Một góc tháp nàng Sujātā hiện nạy. Ảnh: Chúc Phú
|
Men theo bờ gạch cũ, tôi rón rén leo lên đỉnh tháp. Có một cây bồ đề nhỏ
và ít gạch vụn vỡ ở đây. Phóng tầm mắt ra xa, tôi chợt nhận ra khung cảnh xung
quanh rất đỗi yên bình và nghèo xơ xác. Một thoáng bâng khuâng chiếm lấy hồn
tôi trên lối về.
Nhìn những viên gạch cũ, không rõ có phải là cổ hay không, nằm chỏng chơ
xung quanh tháp, tôi chợt nhớ lại hình ảnh những người thợ xây khắc khổ đang sử
dụng những viên gạch cũ, để xây những nền, móng chưa rõ là nhà hay tháp tại những
thánh tích Phật giáo đang được tu sửa. Tôi tự hỏi, có không những người thợ xây
ấy đang phục dựng sai những công trình mà tiền nhân xây dựng? Hoặc xây dựng những
công trình không hề có trong kinh điển Phật giáo? Liên hệ tới những chứng tích
khai quật ở Piprahwa, được giới khảo cổ Ấn Độ cho rằng đó là Đại Kapilavasttu,
một công bố bị các nhà khảo cổ Nepal cho rằng không xác thực(1),
trong tôi khởi lên suy nghĩ về việc khảo sát lại những thánh tích của Phật giáo
hoặc liên quan đến Phật giáo thông qua hệ thống kinh điển. Khảo sát về sự kiện
bát cháo sữa của nàng Sujātā phát xuất từ trăn trở này.
Thợ xây Ấn Độ đang phục chế thánh tích gần Đại Kapilavasttu. Ảnh: Chúc Phú
Nàng Sujātā và bát cháo sữa trong hệ Nikāya
1- Về tên gọi Sujātā
Theo từ nguyên, Sujātā có nghĩa là được sinh ra từ dòng giống quý phái,
là thiện sinh(2). Chính vì vậy nên tên gọi Sujātā được nhiều người sử
dụng ở Ấn Độ cổ đại. Theo Từ điển Phật học nhân xưng Pāli(3),
ấn bản điện tử, thì có mười người cùng tên Sujātā. Thứ nhất, đó là một vị đại đệ
tử của Đức Phật Sobhita (theo J. i 10; Bu vii, 22). Thứ hai, là một đại đệ tử của
Đức Phật Piyadassi (theo J.i.39; Bu.xiv.21). Thứ ba, là mẹ của Đức Phật
Padumutara (theo, J.i.37; Bu.xi.19; MA.ii.722; DhA.i.417). Thứ tư, là mẹ của Đức
Phật Kondanna (theo, Bu.iii.25; J.i.30). Thứ năm, là nữ A-tu-la, về sau trở
thành vợ của Thiên chủ (Sakka) (theo, DhA.i.269, 271, 274ff.; DA.iii.716f.;
J.i.201f.; also J.iii.491f). Thứ sáu, là con gái của gia chủ Senani, vị thôn
trưởng gần Uruvela, cùng với người hầu gái Punna, đã dâng bát cháo sữa cho Đức
Phật khi Ngài chứng đạo (theo, J.i.68f.; DhA.i.71,). Thứ bảy, cận sự nữ Natika
(theo, D.ii.92; S.v.356f.). Thứ tám, em gái của bà Visakha, vị này có người con
gái tên là Dhanañjayasetthi, được gả cho con trai gia chủ Anathapindika, đều được
đề cập chi tiết trong Jātaka 269. Thứ chín, một nữ tỳ ở Benares
(theo, J.ii.125). Và thứ mười là tên một vị Trưởng lão ni (theo, Thig.145-50;
ThigA.136f).
Như vậy, trong mười người cùng tên
Sujātā, thì người thứ sáu, nàng Sujātā dâng cháo sữa cho Đức Phật, là đối tượng
cần được khảo sát qua kinh tạng.
2- Các kinh văn liên quan đến lịch sử Đức Phật
Chúng tôi đã tập trung khảo sát các bản kinh chứa nhiều dữ liệu liên quan
đến cuộc đời Đức Phật trong năm bộ Nikāya nhưng vẫn không tìm thấy câu chuyện về
nàng Sujātā dâng bát cháo sữa.
Ở kinh Trường bộ, chúng tôi
đã lần lượt khảo sát các bản kinh: kinh A ma trú, số 3; kinh Cứu la
đàn đầu, số 5; kinh Đại bổn, số 14;
kinh Đại duyên, số 15; kinh Đại bát Niết bàn, số 16; kinh
Đại thiện kiến vương, số 17; kinh Khởi thế nhân bổn, số 27.
Ở kinh Trung bộ, chúng tôi đã khảo sát các bản kinh: kinh Sợ
hãi và khiếp đảm, số 4; Đại kinh sư tử hống, số 12; kinh Thánh cầu,
số 26; Đại kinh Saccaka, số 36; kinh Makhadeva, số 83; kinh Hy
hữu vị tằng hữu pháp, số 123.
Ở kinh Tăng chi, kinh Tương ưng và kinh Tiểu bộ (từ
Tiểu bộ 1 đến Tiểu bộ 10), chúng tôi không phát hiện câu chuyện về nàng Sujātā
dâng bát cháo sữa. Chỉ riêng kinh Tăng chi, chương Một pháp, phẩm Người
tối thắng, kinh Nữ cư sĩ, có đề cập đến tên Sujātā và xác định rằng: “Trong
các vị đệ tử nữ cư sĩ của Ta, này các Tỳ-kheo, người đi đến quy y đầu tiên là
Sujātā Senāndīhitā”. Đây là thông tin quan trọng cần được mở rộng.
