Khi hai đối tượng tin tưởng lẫn
nhau, nói với nhau bằng lời lẽ dịu dàng, có giới hạnh và giữ được tư
cách đứng đắn, thì cả hai tiến bộ hơn, và một cuộc sống hạnh phúc được
tượng hình!(1)Tăng Chi Bộ Kinh
Sự chọn bạn kỹ càng là điều kiện tiên
quyết trong các mối quan hệ lành mạnh; nó mang hai cá nhân tương xứng,
có thể chấp nhận lẫn nhau, đến với nhau. Theo đức Phật, để mối quan hệ
hôn nhân được êm thắm, thì điều tiên quyết là thái độ và cách hành xử
của hai đối tượng phải được sự hài lòng lẫn nhau. Trong chương này chúng
ta sẽ thảo luận về điều kiện thiết yếu đó một cách cặn kẽ và sẽ nhấn
mạnh đến sự ứng dụng của nó vào cuộc sống hiện đại.
Theo quan điểm của đức Phật, mối quan hệ
giữa người nam và người nữ (hay bất cứ mối liên hệ hôn nhân nào khác)
có thể được nâng lên mức độ của một sự “phối hợp giữa một nam thiên
(god) và một nữ thiên (goddess)”(2). Ẩn dụ này cho ta thấy hạnh phúc và
bình yên ẩn tiềm trong một mối liên hệ như thế - và rằng với các quan
điểm tiến bộ và những thói quen được huân tập, cả hai đối tượng sẽ có
thể làm cho mối quan hệ của họ đầy sung sướng, hạnh phúc.
Bổn phận, nghĩa vụ và quyền lợi
Đức
Phật nhận xét rằng việc hoàn thành bổn phận và nghĩa vụ trong hôn nhân
là việc đáng làm hơn là bất cứ sự tranh đấu cho quyền lợi nào. Do đó,
Ngài xem bổn phận và nghĩa vụ như là những phương tiện hữu hiệu để thiết
lập một mối quan hệ hôn nhân thành công.(3)
Triết lý đó dựa trên lập luận như sau:
Khi cả hai đối tượng đều quan tâm đến bổn phận và nghĩa vụ của mình, thì
người này không có khuynh hướng lạm dụng người kia - do đó sự cần thiết
phải tranh đấu cho quyền lợi cá nhân ít khi xảy ra. Cần nhấn mạnh là
đức Phật không cho rằng phương cách này là một giải pháp thần kỳ cho tất
cả mọi mâu thuẫn trong hôn nhân. Ngài chỉ cho rằng việc hoàn thành bổn
phận và nghĩa vụ là một bước quan trọng để tiến tới mối quan hệ êm đẹp
giữa hai người.
Chúng ta hiểu như thế nào khi đức Phật
nói về bổn phận và nghĩa vụ? Đức Phật đã dùng một số từ như là upakara
và paccupatthana, để chỉ “bổn phận”; và paccupakara và anukampa để chỉ
“nghĩa vụ”. Định nghĩa của đức Phật về những thuật ngữ này không được
lưu truyền, nhưng sự diễn tả của Ngài về hành động của người trong cuộc
cũng giúp ta hiểu rõ được ý nghĩa của chúng.
Bổn phận là một ý nguyện tự nhiên và vị
tha liên quan đến vai trò của một người trong một mối liên hệ. Như đã
giải thích trong kinh Sigalovada, sự cung ứng của cha mẹ đối với con cái
về thực phẩm, sự chăm sóc, quan tâm, thuốc men, vân vân có thể được coi
là một thí dụ cụ thể của bổn phận. Bổn phận trong một mối liên hệ không
tùy thuộc vào sự biết ơn của người khác, nó tùy thuộc vào vai trò, vị
trí của một người trong một mối liên hệ.
