Đọc tại Buổi sinh hoạt CLB Âm nhạc “Thương nhớ ca sĩ Hà Thanh”, Huế 19g ngày 17-2-2014
Trong kho tàng ca khúc viết về Huế, tôi rất thích bài “Từ Đàm quê hương tôi”. Bài hát viết về chùa Từ Đàm - nơi tôi bắt đầu cuộc đời đấu tranh yêu nước, tác giả ca khúc là nhạc sĩ Văn Giảng bạn của bác tôi và người hát ca khúc đó hay nhất là ca sĩ Hà Thanh – người cùng thế hệ với tôi. Thế hệ của tôi rất tự hào có ca sĩ Hà Thanh. Nhạc sĩ Văn Giảng viết “Quê hương tôi có chùa Từ Đàm”, và tôi cũng đã nhiều lần mạn phép Văn Giảng nói “ Huế tôi có ca sĩ Hà Thanh”.
H.1.Ca sĩ Hà Thanh (1937-2014)
Không ngờ con người - niềm tự hào của thế hệ chúng tôi lại giải nghiệp trước. Đến sáng mai 18-2-2014, Hà Thanh đã giả từ trần thế vừa đúng 49 ngày. Trong 49 ngày ấy, theo tôi được biết ở Thành phố Boston Tiểu bang Massachusetts ở miền Đông Bắc Hoa Kỳ, Thành phố Thị trấn Giữa đàng Midwway City/ Tiểu bang California ở miền Tây Hoa Kỳ, ở Ấn Độ, ở chùa Già Lam Q. Bình Thạnh TP HCM, ở chùa Từ Đàm ngay trên đỉnh dốc Nam Giao Thành phố chúng ta đã có nhiều lễ cầu siêu, lễ tưởng niệm ca sĩ Hà Thanh chưa kể đến hàng trăm trang Web tỏ lòng thương tiếc, chia buồn cùng gia đình và giới ca nhạc sĩ Việt Nam, ca ngợi tài năng ca hát của Hà Thanh và phổ biến rộng rãi những ca khúc qua tiếng hát của chị đã đi vào lòng người hơn nửa thế kỷ qua.
H.2.Lễ cầu siêu ở chùa Già Lam (12-1-2014).
Ảnh TL do nhà thơ TN Hỷ Khương cung cấp
Tiền khách hậu chủ, hôm nay đến phiên Liên hiệp hội Văn học Nghệ thuật và Hội nhạc sĩ của chính quê hương chị có buổi gặp mặt tưởng nhớ chị, mong đóng góp thêm những thông tin mà ngoài Huế không mấy người biết, đồng thời gởi lại cho các lớp tuổi yêu nhạc nhưng không được sống đồng thời với chị.
Tôi thích nhưng không theo âm nhạc. Nhiều người ở Huế có mặt hay không có mặt hôm nay hiểu biết âm nhạc, có nhiều kỷ niệm với ca sĩ Hà Thanh hơn tôi. Nhưng có lẽ Hội nhạc sĩ đo được nhiệt tình của tôi dành cho người Huế - con người làm nên thành phố nhân văn - nên đã dành cho tôi cơ hội được đăng đàn trước chăng? Để khỏi phụ lòng các bạn tôi sẽ cố gắng và rất mong các “lão bạn” của tôi có mặt hôm nay tiếp sức cho tôi.
H.3.“Huế có ca sĩ Hà Thanh” –
Thuyết trình trong buổi văn nghệ sĩ gặp mặt tại Hội Văn Nghệ TTH
nhân 49 ngày ca sĩ Hà Thanh qua đời. Ảnh NKQ
Như thông tin trên nhiều trang Web đã đăng: Ca sĩ Hà Thanh tên thật là Trần Thị Lục Hà, sinh ngày 25 tháng 7 năm 1937, nguyên quán làngLiễu Cốc Hạ, huyện Hương Trà (nay thuộc xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế).[2] . Thân phụ của chị là cụ Trần Kiêm Phổ và thân mẫu Nguyễn Thị Cảnh. Chị là con thứ tư trong gia đình có mười anh chị em: Ba người anh và em trai Trần Kiêm Tịnh, Trần Kiêm (?), Trần Kiêm Dương, 7 chị em gái: Tố Cần, Lục Hà (Hà Thanh), Phương Thảo, Liên Như, Thúy Vy, Bạch Lan, Hoàng Mai.