Cần phải xác định rằng, không hề có sự kiện dâng cúng bát cháo sữa được đề
cập trong bản kinh Tăng chi ở trên. Thứ hai, tên Sujātā Senāndīhitā
chính là nàng Sujātā đã cùng với người hầu Punna dâng cháo sữa cho Đức Phật vừa
được nêu dẫn. Nếu nàng Sujātā Senāndīhitā là nữ cư sĩ quy y đầu
tiên, thì câu chuyện cúng bát cháo sữa cho nhà khổ hạnh Siddhārtha Gotama chỉ
là hư cấu. Bởi lẽ, khi đã quy y làm đệ tử, thông tin đó đồng thời xác tín rằng
Đức Phật đã thành đạo.
Hơn thế nữa, trong tác phẩm nổi tiếng chuyên khảo về Ni giới và nữ cư sĩ
của I.B. Horner, nguyên Chủ tịch Hội Pāli Text Society(4), có tám lần
đề cập đến tên Sujātā nhưng không có một thông tin nào liên quan đến nàng
Sujātā dâng bát cháo sữa, và cũng không có thông tin nào xác nhận rằng Sujātā
là nữ cư sĩ đệ tử đầu tiên. Như vậy, thông tin từ kinh Tăng chi vừa dẫn,
không liên quan đến câu chuyện nàng Sujātā dâng bát cháo sữa trước khi Thế Tôn
thành đạo.
3- Khảo sát tác phẩm Nidanakatha thuộc hệ Nikāya
Trong văn hệ Pāli, một trong những tài liệu liên quan đến lịch sử Đức Phật
được học giới ghi nhận là bản văn Duyên khởi luận (Nidanakatha)(5),
được cho là trước tác của Buddhaghosa (Phật Âm) vào thế kỷ thứ V(6).
Tác phẩm này là một cơ sở quan trọng để Hajime Nakamura biên soạn công trình Lịch
sử Đức Phật Gotama(7). Nidanakatha bắt đầu với việc mô tả các tiền
sinh của Đức Phật, các sự kiện khi thái tử ra đời; đặc biệt, văn bản này ghi lại
đầy đủ câu chuyện nàng Sujātā và bát cháo sữa hết sức sinh động.
Theo văn bản này, tại Uruvela, ở thôn Senani, có một thiếu nữ tên là
Sujātā đã cầu nguyện với thần cây Nigrodha rằng: Nếu con được gả cho một nhà
môn đăng hộ đối, và có được một đứa con trai đầu lòng, con sẽ phụng cúng thần
cây hàng năm với những lễ vật quý giá. (If I am married into a family of
equal rank, and have a son for my first-born child, then I will spend every
year a hundred thousand on an offering to thee)(8).Lời nguyện được
viên thành, cô đã tinh chế sữa từ một ngàn con bò, tạo ra món cháo sữa hết sức
đặc biệt; và vào ngày trăng tròn tháng Năm, cô cùng với người hầu Punna đem món
cháo sữa đặc biệt đó dâng cúng cho Bồ-tát. Thọ dụng cháo sữa xong, Bồ-tát xuống
tắm ở dòng sông Niranjana và nhận bó cỏ từ người mục đồng Sotthiya cúng dường.
Sau đó, Ngài đi đến gốc Bồ-đề và dũng mãnh phát nguyện: “Cho dù da thịt, gân
xương trở nên khô cằn, máu trong thân này dẫu có cạn kiệt, nhưng nếu không đạt
đạo, Ta quyết không rời chỗ này”. (My skin, indeed, and nerves, and bones,
may become arid, and the very blood in my body may dry up; but till I attain to
complete insight, this seat I will not leave!)(9).
Câu chuyện là sự tổng hòa nhuần nhuyễn giữa những yếu tố hiện thực lịch sử
và các chi tiết huyền thoại hùng tráng. Bản văn đã tạo tiền đề để nhiều nhà
nghiên cứu Phật học sáng tạo lịch sử Đức Phật theo xu thế cảm xúc, văn chương.
Nàng Sujātā và bát cháo sữa trong hệ Bắc truyền
1- Ngũ phần luật
Lần lượt khảo sát các kinh văn theo bảng phân định các kinh tương đương với
năm bộ Nikāya ở hệ A hàm, chúng tôi vẫn chưa phát hiện được bất kỳ tư liệu liên
quan đến câu chuyện nàng Sujātā và bát cháo sữa. Tưởng chừng hướng khảo sát đi
vào ngõ cụt, thì tình cờ chúng tôi phát hiện câu chuyện chi tiết về bát cháo sữa
của nàng Tu Xà Đà (須闍陀) trong Ngũ
phần luật(10), và đặc biệt, tư liệu này còn đề cập đến việc
quy y Nhị bảo của tín nữ Tu Xà Đà. Thế nhưng, do vì Ngũ phần luật
có niên đại xuất hiện khá muộn(11),nên chúng tôi chuyển hướng khảo
sát vào các bộ kinh thuộc hệ Bản duyên theo sự phân loại trong Đại chính
tạng (Đại chính tân tu đại tạng kinh).
