Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Thần kỳ cụ bà đọc "thần chú" chữa... gãy xương
05/03/2013 21:34 (GMT+7)


"Bài thuốc" mẹ chồng truyền lại


Chúng tôi tìm đến gia đình cụ Quyết trong một ngày cuối năm, căn nhà cụ nườm nượp những bệnh nhân gãy xương từ khắp các nơi tìm về. Vừa thổi cho một ca gãy xương đầu gối dưới Thái Bình lên, cụ ra bàn rót nước mời khách.

Cụ Quyết cho biết: "Cách chữa gãy xương của tôi rất đơn giản, những bệnh nhân bị gãy xương nào trên bộ phận cơ thể tôi đều làm thần chú vào miếng trầu, cau nhai cho nhuyễn sau đó sẽ thổi hơi thở vào vết thương đó".

Khi nghe tôi giới thiệu là phóng viên dưới Hà Nội lên tìm hiểu về công việc chữa bệnh của cụ, cụ Quyết tâm sự: "Hơn 20 năm qua tôi chữa bệnh nhiều lúc mệt mỏi, muốn nghỉ ngơi. Nhưng khi nhìn thấy người bệnh đau đớn, quằn quại tôi không thể ngồi yên".

 

Cụ Quyết đọc thần chú trước khi ăn trầu để thổi cho bệnh nhân.

Cụ Quyết học được bài thuốc thổi mần trầu từ người mẹ chồng của mình. Trong gia đình cụ Quyết là con dâu thứ 5. Cụ Quyết cho hay, mẹ chồng cụ là cụ Bùi Thị È người nổi tiếng khắp vùng về chữa gãy xương, bằng cách thổi hơi trầu vào vết thương.

Thậm chí những người từng bị mảnh đạn găm trên cơ thể ở vị trí không phẫu thuật được, phải nhờ cụ È thổi lấy ra. Khi cụ È nhiều tuổi, sức khoẻ cũng giảm dần, nhiều người trong gia đình lo lắng, cụ vẫn chưa truyền nghề được cho người con nào.

Nhiều lần trước đó cụ È có ý định truyền bài thuốc cho các con. Nhưng đều thất bại, không phải mọi người không muốn học nhưng học xong lại quên, có người nhớ được những thủ thuật cụ dạy nhưng chữa bệnh không hiệu quả. 

 

Chị Bùi Thị Thủy được cụ Quyết thổi vào tay bị bong gân.

Một buổi tối cả gia đình ngồi quây quần bên nhau, cụ Quyết hỏi về cách chữa bệnh gãy xương. Cụ È cũng chỉ nói qua và nói một lần duy nhất. Nhưng những lời mẹ chồng nói cụ đều ghi nhớ. Khi cụ Quyết thử làm theo lời mẹ chồng đã phát huy hiệu quả.

Hơi thở ma thuật?


Cụ Quyết lấy trong buồng ra một tráp trầu cau, một bình vôi nhỏ và bảo: "Nhiều người bị gãy xương được tôi chữa khỏi chỉ nhờ vào những thứ đơn giản như vậy đó. Trầu cau không nhất thiết phải do mình trồng, mà có thể lấy bất kỳ nơi đâu, kể cả người bệnh mang đến, tôi đọc thần chú nhai một lúc cho miếng trầu nhuyễn rồi thổi vẫn khỏi".

Cụ Quyết cũng không biết vì sao hơi thở của mình lại có nhiều ma thuật như vậy, chỉ bằng hơi thở đó mà nhiều người bị gãy xương, không cần bó bột gì vẫn khỏi. Người nào bị nhẹ thì chỉ thổi vài ngày là khỏi.

 

Đồ nghề chữa bệnh của cụ Quyết.

Những người đến nhờ cụ Quyết chữa bệnh chủ yếu là những người quanh vùng, thậm chí từ nhiều tỉnh khác cũng biết đến tiếng tăm chữa bệnh của cụ. Có người bị gãy xương bộ phận không bó bột được hoặc bó bột nhiều lần không khỏi.

Nhiều bệnh nhân bị nặng cụ tạo điều kiện ở lại để điều trị. Nếu ở xa thì cụ thổi cho một hai lần trong ngày, rồi hà hơi đọc thần chú vào miếng trầu đưa cho họ về thổi lấy.

Nhiều ca thập tử nhất sinh


Hơn 20 năm cứu giúp người bệnh, cụ Quyết không thể nhớ hết đã chữa cho bao nhiêu người. Cụ nhẩm tính mỗi ngày bình quân cũng có vài ca gãy xương đến nhờ cụ thổi. Cụ cũng không ghi chép gì cả, nhiều người được cụ thổi khỏi đã quay lại làm lễ tạ ơn.