Cụ thân sinh là thầy giáo Trần Kiêm Phổ (thường gọi là Thầy Trợ Phổ) – theo Trần Kiêm Đoàn,: cụ ”là người theo Tây học với tinh thần cởi mở phương Tây, nhưng "phương Tây Huế" thuở đó cũng vẫn còn trong mẫu mực” kỷ cương. Vì thế không một người con nào của cụ được đi theo con đường văn nghệ. Cũng như con gái thời ấy, Lục Hà vào học trường Đồng Khánh.
H.4.Sáu cô gái Huế,
từ trái sang: Hà Thanh, Tố Cần, Thanh Nga, Lệ Quý, Từ Chi
và Phương Thảo. Ảnh TL của Trần Kiêm Đoàn
Gia đình theo Đạo Phật, Lục Hà được quy y với Hòa thượng Thích Tịnh Khiết – Trú trì chùa Tường Vân, và được ban Pháp danh Tâm Tú. Lục Hà sinh hoạt Gia đình Phật tử ở Huế. Chính trong thời gian sinh hoạt gia đình Phật tử Lục Hà có dịp tập hát và hát với các oanh vũ. Tiếp đến nữ sinh Lục Hà được chọn hát trong ban Nắng Mới của Chương trình Tiếng nói học sinh Quốc Học - Đồng Khánh trên Đài phát thanh Huế. Qua làn sóng Đài Phát thanh Huế, không những học sinh Đồng Khánh – Quốc Học yêu thích tiếng hát nữ sinh Lục Hà mà cả người lớn ở Huế đều rất thích, trong đó có Trần Kiêm Tịnh – anh ruột của Lục Hà. Tiếng hát nữ sinh Lục Hà nổi tiếng từ bài Hẹn một ngày về của thầy Lê Hữu Mục – Giáo sư Việt văn trường Khải Định (sau năm 1956 đổi lại tên cũ là trường Quốc Học). Theo Hồ Trường An ở Pháp, “Bài nầy có nhiều chữ cuối câu chị uốn láy thật uyển chuyển và mềm mại nghe truyền cảm vô cùng. Người Huế gọi chị là Chim họa mi xứ Huế từ giữa thập niên 50”.
Năm 1953[1], Đài phát thanh Huế tổ chức cuộc thi tuyển lựa ca sĩ, rất được giới yêu thích âm nhạc quan tâm. Anh Trần Kiêm Tịnh biết em minh hát hay, bèn khuyến khích Lục Hà đăng ký dự thi. Anh Tịnh còn nhờ người bạn Trần Đình Thông tập cho Hà hát trước khi đi thi. Lục Hà chưa đủ tuổi 16 theo yêu cầu của Ban tổ chức cuộc thi, nên anh em anh Kiêm Tịnh – Lục Hà phải giấu gia đình khai thêm hai tuổi để đăng ký dự thi. Chính anh Tịnh đã dắt em gái Lục Hà đi thi. Lục Hà phải trải qua sáu bài rất khó hát. Đó là bài Nhạc Buồn (Tristesse) của Chopin, lời Việt của Anh Ngọc, Đêm Tàn Bến Ngự & Áng Mây Chiều của Dương Thiệu Tước, Được Mùa của Phạm Đình Chương, Gởi Gió Cho Mây Ngàn Bay của Đoàn Chuẩn – Từ Linh; bài cuối cùng điệu Valse mang tựa đề Le Beau Danube Bleu của J.Strauss (người Áo), được Phạm Duy đặt lời Việt và có tên làDòng sông xanh. Bài hát nầy có những nốt rất thấp dưới 5 dòng kẻ và cũng có nhiều nốt cao trên năm dòng kẻ. Ca sĩ phải có âm vực rộng mới hát được. Không ngờ Lục Hà hát dễ dàng như hơi thở. Khi lên cao thoải mái lồng lộng, khi hạ thấp như cánh diều đáp xuống nhẹ nhàng trên bãi cỏ xanh. Ban Giám khảo do nhạc sĩ Tôn Thất Cảnh (con trai cụ Vân Bình Tôn Thất Lương dạy Việt văn trường Đồng Khánh) làm Trưởng ban, đánh giá Lục Hà có giọng soprano hiếm có, cộng với điểm phát âm giọng Huế nhưng rất chuẩn đúng c-t, có g và không g, hỏi và ngã như giọng Bắc. Ban Giám khảo đã cho Lục Hà đỗ đầu.