Nghĩa vụ, cũng được giải thích trong
cùng một bản kinh, có nghĩa là sự biết ơn hay trách nhiệm đối với người
đã hoàn thành bổn phận của họ. Thí dụ, “bày tỏ sự tử tế đối với chồng”
là một nghĩa vụ của người vợ khi, qua lời nói và hành động, người chồng
đã biểu lộ sự tôn trọng đối với mình. Tóm lại, nếu như bổn phận tùy
thuộc vào vai trò, vị trí của một người trong một mối liên hệ, thì nghĩa
vụ tùy thuộc vào bổn phận mà người kia đã thực hiện trong mối liên hệ
đó.
Đức Phật tin rằng cả hai, bổn phận và
nghĩa vụ, đều thắt chặt hơn sự kết nối giữa hai người trong một mối quan
hệ bằng cách khiến cho cả hai đều mang lại lợi ích cho nhau. Quân bình
sự ích lợi của người này đối với người kia là mục đích ở phía sau của
bổn phận và nghĩa vụ. Chúng ta có thể thấy một số người vợ hay chồng
không hoàn thành bổn phận và nghĩa vụ của mình, nhưng lại đòi hỏi người
kia phải thực hiện điều đó. Thái độ này rất đáng được coi là sự lạm dụng
hay ngược đãi - chắc chắn là sẽ làm phát sinh những mâu thuẫn trong
quan hệ hôn nhân.
Sau khi đã nhấn mạnh đến sự quan trọng
của bổn phận và nghĩa vụ trong một mối quan hệ tốt đẹp giữa vợ chồng.
Đức Phật cũng đề ra năm bổn phận và nghĩa vụ cụ thể cho mỗi thành
viên.(4) Dầu một số điều đề xuất ở đây chỉ phản ảnh những giá trị văn
hóa của xã hội thời đức Phật còn tại thế, nhưng chúng ta vẫn có thể nhận
ra sự thực dụng và hữu hiệu vượt thời gian của chúng và những lời hướng
dẫn dành cho các cặp vợ chồng phần lớn vẫn còn rất hữu dụng.
Lời khuyên dành cho người chồng
Trước tiên, chúng ta hãy tập trung vào năm bổn phận và nghĩa vụ được đề ra cho người chồng.
1. Biểu lộ sự tôn trọng vợ
Vào thời đức Phật, người đàn ông thường
chẳng quan tâm gì đến quyền lợi hay nhân phẩm của người phụ nữ. Ở thời
điểm khi mà các bà vợ chỉ có bổn phận phải phục vụ các ông chồng và nuôi
dạy con cái, thì đức Phật đã đưa ra một quan niệm rất cách mạng: Người
chồng phải biểu lộ sự tôn trọng vợ mình, để cho mối quan hệ của họ được
hạnh phúc và êm đẹp. Từ Pàli được dùng để chỉ sự “tôn trọng” là
sammananaya, có nghĩa là “với sự tôn trọng và ngưỡng mộ”.
Quan trọng hơn nữa đây là một trong năm
bổn phận mà đức Phật đề ra cho người chồng. Ngài đưa điều này ra trước
tiên vì sự quan trọng vô cùng của nó trong một mối quan hệ hôn nhân lành
mạnh. Tất cả những bổn phận khác của người chồng đều là thứ yếu so với
sự tôn trọng. Dầu người chồng có làm cho vợ điều gì cũng là hời hợt,
thiếu giá trị nếu như anh ta không làm với lòng tôn trọng vợ chân thực.
Nhiều lời dạy của đức Phật diễn tả cặn
kẽ hơn về sự tôn trọng rất thiết yếu này trong một mối quan hệ lành
mạnh. Quan trọng hơn nữa là sự tôn trọng này không chỉ được bày tỏ qua
những lời nói hời hợt, giả tạo, mà nó phải xuất phát từ bên trong ý
nghĩ, thể hiện qua lời nói và hành động.
Nói rộng hơn, lòng từ bi
(loving-kindness) có thể tượng trưng cho sự tôn trọng này. Tình cảm
thương yêu chân thực và bi mẫn phải đi trước việc biểu hiện tình thương
qua lời nói và hành động. Theo quan điểm của đức Phật, người vợ xứng
đáng được chồng tôn trọng như thế. Người vợ không phải là sở hữu cá nhân
của chồng, người cho mình có quyền điều khiển vợ theo ý riêng, mà người
vợ là một thành viên bình đẳng và đáng được tôn trọng trong mối quan hệ
này.