Theo chỉ dẫn của cụ Quyết chúng tôi đã tới gia đình anh Nguyễn Văn Tú, người cùng xã với cụ Quyết. Anh Tú cho biết: "Cách đây 3 năm vợ chồng tôi xuống Hà Nội đi công tác. Trên đường đi bị chiếc xe tải mất lái đâm vào, vợ chồng tôi ngất tại chỗ. Chúng tôi được người thân đưa vào Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) chụp chiếu, chân trái tôi bị dập nát, chân phải vợ tôi cũng bị gãy. Vợ chồng tôi được bệnh viện mổ và bó bột. Nhưng do tôi không kiêng cữ được, đi lại nhiều nên xương khó liền. Sau này nhờ người thân giới thiệu tôi được cụ Quyết thổi lá trầu. Cụ nhai trầu và thổi vào vết thương của tôi, thời gian sau tôi thấy dễ chịu, sự đau đớn giảm dần và khỏi".

Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình tìm đến địa chỉ những người cụ Quyết đã ban tặng cho hơi thở kỳ diệu, nối liền những khúc xương bị gãy. Chúng tôi về xóm Mon (xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn) gặp ông Nguyễn Bá Bờm từng được cụ Quyết chữa khỏi.

Ông Bờm nhớ lại: "Cách đây mấy năm, trong một lần đi đốn gỗ trong rừng, do bất cẩn tôi bị cây gỗ đè lên người. Một bên xương mông bị dập nát, các con tôi đã đưa đến nhờ cụ Quyết chữa. Lúc đầu tôi cũng nghi ngờ việc chữa bệnh của cụ ấy, vì thấy cụ chả có thuốc thang gì, chỉ lấy cau trầu ra nhai. Vừa nhai cụ vừa thổi vào vết thương làm sao có thể liền xương được. Nhưng lạ kỳ thay, khi cụ thổi gần được một tuần thì thấy đỡ nhức dần, vết thương ngoài da liền lại. Gần tháng sau tôi có thể đi lại được. Sau này tôi đi khám ở viện, bác sĩ chẩn đoán xương đã được nối liền".

Chữa bệnh làm phúc cho mọi người


Cụ Quyết bảo, khi dạy bài thuốc cho cụ mẹ chồng dặn rằng, việc chữa bệnh là làm phúc giúp người chứ không phải là nghề để kiếm sống. Bệnh nhân đến chữa cụ Quyết không đòi hỏi tiền công hay bất kỳ điều gì cả. Ai có lòng thì đặt lên bàn thờ vài chục nghìn đồng hay ít hoa quả làm lễ trước hoặc sau khi chữa bệnh.

"Nếu tôi lấy tiền người bệnh thì gia đình tôi phải có bạc tỷ. Chả phải làm gì cả, chỉ ở nhà chữa bệnh lấy tiền thiên hạ. Hằng ngày tôi vẫn băm rau, thái chuối nấu cám nuôi lợn. Đó cũng là niềm vui của tôi", cụ Quyết cho hay.

Cụ Quyết sinh được 8 người con (5 trai, 3 gái), mấy năm trước cụ cũng rất lo lắng vì chưa tìm được người để truyền lại bài thuốc. Nhưng thời gian gần đây cụ rất vui vì người con gái thứ ba đã có thể nối nghiệp cụ.

Cụ Quyết bảo: "Không phải ai cũng học được bài thuốc này, phải là người có căn quả, có cơ duyên mới có thể học được. Lá trầu, quả cau thì ở đâu cũng có, nhưng phải thuộc được câu thần chú người bệnh mới khỏi được".

 

- "Hơn 20 năm qua cụ Quyết đã nhai trầu, thổi hơi vào vết thương của những người bị gãy xương. Nhiều người già, hay những người bị gãy xương ở vị trí không thể bó bột cụ Quyết thổi khỏi. Đây là cách thức chữa bệnh gia truyền của gia đình, chúng tôi chỉ biết bằng cách thức đó cụ đã chữa khỏi được nhiều người bệnh".

Bà Nguyễn Thị Nhung (Trạm trưởng Trạm y tế xã Hợp Thành, huyện Kỳ Sơn)

- "Đây không phải là bài thuốc, trong Đông y trầu cau có tác dụng chữa một số bệnh về ngoài da. Nhưng về việc cụ Quyết vừa nhai trầu, vừa thổi hơi thở của mình vào vết thương để chữa cho người bị gãy xương thì bây giờ tôi mới nghe thấy. Đây có thể là một cách chữa mẹo, đọc thần chú của những người dân tộc miền núi".

Lương y Nguyễn Hữu Toàn (Trưởng phòng khám Đông Nguyễn Hữu Toàn, số 481-482 Lô 22C đường Lê Hồng Phong, TP Hải Phòng).

(Theo Kienthuc.net.vn)

Các tin đã đăng:
Về đầu trang