Giáo sư Trần Văn Khê nói về ảnh hướng tích cực của tiếng ru đến sự trưởng thành trẻ nhỏ.
Ảnh: T.T.
Nhiều công trình nghiên cứu tâm lý cho thấy lời hát ru du dương của
mẹ không những giúp trẻ con ngủ ngon hơn mà còn làm tình mẫu tử trở nên
khắng khít. Đối với nhiều người, ký ức tuổi thơ đẹp thường gắn liền
với những bài hát mẹ ru thuở nhỏ, trong đó có hình ảnh cánh diều quê
hương, chùm khế ngọt, cánh cò bay lả bay la, chiếc cầu ván đóng đinh,
cầu tre lắc lẻo gập ghềnh...
Ngày nay vì nhiều lý do khác nhau, do quá bận rộn công việc hoặc vì
không biết cách ru con mà nhiều bà mẹ trẻ Việt Nam không còn chú trọng
việc hát ru con ngủ. Trong khi đó một số người lại nghĩ chỉ cần "ép"
cho trẻ nghe thật nhiều loại nhạc thì đứa bé lớn lên sẽ thông minh,
lanh lợi.
Giáo sư Khê cho rằng như thế vẫn chưa đủ: "Trẻ sinh ra và lớn lên
không chỉ cần sữa mẹ mà còn cần vòng tay vỗ về, mùi mồ hôi và tiếng ru
của mẹ, bên cạnh đó là sự chăm sóc, nâng niu ân cần của người cha...".
Trăn trở "làm sao để tiếng ru không tắt trên môi các bà mẹ trẻ Việt
Nam", Giáo sư Trần Văn Khê sẽ trò chuyện với các bậc cha mẹ tại TP HCM
vào ngày 4/3 về những liệu pháp âm nhạc tác động lời ru đối với quá
trình trưởng thành của một đứa trẻ.
"Trong thời kỳ mang thai, nếu đứa trẻ được thai giáo bằng âm nhạc
đúng cách sẽ có tác động tích cực rõ ràng đến sự hình thành tính cách
của các em khi lớn lên", Giáo sư Khê nhắn nhủ.
Thạc sĩ Phạm Thị Thúy, chủ biên sách “Thai giáo - phương pháp khoa
học dạy con từ trong bụng mẹ", nhân dịp này cũng hướng dẫn phụ huynh
thực hành những phương pháp thai giáo giúp con trẻ phát triển toàn diện
cả về thể chất và tinh thần. Đăng ký tham gia miễn phí tại địa chỉ
mail hoiquancacbamehcm@gmail.com. Chương trình do Hội quán các bà mẹ TP
HCM tổ chức sáng 4/3 tại số 32 Huỳnh Đình Hai, phường 24, quận Bình
Thạnh.
Thi Trân (Vnexpress)