2- Thái tử thụy ứng bản khởi kinh
Mặc dù vậy, khi khảo sát bản kinh đầu tiên từ hệ thống này là Thái tử
thụy ứng bản khởi kinh (太 子 瑞 應 本 起 經)(12), có
niên đại xuất hiện khá sớm vào đời Đông Ngô (229-280), do cư sĩ Chi Khiêm dịch,
chúng tôi không tìm thấy chi tiết về câu chuyện nàng Sujātā.
3- Tu hành bản khởi kinh
Nỗ lực khảo
sát của chúng tôi đã được đền đáp, khi phát hiện toàn văn câu chuyện nàng
Sujātā và bát cháo sữa trong kinh Tu hành bản khởi (修行本起經)(13).Tu hành bản khởi kinh gồm
hai quyển, do đại sư Trúc Ðại Lực và cư sĩ Khang Mạnh Tường dịch vào đời Hậu
Hán (25 -220). Kinh văn xác nhận có hai cô gái nhưng không rõ tên, phụng cúng sữa
cho Bồ-tát và sau đó quy y Tam tôn (令女歸三尊). Có một chi tiết đặc biệt lưu ý, đó là việc tạo ra tinh phẩm cúng
cho Bồ-tát bằng cách tinh chế sữa từ năm trăm con bò. (當 取 五 百 牛 乳, 展 轉 相 飲 至 于 一 牛).
4- Phổ diệu kinh
Theo hệ Bổn duyên và dựa vào niên đại, chúng tôi khảo sát kinh Phổ diệu
(普 曜 經), bản kinh được
xem là xuất hiện khá sớm trong thời Tây Tấn (265-316)(14) và câu
chuyện về nàng Sujātā xuất hiện ở phẩm Sáu năm chuyên cần khổ hạnh, thứ
mười lăm. Theo kinh, tại làng Tu Xá Mạn Gia (修 舍 慢 加) có một trưởng
giả nữ. Người tín nữ này trước khi lấy chồng đã từng phát nguyện, nếu như có được
một đứa con trai, sẽ dâng lễ phụng cúng sơn thần, thọ thần(15).
Đặc biệt, bản kinh mô tả chi tiết về câu chuyện phụng cúng cháo sữa được
tổng hợp, chế biến từ nhiều con bò sữa mà ở đây là một ngàn con bò sữa(16).
Và cũng theo kinh văn mô tả, ngoài tín nữ ra, còn có một thị tỳ hầu cận,
phụ giúp tín nữ thực hiện hạnh nguyện của mình. Ngoài việc chuyển tải câu chuyện
như đã nêu, với những khảo sát sơ bộ của chúng tôi, cho thấy kinh Phổ diệu
nội hàm những tư liệu quý báu tương tự như kinh Tập và những bản kinh cổ trước
đó.
5- Phật bản hạnh tập
Bộ kinh đồ sộ mô tả về cuộc đời Đức Phật cùng thuộc hệ Bản duyên đó là
kinh Phật bản hạnh tập (佛 本 行 集 經) gồm sáu mươi quyển. Kinh do đại sư
Xà Na Quật Đa (Jnānagupta) dịch vào đời nhà Tùy. Đại sư người nước Kiền Ðà La
(Gandhara), Bắc Ấn Ðộ, đến kinh đô Tràng An (Trung Hoa) vào khoảng 559-560, là
một gương mặt dịch thuật nổi bật của Phật giáo đời Tùy.
Theo kinh, nhà Bà-la-môn Tư Na Da Na (斯 那 耶 那) có hai người
con gái. Một người tên là Nan-đà, tiếng Tùy gọi là Hỹ (難 陀, 隋 言 喜), một người
tên là Ba-la, tiếng Tùy gọi là Lực (婆 羅, 隋 言 力). Hai cô con gái đó cúng dường Bồ-tát thức ăn, nước uống và dầu để xức
thân. Chi tiết khá đặc biệt, đó là hai nàng mong ước sánh duyên cùng Bồ-tát (我 願 彼 人 作 於 我 夫). Sau khi nghe
Bồ-tát khuyên bảo, hai nàng từ bỏ ý định nhưng vẫn phụng cúng vật phẩm. Không
lâu sau, có một người chăn dê đảm nhận trách vụ này mãi đến khi Bồ-tát hồi phục
hoàn toàn sức lực, sau sáu năm khổ hạnh.
6- Phương quảng đại trang nghiêm kinh
Kinh do Địa Bà Ha La dịch vào đời Đường (618 – 907), cũng được gọi là Thần
thông du hý kinh (方 廣 大 莊 嚴 經 (一 名 神 通 遊 戲)(17), gồm 12 quyển.
Kinh văn có kết cấu chặt chẽ, mô tả cuộc đời Đức Phật từ cung trời Đâu Suất đến
khi phú pháp, dặn dò. Nhiều nhà nghiên cứu phương Tây như M. Winternitz và J.K.
Nariman nghi ngờ rằng bản kinh này được trước tác trên nền tảng kinh Phổ diệu.
Chi tiết câu chuyện nàng mục nữ dâng sữa xuất hiện ở quyển bảy, phẩm 18, Đến
sông Ni liên. Tên nàng mục nữ dâng sữa là Thiện Sinh (名 曰 善 生) và người hầu
tên là Ưu Đa La (優 多 羅 女). Do được thiện thần mách bảo nên biết Bồ-tát tu khổ hạnh và đã tinh chế
món cháo sữa từ một ngàn con bò để dâng cúng. Chi tiết câu chuyện pha lẫn nhiều
yều tố thần thông biến hóa hơn so với các kinh văn ở giai đoạn sơ kỳ.
