Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Vì sao em buồn?
09/02/2012 11:12 (GMT+7)

Vừa qua, trên một số tờ báo đã công bố một thông tin đáng lưu ý về thực trạng chất lượng sống của tuổi trẻ VN qua sự kiện Hội nghị công bố báo cáo chung SAVY 2 và giới thiệu các báo cáo chuyên đề.

SAVY là tên viết tắt tiếng Anh (Survey Assessment of Vietnamese Youth) của Điều tra Quốc gia về Vị thành niên và Thanh niên Việt Nam. Cuộc điều tra SAVY 2 được thực hiện  trên phạm vi toàn quốc trong nhóm vị thành niên và thanh niên từ 14 đến 25 tuổi.

Cuộc điều tra được thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước với 10.044 thanh thiếu niên (nam 51% và nữ 49%) tham gia. Các đối tượng được phỏng vấn là những người đã hoặc chưa kết hôn; học sinh hoặc đang đi học hoặc những người đã đi làm; ở thành thị hoặc nông thôn, kể cả vị thành niên và thanh niên dân tộc thiểu số. 

Như con chim tuyệt vọng, 4,1% bạn trẻ trong chương trình khảo sát
của TS.Nguyễn Mạnh Lợi cho biết đã từng nghĩ tới chuyện tự tử

Bao nhiêu người chán sống?

Khi tìm hiểu về “sự buồn chán và dồn nén” của giới trẻ, TS. Nguyễn Mạnh Lợi, một trong số các tác giả của công trình này cho biết, có đến 4,1% các bạn trẻ được hỏi đã từng nghĩ đến chuyện tự tử. Trong số những người nghĩ đến giải pháp tồi tệ này thì tỷ lệ nữ giới cao hơn, chiếm hơn 2 lần so với nam giới. Trong tổng số những người nghĩ đến chuyện tự tử thì có đến 25% bạn trẻ đã từng tìm cách để kết thúc cuộc sống của mình. Tỷ lệ này cao hơn gấp đôi so với 5 năm trước, trong nghiên cứu SAVY 1.

Cuộc điều tra còn chỉ ra rằng: 73% số người được hỏi khẳng định đã trải qua cảm giác buồn chán, 26,7% người trẻ đã rơi vào trạng thái rất buồn hoặc thấy mình là người không có ích đến nỗi không muốn hoạt động như bình thường. Tỷ lệ số người được hỏi hoàn toàn thất vọng về tương lai là 21,3 %. Những nhà nghiên cứu đã so sánh với cuộc điều tra cách đây 5 năm và nhận thấy mức độ buồn chán và số lượng người trẻ buồn chán đã tăng lên. TS.Nguyễn Mạnh Lợi nhận  định: “Cần thiết phải quan tâm hơn nữa đến những diễn biến về mặt đời sống tinh thần của thanh niên”.

Một điều đặc biệt nữa ở cuộc điều tra này, theo TS. Nguyễn Mạnh Lợi cảm giác buồn chán ở mỗi nhóm tuổi rất khác nhau:, trong đó nhóm tuổi từ 18 – 21 (nghĩa là trong khoảng thời gian từ năm thứ nhất đến năm thứ ba đại học) có số lượng đông nhất các  trường  hợp rơi vào trạng thái rất buồn, cảm giác mình không có ích, không muốn hoạt động bình thường. Nhóm độ tuổi này cũng là nhóm hay nghĩ đến chuyện tự tử nhiều hơn.

 Một nghiên cứu khác về sức khỏe tâm thần  ở 6.189 học sinh ở các trường trung học, đại học ở Hà Nội, Hải Dương, TP.HCM, Cần Thơ do GS.Michael Dunne, Đại học Công nghệ Queensland (Australia) cho thấy cứ 7 thanh niên Việt Nam có 1 người trầm cảm.

Theo nghiên cứu của GS.Michael Dunne và cộng sự trong 5 năm qua, cứ 6 hoặc 7 người trẻ tuổi được phỏng vấn thì một người cho rằng họ cảm thấy buồn, thất vọng, không có giá trị so với người khác. Họ khóc, ngủ không yên và ăn không ngon,…

Ở độ tuổi 13-24, các trường hợp trầm cảm ở TP. Hồ Chí Minh chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp đó là Hà Nội và Cần Thơ. Đó là các thông tin được công bố trên báo Dân Trí.

Cuộc sống thừa áp lực và thiếu ước mơ

Chúng ta thường dạy dỗ tuổi trẻ, dù là con em hay học trò, rằng sống phải có lý tưởng, phải cống hiến cho xã hội, cho nhân dân, cho tổ quốc. Nhưng có khi nào chúng ta hiểu các em đang thực sự nghĩ gì, ước mơ gì chưa? Tuổi trẻ vốn mơ mộng nhưng khi thực tế bóp nghẹt những ước mơ ấy thì họ cảm thấy ngột ngạt, hoang mang, và loay hoay tìm… lối sống. Thử hỏi một học sinh hay sinh viên hôm nay muốn gì khi ra trường, câu trả lời chắc chắn là một việc làm lương cao, chứ không hẳn là một việc làm phù hợp với năng khiếu và ước vọng.

