Như đã nói ở trên, vấn đề tất yếu sẽ dẫn đến việc ngần ngại nhắc đến từ “cải đạo”, hay cụm từ “cải đạo tín đồ Phật giáo”.
Nội dung bài viết này sẽ nhằm vào mục tiêu giải quyết những băn khoăn nói trên.
1-Trước hết, thực tế vấn đề cải đạo đối với tín đồ Phật giáo không hàm chứa trong đó quan hệ giữa Phật giáo và một tôn giáo khác, tức không là vấn đề giữa hai tôn giáo, mà trong đó có Phật giáo.
Thực tế, diễn biến cải đạo tín đồ Phật giáo hiện nay là xuất phát từ rất nhiều tôn giáo.
Vì vậy, nếu từ một tôn giáo nào đó có ý kiến nói rằng, nói tới cải đạo là nói tới tôn giáo của họ, là một điều rõ ràng không có cơ sở. Phật giáo Việt Nam đặt vấn đề ngăn chận cải đạo, điều đương nhiên là không phải hướng về một tôn giáo, mà hướng về chính mình, hướng về việc bảo vệ tín tâm, tín đồ tôn giáo mình. Nói rõ hơn, là vấn đề cải đạo nói chung không là vấn đề giữa hai tôn giáo, và ở phía cải đạo Phật giáo không có tôn giáo nào cụ thể ở đây.
2-Điều cần nhấn mạnh là hiện nay, việc cải đạo tín đồ Phật giáo một phần là do các tà đạo tiến hành.
Theo bài “Cảnh giác với âm mưu dùng tà đạo để chống phá” của tác giả Kim Ngọc, đăng trên báo Quân đội Nhân dân, bản Online, cập nhật ngày 29/05/2011, thì tà đạo được định nghĩa là: “Tà đạo ở đây được hiểu là những đạo lạ, đạo không chính tông, không được pháp luật thừa nhận”.
Bài báo dẫn trên cho biết: “Mọi hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta thời gian qua có những diễn biến phức tạp. Đáng chú ý là sự xuất hiện các tà đạo với những hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo chứa đựng những yếu tố mê tín, phản văn hóa, phi nhân tính, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, chỉ tính từ năm 2000 trở lại đây đã có hàng chục tà đạo được các đối tượng lợi dụng hoạt động tôn giáo để dựng lên.”
Tà đạo hoạt động từ không tín đồ đến có tín đồ. Họ tìm kiếm, phát triển tín đồ từ đâu?Câu trả lời đương nhiên là chủ yếu từ Phật giáo, tôn giáo có số tín đồ đông nhất ở Việt Nam và là tôn giáo có cái nhìn tương đối thoáng hơn cả về tín đồ, dễ bị khai thác, lợi dụng cải đạo hơn cả.
Trong một thực tế như vậy, thì việc ngăn chận cải đạo tín đồ Phật giáo cũng chính là ngăn chận việc phát triển tà đạo, ngăn chận những yếu tố gây bất lợi cho ổn định xã hội. Do đó, báo động việc cải đạo tín đồ Phật giáo, kêu gọi và thực hiện việc ngăn chận cải đạo tín đồ Phật giáo là phù hợp với chủ trương, chính sách và pháp luật của nhà nước, phục vụ cho việc xây dựng củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.
Bài báo dẫn trên cũng nói rõ: “Việc theo đạo và truyền đạo cũng như mọi hoạt động tôn giáo khác đều phải tuân thủ hiến pháp và pháp luật, không được lợi dụng tôn giáo tuyên truyền tà đạo, hoạt động mê tín dị đoan, không được khống chế, ép buộc người dân theo đạo. Nghiêm cấm các tổ chức truyền đạo, người truyền đạo và cách thức truyền đạo trái pháp luật”(người trích dẫn lại nhấn mạnh)
“Truyền đạo trái pháp luật” trong thực tế, hầu như chỉ hướng vào đối tượng tín đồ Phật giáo, chỉ cải đạo tín đồ Phật giáo, là một hành vi trái pháp luật. Vì vậy, trong trường hợp này, ngăn chận cải đạo tín đồ Phật giáo cũng chính là ngăn chận hoạt động trái pháp luật.
Do vậy, không lý do gì để Phật giáo chúng ta không mạnh dạn báo động, kêu gọi ngăn chận và ngăn chận trong thực tế hoạt động cải đạo tín đồ Phật giáo. Vì làm như vậy, chính là hưởng ứng chủ trương của nhà nước chống lại việc “truyền đạo trái pháp luật” của các tà đạo.