7- Phật sở hành tán (Buddhacarita)
Tác phẩm cuối cùng chúng tôi khảo sát không thuộc kinh, nhưng vẫn nằm
trong hệ Bản duyên, đó là tác phẩm Phật sở hành tán (佛 所 行 讚)(18) của Mã Minh
(Asvaghosa), một tác gia của nhiều bộ luận Đại thừa nổi tiếng. Phật sở
hành tán là một trường ca cổ bằng Phạn ngữ và được dịch sang Tạng ngữ, Hán
ngữ và nhiều ngôn ngữ khác. Niên đại xuất hiện của Mã Minh cũng như của tác phẩm
này có nhiều thuyết, chưa được các nhà nghiên cứu Phật học có thẩm quyền thống
nhất. Tuy nhiên, căn cứ vào bản Hán văn trong Đại chính tạng thì tác phẩm này
có mặt tại Trung Hoa vào thời Bắc Lương (397 - 439). Đây là một áng văn chương
trác tuyệt viết về cuộc đời Đức Phật và có đề cập ngắn gọn về chi tiết nàng
Sujātā cúng bát cháo sữa. Do vì độ nén của văn chương thi ca, cho nên trong tác
phẩm chỉ ghi rằng, có một người trưởng nữ chăn bò, tên là Nan-đà (有 一 牧 牛 長, 長 女 名
難 陀); sau khi nghe
tiên nhân thuật về Bồ-tát đang tu khổ hạnh, nàng mục nữ đã phát tâm cúng cháo sữa
(乳 糜). Sau khi thọ
dụng cháo sữa, Bồ-tát đã đến gốc bồ-đề thiền tọa và cuối cùng đắc thành chánh
giác.
8- Vài ý kiến về tư liệu thuộc hai hệ thống
Trong các tư liệu vừa khảo cứu, cứ liệu sớm nhất về nàng mục nữ dâng sữa
có mặt ở kinh Tu hành bản khởi vào đời Hậu Hán (25-220). Tuy nhiên, chi
tiết quy y tam tôn cho thấy có sự bất cập nơi nội dung bản kinh này. Có thể
nói, nội dung đầy đủ về câu chuyện nàng Sujātā dâng cháo sữa theo khảo sát của
chúng tôi là kinh Phổ diệu. Vì lẽ, ngoài câu chuyện vừa nêu, đây còn là
bản kinh chứa đựng những cứ liệu quan trọng tương tự như hai chương cuối của
kinh Tập (Sutta Nipata), một bản kinh tối cổ, được các nhà nghiên cứu Phật
học đánh giá cao.
Về câu chuyện nàng Sujātā dâng cháo sữa. Thứ nhất, cách phiên âm Tu Xá
Mạn Gia (修 舍 慢 加) từ kinh Phổ diệu rất gần với tên gọi Uruvela
của văn bản Nidanakatha cũng như nhiều bản văn khác. Thứ hai, mục đích cúng dường
cháo sữa là nhằm tạ lễ sơn thần vì sở nguyện cầu tự đã thành tựu. Thứ ba, sữa
cúng dường được tinh chế từ nhiều con bò. Thứ tư, ngoài tín nữ ra còn có một thị
tỳ hầu cận. Thứ năm, do sự mách bảo của thiên thần nên nàng tín nữ mới biết Bồ-tát
đang khổ tu. Thứ sáu, niên đại xuất hiện của bản Hán dịch kinh Phổ Diệu khá sớm,
tức cuối thế kỷ thứ ba và đầu thế kỷ thứ tư sau Tây lịch.
Tất cả những chi tiết này đều giống hệt các sự kiện trong tác phẩm Nidanakatha.
Căn cứ vào niên đại, thì giữa Nidanakatha và kinh Phổ diệu xuất
hiện rất gần nhau. Do vì không có trong tay Phạn bản kinh Phổ diệu, nên
chúng tôi chưa thể xác quyết có phải kinh Phổ diệu có trước bản văn Nidanakatha
hay không? Với những điểm tương đồng về chi tiết câu chuyện nàng Sujātā dâng sữa
ở hai văn bản vừa nêu, chúng tôi chỉ dám quyết rằng, cả hai bản văn Nidanakatha
và kinh Phổ diệu có sự liên hệ đến một bản văn cổ, có niên đại xuất hiện
rất sớm, chí ít là những năm đầu Tây lịch mà chúng ta chưa khám phá ra.
Nghi vấn đó của chúng tôi hoàn toàn có cơ sở. Vì lẽ, khảo sát về lịch sử
Đức Phật được thể hiện qua các tác phẩm nghệ thuật Gandhara được các nhà khảo cổ
học xác định có niên đại rất sớm, từ thế kỷ thứ I sau Tây lịch. Từ kết quả thu
được tại 40 điểm khai quật trải dài trên đất nước Pakistan và Afghanistan của
các nhà khảo cổ, đã cung cấp một hệ thống hiện vật liên quan đến lịch sử và cả
huyền thoại của Đức Phật Thích Ca hết sức sống động(19). Đặc biệt,
chi tiết câu chuyện nàng Sujātā dâng bát cháo sữa xuất hiện trên một phù điêu
mang ký số Acc. No: PM_01425 có niên đại xuất hiện từ thế kỷ II - III sau Tây lịch(20).
Điều này đã minh chứng rằng, các huyền tích và hành trạng của Đức Phật đã xuất
hiện bằng văn bản, hoặc ít nhất là văn chương truyền miệng vào những năm đầu
Tây lịch.