Chúng ta chứng kiến rất nhiều sinh viên chen chúc trước cổng trường kinh tế hay y khoa nhưng thử hỏi có bao nhiêu em hội đủ tố chất làm doanh nhân hay bác sĩ? Các em chọn nghề mình muốn (với mục tiêu dễ kiếm việc làm, hứa hẹn thu nhập cao) chứ không chọn nghề mình yêu. Suy rộng ra, lối học nhồi nhét, thiếu sáng tạo, lồng trong một chương trình khô cứng, đầy ắp kiến thức, thiếu tư duy độc lập.

Có em nói với chúng tôi: “ Sao em học ngoại ngữ ở những ngôi trường nước ngoài, rất vui, rất hào hứng “mà về học chương trình ngoại ngữ trong trường khô như ngói, lỗi thời, từ chương… Chưa hết, lối học của người Anh Mỹ là phát huy trí tưởng tượng, và gợi mở, không áp đặt, không cần làm theo luận mẫu, nói như thầy cô, chỉ cần diễn đạt độc lập ý tưởng của mình, tự nghiên cứu và bảo vệ luận điểm cần trình bày… Đại học của chúng ta, buồn thay, lại là trung học nối dài… chứ không hề mang tinh thần đại học… khai phóng, độc lập, sáng tạo… Tuổi trẻ lớn lên trong khuôn mẫu nhưng bản chất họ luôn muốn vượt qua khuôn sáo ấy.

Hơn nữa, hiện nay các em không có thần tượng để tin để yêu. Tìm đâu: thần tượng hôm nay không có hay nếu có là một thứ thần tượng “què quặt”  tâm hồn, những “ngôi sao” vì scandals nhiều hơn là tài năng…

Chúng ta thấy con số 26,7% người trẻ đã rơi vào trạng thái rất buồn hoặc thấy mình là người không có ích đến nỗi không muốn hoạt động như bình thường là một con số không bình thường, nếu không muốn nói là đáng báo động. Chưa kể  21,3% số người được hỏi hoàn toàn thất vọng về tương lai.

Theo các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Tâm thần học, trên thế giới và đặc biệt là tại Việt Nam, số bệnh nhân điều trị trầm cảm ở tuổi vị thành niên đang có xu hướng tăng. Các chuyên gia cho biết lứa tuổi vị thành niên có những thay đổi sâu sắc trong các mối quan hệ xã hội lẫn tính cách, suy nghĩ, nên dễ bị tác động. Do đó, loại bệnh này ngày càng phổ biến, nhất là trong cuộc sống hiện đại (áp lực công việc, có nhiều căng thẳng trong cuộc sống).

Trong phân tích của mình, TS. Nguyễn Mạnh Lợi cho rằng: Những người trẻ gắn kết với gia đình sẽ ít rơi vào nhóm “buồn chán và dồn nén”. Sự hài lòng về công việc cũng như được làm việc đúng ngành nghề được đào tạo cũng đóng vai trò quan trọng với sức khỏe tinh thần của thanh niên. Những người không hài lòng với công việc có tỷ lệ buồn chán là 19,5%.”

Trong số hơn 10.000 bạn trẻ tham gia điều tra thì có đến 763 người cho biết đã từng bị tổn thương bởi bạo lực ngoài đường. Và nhóm bạn trẻ này rơi vào tình trạng “buồn chán và dồn nén” cũng cao hơn.

30,9% học sinh và sinh viên được hỏi cho biết có buồn chán vì giáo viên đối xử không công bằng. 1.181 người cho rằng chương trình học hiện nay là quá tải. 23% nhóm này rơi vào cảm giác buồn chán, thất vọng. 

Ngày càng có nhiều người trẻ tìm đến với Phật giáo, nhưng chùa chiền không giữ chân họ lại lâu
vì chương trình sinh hoạt phù hợp với tâm sinh lý đối tượng này nghèo nàn

Xã hội thiếu quan tâm đúng mức

Chúng ta nói rằng xã hội thiếu quan tâm thì không đúng, phải nói là quan tâm không đúng mức. Ngay cha mẹ trong gia đình cũng đã vì nhiều lý do không sâu sát hay nắm bắt tâm tư các em để đến khi biết hay phát hiện ra những dằn vặt, đổ vỡ trong tâm thức con em mình mới bàng hoàng, rồi hoang mang không biết xử lý ra sao. Chưa kể một số phụ huynh còn chì chiết, đay nghiến con em mình vì những lầm lạc của tuổi trẻ. Có những em vì bị bêu riếu nhục mạ đã tự sát.

Phải bắt đầu từ đâu?