3- Các sự kiện chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc có tính chất nghiêm trọng trong lịch sử Việt Nam đều có liên hệ đến việc cải đạo tín đồ Phật giáo khi được tiến hành ở đỉnh cao, và được tiến hành từ nhiều tôn giáo khác nhau.
Việc cải đạo tín đồ Phật giáo ở quy mô tập thể, cả thôn cả làng ở một số nơi tại miền Bắc và ở một địa phương tỉnh Bến Tre miền Nam đã góp phần dẫn đến việc thành lập “tỉnh tự trị”của một tôn giáo, các làng tôn giáo khép kín, các an toàn khu tôn giáo có hoạt động đi ngược lại với cuộc kháng chiến chống Pháp, gây chia rẽ sâu sắc khối đại đoàn kết dân tộc trong công cuộc kháng chiến chống Pháp.
Trước đó, gần một thế kỷ, những tín đồ Phật giáo Việt Nam khi đã bị cải đạo sang tôn giáo khác, không còn là tín đồ Phật giáo nữa cũng đã tiếp tay đắc lực cho quân viễn chinh Pháp hoạt động trong cuộc xâm lăng Việt Nam.
Nửa đầu thế kỷ XX, việc cải đạo ồ ạt tín đồ Phật giáo sang một số tôn giáo nội sinh ở Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ đã đưa đến cuộc căng thẳng, rồi xung đột giáo phái ở miền Nam Việt Nam vào năm 1955 ở miền Nam Việt Nam, khiến chính quyền Ngô Đình Diệm phải vất vả đối phó, trấn áp, gây đổ máu vô ích.
Sự kiện Phật giáo phải gánh chịu Pháp nạn 1963 cũng là hệ quả của cuộc chuyển đổi mạnh cơ cấu tôn giáo ở miền Nam Việt Nam sau cuộc di cư 1954.
Các hoạt động cải đạo tín đồ Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm lúc bấy giờ đã tạo ra những mâu thuẫn xã hội sâu sắc trong xã hội miền Nam Việt Nam những năm cuối thập niên 1950 cho đến tháng 11-1963.
Từ những bài học lịch sử nói trên, chúng ta có thể rút ra kết luận, là việc cải đạo tín đồ Phật giáo Việt Nam, khi được tiến hành ở đỉnh cao, thì hệ quả sau đó là sự xáo trộn cơ cấu tôn giáo đã có tại Việt Nam, dẫn đến sự biến dạng và có thể là biến cố cho việc đoàn kết dân tộc.
Vì vậy, nỗ lực giữ gìn tín tâm tín đồ Phật giáo cũng chính là bảo vệ củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, trên một cơ cấu tôn giáo đã hình thành ổn định. Phá vỡ cơ cấu tôn giáo tương đối vốn ổn định đã có bằng cách cải đạo tín đồ Phật giáo với những biện pháp không trong sáng như dụ dỗ, cưỡng ép, khống chế bằng nhiều hình thức là trực tiếp gây ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết dân tộc.
4-Việc giữ gìn tín tâm tín đồ Phật giáo với tinh thần ngăn chận truyền đạo trái pháp luật cần được sự hỗ trợ của nhà nước. Vì ở đây, bảo vệ, giữ gìn người Phật tử trong tôn giáo truyền thống dân tộc cũng chính là bảo vệ khối đại đoàn kết dân tộc, bảo vệ ổn định xã hội. Tín đồ Phật giáo bị tà đạo cải đạo nhiều bao nhiêu, thì nguy cơ mất ổn định xã hội càng lớn bấy nhiêu.
Bài trên báo Quân đội Nhân dân đã dẫn ở trên cũng viết: “Truyền bá tà đạo như đã nói trên là hoạt động vi phạm pháp luật nhà nước và quy định của các địa phương. Nguyên nhân cơ bản phát sinh, phát triển các tà đạo là sự lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo của một số người hòng trục lợi về kinh tế, gây thanh thế cá nhân, các thế lực thù địch lợi dụng việc truyền đạo, phát triển tôn giáo để gây mất ổn định về an ninh chính trị nhằm mục tiêu chống phá CNXH ở nước ta.”
Vấn đề đã căng thẳng đến mức như thế, thì nếu ngần ngại đề cập đến vấn đề cải đạo tín đồ Phật giáo, e rằng Phật giáo chúng ta có thể rơi vào bẫy, trước hết là của các tà đạo. Chỉ khi việc giữ gìn tín tâm tín đồ Phật giáo được ý thức đầy đủ, việc ngăn chận cải đạo tín đồ Phật giáo được thực hiện có kết quả, tà đạo hết đường truyền đạo, thì ổn định xã hội và đoàn kết dân tộc mới được giữ vững.
Minh Thạnh