Từ khảo sát bước đầu, chúng tôi cho rằng kinh Phổ diệu là bản kinh
có nhiều ảnh hưởng quan trọng trong giới trí thức Phật giáo Trung Quốc thời bấy
giờ, ngay cả ngài Pháp Hiển và ngài Huyền Tráng. Theo chúng tôi, từ câu chuyện
cúng cháo sữa được ghi nhận ở kinh Phổ diệu, ngài Pháp Hiển khi sang Tây
trúc cầu pháp vào năm Kỷ Hợi, niên hiệu Hoằng Thỉ thứ hai (tức năm 399), đã xác
tín vị trí: Lại đi về phía Bắc hai dặm thì đến chỗ nữ nhân Di Da hiến sữa
cho Phật(21) (又 北 行 二 里 得 彌 家 女 奉 佛 乳 糜 處)(22). Ở đây, tên
nàng Sujātā, phiên âm thành Di Da của ngài Pháp Hiển, có cơ sở hơn sự phiên
âm bằng Nan Đà của Phật bản hạnh
tập hay Phật sở hành tán. Hơn thế nữa, chi tiết nền nhà của hai nàng
mục nữ dâng cháo sữa theo ghi nhận của ngài Huyền Tráng(23) cũng là
một cứ liệu bổ sung, và đồng xác tín sự ảnh hưởng về mặt tư liệu của kinh Phổ
diệu này.
Trong các tác phẩm còn lại, giữa Phật bản hạnh tập và Phật sở
hành tán có sự kế thừa lẫn nhau về tên gọi. Hơn thế nữa, hai cô mục nữ cúng
dường thực phẩm cho Bồ-tát với mong ước được lấy Bồ-tát làm chồng ở kinh Phật
bản hạnh tập là sự phóng tác quá mức. Kinh Phương quảng Đại trang nghiêm
có nội dung gần giống kinh Phổ diệu, do vì niên đại xuất hiện khá trễ
nên có khả năng kế thừa các bản kinh trước đó. Chi tiết quy y của nàng tín nữ Tu
Xà Đa ở Ngũ phần luật, cùng với việc quy y Tam tôn ở Tu hành bản
khởi kinh là sự việc trái với quy ước căn bản của Phật giáo, tương tự như người
đi đến quy y đầu tiên là Sujātā Senāndīhitā được ghi lại trong kinh Tăng
chi được dẫn ở trên.
Có thể nói, nguồn gốc câu chuyện nàng Sujātā dâng bát cháo sữa tuy không
được văn hệ Pāli chính thức đưa vào kinh tạng; thế nhưng căn cứ vào mức độ giống
nhau về chi tiết câu chuyện này giữa kinh Phổ diệu và văn bản Nidanakatha,
cùng quan điểm từ bỏ con đường khổ hạnh ép xác, đã xác tín rằng, Bồ-tát đã thọ
dụng vật thực bình thường sau sáu năm khổ hạnh. Lẽ tất nhiên, với một cơ thể
quá suy kiệt thì món cháo sữa là một lựa chọn hợp lý, dù ở bất cứ thời đại nào.
Người cúng vật thực cho hàng xuất
sĩ không nhất thiết là một người và cũng không dễ nhớ tên, nhất là chỉ cúng một
lần trong khi Ngài chưa chứng đạo và xung quanh không có nhiều người. Đây có thể
là lý do khiến các sử gia nổi tiếng viết về lịch sử Đức Phật không đưa sự kiện
này vào chính sử. Đó là trường hợp của H.W Schuman trong tác phẩm The
Historical Buddha (Đức Phật lịch sử); là trường hợp của Maha Thera Narada
trong tác phẩm The Buddha and His Teachings (Đức Phật và Phật pháp). Mặc
dù vậy, để đánh dấu thời điểm từ bỏ khổ hạnh của Bồ-tát, phải chăng bát cháo sữa
cúng dường của một người vô danh, bỗng lung linh tỏa sáng khi có sở nguyện rõ
ràng.
Thay lời kết hay đi tìm tháp, mộ nàng Sujātā
Như đã trình bày ở phần đầu, ngành du lịch Ấn Độ hiện tại đang cho rằng,
ngôi tháp gạch tại bờ Đông sông Falgu (Niranjana) hiện tại là ngôi tháp của
nàng Sujātā. Sự khẳng định này dựa vào những thông tin khảo cổ của ngài
Cunningham, các công trình khảo cổ của Ấn Độ và ghi chép của ngài Huyền Tráng.
Lần ngược lại thông tin của nhà khảo cổ Cunningham vào năm 1861-1862,
trong bản báo cáo chi tiết về khu vực Buddha Gaya, ông đã khẳng định rằng: “Trong
số 33 trụ đá cổ xưa được mô tả ở trên, thì có 10 trụ đá được khai thác từ một
nơi xa nào đó và 23 trụ đá granite được lấy từ những ngọn đồi lân cận. Tất cả
chúng đều có cùng kích thước và cùng niên đại; nhưng có vẻ như là hai bộ trụ đá
được phát hiện từ những nơi khác nhau. Mặc dù không tách rời, tôi tin rằng các
trụ đá này có nguồn gốc hình thành khác nhau. Các trụ đá được cho là đã được
phát hiện ở phía nam Đại Tháp và gần cây Bồ-đề. Do đó tôi cho rằng các trụ này
nguyên thủy được xây dựng làm tường rào xung quanh cây Bồ-đề. Những cột đá
granite được nói là đã được phát hiện cách phía đông Đại Tháp khoảng 50 mét; và
tôi nghĩ có thể rằng chúng tạo thành tường rào xung quanh ngôi tháp được xây dựng
đánh dấu nơi Đức Phật nhận bát cháo sữa từ hai cô mục nữ. Theo ngài Huyền
Tráng, ngôi tháp này nằm phía Tây nam của Đại Tháp”(24).