Theo nhiều tài liệu cho biết, sau thành tích đỗ đầu với bài Dòng sông xanh, Lục Hà đã lấy nghệ danh là Hà Thanh. Từ ấy chỉ những người trong gia đình và bạn bè thân mới gọi tên Lục Hà của chị, và chị thì vẫn xưng với bạn bè là Hà. Người yêu nhạc chỉ biết ca sĩ Hà Thanh.
Việc Lục Hà thành đạt như thế các anh chị em của Hà Thanh rất vui, tự hào. Riêng cụ thân sinh thì không vui và không đồng ý cho con gái theo nghiệp cầm ca. Theo cụ, Lục Hà phải tiếp tục học để rồi ít ra cũng làm một cô giáo nối nghiệp làm thầy như cụ. Nhưng rồi, không bỏ phí một giọng ca trời cho đó, Ban giám đốc Đài Phát thanh Huế mà người đứng đầu là nhạc sĩ Ngô Ganh (cũng là thầy giáo dạy nhạc ở trường Đồng Khánh) phải trực tiếp đến trình bày những lẽ thiệt hơn với cụ Trợ Phổ. Cuối cùng cụ đồng ý nhưng chỉ cho phép con gái hát qua làn sóng Đài Phát thanh chứ không được lên sân khấu, không được biểu diễn ở các phòng trà. Được sự đồng ý của cụ, Đài Phát thanh Huế tuyển được một ca sĩ trẻ có giọng ca tiêu biểu của Huế.
Lúc ấy, gia đình cụ Trợ Phổ có mở tiệm sách Uyên Bác ở mặt trước Nhà hàng khách sạn Morin đối diện với Đài phát thanh Huế qua đường Lê Lợi. Trước khi đến thu âm hay đi thu âm ở Đài Phát thanh ra, Hà Thanh thường ghé vào tiệm sách Uyên Bác của gia đình. Vì thế mà nhiều học sinh (sau năm 1957 có thêm nhiều sinh viên) - trong đó có tôi - đi học về thường vào tiệm sách Uyên Bác để mong gặp được ca sĩ Hà Thanh.
Trước năm 1960, thỉnh thoảng tôi được đi theo bác tôi – ông Nguyễn Đình Thị - nghệ sĩ đàn vĩ cầm (violon) của Đài Phát thanh Huế – thân sinh của nhạc sĩ Nguyễn Đình Niêm ngày nay, đến đứng ngoài cửa sổ Đài Phát thanh xem các ca nhạc sĩ tập làm chương trình. Tôi còn nhớ có các nhạc sĩ Tôn Thất Cảnh, Văn Giảng (cũng có nghệ danh Thông Đạt), Lê Quang Nhạc, Ngô Ganh, Nguyễn Đình Thị, ca sĩ Hương Thủy (em gái Tôn Thất Cảnh), ca sĩ Hồng Nhạn, ca sĩ Thiện Nhân, ca sĩ Thanh Nhạn, ca sĩ Duy Khánh, ca sĩ Hà Thanh, ca sĩ Lê Gia Phàm.v.v. Sau nầy tôi nghe Trịnh Công Sơn kể lại, chính trong thời gian đó các nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn được giới thiệu trên Đài phát thanh Huế đều do Hà Thanh hát cả. Trịnh Công Sơn mê Phương Thảo – một người đẹp nổi tiếng ở Huế - em gái Hà Thanh, nên anh xem Hà Thanh như một người chị. Nhờ sự say mê đó mà Trịnh Công Sơn đã sáng tác được bài Nắng thủy tinh như nhiều người đã biết.
