yếu tố khác của môi trường chúng ta như là những đối tượng cho sự tính toán, khai thác và tiêu dùng của mình, nhưng chúng ta cũng có thể xem người khác như chính bản thân mình. Tất cả những tôn giáo lớn ít nhiều tiêu biểu cho đạo đức học thuộc vế sau này (như “quy tắc chuẩn mực” của Cơ-đốc giáo: “đối xử với người như anh mong họ đối xử với anh”). Phật giáo thực hành điều như vậy trong một thể thức rõ ràng. Các giới là một sự rèn luyện để thương mình và thương người, được biểu đạt bằng mục đích hành động thiện xảo để chúng ta được hoàn toàn giải thoát. Nhưng giải thoát điều gì và để làm gì? Bằng những thuật ngữ Phật học truyền thống, giải thoát khỏi những câu thúc, khổ đau, gây hại và sân hận, và giải thoát để nhận lấy trách nhiệm vì hạnh phúc của chính mình và mang lại hạnh phúc cho kẻ khác.

Vì thế xin quay trở lại giới thứ ba. Trong Ấn Độ cổ đại, giới ở trong hình thức phủ định của nó được hiểu theo quy ước như là một mệnh lệnh chống lại sự lừa gạt, cướp đoạt và ngoại tình. Nó luôn mang lấy hàm ý phụ rằng chúng ta cần thực hiện đúng những cam kết tình dục của chúng ta. Nếu chúng ta phát nguyện sống độc thân thì chúng ta nên tránh những sinh hoạt tình dục. Nếu chúng ta đã cam kết mối quan hệ một vợ một chồng thì chúng ta chỉ nên sinh hoạt tình dục bên trong mối quan hệ đó. Khác như vậy sẽ là lừa dối.

Nhưng ranh giới của giới luật, đặc biệt ngày hôm nay, thì hiển nhiên rộng hơn nhiều và bao trùm lên những hành vi xâm phạm mà phong trào phụ nữ trong số những phong trào khác đã chính trị hóa. Một ví dụ quan trọng là quấy rối tình dục, do vì thịnh hành ngày hôm nay khi phụ nữ và nam giới chia sẻ một không gian chung - nơi làm việc, các trường đại học v.v… Ở nơi những mối quan hệ quyền lực thịnh hành, thì những mối quan hệ quyền lực chính chúng cũng mang một phần giới tính, và những cơ hội, sự cổ vũ văn hóa đối với sự lạm dụng là có mặt khắp nơi. Trong số những vấn đề khác, việc quấy rối tình dục là đang gây hại và dính dáng đến cướp đoạt, được đặt cơ sở trên tính tự phụ cố hữu - và ảo tưởng - nơi người nam quy định giá trị tình dục thủy chung của phụ nữ.

Cưỡng dâm trong kết hôn là điều tương tự cần chú ý. Sách báo khiêu dâm bạo hành và thù ghét phụ nữ tạo ra một môi trường thù địch, nguy hiểm cho phụ nữ và gây nên những trạng thái tâm đồi bại và điên loạn trong người đàn ông, bao gồm những ảo giác về bản chất phụ nữ và điều họ muốn. Vì thế cả hai giới đều chịu khổ hại. Việc xuất bản hay sử dụng sách báo khiêu dâm mà nó khơi gợi sự hèn kém của phụ nữ như vậy rõ ràng vi phạm giới thứ ba.

Tôn giáo dân tộc và công trình xã hội

Trong chừng mực bài viết này, tôi không nghĩ Phật giáo trong thực tế đi đến những kết luận khác nhau một cách kinh ngạc về hành vi tình dục so với những kết luận giải thích có cân nhắc của những tôn giáo lớn khác. Các tôn giáo khác cũng có danh mục, những thực hành tình dục bị cấm đoán. Một số người phản đối tranh tượng khỏa thân một phần hay toàn bộ, hoặc phản đối thủ dâm, hoặc ăn mặc ngược giới tính, hoặc ác-thống dâm (sự kết hợp của ác dâm và thông dâm trong một con người), hoặc đồng tính luyến ái, hoặc bái vật giao, hoặc tình dục trước hôn nhân, hoặc khẩu dâm, hoặc tình dục nhóm, hoặc tình dục ngừa thai… Phật giáo được biết thường đưa những điểm thực hành và học thuyết vào trong những danh mục. Vậy thì danh mục thực hành tình dục thông tục của Phật giáo ở đâu?

