1. Thành lập tôn giáo mới, lấy tín đồ từ tín đồ Phật giáo, về thực chất, đó cũng là việc cải đạo.
Ở đây, xin nói rõ hơn về khái niệm cải đạo.
Cải đạo không chỉ là việc tín đồ Phật giáo chuyển đổi sang một tôn giáo đang hoạt động chính thức, hợp pháp. Đây chỉ là một mặt của việc cải đạo.
Cải đạo còn là việc tác động để tín đồ Phật giáo chuyển sang các tôn giáo mới, đã hình thành, hoặc đang trong quá trình hình thành. Trong số đó, nhiều tôn giáo mới được nhà nước Việt Nam xác định là tà đạo, không cho phép hoạt động, như đạo Thanh Hải chẳng hạn, cũng như một số giáo phái mang tiếng là Tin Lành tư gia, nhưng không đăng ký hoạt động, không được phép hoạt động. Ngoài ra, còn những đạo như đạo ông Tám, đạo Long Hoa, đạo “xuất trần vô vi”…
Bảo vệ tín tâm của người Phật tử, không để cho những tôn giáo mới, những tà đạo được phép hoạt động, trong đó có những tà đạo cải đạo tín đồ Phật giáo chắc chắn là điều hết sức quan trọng và cấp thiết, chắc chắn được nhà nước, các cơ quan chức năng, tăng ni Phật tử, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và toàn xã hội ủng hộ.
Thực chất đây là việc vừa nhằm giữ vững tín tâm của người theo đạo Phật, vừa nhằm bảo đảm sự nghiêm túc trong việc thực hiện những quy định pháp luật về tôn giáo, đảm bảo trật tự an ninh xã hội.
2. Điều cần chú ý là trong lịch sử, trong diễn biến thực tế ở nước ta hiện nay và trên thế giới, một số tôn giáo mới được hình thành từ những tôn giáo có lịch sử lâu đời. Ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới, từ tính chất không chặt chẽ về mặt tổ chức của đạo Tin Lành, khiến nhiều tôn giáo mới, trong đó không ít là tà đạo (có những hoạt động trái tự nhiên, đối kháng xã hội, kích thích bạo lực, tự tử, sử dụng ma túy, quan hệ tình dục tập thể…).
Trong lịch sử Phật giáo, cũng do không có giáo quyền mạnh và thống nhất, nên cũng có hiện tượng một số người từ Phật giáo thành lập những tôn giáo mới. Đây là điểm mà chúng ta tập trung khảo sát, nhằm mục tiêu giữ gìn tín tâm của người Phật tử.
3. Quá trình hình thành tôn giáo mới từ đạo Phật, đặc biệt là ở nước ta, có một mẫu số chung đáng lưu ý. Đó là việcloại trừ tăng bảo. Họ có thể vẫn chấp nhận cả Phật bảo và Pháp bảo, hoặc có thể đồng thời đưa những nội dung giáo lý mới vào, khiến cho Pháp bảo cũng trở nên pha tạp, không toàn vẹn.
Trong đó, việc loại trừ tăng bảo là yếu tố hàng đầu. Thực chất việc loại trừ tăng bảo ra khỏi Tam Bảo là hành vi nhằm mục tiêu cắt rời mối liên hệ giữa Phật tử với biểu trưng sống của Phật giáo hiện đại.
Với cố gắng như vậy, người Phật tử sẽ bị cắt rời khỏi người tu sĩ Phật giáo, cắt rời khỏi các cơ sở Phật giáo, cắt rời khỏi các đạo hữu Phật tử.
Đây là bước một, bước cắt rời. Bước cắt rời này tạo thành một khoảng trống. Có khoảng trống đó là đã hình thành môi trường, tình thế cần thiết cho tôn giáo mới xuất hiện.
Bước thứ hai là hoàn thành tôn giáo mới bằng cách lấp chỗ trống đã được tạo ra từ việc loại trừ Tăng bảo, loại trừ mối liên hệ với tín đồ đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với cơ sở chùa chiền Phật giáo và đạo hữu Phật giáo.
Đại lượng dùng để thay thế tăng bảo, giáo hội Phật giáo là một vị, thường gọi là giáo chủ, được thể hiện bằng nhiều tên gọi, vô thượng sư, minh sư hay khiêm tốn hơn, hội trưởng, trưởng ban (hộ niệm).
4. Quá trình hình thành những tôn giáo mới theo quy trình như trên từ Phật giáo đã được ghi nhận không chỉ một lần ở Việt Nam. Ngày nay, đã có một số tôn giáo mới hình thành theo quy trình như thế tại Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XX, mà nay một số đã được công nhận. Một số trong đó vẫn còn giữ từ “Phật giáo”, hoặc “Phật” trong tên gọi, cũng có thể không. Những nội dung cơ bản của giáo lý những tôn giáo mới đó là một phần căn bản của giáo lý đạo Phật.
Có điều, không có Tăng Ni trong những tôn giáo mới đó.