Theo khảo sát
của chúng tôi, ngài Huyền Tráng trước đó đã xác nhận rằng: Phía bên ngoài
tòa Kim cang và cây Bồ-đề về hướng Tây nam có một bảo tháp. Đây vốn là căn nhà
của hai nàng mục nữ dâng bát cháo sữa. (菩 提 樹 垣 外 西 南 窣 堵 波. 奉 乳 糜 二 牧 女 故 宅)(25). Căn cứ vào đoạn văn trên của nhà
khảo cổ học Cunningham và ghi nhận của ngài
Huyền Tráng, thì đã có một bảo tháp được dựng để kỷ niệm nơi nàng Sujātā sinh sống,
và bảo tháp ấy nằm ở phía Tây nam so với cây Bồ-đề, nơi Phật thành đạo. Hơn thế
nữa, trong bản đồ mô tả chi tiết, Cunningham đã xác định vị trí Bồ tát thọ dụng
cháo sữa bằng kỳ hiệu g trên bản đồ khu vực Bodh Gaya ở Tây ngạn sông Falgu(26). Như vậy, nếu bảo
tháp của nàng Sujātā còn tồn tại cho đến ngày nay, thì phải nằm ở phía Tây ngạn
sông Niranjana, cùng phía với tháp Đại Giác (Mahabodhi Temple), chứ không phải
nằm ở Đông ngạn như hiện nay. Như vậy, bảo tháp được xem là của nàng Sujātā hiện
nay, thực chất là tháp của ai?
Bản đồ khu vực Bodh Gaya do Cunningham phác thảo.Theo, Cunningham, Archaeological Survey of India, Volume XI.
Đọc thêm thông tin từ nhà khảo cổ Cunningham: “Về phía
Đông của Buddha Gaya, đối diện với bờ sông Phalgu hay còn gọi là sông Ni Liên
Thiền, thẳng đến phía Bắc của ngôi làng Bakror, có một tàn tích bằng gạch rất lớn,
cùng với một chân trụ đá ở gần đó về hướng Bắc. Gò tàn tích đó được gọi là
Katani (27), có đường kính chân gò rộng 150 feet và cao 50 feet. Nó được xây bằng loại
gạch lớn thường thấy 15 x 10 x 3. Đã có nhiều cuộc khai quật diễn ra tại đây nhằm
tìm kiếm gạch và vật quý. Khoảng 70 năm trước, từ những cuộc khai quật kể trên,
có nhiều khuôn dấu đỏ mang hình Đức Phật được phát hiện tại địa điểm này. Những
thứ này được in trong cuốn The Hindu Pantheon của Edward Moor, bản
mang số hiệu LXX, gồm các hình 6, 7 và 8, và ở đó những hiện vật này được cho
là đã được khai quật từ khu vực Buddha Gaya. Tuy nhiên, thông tin của tôi là được
lấy từ Mahant(28), và vì làng Bakror chỉ cách Buddha Gaya nửa dặm về phía Đông, nên sẽ
chính xác hơn để mô tả vị trí là gần Buddha Gaya”(29). Thông tin
chi tiết về ngôi tháp gạch của nhà khảo cổ học Cunningham đã làm sáng tỏ một số
tư liệu không liên quan đến Phật giáo, và trong cả đoạn văn không hề khẳng định
bất cứ chi tiết nào liên quan đến nàng Sujātā.
Sử dụng không ảnh của Google Maps, bảo tháp Sujātā hiện lên rất to và rõ
ràng. Tuy chưa đo đạc bằng số liệu, thế nhưng bằng cảm quan trực tiếp, từ không
ảnh và từ khảo sát thực địa tại hai nơi này, bảo tháp nàng Sujātā hiện tại có
kích cỡ tương đương như bảo tháp kỷ niệm nơi trà tỳ kim thân Đức Từ phụ tại
Kusinagar (Ramabhar Stupa). Phải chăng, bảo tháp Sujātā hiện nay vốn là bảo
tháp kỷ niệm nơi Bồ-tát vào sông Ni Liên Thiền tắm gội(30),
hay tháp của một vị thánh tăng, một
vị Phật quá khứ nào đó?
Đọc lại Đại đường tây vực ký của ngài Huyền Tráng, xác chứng rằng:
Phía Đông nam núi Gaya
có một bảo tháp. Đây là quê quán của ngài Ca Diếp Ba. Phía Nam lại có hai bảo tháp. Đây là chốn
của Dà Da Ca Diếp Ba, và cũng là của ngài Ca Diếp Ba. (伽 耶 山 東 南 有 窣 堵
波. 迦 葉 波 本 生 邑 也. 其 南 有 二 窣 堵 波. 則 伽 耶 迦
葉 波 捺 地 迦 葉 波)(31). Và ngài Huyền Tráng đã bổ sung thêm: Chung quanh bốn phía cây Bồ-đề đều
có những bảo tháp lớn (菩 提 樹
垣 內 四 隅 皆 有 大 窣 堵 波)(32). Không những thế, với những ghi nhận sớm hơn của ngài Pháp Hiển, cũng đồng
xác chứng rằng, xung quanh khu vực Bồ Đề Đạo Tràng có rất nhiều chùa chiền.
