Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Bạo lực gia đình nỗi lo không của riêng ai
Thượng tọa Thích Huệ Thông
17/12/2010 21:13 (GMT+7)


Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, tình trạng bất hạnh đổ vỡ sau hôn nhân, mà chủ yếu do bạo lực gia đình, đã kéo theo biết bao nhiêu hệ lụy ảnh hưởng rất lớn đến đời sống đạo đức, tinh thần, văn hóa, an ninh xã hội và nhiều mặt tiêu cực khác trong đời sống con người, đây là một thực tế đáng lo ngại, cần được xã hội quan tâm sâu sắc, đồng thời rất cần những người làm công tác hoằng pháp chia sẻ thông tin và định hướng kịp thời để tháo gỡ những vướng mắc mà theo chúng tôi là Phật pháp hoàn toàn có khả năng hóa giải…

Bạo lực gia đình hiện đang là vấn nạn toàn cầu. Vấn đề càng nghiêm trọng hơn ở các nước phương Đông khi mà ý thức “trọng nam khinh nữ” vẫn mặc nhiên tồn tại. “Tôi xa lạ với mọi sự kiện diễn ra ngoài cuộc sống vì không được đọc báo, không được tiếp xúc với nhiều người. Suốt 19 năm tôi cam chịu cuộc sống mất quyền làm người”. Chị Hoàng Thị Sen (Thái Bình) đã kêu cứu như vậy tại Hội thảo về “Bạo Lực Gia Đình”. Theo thống kê của Tổ chức Action Aid, ước tính trên thế giới cứ ba phụ nữ thì có một người đã từng bị đánh, cưỡng ép tình dục hoặc bị hành hạ mà thủ phạm đa số đều chính là người trong gia đình.

Bạo lực gia đình không chỉ là bạo lực giữa vợ chồng với nhau, mà còn là hành vi bạo lực giữa các thành viên khác trong gia đình. Xét trên bình diện giới tính, 90% nạn nhân của bạo lực là nữ giới nhưng cũng có đến 10% nam giới là nạn nhân của các bà vợ. Bạo lực gia đình là căn bệnh trầm kha nhưng khái niệm “bệnh” vẫn chưa đuợc xác định đúng đắn trong tình hình xã hội Việt Nam hiện nay. Theo Tiến sĩ Vũ Mạnh Lợi - Trưởng phòng Gia đình của Viện Xã Hội Học, các hành vi lạm dụng, cưỡng bức tình dục, lăng mạ, sỉ nhục, ngoại tình... chưa được dân chúng xem là các hình thức bạo lực gia đình và với đa số hành vi bạo lực gia đình chỉ bị lên án khi nó gây hậu quả nghiêm trọng (chết người, bị thương)

Thực chất, bạo lực gia đình là sự ứng xử bằng vũ lực (đánh đập) của người chồng đối với vợ, đôi khi là khủng bố tinh thần như nhục mạ hoặc im lặng kiểu “chiến tranh lạnh”… Theo thống kê của Trung tâm Tư vấn và Chăm sóc sức khỏe phụ nữ Gia Lâm, bạo lực toàn diện chiếm tới 70,92%, tiếp theo là bạo lực về thể chất 13,06%, bạo lực tình dục 8,88%, bạo lực tinh thần là 7,14%. Xét về góc độ xã hội, bạo lực thể xác thường diễn ra với gia đình trình độ học vấn thấp, kinh tế khó khăn, vợ hoặc chồng vướng phải rượu chè cờ bạc. Ngược lại, bạo lực tinh thần thường nãy sinh trong gia đình viên chức trí thức như một "mặt trái của nền kinh tế thị trường".

Nghèo khổ, dân trí thấp, thất nghiệp, nghiện rượu, ngoại tình... là những nguyên cớ dẫn đến các hành vi bạo lực gia đình, nhưng “mất bình đẳng giới“ là nguyên nhân sâu xa nhất. Khách quan, nhiều công việc chung, lẽ ra hai vợ chồng phải cùng chung vai gánh vác, nhưng người chồng với óc gia trưởng và “định kiến giới” gần như đứng ngoài cuộc, do đó mà người phụ nữ cùng một lúc phải gánh nhiều vai, nếu không sẽ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình.

