Đó là sự kiện Lạt ma Dashi - Dorzho Itigilov, vị lãnh đạo của Phật giáo Nga thị hiện duy trì nhục thân sau khi viên tịch, tương tự Ngài Lục tổ Huệ Năng ở Trung Quốc và các vị Thánh tăng ở Việt Nam.
Người Nga từ thời Xô-viết đã truyền tụng về điều mà họ coi là một phép lạ liên tục kéo dài này. Lúc đó, nhiều người đã coi đây là biểu tượng về sự linh thiêng của Phật giáo.
Lạt ma Dashi - Dorzho Itigilov, gọi đầy đủ theo tiếng Nga Pandito Khamba Lama Dashi - Dorzho Itigilov, là đại tăng được suy cử lên ngôi vị lãnh đạo Phật giáo Nga, có thể coi là Tăng thống, từ năm 1911. Năm sinh của Ngài còn chưa được xác định chính xác. Các tài liệu của Nga còn đặt dấu chấm hỏi phía sau năm được ghi nhận là 1852. Ngài viên tịch vào năm 1927.
Ngài tiếp nhận Phật giáo từ năm 16 tuổi. Theo học tại một Datsan (Phật học viện kiểu Tây Tạng) tại Buryat, Nga, Ngài tốt nghiệp với các chuyên ngành y học và triết học. Ngài đã biên soạn một quyển từ điển về dược liệu học. Ngài đồng thời là một trong những nhà hoạt động từ thiện - xã hội nổi bật ở nước Nga thời bấy giờ.
Các hoạt động từ thiện của Ngài đã được triều đình Nga tri ân tặng thưởng Huân chương St.Anna phiên âm tiếng Nga Orden Svyatoy Anny (tuy là huân chương “Thánh” nhưng triều đình Nga có chuẩn bị bản dành đặc biệt cho những người không theo Cơ Đốc giáo, trong đó, thập tự được thay bằng huy hiệu Phượng hoàng hai đầu của triều đình Nga).
Năm 1927, Ngài viên tịch khi đã báo trước, Ngài an nhiên thị tịch trong khi hành thiền.
Đại tăng Dashi - Dorzho Itigilov được táng trong tư thế liên hoa tọa, tư thế Ngài ngồi khi viên tịch.
Trong các năm 1955 và 1973, chư Tăng Phật giáo Nga đã hai lần khai quật nhục thể của Ngài và nhận thấy rằng hoàn toàn không có dấu hiệu phân hủy vật lý.
Chính quyền lúc bấy giờ đã biết việc này. Tuy nhiên nhục thân của Ngài vẫn được giữ nguyên tại chỗ (an táng lại). Việc làm này được coi như động thái khảo cổ học thường được biết đến qua thuật ngữ tiếng La-tinh In situ, với nghĩa gần như là duy trì, bảo tồn cổ vật trong trạng thái nguyên thủy được phát hiện.
Ngày 11 tháng 9 năm 2002, chư Tăng Phật giáo Nga đã cung thỉnh nhục thân còn nguyên vẹn của Ngài về an vị tại tự viện Involginsky. Tự viện này trước đây là trụ sở Hội đồng lãnh đạo tinh thần Trung ương Phật giáo Liên Xô. Nay là trú xứ của Đức Hambo Lama của Phật giáo Nga.
Nhục thân của Ngài được Phật tử khắp nơi chiêm bái và được các nhà giải phẫu bệnh lý học (pathologist) khảo sát. Các ghi nhận được công bố chính thức về nhục thân của Đại sư Dashi - Dorzho Itigilov là:
- Trong điều kiện của một người vừa từ trần 36 giờ trước đây (không phải là hiện tượng khô đi).
- Không hề có dấu hiệu bất kỳ của sự phân hủy.
- Còn nguyên vẹn tất cả bộ phận của cơ thể, gồm cả bắp thịt, mô, khớp, da...
- Hiện tượng hoàn toàn không thể được giải thích bằng y học hiện đại.
- Không ghi nhận bất kỳ biện pháp bảo quản cố ý nào, mà hoàn toàn tự nhiên (không phải xác ướp).
Theo trang web Buddhist Channel, Giáo sư Viktoz Zvyagin, Trung tâm Forensic Medicine Liên bang, sau khi phân tích tóc, da, móng tay của Đại sư Dashi - Dorzho Itigilov, nói rằng trong nhiều năm hành nghề, giáo sư có gặp một số trường hợp bảo tồn cơ thể sau khi chết nhưng đó là kết quả của sự hóa khô, hoặc tồn tại trong môi trường đặc biệt. Riêng trường hợp này ông không hiểu được!
Báo chí Nga nhắc đến hiện tượng thiêng liêng của Ngài với sự nhiệt thành đặc biệt. Còn người Nga hiện nay cho dù không là Phật tử cũng vô cùng tự hào về phép lạ mầu nhiệm này trên đất nước của họ.
Dalai Lama XIV thì xem hiện tượng lưu truyền nhục thân Đại sư Dashi - Dorzho Itigilov là một ví dụ về kết quả thiền định siêu việt.
Truyền thống đạo Phật coi hiện tượng mầu nhiệm này là toàn thân xá lợi.
Còn một người Do Thái không phải Phật tử thì nói rằng “I don’t know if it’s a miracle, but I know he was a holy man” (trích theo Buddhist Channel).
Ngài là một vị Thánh!
M.T.