Khi “váy ngắn tới chùa”
Không khó để nhận diện hình ảnh không đẹp này nơi cửa thiền, nhất là ở
một số chùa có đông khách tới chỉ để thắp nhang, cầu xin Phật đủ thứ,
nơi mà người trẻ tin rằng ở đó, bậc Giác ngộ sẽ “ban phước, ban duyên…”
khi mình xin xỏ.
Tất nhiên, với nếp hiểu sai lầm, không đúng về Phật giáo đó nên các
bạn hành động cũng không đúng, thậm chí không đẹp như đã nói là “váy ngắn tới chùa”. Mới đây, GNO ngày 19-2-2013, trên trang Bạn đọc, CTV Chu Minh Khôi (Hà Nội) đã chia sẻ bài viết về vấn đề này.
Váy ngắn tới chùa - Ảnh: Chu Minh Khôi
Theo đó, anh mô tả: Một trong những hình ảnh phản cảm nhất là hiện
tượng nhiều cô gái trẻ, phụ nữ vào chùa mặc quần áo hở hang diễn ra rất
phổ biến. Tại các chùa Trấn Quốc, chùa Một Cột có tấm biển ghi những
dòng chữ “Đề nghị quý khách lưu tâm: không mặc quần áo ngắn vào chùa”
không chỉ bằng tiếng Việt mà còn bằng nhiều thứ ngoại ngữ nữa, thế nhưng
dường như “phái đẹp” vẫn cố “lờ đi” những lời nhắc nhở này.
Nhiều người đi lễ chùa mặc váy ngắn cũn cỡn, nếu mặc thêm tất đủ che
khuất màu da của đôi chân còn có thể chấp nhận được, đằng này họ mặc tất
rất mỏng nhìn rất khó coi. Thậm chí nhiều người váy ngắn tưởng như
không thể ngắn hơn nữa, đôi chân lại để trần khoe màu da trắng nõn. Ngày
nay váy ngắn là thời trang phổ biến nơi công sở làm tôn lên vẻ đẹp phụ
nữ. Nhiều phụ nữ ngay cả những ngày rét buốt vẫn thích chưng diện váy
ngắn, vì với họ “thời trang đập chết thời tiết”.
Tuy nhiên, váy ngắn đến chùa lại trở nên không đúng chỗ, vẻ đẹp phụ
nữ đã biến thành sự kệch cỡm. Một trong những quy ước, khuyến cáo của
nhà Phật đối với du khách, Phật tử là “Khi vào chùa cần mặc quần áo dài,
kín cổ, đi khẽ. Tránh mặc áo ngắn tay, áo sát nách, áo may ô, quần
soóc, váy ngắn… Đối với Phật tử thì phải mặc áo lễ khi đến điện thờ Phật
trong chùa”.
Cũng bức xúc với những hình ảnh như vậy, bạn Hà Thị Mùi, sinh viên
Khoa Đông phương học, Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM bộc bạch: “Em là một
Phật tử, nên mỗi lần tới chùa đều mặc áo lam, nếu đi tụng kinh thì có
thêm áo tràng. Nếu đi du lịch kết hợp thăm chùa thì cũng quần dài, áo
che kín thân, ngực… chứ không có hở hang. Nhưng, em cũng thấy, có nhiều
bạn trẻ tới chùa bận váy, nam thì bận quần đùi thật phản cảm. Dù chỉ là
tham quan (không tín ngưỡng đạo Phật) thì các bạn ấy cũng cần biết điều
tối thiểu, đó là nơi tôn nghiêm chứ”.
Hoàng Thanh Tùng, học viên cao học tại Hàn Quốc thì chia sẻ rằng:
“Đối với những nơi tôn nghiêm, người tới viếng cần thể hiện sự kính
trọng từ cách ăn mặc, lời nói, đi đứng. Ở nước ngoài, nhiều hành vi
không hợp lẽ, xúc phạm những bậc Thánh đều bị xử phạt theo luật. Tôi đọc
báo thấy có du khách Pháp hôn tượng Phật đã bị xử theo luật (bị ngồi
tù) ở Sri Lanka. Ở ta, tuy chưa có như vậy, song ý thức mỗi người cũng
cần phải có, nhất là khi nhà chùa đã có lời nhắc nhở nơi thềm chánh
điện, trước cổng chùa về hành vi ăn mặc”.
