Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Đi về như nhiên
30/12/2012 13:16 (GMT+7)



    Bên này vào dịp cuối năm, thỉnh thoảng tôi cũng nhận được vài tấm thiệp của những người bạn ở xa, họ chia sẻ những việc đã xảy đến với họ trong năm qua, những chuyến đi chơi xa, những thành tựu mới, những sự kiện buồn vui, kể lại vài việc quan trọng xảy ra trong năm…

    Có người bạn chia sẻ rằng mỗi năm, vào giây phút sắp sửa bước sang năm mới, người bạn thường thắp một nén hương, rót một tách trà thơm, và mở đọc một bài thơ mình ưa thích.  Một cách ôn lại những gì đã qua là được ngồi yên với chính mình.  Quay trở về với chính mình trong tĩnh lặng, làm những việc mình thích, cũng là một cách nhìn lại việc đã qua và làm mới lại hạnh phúc đang có.

Tạm nghỉ cuộc chơi

 

Mà thật ra đâu phải chờ đến dịp cuối năm ta mới có thể dừng lại để nghỉ ngơi và làm mới lại, phải không bạn!  Mỗi khi có thời gian nghỉ, tôi vẫn muốn thong thả được làm những gì mình thích.  Ở gần nhà có một quán cà phê nhỏ, những dịp rảnh rỗi tôi lại thường ghé qua đây, mua một ly cà phê nóng, và tìm một góc ngồi đọc sách.  Giữa những bận rộn của cuộc sống, thỉnh thoảng có những thời gian ta tìm cho mình một góc nhỏ, ngồi yên trong một ngày, là một hạnh phúc.  Mà trong cuộc đời ta cần có những góc thời gian yên nhỏ ấy.  Con phố cuối năm đông người qua lại, nhưng nơi ta ngồi với tách cà phê thơm vẫn yên lạ.  Quyển sách trên tay thơm mùi giấy mới.  Như được ngồi với một người bạn rất thân quen.  Ánh nắng sớm mai chiếu qua khung cửa sổ lớn in một vạt sáng êm ả nơi góc phòng, ấm áp chỗ tôi ngồi.

    Bạn biết không, nhà văn Robert Fulghum có kể là thỉnh thoảng ông cũng tự bắt mình phải có thời gian “tạm dừng cuộc chơi”, time out.  Những điều luật “dừng chơi” của ông đặt ra cho mình như sau:

Ở nhà, không cần phải đi đâu, thoải mái.

      Không có dự tính gì hết – sống theo mỗi giờ, mỗi ngày.

Khi cảm thấy buồn ngủ, đi vào phòng, nằm xuống, ngủ.

Khi cảm thấy đói, vào nhà bếp, tìm cái gì đó, ăn.

Không có quy định về trang phục – mặc cái gì thoải mái.

Không có danh sách cho những việc quan trọng cần làm.

Không mở xem những tờ lịch sắp tới.

Không mang đồng hồ tay - tránh hết mọi đồng hồ và các thứ đồ điện tử.

Lắng nghe nhạc, đọc sách, nhìn mây bay.

Tắt hết mọi thứ tin tức từ thế giới bên ngoài.  Thế giới cũng sẽ vẫn có mặt ngay ở đó khi nào mình sẵn sàng trở lại với nó.

Chỉ làm những gì mình thích làm và khi ta cảm thấy muốn làm.

Và cuối cùng, luật sau chót hết là tất cả những luật ở trên mình đều có quyền không tuân theo, hoặc phớt lờ - nhưng chỉ khi nào đó là điều mình thật sự muốn làm.  Không có gì là bó buộc hết.

Is this where I was going?

 

Thật ra những điều luật của ông Fulghum cũng là chỉ để tự nhắc nhở cho vui thôi, điều quan trọng là thái độ của mình!  Mà chúng cũng đơn giản thôi phải không bạn!  Tôi nhớ đến câu “Cơ tắc xa hề khốn tắc miên” của vua Trần Nhân Tông.  Nhưng làm được cũng không phải là dễ, vì cái thói quen bận rộn, tất bật của ta, chúng đã ăn sâu vào lối sống của mình rồi.  Ngày nay dường như sự bận rộn còn được xem như là một đức hạnh tốt nữa kìa.