Đến năm 1963, xảy ra cuộc đấu tranh của Phật giáo chống chế độ đọc tài Ngô Đình Diệm, 8 em Phật tử đã bị thuốc nổ và xe bọc thép của chính quyên họ Ngô giết chết trong đêm rằm tháng tư âm lịch tại sân Đài Phát thanh Huế. Ca sĩ Hà Thanh là một Phật tử, chị không thể tiếp tục hát cho Đài phát thanh Huế nữa. Trong lúc nghỉ hát thì có thư mời chị vào thu thanh cho hãng đĩa Sóng Nhạc. Chị vào Sài Gòn, vừa thu xong chị lại được nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông mời đến hát với ban nhạc Tiếng thời gian. Nghe chị hát bài Về mái nhà xưa, cả Ban nhạc Tiếng thời gian rất vui mừng. Họ không ngờ một nữ ca sĩ trẻ ở miền Trung mà lại hát chuẩn, tự nhiên và hay đến vậy. Chị xuất hiện một cách khiêm tốn như vậy mà tiếng hát Hà Thanh đã hút được sự chú ý của giới tân nhạc ở Sài Gòn lúc ây.
Thu đia xong, chị về Huế. Không lâu sau đó nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông viết thư mời chị trở vào Sài Gòn cộng tác với hãng đĩa Continental. Từ đó chị vào Sài Gòn ra Huế như đi chợ. Năm 1965, Hà Thanh có nhà riêng ở Sài Gòn, chị chính thức gia nhập sinh hoạt ca nhạc và nhanh chóngtrở thành một trong những giọng ca hàng đầu của ở miền Nam giữa những năm sáu mươi của Thế kỷ XX..
Tiếng hát Hà Thanh thường xuyên hiện diện trên các Đài phát thanh ở Sài Gòn và trong các chương trình Đại nhạc hội. Chị rất thành công với những nhạc phẩm mang âm hưởng dân ca miền Trung, dân ca miền Nam như các bài Về miền Trung (Phạm Duy), Đêm tàn Bến Ngự (Dương Thiệu Tước), Tiếng xưa (Dương Thiệu Tước), Từ Đàm quê hương tôi (Văn Giảng) và đặc biệt các nhạc phâm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông như Hàng hàng lớp lớp, Chiều mưa biên giới... Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông từng có nhận xét về tiếng hát Hà Thanh như sau:
"Tôi cho rằng Hà Thanh không chỉ hát mà còn sáng tạo trong khi hát. Hà Thanh đã tạo thêm những nốt luyến láy rất truyền cảm, rất mỹ thuật làm cho bài hát của tôi thêm thăng hoa, trong giai điệu cũng như trong lời ca. (...) Hà Thanh có giọng hát thiên phú, cô hát rất thoải mái, dễ dàng, không cầu kỳ, không cường điệu, không gò bó nhưng nó cuốn hút ta đi trong cái bềnh bồng không gò ép đó."