Theo ngài Pháp Hiển: Chỗ Phật thành chánh giác thì có 3 ngôi chùa, đều có
chư Tăng cư trú. Chư Tăng được dân chúng hiến cúng, không thiếu thốn gì. (佛 得 道 處 有 三 僧 伽
藍. 皆 有 僧 住. 眾 僧 民 戶 供 給 饒 足 無 所 乏 少)(33).
Từ những thông tin khá sớm của ngài Pháp Hiển cho đến những ghi chép cẩn
thận của ngài Huyền Tráng, đã đồng chứng minh rằng, xung quanh khu vực Đức Phật
thành đạo, có rất nhiều ngôi tháp của các vị Phật quá khứ cũng như của các vị
thánh tăng. Vị trí tháp nàng Sujātā hiện nay không quá xa so với tháp Đại Giác.
Được biết, trong báo cáo cuối cùng vào năm 2006, chính quyền bang Bihar đang
quy hoạch các cụm di tích ở bờ Đông sông Falgu (Niranjana) như tháp Sujātā,
Dhammaranya và Sujātā Kuti vào dự thảo quy hoạch tổng thể thành phố(34).
Thông tin này càng làm cho chúng tôi trăn trở, vì nguồn cội của ngôi tháp gạch
đến giờ phút này vẫn chưa được xác quyết rõ ràng.
Đọc lại lần nữa dòng giới thiệu đầu tiên trên tấm biển xanh ở tháp
Sujātā hiện tại, đã cho thấy: Ngôi tháp gạch này được xây dựng để kỷ niệm
nơi cư trú của nàng Sujātā, người con gái đã dâng cháo sữa cho Đức Phật
(This brick stupa was constructed to commemorate the residence of Sujātā, the
maiden who offered milk rice to Lord Buddha).
Liên hệ với thông tin được ghi nhận
từ ngài Huyền Tráng, và kết quả khảo sát thực địa của nhà khảo cổ Cunningham về
địa điểm ngôi tháp của nàng Sujātā ở phía Tây ngạn sông Niranjana, chúng tôi
tin tưởng rằng, đó là những thông tin xác thực hơn là những thông tin do ngành
du lịch Ấn Độ đưa ra.
Với khả năng và hạn chế của tài liệu, chúng tôi mong rằng, nếu như có sự
chung tay và bổ sung thêm tư liệu từ nhiều nhà nghiên cứu, thì ngôi tháp được
cho là của nàng Sujātā hiện nay, sẽ được làm sáng tỏ từ màn sương huyền thoại.
Chú thích
(1) Hajime
Nakamura, Đức Phật Gotama, một tiểu sử căn cứ vào những bản kinh uy tín nhất,
Trần Phương Lan dịch, NXB. Phương Đông, 2011, tr. 72.
(2) 林 光 明
& 林 怠 馨, 合 編. 梵 漢 梵 大 辭 典. 嘉 豐 出 版 社. India,
2004, p. 1226.
(3) Buddhist Dictionary of Pali Proper Names. Most of the
entries have been taken from the “Dictionary of Pali Names” by G P Malalasekera
(1899-1973), which is available as printed version from “London, The Pali Text Society”.
(4)
Horner, Isaline Blew, Women under Primitive Buddhism: Laywomen and Almswomen,
India, 2007.
(5) For the first time edited in the original Pali by Y Fausboll, and
translated by T.W. Rhys Davids, Buddhist Birth stories or, Jataka Tales.
The oldest collection of folk-lore extant: Being the Atakatthavannana. Volume
I, London,
1880.
(6) Dẫn lại từ Hajime Nakamura, Đức Phật Gotama, một tiểu sử căn cứ
vào những bản kinh uy tín nhất, Trần Phương Lan dịch, NXB. Phương Đông,
2011, tr. 23.
(7) Hajime Nakamura, Sách đã dẫn.
(8) For
the first time edited in the original Pali by Y Fausboll, and translated by
T.W. Rhys Davids, Buddhist Birth stories or, Jataka Tales. The oldest
collection of folk-lore extant: Being the Atakatthavannana. Volume I, London, 1880, p. 92.
(9) Ibid, p. 96
(10) 大 正 新 脩
大 藏 經 第 二 十 二 冊 No. 1421 彌 沙 塞 部 和 醯 五 分 律, 宋 罽 賓 三 藏 佛 陀 什 共 竺 道 生 等 譯 第 三 分 初 受 戒 法 上. Nguyên
văn: “彼 女 須 闍 陀。見 佛 威 相 殊 妙。前 取 佛 缽 盛 滿 美 食 以 奉 世 尊。佛 受 食 已 語 言。汝 可 歸 依
佛 歸 依 法。即 受 二 自 歸。是 為 女 人 中 須 闍 陀 最 初 受 二 自 歸 為 優 婆 夷”.
(11) Niên
đại Lưu Tống (420 - 479). 彌 沙 塞 部 和 醯 五 分 律, 宋 罽 賓 三 藏 佛 陀 什 共 竺 道 生 等 譯.
(12) 大 正 新 脩
大 藏 經 第 三 冊 No. 185, 太 子 瑞 應 本 起 經, 吳 月 支 優 婆 塞 支 謙 譯.
(13) 大 正 新 脩
大 藏 經 第 三 冊 No. 184, 修 行 本 起 經, 後 漢 西 域 三 藏 竺 大 力 共 康 孟 詳 譯.
(14) 大 正 新 脩
大 藏 經 第 三 冊 No. 186, 普 曜 經, 普 曜 經 卷 第 五, 西 晉 月氏 三 藏 竺 法 護 譯, 六 年 勤 苦
行 品 第 十 五.