    Cuộc sống thì chắc chắn vẫn có những công việc cần phải làm.  Nhưng nếu như ta không có thời gian để dừng lại, nếu như cứ trôi lăn theo sự bận rộn đi tìm hạnh phúc, rồi một ngày nào đó khi nhìn lại những thành đạt của mình, chúng có thật sự là những gì ta muốn không! 

    Một bài thơ của bà Natasha Josefowtiz viết cách đây hơn 20 năm cho một sự thật mà vẫn còn rất thật đối với chúng ta hôm nay,

Tôi chưa được xem những vở kịch trong vùng, chỉ những giấy tờ công việc

Tôi chưa được đọc những quyển sách mới, chỉ những tờ the Wall Street Journal

Tôi chưa được nghe tiếng chim hót năm này, chỉ những tiếng reo của chuông điện thoại.

Tôi chưa được đi dạo chơi ở một nơi nào, ngoài con đường từ bải đậu xe vào đến văn phòng.

Tôi chưa bao giờ chia sẻ cảm xúc với một ai, nhưng những gì tôi nghĩ ai cũng biết.

Tôi chưa bao giờ lắng nghe những gì mình cần, chỉ toàn là những gì mình muốn.

Tôi chưa hề rơi một giọt nước mắt nào trong bao năm qua.

Tôi đã đến nơi rồi.  Nhưng đó là nơi mà tôi hằng mong đến đây sao?
I have arrived.  Is this where I was going?

Đi về như nhiên

Và bạn biết không, tôi nghĩ trên con đường tu học cũng vậy, ta cũng có thể bận rộn đi tìm kiếm một hạnh phúc.  Nhưng ta có thật sự biết hạnh phúc đó là như thế nào chăng?  Is this where I was going?  Đôi khi vì sự mong cầu ấy mà ta có thể vô tình xem thường sự có mặt của khổ đau.

 

 Tôi thấy có những con đường tu học rất có hệ thống, rõ từng giai đoạn, từng bước đi.  Nhưng trong một cuộc sống vô cùng kỳ diệu này, đôi khi vì quá có hệ thống mà chúng ta có thể vô tình đánh mất đi một thực tại trong sáng đang có mặt ngay trước mắt.  Ta tìm một con đường trở về, nhưng rồi những bước chân tìm kiếm hạnh phúc, mong cầu giải thoát của ta, lại mang mình đi mỗi lúc một rời xa quê xưa chốn cũ…  Tôi nhớ bài thơ của thầy Viên Minh.

Hữu lai nhi khứ
Hữu khứ lai hề 

Hữu lai nhi lai
Hữu khứ khứ hề 

Tri chi bất lai
Tri chi bất khứ  

Nhiên! Khứ lai hề
Thiên thu giả mộng!

    Có những người bước ra đi mong tìm con đường trở về, mà mỗi bước lại càng mang mình cách xa hơn thêm.  Có người tuy đi giữa cuộc đời mà lại trở về gần đến quê nhà hơn.  Có người muốn trở về là quay lại được.  Có người lại cứ lang thang tìm kiếm mà mỗi bước lại càng đi thật xa.  Nếu như ta biết rằng mình chẳng phải đi đâu và cũng chẳng cần phải về đâu.  Vì nơi nào ta đến thì cũng vẫn chỉ là nơi này và ở đây.

Muốn về lại mãi đi xa
Người đi chợt thấy quê nhà vẫn đây
Có người về, cuộc sum vầy
Người đi đi tận chân mây cuối trời
Biết ra chỉ một cuộc chơi
Không lai không khứ thảnh thơi đi về
Thong dong bờ giác bến mê
Muôn đời ảo mộng, đi về như nhiên. 

(Tâm Mãn - Ngọc Quế)

Trong những bước chân đi nơi đâu cũng là chỗ đến, không trốn tránh khổ đau, không mong cầu bình yên hay hạnh phúc, biết đâu ta lại chợt thấy được rằng quê nhà vẫn là đây…

 

Nguyễn Duy Nhiên

http://hoangphap.info/Page.aspx?ArticleID=4482&SubID=2&ID=2

Các tin đã đăng:
Về đầu trang