2. Kiềm chế lời nói làm tổn thương
Hành
động này liên quan đến điều vừa nói trên, vì kiềm chế không nói những
lời làm tổn thương cũng là một hình thức khác của việc biểu lộ sự tôn
trọng. Dầu vậy, để bảo đảm sự nhất quán trong cách hành xử nghiêm chỉnh,
có sự tôn trọng của người chồng đối với người vợ, đức Phật đã khuyên
người chồng phải tuân giữ chặt chẽ nguyên tắc này. Thay vì lúc cần thì
tuôn ra bao lời lẽ ngọt ngào với người vợ, nhưng lúc khác thì mắng mỏ
vợ, người chồng cần phải luôn gìn giữ lời nói của mình. Anh ta không chỉ
phải dùng những lời lẽ dễ nghe, mà còn phải kiềm chế không lớn giọng
gắt gao khi nói chuyện với vợ, hay nói với người khác về vợ mình. Đức
Phật đã dùng cụm từ avamananaya để chỉ điều kiện này.
Xuyên suốt giáo lý của Ngài, đức Phật
luôn dạy rằng sự khắt khe, hung tợn không giải quyết được gì và cũng
không đem người ta đến gần nhau hơn. Điều này càng đúng hơn trong mối
quan hệ hôn nhân. Những lời nói khó nghe sẽ khiến người vợ muốn kình
chống lại và đáng giá thấp nhân cách của người chồng. Đức Phật đã nói rõ
về bản chất yếu mềm của người phụ nữ và nhắc nhở các đấng ông chồng
không nên lạm dụng nó. Thay vì cố gắng dọa nạt vợ bằng thái độ cộc cằn,
lỗ mãng, người chồng cần duy trì thái độ mềm dẻo, nhẹ nhàng trong giao
tiếp. Điều này sẽ góp phần làm cho mối liên hệ giữa hai người được êm
đẹp, thoải mái.
3. Giữ lòng chung thủy
Người chồng tự bản thân phải giữ lòng
chung thủy đối với vợ trước khi đòi hỏi vợ phải thủy chung với mình.
Thuật ngữ anaticariyaya được dùng để chỉ điều kiện này. Đức Phật luôn
nhắc nhở những người đàn ông đã có gia đình không được quyến rũ phụ nữ
khác. Và đức Phật đã đề ra nhiều phương cách để giúp họ tránh xa những
mối liên hệ ngoài hôn nhân như tự quán chiếu và sử dụng trí tuệ. Thí dụ:
Nếu ai quyến rũ vợ tôi, tôi sẽ không tha
thứ cho người đó. Ngược lại, nếu tôi quyến rũ vợ người thì họ cũng
không thể ưa thích tôi. Hiểu được như thế, tôi phải kiềm chế không quyến
rũ phụ nữ.(5)
Sự quán chiếu, lý luận hợp lý, có đạo
đức, và trí tuệ của người chồng sẽ giúp người đó duy trì được lòng chung
thủy với vợ mình. Dầu đức Phật thừa nhận rằng bản năng đòi hỏi tình dục
là ham muốn mãnh liệt và nổi bật nhất của con người(6), Ngài vẫn khuyên
người đàn ông phải thực hiện việc giữ lòng chung thủy một cách có trách
nhiệm vì lợi ích của đời sống gia đình.
4. Từ bỏ tính gia trưởng
Đức Phật còn khuyên người đàn ông nên từ
bỏ tính gia trưởng nếu họ muốn duy trì mối quan hệ êm đẹp với người
phối ngẫu của mình. Câu issariya vossagga trong tiếng Pàli đã nói hết
lên điều này. Issariya có nghĩa là “quyền hạn” hay “quyền lực”; vossagga
có nghĩa là “thư giãn” hay “làm giảm thiểu”. Kết hợp lại, hai từ này
chỉ sự “từ bỏ hành động làm chủ” trong mối quan hệ hôn nhân.