H.5.Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông (phải) năm 2000. Ảnh NĐX
Trong khoảng thời gian từ 1965 tới 1975 ở Sài Gòn, Hà Thanh hát thu âm cho nhiều hãng đĩa Việt Nam như Sóng Nhạc, Shotguns, Trường Sơn, Premier, Continental, Sơn Ca v.v... Cũng trong thời gian đó, có nhiều người trong giới văn nghệ Sài Gòn bị Hà Thanh hút hồn. Nhà thơ Bùi Giáng yêu Hà Thanh mê mệt, ông làm thơ và viết sách ca ngợi nhan sắc Hà Thanh. (Chuyện nầy nhà văn dịch giả Bửu Ý biết rõ nhất). Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn có bút hiệu rất rừng rú là Sao Trên Rừng, anh phủ nhận tất cả các ca sĩ Việt Nam, chỉ nhận một ca sĩ độc nhất là Hà Thanh mà thôi. Nhà văn Mai Thảo – chủ Nhóm Sáng Tạo cũng là một trong những người rất si mê Hà Thanh. Ông đã từng ra Huế xin được cầu hôn với Hà Thanh. Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ cũng phải lòng Hà Thanh đã viết nên Áo lụa vàng để tặng riêng Hà Thanh. Nhiều người cho rằng Áo lụa vàng là một trong những ca khúc đẹp của Phạm Thế Mỹ được ưa thích nhất.
H.6.Tác giả Áo lụa vàng. Ảnh TL của NĐX
Đặc biệt, vào cuối năm 1965 đầu năm 1966, Tiến sĩ Lê - con trai một đại gia ở Đà Nẵng, ở Pháp về dạy Đại học Văn khoa Huế đã quen biết Hà Thanh và được Hà Thanh có cảm tình. Nhưng sau Hà Thanh thấy phong cách tiếp xúc sỗ sàng theo kiểu Tây của Giáo sư Lê nên Hà Thanh đã cắt đứt mọi giao thiệp với Giáo sư Lê[2]. Mãi đến năm 1970, Hà Thanh kết hôn với Trung tá Bùi Thế Dung. Năm 1972, hai người có một con gái là Bùi Trần Kim Huyên. Sau Ngày thống nhất đất nước (30-4-1975), Trung tá Bùi Thế Dung đi học tập.
H.7. Cháu Kim Huyên và mẹ Hà Thanh.
Ảnh TL trích lại của Thúy Vy.
Năm 1984 – theo nhà thơ Hỷ Khương khẳng định là năm 1982 - Hà Thanh cùng con gái Kim Huyên được gia đình bảo lãnh sang định cư tại miền Đông Hoa Kỳ. Phải xa Huế - Việt Nam, Hà Thanh rất xót xa. Để có thể mang Huế theo mình qua xứ người, Hà Thanh đã được nhà thơ Tôn nữ Hỷ Khương tạo điều kiện và cùng hợp tác thực hiện một “chương trình” thơ ca lấy tựa đề là Huế vẫn ngàn năm. Hà Thanh hát, Hỷ Khương ngâm thơ, hò Lý tình tang, nghệ sĩ cổ nhạc Bửu Lộc đàn tranh, Trần Bộ thổi sáo, Trung Tín đàn ghi-ta, Đoàn Yên Linh giới thiệu chương trình. Chương trình tuy được ghi âm bằng một máy ma-nhê-tô-phôn cũ, phòng thu trên gác nhà riêng của Tôn nữ Hỷ Khương không chuẩn - nhưng hết sức thú vị. Những thơ, ca khúc tiêu biểu viết về Huế đều được Hỷ Khương ngâm, Hà Thanh hát. Đây thôn Vỹ Dạ, Huế đẹp và thơ, Bài thơ Huế, Đêm tàn Bến Ngự, Về miền Trung, Ai ra xứ Huế, Tiếng xưa, Từ Đàm quê hương tôi v.v... đều được trình bày với tất cả nhiệt tình của các nghệ sĩ. Sau đó cuốn băng được chuyển đầy cả hai đĩa CD. Đến nay Bửu Lộc và Hà Thanh đã qua đời hai CD Huế vẫn ngàn năm trở thành một vật kỷ niệm vô giá đối với người yêu Huế. Tôi được nhà thơ Hỷ Khương dành cho một bộ.