Câu trả lời là ngắn gọn: Phật giáo không có một danh mục. Lý do Phật giáo không có một danh mục là có ý nghĩa. Có hai “loại” tôn giáo thuần túy - những tôn giáo dân tộc và những tôn giáo hoàn vũ. Tôn giáo dân tộc tìm kiếm điều chỉnh nhiều khía cạnh công dân của một tộc hay loại người cụ thể, và đặc biệt để điều chỉnh sự sinh sản sinh học và văn hóa của bộ tộc. Do vậy nó quy định tất cả mọi loại luật lệ liên quan đến hôn nhân, gia đình, vai trò giới tính, nuôi dưỡng giáo dục trẻ em v.v… Do Thái giáo có thể đại diện hợp lý như là một ví dụ vi tế về một tôn giáo dân tộc. Một tôn giáo hoàn vũ, ngược lại, thì không chú trọng đến đời sống công dân dân tộc, siêu việt chủ nghĩa đặc thù văn hóa, và đứng tách rời những vấn đề liên quan đến việc sinh sản của bộ tộc. Người ta bẩm sinh là thuộc về một tôn giáo dân tộc, nhưng lối đi chân thật duy nhất theo một tôn giáo hoàn vũ như Phật giáo là bằng việc cải đổi cá nhân. Bạn có thể cải đạo sang một tôn giáo hoàn vũ từ bất cứ điểm khởi xuất dân tộc nào.

Bất kỳ tôn giáo dân tộc nào cũng đều chứa đựng điều mà chúng ta có thể gọi - trong hình thức thế tục hiện đại - một yếu tố công trình xã hội. Những kỹ sư xã hội, cả những tu sĩ lẫn thế tục, thực hiện công việc của họ là quy định những mối liên hệ giữa các giới tính để cho nhiều trẻ em ra đời tái tạo và thậm chí phát triển bộ tộc, và để thấy rằng những trẻ em được chăm sóc và được xếp đặt một cách đúng đắn vào trong những tập tục và vai trò truyền thống (giống loài và những thứ khác) của bộ tộc. Những kỹ sư xã hội muốn uốn nắn con người để những sinh năng tình dục của họ được chuyển thành việc tạo nên em bé, và không hoang phí vào hoạt động tình dục vô sinh (điều ngày hôm nay phương tiện truyền thông gọi là “tình dục tiêu khiển”). Một công trình xã hội Thượng đế hay nhà nước có khuynh hướng ban bố những luật lệ mà chúng kết tội, sỉ nhục và bệnh lý hóa tình dục vô sinh.

Ví dụ, Cơ-đốc giáo là một tôn giáo hoàn vũ trong kinh Tân ước, nhưng đã gắn liền với nó nhiều yếu tố công trình xã hội của một tôn giáo dân tộc bao hàm bên trong Cựu ước, mà nó ghê tởm những hoạt động vô sinh như tội thông dâm, thủ dâm, quan hệ đồng tính và v.v... Vì thế Cơ-đốc giáo đưa ra một viễn cảnh chia rẽ. Một vài người theo Cựu ước đảm nhận công việc như là những người phê bình mọi thứ tình dục vô sinh, những lạc thú của nó và những người hành nghề. Nhưng đồng thời những nhà lãnh đạo Cơ-đốc giáo khác lại sống công khai trong những mối quan hệ đồng tính và can đảm phất lên lá cờ khoan dung. Phật giáo là trường hợp tôn giáo hoàn vũ duy nhất không có yếu tố công trình xã hội. Đến mức nó không có cả nghi thức kết hôn. Kết hôn là một vấn đề dân sự ở trong những quốc gia Phật giáo, đúng nghĩa không có dính dáng gì đến việc thực hành tâm linh. Kinh điển Phật giáo không nói đến một “gia đình thiêng liêng” với những vai trò tình dục được quy định mà chúng làm giảm đi vị trí nữ giới.