Trong ý nghĩ này, đức Phật đã đề nghị
một phương cách hữu hiệu hơn nhiều để người đàn ông có thể củng cố thêm
mối quan hệ trong hôn nhân. Khi người chồng vẫn khẳng định rằng họ có
quyền hơn trong hôn nhân, rằng họ là “người quyết định và vợ phải nghe
theo”, thì đức Phật cho rằng họ phải từ bỏ tư duy đó vì lợi ích của một
mối liên hệ tốt đẹp.
Ngược lại, sự từ bỏ tính gia trưởng của
người chồng, không có nghĩa là người vợ sẽ quyết định tất cả. Đức Phật
khuyến khích cả hai thành viên cùng quyết định và phải cùng thực hiện
những quyết định của mình một cách hòa hợp, thay vì để người này lấn
lướt người kia.
Đức Phật dạy rằng người vợ chẳng bao giờ
nên là con rối của chồng hay ngược lại. Cũng có lúc, đức Phật giải
thích rằng một người vợ hoàn hảo có thể giống như người mẹ, người chị
hay người bạn của chồng(7). Nhận định này minh chứng cho quan điểm của
đức Phật rằng cả hai thành viên trong một mối liên hệ hôn nhân cần phải
chia sẻ quyền hạn để có thể cùng hiện hữu hòa bình bên nhau.
5. Tôn trọng sự ưa thích cái đẹp của phụ nữ
Đức Phật xác định phụ nữ là người ngưỡng
mộ cái đẹp, và Ngài khuyên người chồng cần phải tôn trọng sự ưa thích
cái đẹp của vợ. Câu alankara anuppadana chỉ sự tôn trọng của người chồng
đối với tính ham thích những đồ vật đẹp của vợ. Alankara chỉ cho bất cứ
thứ gì hấp dẫn, như là quần áo, đồ trang sức đẹp; anuppadana có nghĩa
là “tặng món quà”. Đức Phật nhắc nhở người đàn ông cần phải mang đến cho
người yêu của mình những món quà đẹp.
Bổn phận này thể hiện phương cách tốt
đẹp nhất mà người đàn ông trong xã hội thời đó cần làm để bày tỏ sự tôn
trọng đối với lòng yêu thích cái đẹp của người phụ nữ. Trong thời đức
Phật còn tại thế, phụ nữ không thể đi mua sắm và chọn lựa những thứ họ
ưa chuộng. Thường là người chồng đi đến những khu mua sắm để mua những
thứ cần thiết cho cả nhà. Trong hoàn cảnh xã hội đó, người phụ nữ thường
yêu cầu người đàn ông mang về nhà những thứ họ cần. Việc “mang tặng
những đồ vật đẹp” của người đàn ông biểu hiện lòng tôn trọng của người
đó đối với sở thích của người phối ngẫu. Vì người chồng dùng ngân sách
gia đình để mua những thứ cần thiết trong gia đình, anh ta cũng nên mua
sắm những gì mà người vợ muốn được có.
Đối với các mối quan hệ ngày nay, điều
quan trọng là tư duy đằng sau việc người đàn ông tặng những món quà đẹp
đẽ cho người yêu của mình. Người đó cần hiểu rằng phụ nữ là người ngưỡng
mộ cái đẹp. Nếu như anh ta không quan tâm khi lái chiếc xe bạc màu, cũ
kỹ hơn chục năm rồi, thì người vợ thích lái một chiếc xe mới, đẹp hơn.
Anh ta có thể bằng lòng với thảm cỏ trước sân, nhưng người vợ thích
trồng hoa, cây kiễng trong vườn hơn. Sự tôn trọng của người chồng đối
với tính thích ngưỡng mộ cái đẹp của người vợ là lý do đằng sau việc
mang tặng vợ những món đồ đẹp đẽ.