Một động cơ khác làm bùng nổ tình trạng bạo lực gia đình chính là sự cam chịu từ phía nạn nhân (thường là người vợ). Họ bị đánh đập ức hiếp nhưng nói ra “xấu thiếp hổ chàng” nên im lặng. Khảo sát của những người làm công tác tư vấn ở Trung tâm Tư vấn Chăm sóc Sức khoẻ Phụ nữ thuộc Bệnh viện Đức Giang - Hà Nội cho biết, trước khi xảy ra bạo lực, số người hy vọng sẽ được ứng cứu là 42,05%; tìm cách thoát thân là 25,61%; có hành động tự vệ 15,92%; chấp nhận sống chung với bạo lực gia đình là 16,43%. Nhưng khi bạo lực xảy ra, những người phụ nữ muốn kêu cứu là 50%; muốn bỏ chạy là 19.08%; có hành động tự vệ chỉ có 6,94%, còn cam chịu bạo lực là 23,98%, đây là một con số đáng kinh ngạc.

Bạo lực gia đình gây hậu quả nghiêm trọng từ tâm lý đến thể chất kéo dài nhiều năm sau đó, thường là trầm cảm và rối loạn streess, nhiều trường hợp đã dẫn đến thương tật suốt đời, thậm chí tử vong, dẫn đến trầm cảm và rối loạn stress. Theo Viện Khoa học Xét xử Tòa Án Nhân Dân Tối Cao, tại 42 tỉnh trong 5 năm (2000- 2005) Toà án Nhân dân các tỉnh đã xét xử 10.608 vụ án hôn nhân và gia đình, trong đó 42% vụ án ly hôn có nguyên nhân từ bạo lực gia đình... Điều đáng nói là con em khi phải sống trong một gia đình mà ngày ngày chứng kiến cảnh bạo hành, bạo lực, thì bé gái sẽ lớn lên với nỗi hoài nghi về người đàn ông, bé trai lại có khuynh hướng hung hăng như cha mình ngày trước. Trong những gia đình giàu có trí thức, nhiều trường hợp vợ phải cam chịu sống kiếp nô lệ, tê liệt về tinh thần, mang bệnh trầm cảm nặng vì chồng ức hiếp…

Bạo lực gia đình là vi phạm pháp luật, là đi ngược lại xu hướng phát triển của xã hội văn minh. Để ngăn chặn và từng bước đẩy lùi căn bệnh xã hội "bạo lực gia đình" trong xã hội chúng ta hiện nay, đòi hỏi các cấp, ban ngành, đoàn thể phải có nhiều giải pháp đồng bộ và mang tính toàn diện. Ngày 27/1/2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình đã có hiệu lực và đây là một trong những biện pháp tích cực từ phía Nhà nước. Cần thiết hơn là sự tham gia kịp thời của chính quyền địa phương để ngăn ngừa thủ phạm. Các hội đoàn cũng cần phối hợp tuyên truyền rộng rãi các thông điệp “Chúng ta là đàn ông, chúng ta chống bạo lực gia đình” và tìm cách nâng cao trách nhiệm để mọi người không thể sống với một trái tim vô cảm theo kiểu mặc kệ “đèn nhà ai nấy sáng” .

Đặc biệt, các hội đoàn cần kết hợp với lực lượng Công an tác động lên chính thủ phạm bằng cách trao đổi đối thoại với họ về “Tình người”, về “Bình đẳng giới” cũng như ra tay tương trợ một cách cụ thể: Tạo điều kiện cho vay vốn để xoay sở nghề nghiệp. Có nghề, không đói kém thiếu thốn, những người đàn ông chắc chắn bớt đi việc trút bỏ cơn giận cuộc đời lên thân thể vợ. Ông Nguyễn Ngọc Quyết - Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Chăm sóc Sức khỏe Phụ nữ Gia Lâm đã đúc kết sau nhiều năm làm công tác tư vấn chương trình phòng chống bạo lực gia đình: “Tiếp cận - Tư vấn - Giáo dục - Răn đe - Trừng phạt”. Đây là cách thức rất hiệu quả được tổ chức Ford Population đánh giá cao. Trong xu thế hội nhập toàn cầu, Việt Nam đã cam kết thực hiện bình đẳng giới, nên việc chấm dứt căn bệnh bạo lực gia đình là một trong những việc làm cấp bách hiện nay.

Như chúng ta đã biết, mỗi mái ấm gia đình an vui, hạnh phúc chính là một viên gạch chất lượng, là nền tảng vững chắc để xây dựng nên một xã hội tươi sáng, một đất nước phồn vinh, một thế giới hòa bình thịnh vượng, ngược lại một gia đình rạn nứt đổ vỡ bởi bạo bạo lực gia đình là một viên gạch mục nát; nhiều viên gạch kém chất lượng như vậy góp vào thì sớm muộn gì ngôi nhà thế giới cũng ngã nghiêng xiêu vẹo. Cùng với nhiều nguyên nhân chủ quan khác thì đây cũng được xem là một yếu tố quan trọng khiến cho thế giới cứ mãi chìm trong đau thương và mất mát, trước sự việc này chúng tôi thiết nghĩ, sự thiếu hụt về vật chất nhất thời chúng ta có thể dễ dàng vuợt qua nhưng sự mất mát suy sụp về tinh thần thì tâm hồn chúng ta khó có thể thoải mái an lạc được, nếu không muốn nói là rất nguy hiểm cho thế hệ con cháu chúng ta và cho toàn xã hội.