Nhang cả bó, nói to, cười lớn…
Trước chánh điện các chùa thường có bảng lưu ý “Nơi tôn nghiêm, vui
lòng để dép bên dưới” hoặc “Mỗi người chỉ thắp ba cây nhang…”, thế nhưng
hiếm khi những lời đề nghị dễ thương này được thực hiện. Và, quan trọng
là nếu Phật tử, người lễ chùa không thực hiện thì cũng chẳng có ai nhắc
nhở, để rồi người trước làm sai, người sau bắt chước làm theo, tạo
thành một “cái sai hệ thống” bởi “hiệu ứng số đông”.
Tại chùa Linh Ứng Bãi Bụt, các bạn trẻ xúm quanh cây đào tiên để ghi lời ước nguyện
Nói về việc này, bạn Hồ Trung Tú (30 tuổi, Phật tử chùa Kim Cương)
cho rằng: “Nếu hiệu ứng của lời nhắc ở trước chánh điện không đủ thì cần
có người nhắc trực tiếp ở nơi chánh điện. Tôi thấy chùa Viên Giác (quận
Tân Bình, TP.HCM) làm khá tốt “khâu” nhắc nhở này. Vừa lịch sự, vừa nhẹ
nhàng, nhưng cũng vừa giúp cho người trẻ hoặc người mới tới chùa ý thức
đúng về hành vi nơi thiền môn của mình, như thế cũng là giúp họ đấy
chứ”.
Ngoài việc cầm cả bó nhang lên chánh điện thì lời nhắc “đi nhẹ, nói
khẽ” lắm khi cũng để… cho có vậy thôi, vì hễ nơi nào có người trẻ đều
rôm rả chuyện trò, đi đứng thô tháo. Không ít lần người viết nhìn thấy
những nụ cười (tuy đẹp) nhưng không đúng chỗ của nhóm bạn nữ tới chùa lễ
Phật, vì thế, nụ cười ấy ngay lập tức bị một người lớn tuổi, khó tính
nhận xét là “không đẹp”.
Giẫm lên cỏ, ghi chi chít lời nguyện lên cây
“Tại chùa Linh Ứng Bãi Bụt (TP.Đà Nẵng) nhiều người trẻ đi chùa nhân
dịp đầu xuân - tháng Giêng. Chưa kịp mừng vì thấy hình ảnh bạn trẻ chắp
tay trước tôn dung Đức Quán Thế Âm thì thầm cầu nguyện thì hình ảnh đạp
lên cỏ, ghi lời cầu nguyện trên trái, trên cây nơi khuôn viên chùa đã
làm mình chạnh lòng”, đó là chia sẻ ngắn, đầy ưu tư của Phật tử Thị
Thường.
Anh cho biết, hình như ở chùa nào cũng có những hình ảnh như thế,
phần lớn là ở ý thức các bạn trẻ, phần vì các chùa không hướng dẫn thật
kỹ, không chu đáo trong việc quán xuyến ngôi chùa trong hoạt động lễ
Phật, đi chùa của khách thập phương, những người mới phát tâm.
Kiểu cầu nguyện xấu xí - Ảnh: Thị Thường
Tuy nhiên, một vị thầy giấu tên, đang là trụ trì của một chùa ở Đồng
Nai bộc bạch “cái khó” của nhiều chùa, rằng: “Không phải chùa nào cũng
đông quý thầy để đảm trách hướng dẫn, nhắc nhở hành vi không đẹp của
người đi chùa. Có nhiều nơi “nhất tự nhất Tăng” nên quán xuyến không
xuể, chỉ mong là Phật tử, nhất là Phật tử trẻ, học văn minh xếp hàng,
văn hóa tôn trọng nơi tôn nghiêm mà “phối hợp” với nhà chùa, để vừa có
phước khi lễ Phật, tới chùa và vừa tạo ra hình ảnh đẹp chốn thiền môn”…
Lưu Đình Long (GNO)
Nhớ lại cách đây 3 năm, từng có một lần tôi đến chùa Đỏ (ở quận Hà
Đông, Hà Nội) để phỏng vấn TT.Thích Minh Hiền, Phó ban Văn hóa Trung
ương GHPGVN, đang phỏng vấn, thì có một cô gái cũng là phóng viên đến
phỏng vấn Thượng tọa theo lời hẹn từ trước. Thế nhưng khi cô gái này
bước vào ghế ngồi, tôi ngạc nhiên khi thấy Thượng tọa đứng dậy, bỏ sang
bàn khác, rồi bảo cô gái: “Mời cô về thay quần áo khác rồi đến đây thì
tôi mới trả lời. Đến phỏng vấn chư Tăng mà mặc váy ngắn thế kia là bất
kính”.
Cô gái ngượng nghịu đành phải ra về. TT.Thích Minh Hiền giảng giải
cho tôi biết: vào chùa mà mặc váy ngắn, quần cộc là bất kính với Tam
bảo.
Chu Minh Khôi