“Đây là năm cách mà người chồng cần đối
xử với vợ”, đức Phật đã kết luận sau khi giải thích các bổn phận này(8).
Nếu người đàn ông muốn thiết lập một mối liên hệ tốt đẹp thì phải lưu
tâm đến năm bổn phận này đối với đối tượng của mình. Đức Phật còn giải
thích thêm rằng, được đối xử như thế, người vợ sẽ “cảm thấy đầy tình
thương yêu(9)” đối với chồng. Tình cảm này sẽ là mối dây kết nối hai
người với nhau và giữ cho tình yêu của người vợ không bao giờ phai nhạt.
Lời khuyên dành cho người vợ
Để
tương xứng với năm bổn phận trên của người chồng, người vợ cũng phải
tuân thủ một số cách hành xử đối với người đã hoàn thành bổn phận và
trách nhiệm của họ. Sự đối xử tốt đẹp của người vợ đối với chồng cũng
dựa trên tư duy cho và nhận, hơn là một sự ép buộc vì quyền hạn.
1. Tổ chức công việc
Cách làm việc có tổ chức của người vợ
được đức Phật cho là rất ích lợi trong việc duy trì một mối quan hệ tốt
đẹp trong gia đình. Cụm từ Pàli được sử dụng ở đây là susanvihita
kammanta hoti. Cụm từ này không nói rõ người vợ làm loại công việc gì,
mà chỉ đơn giản gợi ý là “[người vợ] phải khéo tổ chức công việc” - do
đó khuyến khích người vợ phải ngăn nắp, có tổ chức trong bất cứ việc làm
gì của mình.
Rõ ràng, công việc nấu ăn, chăm sóc nhà
cửa, nuôi dạy con cái cũng như quản lý các công việc này, là những công
việc trọng yếu của người phụ nữ trong thời đó. Tuy nhiên, đức Phật chẳng
bao giờ gò bó người phụ nữ chỉ trong công việc nhà. Ngài là người luôn
ủng hộ sự tự do, và quyền của người phụ nữ, cũng như công nhận rằng sức
mạnh trí tuệ của nữ giới thì ngang bằng với nam giới(10).
Đức Phật không quan tâm đến loại công
việc gì người phụ nữ làm, mà cách người đó làm như thế nào. Đa số các nữ
đệ tử của đức Phật là người nội trợ, nhưng cũng có một số là chủ đất,
và những người buôn bán, kinh doanh tại nhà. Dầu nghề nghiệp của người
phụ nữ là gì, đức Phật cũng khuyên họ thực hiện chúng một cách có tổ
chức. Theo Ngài, sự tự tổ chức, sắp xếp này góp phần tạo nên một mối
liên hệ êm đẹp giữa hai vợ chồng.
2. Giải quyết những mối quan hệ gia đình
Bổn phận này của người vợ phản ảnh một
cách cơ bản xã hội thời đức Phật. Vì phần đông, nam giới tìm đến với đức
Phật để được hướng dẫn trong những vấn đề thế tục là thương nhân và
người có tài sản, nên trong ngày, họ rất ít có mặt ở nhà. Trong lúc đó,
vợ họ, có bao thời gian để tiếp xúc với người thân, bạn bè, và quản lý
gia nhân trong nhà, cũng như giao tiếp với những người quan trọng khác
liên quan đến công việc hay kinh doanh. Dựa trên những hoạt động này,
đức Phật đã dành sự hướng dẫn về những mối quan hệ gia đình cho người
phụ nữ.