Chúng tôi nêu lên tầm quan trọng của vấn đề này là để nhấn mạnh thêm trách nhiệm hoằng pháp của Phật giáo nói chung và của Ban hướng dẫn gia đình Phật tử nói riêng, đã đến lúc chúng ta phải thật sự có trách nhiệm trước thực trạng bạo lực gia đình để chia sẻ gánh nặng cho xã hội và góp phần tạo nên một môi trường trong sáng lành mạnh, dạt dào tình yêu thương tôn trọng hiểu biết lẫn nhau trong quan hệ các thành viên trong gia đình của người Phật tử, để từ đó những người Phật tử tại gia có thể thuận lợi hơn trong việc tu tập cũng như đóng góp công sức của mình cho đạo pháp và dân tộc một cách trọn vẹn hơn.  

Như chúng ta đã biết, đạo Phật là đạo giác ngộ, tính nhập thế của đạo Phật là đem ánh sáng giác ngộ đi vào cuộc đời, làm cho cuộc đời vốn đau khổ và nhiều ràng buộc này trở nên giải thoát an lạc. Trách nhiệm của Ban hoằng pháp từ trung ương cho đến các địa phương đều không ngoài việc này. Nội dung hoằng pháp của Phật giáo Việt Nam hiện nay rất là đa dạng phong phú, chủ yếu tập trung vào các đề tài làm sáng tỏ giáo lý Phật Đà nhằm khơi nguồn tuệ giác trong đời sống và các vấn đề quan trọng về đạo đức, văn hóa xã hội nhằm xây dựng một đời sống hạnh phúc bền vững cho nhân loại.

Tuy nhiên những đề tài liên quan đến “Bạo hành học đường” hay “Bạo lực gia đình”, mà chúng tôi cho là rất quan trọng, thì dường như ít được chư Tăng cảm thông chia sẻ, có thể là giới Tăng sĩ chúng ta đa phần chưa từng trải nghiệm vấn đề này, hoặc chẳng mấy khi Phật tử thưa hỏi quý thầy vấn đề hôn nhân và gia đình vì cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm của giới Phật tử tại gia. Vì vậy mà những bế tắt trong đời sống gia đình của người Phật tử vẫn mãi là vấn đề nan giải của riêng họ, để rồi họ đành âm thầm cam chịu những “nghiệp chướng” hệ lụy và bất hạnh từ những hành vi xâm phạm từ thể xác đến tinh thần do bạo lực gia đình gây ra. Theo chúng tôi thì nguyên nhân sâu xa dẫn đến điều này, tất cả đều do các thành viên trong gia đình đã không được định hướng trên nền tảng giáo lý Phật Đà trước khi lập gia đình cũng như trong quá trình chung sống…

Trong đời sống thế gian, sở dĩ gia đình không hạnh phúc, cuộc sống không hòa hợp, đó là do sự thiếu hiểu biết về nhau, chưa thật sự cảm thông nhau giữa chồng và vợ, dẫn đến tình trạng này là vì trước khi đôi nam nữ lấy nhau, thông thường là vì sự bộc phát của lòng ham muốn nhất thời, có thể gọi đó là sự luyến ái nhau và cũng có thể gọi đó là tình yêu thương nhất thời giữa nam và nữ. Do yêu thương mà không có chuẩn bị cho nền tảng hạnh phúc gia đình lâu dài nên đã dẫn đến xung khắc, xung khắc mà thiếu lý trí cộng với không kiềm chế dẫn đến bạo lực, từ đó đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Đây là tình trạng vốn phổ biến trong đời sống gia đình trong xã hội chúng ta hiện nay. Đứng trước hoàn cảnh như vậy, Phật giáo sẽ đóng vai trò như thế nào và sẽ phải làm gì để trợ duyên cho gia đình Phật tử và cả những thanh niên Phật tử sắp bước vào ngưỡng cửa hôn nhân, để họ có được vốn liếng làm hành trang xây dựng cho mình một mái ấm, thật sự là một gia đình hạnh phúc.