Đến cuối những năm tám mươi Thế kỷ XX, Bùi Thế Dung mãn hạn học tập. Qua năm 1990, anh sang Hoa Kỳ sum họp gia đình với Hà Thanhvà con gái Kim Huyên. Nhưng rồi tan vỡ hai năm sau đó.
Theo nhiều tài liệu cho biết: Tại hải ngoại, Hà Thanh không trình diễn thường xuyên, thỉnh thoảng chị xuất hiện hát trong các Chương trình “Nhớ Huế”, hay các Chương trình hát để làm từ thiện. Theo yêu cầu của giới yêu nhạc, chị chỉ ghi âm một số CD như Hải ngoại thương ca (do Trung Nghĩa hòa âm, Giáng Ngọc thực hiện, 1985), Chiều mưa biên giới (Lê Văn Thiện hòa âm, Giáng Ngọc thực hiện, 1995), Sầu mộng (Phạm Vũ thực hiện, 1995), Ngát hương đàm (Duy Cường hòa âm, Phật Ca, 1999), Chinh phụ ca (Giáng Ngọc thực hiện, 2000), Nhành dương cứu khổ(Trầm Tử Thiêng hòa âm, Phật Ca, 2003). CD Ngát Hương Đàm là một tập Phật ca, gồm 12 ca khúc mang chất Thiền, ngợi ca đời sống tâm linh, cổ vũ tình thương huyền nhiệm cao cả giữa đạo và đời. Hà Thanh thường hát những bài nầy trong các dịp hát làm từ thiện, làm công quả. CD Nhành Dương Cứu Khổ được tiếp nối sau CD về đạo ca mà Hà Thanh đã ôm ấp từ những năm còn ở trong nước. Dưới mắt các nhà nghiên cứu đề cập đến hoạt động ca nhạc của ca sĩ Hà Thanh ở nước ngoài là như thế. Sự thật những hoạt động ca nhạc của ca sĩ Hà Thanh có ý nghĩa nhất ở cuối đời chị là những hoạt động mang tính tu tập của chị với Phật giáo Làng Mai. Sau ngày ca sĩ Hà Thanh giả từ cõi tạm, Sư cô Chân Không ở Làng Mai đã có một bài viết Vài kỷ niệm với ca sĩ Hà Thanh nhắc lại quá trình ca sĩ Hà Thanh hát và tu tập theo pháp môn Làng Mai hết sức thú vị. Tôi xin phép Sư cô được trích một số đoạn có thông tin ấn tượng nhất để giới thiệu với người yêu nhạc trên quê hương của ca sĩ Hà Thanh.
H.8.Tâm Ca Lăng Tần Già Hà Thanh
Sư cô Chân Không viết: “Tại hải ngoại, năm 1988 Hà Thanh đã ghi tên theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh đi hành hương 3 tuần lễ ở Ấn Ðộ. Khi đoàn lên núi Linh Thứu, Hà Thanh xin được quy y lại với Thiền sư và được cho pháp danh mới là Tâm Ca Lăng Tần Già, mặc dù cô đã được quy y Phật hồi bé ở Huế.