Nếu chúng ta muốn kết hôn ở một quốc gia Phật giáo, những chính quyền dân sự sẽ quy định lễ cưới hợp với nghi thức. Sau đó cô dâu chú rễ có thể đi, như nhiều người thực hiện, đến một tu sĩ xin ban phúc cho mình, mà nó thường gồm có một lời khuyên về cách thức tác thành nên một cuộc hôn nhân thực sự có kết quả. Ajahn Chah, một thiền sư Phật giáo vĩ đại của Thái Lan hiện đại, đã cho phép nhiều người mới lập gia đình đến tu viện của ông vì mục đích này. Ông nói với họ: “Con đã đưa bàn tay của mình vào hôn nhân. Tay của con có năm ngón. Hãy nghĩ về chúng như nghĩ về năm giới. Hãy thực hành năm giới trong hôn nhân của con, và đó sẽ là một điều hạnh phúc. Đó là tất cả những gì con cần”.

Đức Phật không những không khiển trách tình dục vô sinh (do đó không có danh mục cấm đoán), mà còn hóa độ hàng ngàn người xuất gia thọ giới sống đời tu sĩ độc thân và vì vậy hoàn toàn bỏ lại phía sau sự sinh sản. Điều này không phải vì Ngài phản đối tình dục hay trẻ em, nhưng ở trong một thời đại khi một người lập gia đình thường có nhiều con cái, phải lo cái ăn cái mặc và nhà cửa cho chúng nên có rất ít tự do hay thời gian cho việc theo đuổi đời sống tâm linh; đời sống độc thân như vậy đã mang lại nhiều ý nghĩa thực tiễn cho nhiều người với sự thúc đẩy tâm linh.

Phật giáo và Lòng khoan dung

Phật giáo không hề chống lại tình dục. Thực hành khéo léo theo tinh thần các giới thì tình dục có thể mang lại nhiều hạnh phúc. Như một trong những thiền sư mà tôi kính mến đã tóm tắt, không có gì không ổn trong việc khiêu vũ thư thái với những ham muốn của bạn, chỉ cần cả hai có thể nghe nhạc và con tim rộng mở hoàn toàn. Sự thật, tôi nghĩ Phật giáo chắc chắn có thể cải thiện đời sống tình dục của chúng ta bằng việc tu tập thiền định, nơi chúng ta học kỹ năng chánh niệm cốt tủy - kỹ năng giữ lấy con tim, tâm và thân vào một nơi tại một thời điểm.

Những năm qua, tôi có biết đến một vài trung tâm Pháp thoại bằng tiếng Anh ở những quốc gia Tây phương, và tôi ấn tượng bởi sự hiện diện của những người đồng tính ở đó. Trong khi vẫn giữ lấy truyền thống, giới tính của họ không phải là một vấn đề và khía cạnh đồng nhất tính này của họ được xác nhận một cách minh bạch như bất cứ những ai khác. Cấu trúc ham muốn nhục dục của mọi người chỉ có một, và khi chúng ta bỏ lại những suy xét công trình xã hội phía sau, thì không có lý do xác đáng để đặt một cấu trúc ham muốn lên trên những thứ khác, chỉ cần tất cả có thể được sống trong tinh thần giới luật.