Trước hết từ trong gia đình. Cha mẹ phải gần gũi và hơn ai hết họ phải là những nhà tâm lý, biết thông cảm chia sẻ và hướng dẫn con em mình. Không thể vào hùa với cái xã hội trọng tiền bạc hay danh phận mà thúc ép con em mình phải vượt quá khả năng của chúng. Giáo dục bằng tấm gương của chính mình về lòng nhân ái, sự quan tâm đến người khác bắt đầu từ đây.

Chúng ta cũng cần phải nghĩ tới nội dung giáo dục hiện nay. Phải giáo dục lấy dạy làm người là chính. Nguyên lý nền tảng của giáo dục hôm nay không phải là dạy chữ mà là dạy người. Hãy giảm nhẹ chương trình để các em có thời gian vui chơi và giải trí, để các em không đánh mất cả tuổi thơ trong bốn bức tường của lớp, của nhà, vùi đầu học, không biết vui chơi, không có mùa hè cũng chẳng thấy mùa xuân!

Phải đưa nội dung giáo dục công dân, rèn luyện tâm hồn vào trong các buổi sinh họat, trong nội dung chương trình, vào bài giảng văn, ngọai ngữ, lịch sử… để tuổi trẻ có quyền bay bổng và mơ mộng. Họ cũng cần phải có chút lãng mạn tuổi mới lớn, ngày vào đời để thấy cuộc đời đáng sống đáng yêu…

Cũng phải thay đổi cả xã hội nhưng đây là một việc lâu dài đòi hỏi nhiều tâm huyết và công sức từ những nhà lãnh đạo, từ tầng lớp cầm quyền khi phải kiến tạo một xã hội biết trân trọng những giá trị muôn đời, những chân lý cổ xưa về lòng hiếu thảo, tình nhân ái, sự trong sáng của thể chế, tính thanh liêm của người lãnh đạo…Nghĩa là phải xây dựng lại cả nền móng tâm linh của xã hội nếu muốn duy trì Chân Thiện Mỹ như mục tiêu tối hậu… Phải suy nghĩ đến việc đưa môn học các giá trị sống của các tôn giáo phù hợp với truyền thống và thời đại, với bối cảnh xã hội của đất nước để cùng gợi ý, định hướng việc xây dựng một thế hệ tương lai phát triển những tâm lý tích cực, vị tha, có trách nhiệm, gắn bó với cộng đồng.

Là một tôn giáo có lịch sử lâu đời và luôn khế cơ khế lý, các nhà lãnh đạo Phật giáo cần quan tâm với bạn trẻ, cần phải có tiếng nói, hành động cụ thể và thiết thực hơn nữa nhằm thể hiện Phật pháp một cách sinh động, khế hợp với tâm sinh lý của tuổi trẻ; Gia đình Phật tử VN cần phải có nhiều cải tổ, thay đổi hình thức sinh hoạt để không hờ hững với bạn trẻ, đặc biệt là lớp trẻ ở các đô thị. Chùa chiền cũng vậy, hy vọng sẽ có nhiều khóa tu sinh động, nhiều hoạt động sinh động trong tinh thần Phật pháp được tổ chức nhiều hơn, rộng khắp hơn nữa.

Nhìn một số khóa tu học, trại sinh hoạt hè của tuổi trẻ gần đây, đặc biệt là qua các hoạt động diễu hành xe đạp mừng Phật đản cùng các phong trào tự phát khác của tuổi trẻ Kính mừng Đại lễ Phật đản ở Hà Nội và TP.HCM…, tín hiệu bạn trẻ tìm đến với Phật giáo có số lượng đông đáng kể, tuy nhiên, thực tế là Giáo hội có quá ít những chương trình phù hợp với người trẻ, do đó, không giữ chân giới trẻ được lâu dài, cách diễn đạt Phật pháp lại thường quá khô khan với nhiều điều “cấm kỵ”, làm cho không ít người trẻ dè dặt, e ngại và tránh né. Thiết nghĩ, Giáo hội, đặc biệt là các ban, ngành liên quan tới giới trẻ như Hướng dẫn Phật tử, Hoằng pháp, Văn hoá... cần quan tâm hơn nữa, sâu sắc và thực tế hơn nữa đến người trẻ. Trước hết, để giúp bạn trẻ có một định hướng về lối sống tốt, tích cực; thứ nữa, đào tạo được lực lượng kế thừa các Phật sự trong tương lai.

Đó không phải là một điều quá khó, bất khả thi với tất cả chúng ta, những ai thành tâm xây dựng lại thế hệ trẻ trên quê hương vốn đã hứng chịu nhiều tai họa này. Hãy hướng về tuổi trẻ và mong nỗi buồn sớm qua đi trong tâm hồn các em, bầu trời sẽ xanh lên trong mắt các em.

Nguyên Cẩn

http://giacngo.com.vn/phatgiaotuoitre/2012/01/26/334659/

Các tin đã đăng:
Về đầu trang