Tuy nhiên, ngày nay thế giới đã hoàn
toàn thay đổi, nên khó mà giao bổn phận này chỉ cho người vợ. Có khi cả
hai vợ chồng cùng đi làm; có khi người chồng ở nhà, trong khi vợ họ đi
làm. Ngày nay việc duy trì những mối liên hệ với những người quan trọng
là một bổn phận mà cả hai vợ chồng đều phải chia sẻ. Dầu vậy, trong
nhiều gia đình, người vợ vẫn là người thích hợp nhất để giải quyết những
mối liên hệ với người khác. Trong khi phần đông nam giới thích sống nội
tâm, người phụ nữ lại có khuynh hướng tự nhiên, và tài giỏi cho những
công việc như thế. Sự quan tâm và khéo léo của người phụ nữ trong việc
giao tiếp, liên hệ với người khác khiến họ thích hợp để đảm nhận vai trò
này hơn là người chồng. Do đó, đức Phật nhận định rằng người vợ cần
phải chăm lo đến những mối quan hệ với người ngoài vẫn còn đúng trong xã
hội ngày nay.
3. Chung thủy
Đức Phật nhấn mạnh rằng, giống như người
chồng, người vợ cũng phải giữ lòng thủy chung. Thực hiện nguyên tắc
này có nghĩa là tránh những mối liên hệ ngoài hôn nhân, để làm tốt hơn
mối quan hệ giữa hai vợ chồng.
Lần nữa, đức Phật không bao giờ cho phép
nam giới được quyền coi người phụ nữ là sở hữu của cá nhân. Người chồng
không có quyền tham gia vào những mối liên hệ ngoài hôn nhân, trong khi
bắt buộc vợ chỉ biết có mình. Việc kiềm chế không tà dâm phải được cả
hai vợ chồng tuân thủ. Khi người chồng giữ lòng chung thủy và hoàn
thành bổn phận của mình đối với vợ, thì người vợ cũng có trách nhiệm như
thế đối với chồng. Chúng ta sẽ thấy trong chương 12 rằng, nếu như người
chồng không thực hiện đầy đủ bổn phận và trách nhiệm của mình nữa, thì
người vợ có quyền tự định đoạt.
4. Có biện pháp để bảo vệ tài sản gia đình
Đức Phật đã phác họa nam giới như là đối
tượng dễ bị cuốn vào những ảnh hưởng xấu trong xã hội. Trong một số
kinh, ta thấy nam giới có thể trở thành nạn nhân của các thói quen phung
phí tiền của như là nghiện rượu, cờ bạc, và những mối quan hệ không
chính đáng (dầu rằng phụ nữ cũng có thể vướng vào những vấn đề này). Do
đó, đức Phật dạy rằng trách nhiệm của người vợ là bảo vệ tài sản gia
đình - và những việc làm này sẽ củng cố thêm mối liên hệ tốt đẹp với
người chồng.
Đức Phật nêu lên một cách cụ thể rằng
người vợ “không nên gian dối trong vấn đề tiền bạc, tham lam, thủ tiền
riêng, hay hoang phí của cải, mà phải bảo vệ nó”(11). Cách để làm được
việc này là người vợ phải xem tài sản là “tài sản gia đình”, chứ không
được sử dụng hay cất giữ nó như là tài sản riêng của cá nhân mình. Người
vợ cũng cần biết làm như thế nào để sử dụng tài sản một cách có chừng
mực, tránh hai cực đoan của bỏn xẻn hay phung phí.
Các biện pháp này có thể làm tốt hơn
những mối quan hệ gia đình ở hai lĩnh vực. Trước tiên, sự trung thực của
người vợ đối với tài sản gia đình sẽ làm tăng thêm lòng tin của người
chồng đối với vợ. Thứ đến, sự chi tiêu sáng suốt của người vợ khiến
người chồng càng tăng thêm lòng mến trọng. Cả hai kết quả này đều làm
tăng thêm sự đoàn kết và hòa hợp trong gia đình.
5. Tỏ ra khéo léo và có năng lực
“Sự khéo léo và tham gia đầy năng lực
trong mọi việc làm” là bổn phận kế tiếp mà người vợ cần phải thực hiện
để duy trì một mối liên hệ tốt đẹp với chồng mình(12). Đức Phật không
giải thích -hoặc các kinh không lưu truyền lại- “mọi việc” (sabba kicca)
có nghĩa là gì. Nhưng chắc chắn không phải là những bổn phận tầm thường
trong gia đình.