Thái độ thích hợp của Phật giáo đối với những người có giới tính thiểu số khác cũng thật sự giống như vậy. Tôi đã kiểm nghiệm điều này bằng việc viếng thăm trang web của Salon Kitty, một sự thiết lập địa phương đầy kén chọn mà nó mô tả bản thân như là “một trong những ngôi nhà BDSM hàng đầu thế giới. BDSM viết tắt của bondage (sự câu thúc), discipline (kỷ luật) và sado-masochism (ác-thông dâm). Trên thanh công cụ chính của Salon Kitty là một tuyên bố đạo đức, mà bổn phận quan tâm và trách nhiệm toàn diện là “người ưu thế” công nhận “người tùng phục”, nhất là xung quanh vấn đề chấp nhận cốt yếu hiển nhiên. Tuyên bố đạo đức phần nào nói: Bao hàm trong sự chấp nhận là trách nhiệm của người có ưu thế trong mọi tình cảnh BDSM để giám sát hạnh phúc của người tùng phục, để bảo đảm rằng người tùng phục được ổn định và rằng sự chấp nhận vẫn có hiệu lực…

Trách nhiệm của người ưu thế cũng đảm bảo rằng người tùng phục có quyền không chấp nhận một hành động mà nó không đưa đến những lợi ích lâu dài và tốt đẹp nhất cho vị ấy. Cũng không có tiệc tùng xả láng rượu mạnh hay thuốc phiện vì điều này có thể làm suy yếu sự suy xét…

Do đó phát biểu đạo đức phải bắt đầu lại: Để có được những khả năng mà thế giới BDSM đưa ra, chúng ta trước hết phải nhận ra lòng tôn trọng và chân thật của chính mình và người khác. Những yếu tố của năm giới là ở đó, kể cả giới cuối cùng. Trên cơ sở của lời tuyên bố này, chúng ta có thể kết luận rằng Salon Kitty đến gần với Pháp (Dhamma) hơn là người theo trào lưu chính thống, những người phá đám công trình xã hội của những giáo phái tôn giáo khác nhau.

Kết luận

Phật giáo có một đạo đức tình dục mạnh mẽ, nhưng không phải là một thứ đạo đức đàn áp. Điểm chính của đạo đức này là không làm hại trong phạm vi đời sống, nơi chúng ta có thể gây ra nhiều thiệt hại bằng hành động bạo lực, mánh khóe hay dối trá. Những thứ này và những vi phạm các quy tắc khác - ác tâm, lấy của không cho, nói dối và mê mờ - là những ngăn cấm của Phật giáo trong thực hành tình dục. Bởi vì đặc tính phổ quát của nó, Phật giáo như vậy chắc chắn không mua lấy những định kiến và cản ngăn liên quan đến công trình xã hội, sự sinh sản bộ tộc.

Tất nhiên, người ta có thể gặp phải những Phật tử từ những nền tảng truyền thống chống lại vấn đề tình dục vô sinh như đồng tính luyến ái, và thật sự là chúng ta rơi vào những điều mà chúng vẫn bị thách thức bởi vấn đề bình đẳng giới. Nhưng loại ngăn cản hay định kiến này chỉ đến từ một nền văn hóa bộ tộc hay truyền thống dân tộc cụ thể. Bạn có thể nói một cách tự tin rằng, bất cứ ai biểu lộ những loại thái độ này thì người ấy không thực hành Pháp đúng nghĩa.

Đồng thời mỗi chúng ta cần phải tập luyện một sự suy xét cá nhân, xem chúng ta nên dành bao nhiêu sức lực và thời gian cho chuyện tình dục, cho dù có khéo léo trong việc thực hành tình dục của mình. Thứ tự những điều ưu tiên mà chúng ta phải áp dụng vào cuộc sống bận rộn của mình được xếp vào nơi đâu khi hầu hết chúng ta đang tranh kiếm thời gian để tham dự nhóm họp thường xuyên hàng ngày, hàng tuần? Phần câu trả lời sẽ tùy thuộc vào ý nghĩa cam kết đạo đức của chúng ta đối với cái được gọi là (những) đối tác tình dục. Nhiều người cố gắng thực hiện những cam kết và quan hệ này, những tiêu điểm trọng tâm của ý nghĩa đạo đức vào trong đời sống của họ, như Ajahn Chah đề nghị chúng ta nên làm. Điều này dường như là cách thức tốt nhất đưa đến một đời sống hòa hợp với tư cách là một người thực hành tâm linh và một người có đời sống tình dục. 

Winton Higgins - Thích Nguyên Hiệp dịch

Các tin đã đăng:
Về đầu trang