Gặp
cô ở căn nhà nhỏ nằm trong hẻm 339 đường Lê Văn Sĩ (Q.3, TP.HCM), căn
nhà nhỏ, gọn gàng, dễ thương với phiến đá có khắc hai câu thơ đã đi vào
lòng người như một bài ca dao về tình người: “Lợi danh như bóng mây chìm nổi/ Chỉ có tình thương để lại đời” (Còn gặp nhau) - cùng những sách báo, văn hóa phẩm…
Góc
nhỏ bình yên của cô còn có chú Thùy (chồng cô) và người con trai vì
sinh khó nên bị thiểu năng phải nhờ sự chăm sóc của cô chú.
Tác giả & nữ sĩ Hỷ Khương
Cô
cười tươi rói, giọng Huế vẫn ngọt xớt dẫu ngày nào cũng uống thuốc ho,
cùng nhiều loại thuốc khác. Cười rồi đọc thơ, rất sảng khoái: “Đến tuổi này không đau mới lạ/ Chuyện bệnh đau là chuyện bình thường…”.
Cũng
bởi hiểu được cái lý “bình thường” của chuyện bệnh đau do tuổi già nên
cô rất thong thả đón nhận, mọi cái đều là “lẽ đương nhiên”, cái gì vui
thì mình biết vui, cái gì không tốt, không khỏe, không như ý thì biết là
không như ý. Có lẽ vì tâm niệm đó nên đã toát ra trong thơ cô, những
câu bình dị, ai cũng thuộc và thích như: “Còn gặp nhau thì hãy cứ vui/ Chuyện đời như nước chảy hoa trôi…”.
Và đó cũng là những câu thơ được sử dụng in trên lịch nhiều nhất. Riêng, tập thơ Hãy cho nhau của cô (NXB Trẻ ấn hành) thì luôn “cháy” hàng, bởi có bài đinh là Còn gặp nhau. Tới thăm và chúc mừng cô nhân dịp cô nhận được kỷ lục gia cũng là lúc bản in (tái bản lần 3) của tập Hãy cho nhau về tới nhà, cô bảo: “Lần này họ tăng giá gấp đôi, từ 16.000 đồng/tập lên 32.000 đồng/tập. Bên cạnh đó còn có CD của tập Hãy cho nhau
với phần nói về thơ Hỷ Khương của GS.TS Trần Văn Khê, BS Đỗ Hồng Ngọc,
TS Nguyễn Nhã, BS Trương Thìn… và giọng đọc, diễn ngâm của chính cô”.
Rồi
cô nói thêm, “mình làm được gì thì nên làm, tuổi trẻ phải ráng mà làm,
chứ để mùa xuân qua, tuổi tác lớn, bệnh tật bất ngờ thì có muốn cũng
không được, như cô bây chừ có ngâm nga chi được?”. Cô cười cười, nhắc
lại hai câu thơ “khuyến khích” của BS Đỗ Hồng Ngọc đã tặng cô: “Hỷ Khương quận chúa chớ lo/ Chữ hò liền với chữ ho một vần”.
Đó là tình cảm, là những ân tình của bạn bè, thân hữu dành cho cô, nhất
là GS.TS Trần Văn Khê, người được cô trân trọng gọi là hiền huynh, “học
được ở anh Khê rất nhiều, anh Khê cũng là người khơi nguồn thơ cho cô
trong mấy mươi năm qua đó”.
Nói chuyện với cô, hỏi cô có vui khi nhận được kỷ lục? Cô bảo vui, không phải vì danh hiệu mà vì thơ mình đã đi vào lòng người.
Nhiều người đọc Còn gặp nhau đã trân trọng lấy những ý thơ khai mở tâm hồn như “Lợi danh như bóng mây chìm nổi/ Chỉ có tình thương để lại đời”
làm châm ngôn cho cuộc sống. Cái đó mới là niềm vui của nhà thơ, bởi ít
nhiều ý niệm, lối sống của mình và nếp giản dị, nhân văn của tổ tiên
được cô học hỏi, diễn đạt thành thơ đã được bạn đọc cảm nhận và tiếp
nối.
Có người viết thư về cho cô, hoặc e-mail từ nước ngoài về
bảo, có những tờ lịch Tết in những câu thư pháp, nội dung thơ Hỷ Khương
người ta thích quá nên không nỡ bỏ tờ lịch. “Trời Phật thương, với lại
ông cụ cô (nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị - NV) đã nuôi dưỡng mạch nguồn
tâm và cả nguồn thơ cho cô, chứ mình mình thì đâu có thể làm gì được”,
cô trân trọng “nhường” tất cả những danh hiệu đầy yêu thương cũng như sự
quý mến của bạn thơ, bạn đọc dành cho những người thân, đặc biệt là cha
mẹ mình.
Cái tâm ấy và tấm lòng giản dị ấy của Hỷ Khương cũng
chính là một bài học lớn cho tôi khi đọc một vài câu thơ trên lịch Tết, ở
dưới ký tên tác giả Tôn Nữ Hỷ Khương, như là:
Một cơn gió nhẹ thoảng quaDễ đưa ta đến lìa xa cõi đờiĐể kết thúc một kiếp người,Mong manh như giọt sương rơi đầu cành!Thế mà cứ mãi quẩn quanh,Ghét ghen, sân hận, tranh giành, hơn thua.Đang là bạn, hóa ra thù,Đang thân thiết, bỗng thờ ơ lạnh lùng.Cùng trong cõi tạm sống chungChơi vơi bể khổ - mênh mông đất trời.Hãy cho nhau những nụ cười,Hãy cho nhau trọn tình người - niềm vuiHãy cho nhau vị ngọt bùi,Hãy cho nhau vạn ngàn lời yêu thương,Tròn câu hiếu đạo, cương thường. (Hãy cho nhau)