(15) 普 曜 經.
Nguyên văn: 時 長 者 女, 始 出 嫁 時, 有 願 生 男 子 者, 必 當 與 作 甘 美 餚 膳, 祠 山 樹 神。時 長 者 女, 生
得 一 男 心 中 歡 喜.
(16) 普 曜 經,
Nguyên văn: 千 頭 牛 展 轉 相 飲.
(17) 大 正 新 脩 大 藏 經 第 三 冊 No. 187, 方 廣 大 莊 嚴 經.
(18) 大 正 新 脩
大 藏 經 第 四 冊 No. 192, 佛 所 行 讚.
(19) Ihsan Ali & Muhammad Naeem Qazi, Gandharan Sculpture in
the Peshawar Museum
(Life Story of Buddha), Hazara University Mansehra NWFP, Pakistan, 2008,
p.17-20.
(20) Ibid, p. 125.
(21) Cao tăng Pháp Hiển, Trí Quang dịch, NXB. TP. HCM, 1995, tr. 77.
(22) 大 正 新 脩
大 藏 經 第 五 十 一 冊 No. 2085, 高 僧 法 顯 傳.
(23) 大 正 新 脩
大 藏 經 第 五 十 一 冊 No. 2087, 大 唐 西 域 記. 卷 第 八 (一 國) . Nguyên văn: 奉 乳 糜 二
牧 女 故 宅.
(24)
Alexander Cunningham, Archaeological Survey of India, Four reports made
during the years 1862, 63, 64 and 65, Volume I, Simla printed at the
Government Central Press, 1871, p.10-11: Of the 33 ancient pillars above
described, there are 10 of sand stone from some distant quarry, and 23 of
granite from the neighbouring hills. They are all of the same dimensions and of
the same age; but as the two sets of pillars were found in different
localities, although not apart, I believe that they originally formed
different. The sand stone pillars are said to have been found at southern side
of the Great Temple, and close to the Pipal tree. I
believe, therefore, that they originally an enclosure round the Bodhi tree
itself. The granite are said to have been discovered about 50 yards to the east
the Great Temple; and I think it probable that they formed an enclosure either
round the stupa which stood the spot where Buddha received a bowl of rice and
milk two milkmaids. According to Hwen Thsang this stupa to the south west of
the Great Temple.
(25) 大 正 新 脩
大 藏 經 第 五 十 一 冊 No. 2087, 大 唐 西 域 記. 卷 第 八 (一 國).
(26) Alexander Cunningham, Archaeological Survey of India, Reports
tours in the Gangertic provinces from
Badaon to Bihar in 1875 - 76 and 1877 - 78, Volume XI, Calcutta, 1880, p
148. See also Bodh Gaya, Flate XL.
(27) Katani: Theo Marathi to English Dictionary, hệ chữ viết là
Devanagari, mang nghĩa liên quan đến chăn nuôi, trồng trọt. Theo English -
Hindi Dictionary cũng liên quan đến nông nghiệp như gặt lúa, nghĩa chính của
từ là thu hoạch. Theo Bengali to English Dictionary mang nghĩa là một cô
gái nhỏ nhắn, gợi dục. Từ Katani có xuất hiện trong thơ Rabindranath
Tagore. Tất cả nghĩa vừa nêu không liên quan đến nàng Sujata.
(28) Theo Alexander Cunningham, đó là một ngôi đền của Bà-la-môn nằm
trong khu Bodh Gaya. Xem, Alexander Cunningham, Archaeological Survey of
India, Four reports made during the years 1862, 63, 64 and 65, Volume I,
Simla printed at the Government Central Press, 1871, p. 10.
(29) Alexander Cunningham, Archaeological
Survey of India, Four reports made during the years 1862, 63, 64 and 65,
Volume I, Simla printed at the Government Central Press, 1871, p. 12: To the
eastward of Buddha Gaya, on the opposite bank of the Phalgu or Lilajan River,
and immediately to the north of the village of Bakror, there are the ruins of a
large brick tope, with a stump of a sand stone pillar at a short distance to
the northward. The ruined mound which is called Katani, is 150 feet in diameter
at base, and 50 feet high. It is built of the usual large bricks, 15 x 10 x 3.
Several excavations have been made in it in search of bricks and treasure.
About 70 years ago numerous lac seals impressed with a figure of Buddha, were
found in excavating this tope. These are engraved in Moor’s Hindu Pantheon,
Plate LXX., Figures 6, 7, and 8, where they are said to have been dug up at
Buddha Gaya. My information was, however derived from the Mahant himself, and as Bakror is only half a mile to the eastward, it
would have been more correct to have described the locality as near instead of
at Buddha Gaya.
(30) 大 正 新 脩
大 藏 經 第 五 十 一 冊 No. 2087, 大 唐 西 域 記. 卷 第 八 (一 國).
(31) Sách đã dẫn.
(32) Sách đã dẫn.
(33) 大 正 新 脩
大 藏 經 第 五 十 一 冊 No. 2085, 高 僧 法 顯 傳.
(34) Shri Ramesh K Safaya, B.Arch, M.Urban Design, M.Planning, Ms.
Simrandeep Taneja, B. Plan, M. Urban Planning. Sh. Neeraj Sethi, Btech (Civil),
MBA. City Development Plan for Bodhgaya under the JNMURM, Revised Final
Report, Consultans - Housing and Urban Development Corporation. Ltd., 2006, p.
4.