Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Duy trì Tam Bảo là làm cho đạo Phật đi vào cuộc đời dễ dàng và để xây dựng nề nếp phát triển về đạo đức trong xóm làng và xã hội
TS Huệ Dân
16/12/2010 20:59 (GMT+7)


Ratna-trayāya, cụm từ này rất quen gặp trong những câu chú hay những bài kinh Phạn ngữ, từ xưa nay. Người mới bắt đầu nghe câu này có lẽ nói có vẻ mới lạ, nhưng khi hiểu rồi mới thấy, đây là nương tựa xứng đáng và quý báu cho trọn cuộc sống của chính mình.

Ratna có gốc từ tiếng Phạn रत्न, mang nghĩa là viên ngọc. Đây là một phiên mã mang hai hình thức nữ tính रत्ना và nam tính रत्न. Trayāya trong phạn ngữ thuộc dạng nam tính, xuất phát từ chữ त्रय traya [tri-ya] dạng trung tính, và ở dạng nữ tính có chữ trayī त्रि. Cụm từ này nói chung có nghĩa là, thứ ba, bộ ba, số ba, thuộc về số ba.

Qua định nghĩa của chữ Ratna và Trayāya trong phạn ngữ, thì ý Việt được hiểu như là ba viên ngọc và Hán Việt gọi là Tam Bảo. Như vậy, trên phương diện Phật học thì Tam bảo được xem là ba ngôi qúy báu, mà trong đó bao gồm : Phật Bảo, Pháp Bảo,Tăng Bảo.

Tam Bảo là sự hướng dẫn tinh thần toàn hảo bằng những lý tưởng cao cả và cũng là nương tựa cho những người đang đi tìm đạo để phát triễn sự học Phật của từng cá nhân, tùy theo trình độ và hoàn cảnh khác nhau trong đời sống hiện thực.

 Như đã hiểu và thấy qua phần định nghĩa của Phạn ngữ và trong phương diện Phật học, Tam Bảo không phải là nơi để cầu xin ân huệ, trưng bày chư Phật, Bồ tát hay tấn phong các vị Hoà thượng. Mà hãy lắng nghe và sống thực hành đúng theo những lời của Đức Phật, đã dạy cho tất cả những ai đang đi và muốn đi theo bước chân của Ngài, bằng con đường Chính Đạo.

Người đang đi tìm đạo nhất định, phải nhận thức rõ ràng định luật nhân quả báo ứng, cho nên phải cẩn thận, không chờ đến lúc nhận quả báo thì hối hận đã muộn rồi.

 Cuộc đời đôn đáo, tới lui, lặn hụp, triền miên tiếp diễn, không bao giờ tìm được lối thoát bền vững lâu dài. Có rồi lại mất, mất rồi lại có, thí dụ như trong cảnh nghèo mong được giàu sang, khi có sự sang trọng giàu, thì lại lo sợ phải nghèo đói.

Thế giới có thành, trụ, hoại, không, con người cũng vậy có sinh, lão, bịnh, tử, đó là đạo lý tự nhiên. Tuy nhiên, nếu dùng vọng tưởng chấp trước để phân biệt chuyện này, cho dù phân biệt đến đâu thì cũng không bao giờ phân biệt được rõ ràng hết. Nếu muốn thoát khỏi và buông bỏ cái vọng tưởng giả này thì nên tập tu hành mới nắm được cái chân thật.

Tu thân nghĩa là làm chuyện gì không hại đến thân mình và thân người khác là một điều đơn giản dễ hiểu, dễ nhớ và dễ áp dụng trong cuộc sống

Người học Phật cần phải làm cho Phật học, ngày càng thêm phát triển bằng sự bồi dưỡng phẩm cách căn bản, vững vàng của từng cá nhân. Tức là sự trau dồi tâm lượng, sinh trưởng không dừng, bao trùm cả Pháp Giới, không có gì bao phủ hay không dung nạp được nó. Từ đó,  mỗi người mới có đủ công năng duy trì bảo vệ cho sự tu Phật, mà Tam bảo là cái nôi khơi nguồn cho sự rèn luyện này.

 Tam Bảo là một của hồi môn vô cùng qúy báu của Đức Phật để  lại cho đời. Người học Phật có biết sử dụng hay không, đó cũng là việc tùy duyên của mỗi người. Đức Phật không trừng phạt hay trao thưởng.

 Nếu bản thân là người xuất gia, thì phải nhận thức rõ ràng, để quyết tâm giữ gìn cái ngôi báu của mình cho đúng ý nghĩa.

 Nếu là người đang học Phật thì nên vượt qua những thử thách khó khăn không bị cảnh giới làm cho lay chuyển, không cần phải lập chí lớn, làm chuyện lớn, mà chỉ cần tập trung làm sáng tỏ việc hấp thụ được tất cả những gì hay đẹp Đức Phật đã tìm ra và  phát triển phải theo chiều hướng đó. Đây là cách làm cho đạo Phật đi vào cuộc đời dễ dàng và để xây dựng nề nếp phát triển về đạo đức trong xóm làng và xã hội được Phật hóa.

 Nếu như mỗi ngôi chùa đều có hướng dẫn tận tình của các Bậc,Tăng, Ni một cách nghiêm túc, bằng chân tâm rộng lớn, và những người học Phật biết hỗ trợ lẫn nhau từ vật chất đến tinh thần, trong việc trùng hưng Tam bảo, thì có phải đây là hữu ích chung cho mọi người đang đi tìm đạo không? Một cái cây có thân, để đỡ cho cành, cành đỡ cho lá, lá che chở cho hoa, hoa nở tốt tươi cho mọi người cùng chiêm ngưỡng.

 Cơ hội học hỏi và phát triển đời sống đạo đức, tâm linh và làm nền tảng cho sự giác ngộ giải thoát, đau, khổ, phiền não, cũng đều nhờ vào sức mạnh của Tam bảo. Điều này đã được chứng minh qua dòng lịch sử, biết bao nhiêu biến chuyển của đất nước, mà Tăng vẫn còn, chùa vẫn còn.

Qua lối sống cao đẹp của những bậc, Tăng, Ni, xưa này. Ngày nay, nếu trong tinh thần lá lành đùm lá rách, những người con Phật ở những nơi khá giả có điều kiện hỗ trợ cho các ngôi chùa thôn quê nghèo khó, thì đây có phải là cách duy trì Tam bảo không?  

 Đạo Phật đã gắn liền với Văn Hóa Việt Nam, như vậy người con Phật Việt Nam đã có cơ sở để phát triển và không cần chạy theo và cũng không bắt chước ai hết. Chỉ cần người con Phật Việt Nam này giúp đỡ cho những người con Phật Việt Nam khác trở thành Phật tử qua sự duy trì và phát huy Tam bảo đúng theo ý nghĩa của lời Đức Phật dạy.

 Nếu biết được nội dung và ý nghĩa của hai chữ : Ratna-trayāya, thì chỉ cần thêm một chữ Namo đằng trước Ratna-trayāya. Người học Phật sẽ tìm thấy những điều hay đầy thú vị trong cuộc sống mỗi ngày.

Kính bút

TS Huệ dân

Trần Trường Thanh

Trích nguồn : chuaphuocbinh.com

Các tin đã đăng:
Về đầu trang