5. Điều lấy làm đáng quan ngại đối với Phật giáo Việt Nam là một quá trình loại trừ tăng bảo, thực hiện việc tách rời khỏi Phật giáo như thế hiện nay đang diễn ra đối với Phật giáo Việt Nam, với nhiều hình thức.
Đã có việc hình thành những ban hộ niệm với hoạt động chính là cầu siêu trong các tang lễ và tuần thất. Những chỉ như vậy thì không có gì đáng nói.
Nhưng, những ban này chỉ hộ niệm với một điều tiên quyết, bắt buộc: đã mời họ hộ niệm thì tuyệt đối không được liên hệ gì với chùa chiền, tăng ni nữa. Không được liên hệ, chứ không chỉ là không được mời tăng ni. Không được mời tăng ni là một chuyện, còn lại, mọi nghi thức tang lễ, cầu siêu, cúng thất, thờ cúng người quá vãng đều theo hướng dẫn của họ, tuyệt đối không được nghe theo những hướng dẫn của chùa chiền.
Thậm chí, như thông tin từ Thượng tọa Thích Giác Tâm, những “đạo tràng” như vậy còn có giấy cam kết in sẵn để người có thẩm quyền trong tang gia ký vào.
Họ có thể làm đến như vậy, vì họ cam kết lại là đảm nhiệm hoàn toàn nghi thức tang lễ và cầu siêu hoàn toàn miễn phí, không nhận quà tặng, cũng như không dùng cơm hay quà bánh do tang gia mời.
Trong trường hợp này, tôi nghe nói những người đi hộ niệm mang theo riêng thức ăn, nước uống.
Họ có thể thay phiên hộ niệm cho người sắp mất ngày này qua ngày khác, thậm chí 24/24, không kể khó nhọc.
Như thế là rất đáng quý, nhưng tại sao lại phải kèm điều kiện tiên quyết và buộc cam kết bằng văn bản, rằng tang gia không được liên hệ với chùa chiền, tăng ni nữa!?
Đây rõ ràng là một sự đánh đổi, mà mục tiêu của sự đánh đổi đó là cắt rời tang chủ ra khỏi những cơ sở và tu sĩ Phật giáo, trong khi những người tổ chức việc làm đó lại vẫn niệm Phật, tụng kinh Phật.
Điều này không chỉ có ở Gia Lai, hay ở Đắc Lắc, mà có ở khắp tỉnh thành trong cả nước.
Tại TPHCM, tang lễ của thân mẫu một bạn cùng cơ quan của người viết là một trường hợp như vậy.
Tang gia rất xúc động vì việc giúp đỡ tận tình của ban hộ niệm và thực hiện đúng theo điều kiện mà ban hộ niệm đã đặt ra: tuyệt đối không liên hệ với chùa chiền, tăng ni mà chỉ làm theo chỉ dẫn của ban hộ niệm. Họ đưa ra những tiêu chí thực tế, có thể quan sát được bằng mắt, sờ được bằng tay, là khuôn mặt người quá vãng sau khi hộ niệm sẽ dịu đi, trở nên thoải mái, dễ chịu, còn thân thể thì từ trạng thái cứng chuyển sang trạng thái mềm mại…
Nói theo cách của Thượng tọa Thích Giác Tâm là “tuyên bố ai được họ hộ niệm thì đều được vãng sanh, và quan trọng nhất vẫn là loại tăng ra, không cần tăng”.
Cũng nghe nói có trường hợp nếu đáp ứng yêu cầu tang gia, nếu cần, họ cũng tổ chức cả đàn tràng phá địa ngục, chủ đàn đương nhiên không phải là tăng ni.
Sự việc là như vậy, thế thực chất của nó là gì? Nếu chỉ hộ niệm để tạo công đức, tu phước, thì tại sao những ban như thế lại ra điều kiện tiên quyết và căng thẳng, là không được liên hệ với chùa chiền, tăng ni nữa.
Không phải là một hoạt động bố thí rộng rãi, mà là một sự đánh đổi, một hoạt động đưa ra điều kiện tiên quyết, ràng buộc, thắt ngặt!
Để làm gì?
Ở trên chúng ta đã phân tích một quy trình chung.
Hiện tượng này đang phát triển. Hàng tuần, hàng ngày nó đặt những lát cắt cứa vào liện hệ giữa người theo đạo Phật với chùa chiền, tăng ni trong một bối cảnh đặc biệt là ràng buộc người thân trong gia đình lâm chung, một bối cảnh thuận tiện để thực hiện sự đánh đổi, thực chất là việc cắt rời một mối quan hệ.
Điều chắc chắn họ không chỉ cắt để mà cắt, mà như đã phân tích, trước hết là tạo một khoảng trống và một mối quan hệ mới.
Chúng tôi dự đoán, rồi sẽ là một tôn giáo mới, có thể là từ một nhúm nhỏ.
Vì vậy, kính đề nghị chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo, chư vị tăng ni Phật tử và các cơ quan chức năng liên hệ lưu ý đến sự việc đang diễn ra và có xu hướng ngày càng phát triển này.
Một sự việc, một xu hướng không có lợi cho Phật giáo cũng như toàn xã hội.
MT
PHẢN HỒI TỪ PHATTUVIETNAM.NET