Đối với vấn đề bạo lực gia đình, theo suy nghĩ của chúng tôi, trước khi đến với hôn nhân, quý Phật tử cần phải tìm hiểu nhau thật kỹ càng trên quan điểm “sống đạo” và định hướng tu tập lâu dài về sau, phải đến với nhau bằng tình yêu thương trên căn bản của sự sáng suốt (trí tuệ) và phẩm chất đạo đức (từ bi) và sự cảm nhận sâu sắc trong tinh thần hướng thượng, thăng hoa của đạo Phật, nhất quyết không để sự rung cảm nhất thời của con tim mà người ta thường cho đó là “tiếng gọi của tình yêu” cướp đoạt mất hạnh phúc gia đình chúng ta về sau này, vì khi đó quý Phật tử hoàn toàn không đủ sáng suốt và thời gian để tìm hiểu nhau cặn kẽ. Hôn nhân là đại sự của một đời người mà xây dựng môt cách cẩu thả mơ hồ, chỉ dựa vào sự ham muốn dục vọng nhất thời, không nền móng gì cả thì như vậy quả thật là đáng tiếc. 

Như chúng ta đã biết đức Phật thị hiện ra đời để cứu vớt chúng sanh thoát khỏi sông mê vượt qua bờ giác, trong tám muôn bốn ngàn phương tiện mà đức Phật đã chỉ bày để đối trị với tám muôn bốn ngàn trần lao phiền não của chúng sanh, đặc biệt có một thánh dược trị được chứng bệnh “Bạo lực gia đình” và “Đổ vỡ đời sống gia đình” đó chính là “Tứ Vô Lượng Tâm” (Từ, Bi, Hỷ, Xả) rất thiết thực mà đức Phật đã chỉ dạy đối với hàng tứ chúng đệ tử.

Để ngăn ngừa tận gốc hành vi bạo lực gia đình trên nền tảng giáo lý mà đức Phật đã chỉ dạy, đồng thời để kiến tạo cho mình một đời sống an lạc trong hiện tại và một số vốn tối thiểu trong kiếp lai sinh, thì Phật tử chúng ta nên cố gắng giữ gìn ngũ giới đã thọ trì, tiến đến tu hành thập thiện, bên cạnh đó chúng ta phải kiên trì trau dồi bốn đức hạnh từ bi hỷ xả, sống một đời sống thiện lành, đạo đức vị tha, nghiên khắc với mình, khoan dung độ lượng với người… được như vậy thì đời sống hiện tại của chúng ta chắc chắn sẽ gặt hái những điều tốt đẹp.

Trong đời sống con người, phái nữ là phái yếu nhưng rất nhạy cảm, trong một gia đình mà người chồng cứ xem người vợ của mình như là môt công cụ sanh đẻ cho mình, như là một tôi tớ giúp việc trong nhà, thì quả thật không thể nào gia đình đó có hạnh phúc được, nếu có chăng, thì cũng chỉ gượng gạo do người phụ nữ đương thời họ chấp nhận hoàn cảnh, thật sự thì nó ngầm chứa ở đó một sự tan vỡ, nó ngầm chứa ở đó một sự thoát ly khỏi bất công ngược đãi, mà đời sống vợ chồng luôn ở trong tình trạng rạn nứt bấp bênh như vậy thì làm gì có hạnh phúc, chính vì thấy được điều này nên đức Phật đã chỉ dạy cho hàng Phật tử năm bổn phận đối xử qua lại giữa hai vợ chồng trong bản kinh Thi Ca La Việt để từ đó xây dựng nên một gia đình hạnh phúc.

Như vậy, nếu quý Phật tử triển khai thực hành những lời dạy của đức Phật, xây dựng một đời sống bình đẳng, tôn trọng, cảm thông chia sẻ, yêu thương gắn bó và cùng hướng đến một chân trời thánh thiện, thì chắc chắn rằng hạnh phúc sẽ ở trong tầm tay của mỗi gia đình, khi đó đời sống gia đình sẽ không có sự xung khắc, không còn đau thương và chắc chắn là sẽ không còn cảnh bạo lực gia đình để dẫn đến việc chồng ly dị vợ, vợ ly dị chồng, cha mẹ lìa xa con cái… chính vì vậy mà trách nhiệm của Ngành Hoằng pháp nói chung và của Ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử nói riêng sẽ đóng một vai trò rất quan trọng trong việc định hướng trợ duyên cho gia đình Phật tử trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình.

Nguon: http://www.daophatngaynay.com/vn/Tap-chi-Dao-Phat-Ngay-Nay/Bai-viet-chon-loc/5833-Bao-luc-gia-dinh-noi-lo-khong-cua-rieng-ai.html

Các tin đã đăng:
Về đầu trang