Là một thành viên bình đẳng trong mối
quan hệ vợ chồng, người vợ, tùy theo khả năng và lựa chọn của mình, phải
giữ vai trò chủ động và đầy trách nhiệm trong gia đình. Tạo dựng kinh
doanh gia đình, duy trì mối liên hệ với người, bảo vệ tài sản gia đình,
và chia sẻ bổn phận nuôi dạy con cái -đây là một số những hoạt động cần
đến sự khéo léo và năng lực của người vợ.
Sự hoàn thành một cách khéo léo và đầy
năng lực những bổn phận này sẽ làm tăng thêm mối quan hệ tốt đẹp của
người vợ đối với chồng, vì bằng cách đó người vợ có thể đóng góp tích
cực vào sự thành công trong gia đình. Khi cả hai thành viên trong gia
đình đều làm việc để hướng đến một mục đích chung, họ thường dễ làm vừa
lòng nhau.
6. Tích cực trong vai trò làm bạn, làm người cố vấn cho chồng
Ngoài năm bổn phận đã được nói đến trong
kinh Sigalovada, đức Phật còn cho rằng khi người vợ giữ vai trò tích
cực như là người bạn, người cố vấn cho chồng, thì người đó dễ trở thành
một người vợ hoàn hảo.
Dầu nhiều người vợ hoàn hảo vẫn tự coi
mình chỉ là người phục tùng, nhưng thái độ này không phù hợp trong một
cuộc hôn nhân hạnh phúc. Vì thực ra, người vợ có thể là người mang đến
tình thương yêu, là người cố vấn, và là bằng hữu(13). Nhiều người vợ
chăm sóc, thương yêu chồng giống như một người mẹ chăm sóc, thương yêu
đứa con. Số khác hướng dẫn chồng mình đi đúng đường như một người chị
hướng dẫn cho em trai của mình. Số khác nữa xem chồng như những người
bạn tôn trọng lẫn nhau, và là những thành viên bình đẳng. Những thái độ
và cách cư xử này góp phần không nhỏ vào sự thành công trong mối quan hệ
gia đình(14).
Tóm lại, những lời dạy của đức Phật là
nhằm khuyên người vợ phải chia sẻ bổn phận một cách bình đẳng với người
chồng. Dầu đức Phật răn người vợ nên kiềm chế không được coi thường
chồng, Ngài chẳng bao giờ nói rằng chỉ có những phụ nữ biết vâng lời mới
có thể trở thành người vợ hiền. Trái lại, đức Phật cho rằng những người
phụ nữ giữ vai trò tích cực như là người cố vấn, hướng dẫn và là đối
tác bình đẳng với người chồng mới đóng góp vào sự thành công của một
cuộc hôn nhân.
(Dịch Theo Establishing A Marital Partnership, NXB Wisdom Publications)
(1) Câu trích từ: Tăng Chi Bộ Kinh IV: Phẩm Punnabhisanda:
Kinh Pathama Samvasa
(2) Tăng Chi Bộ Kinh IV: Phẩm Punnabhisanda: Kinh Pathama Samvasa
(3) Trường Bộ Kinh III: 31: Kinh Sigalovada; 461-469
(4) Như trên
(5) Tương Ưng Bộ kinh V: Sotapatti Samyutta: Kinh Veludvareyya; 1796-1799
(6) Tăng Chi Bộ kinh I: Phẩm Ekaka
(7) Tăng Chi Bộ kinh VII: Phẩm Avyakata: Kinh Sattabhariya
(8) Trường Bộ kinh III: 31: Kinh Sigalovada; 461-469
(9) Như trên
(10) Tăng Chi Bộ kinh VIII: Phẩm Gotami: Kinh Gotami
(11) Tăng Chi Bộ kinh VIII: Phẩm Uposatha: Kinh Nakulamatumanapakayika
(12) Trường Bộ kinh III: 31: Kinh Sigalovada; 461-469
(13) Tăng Chi Bộ kinh VII: Phẩm Avyakata: Kinh Sattabhariya
(14) Như trên