Kinh A Di Ðà kể rằng ở cõi Tịnh Ðộ mỗi lần chim Ca Lăng Tần Già hót lên thì người nghe khởi chánh niệm, tiếp xúc ngay với Bụt, Pháp và Tăng của tự thân, và ý thức rằng mình đang ở cõi Tịnh Ðộ. Ca Lăng Tần Già Hà Thanh cũng vậy, cô đã làm đúng như lời Thầy mong ước, cô chỉ trình diễn trong những đại hội Phật Giáo, những đại nhạc hội lạc quyên từ thiện […] cứu trợ nạn nhân lũ lụt ở quê nhà, hay góp phần xây ngôi thiền đường này, hoặc ngôi bảo tự kia...Tiếng hát cô bây giờ là hát vì mọi người, đem niềm vui cho người giúp người bớt khổ, cô không còn hát cho riêng mình. Ðiều quan trọng là cô chỉ hát những bài nhạc đạo giúp người ta tu tập, đúng như điều thầy của cô, Thiền sư Nhất Hạnh khi đặt tên cho cô. […]
H.9.Tâm Ca Lăng Tần Già hát
Năm 1990 Hà Thanh có đến Thiền đường Hoa Quỳnh của Làng Mai tại Paris, tập hát với nhạc sĩ Chí Tâm và sư cô Chân Không một số bài nhạc Phật Giáo mà Thầy mới sáng tác. Hôm sau, tại nhà hát lớn Palais de la Mutualité trước 2,200 người Việt Nam cô đã trình diễn bài Ý Thức Em Mặt Trời Tỏ Rạng của Thiền sư Nhất Hạnh và bài Hải Triều Âm của nhạc sĩ Bửu Bác sáng tác. Giọng hát của Hà Thanh rất trong, rất thanh và khi cất lên cao vút thì lại thật ấm và ngọt ngào, tỏa lan... ngân xa như những tiếng chuông hay nhất xứ Huế.
Suốt trong những năm 1990 đến 2000, […] Phật tử (ở quê nhà. Nđx) hay chuyền nhau những băng cassette pháp thoại của Thầy và họ rất ngạc nhiên thích thú được nghe Hà Thanh hát những bài như Quay Về Nương Tựa, Tiếng Chuông Chùa Cổ, Ba Sự Quay Về, Ðây Là Tịnh Ðộ, Ý Thức Em Mặt Trời Tỏ Rạng, Cẩn Trọng, Trầm Hương Ðốt, trước và sau các bài giảng.
Năm 1997 Tâm Ca Lăng Tần Già Trần Thị Lục Hà - Hà Thanh tiếp thọ 14 giới Tiếp Hiện với pháp hiệu là Chân Hỷ Ca.
Trong một buổi pháp thoại cho đồng bào ở Hoa Kỳ, Thiền sư Nhất Hạnh có đọc cho thính chúng nghe bài thơ của thầy Bên Mé Rừng Ðã Nở Rộ Hoa Mai. Khi nghe lần đầu câu “Thầy đi tìm con, từ lúc non sông còn tăm tối...” cô đã khóc và đã quyết tâm phổ nhạc bài này với những nốt nhạc rất dân tộc, rất Việt Nam và đã nhiều lần đến hát cho tăng thân Làng Mai nghe, và đã hát cho tăng thân nghe bài Bên Mé Rừng Ðã Nở Rộ Hoa Mai, do chính cô phổ nhạc thật tuyệt vời, nhiều thiền sinh có mặt ở khóa tu hôm đó đã khóc vì cảm động và hạnh phúc.
Năm 2011, Hà Thanh báo tin cô bị bệnh dư hồng huyết cầu, nhờ trị bệnh này đã bảy tám năm nên bác sĩ đã giúp cô làm chủ được tình hình sức khỏe. Như mọi khi, cô rất vui mừng mỗi khi nghe Thầy ghé qua miền Ðông Hoa Kỳ và vẫn tiếp tục sẵn sàng ngồi xe đi hơn 5 giờ đến thăm Thầy ở Tu Viện Bích Nham của Làng Mai ở Tiểu bang New York. Cô đã mang tặng Thầy cái CD chót mà Hà Thanh mới đặt nhạc mới bài Sám Hối (thi kệ của Thầy Nhất Hạnh) mà cô mới viết nhạc lại (…), trong đó Hà Thanh lại thêm đoạn Thất Phật Diệt Tội Chơn Ngôn, rất “ăn khách” nhất là khi Hà Thanh cất giọng lên như những tiếng chuông khánh thanh tao nhất của nhà chùa!
Mới cách đây hơn hai tháng, ngày 14 và 15 Tháng Chín, 2013, Hà Thanh có đến tận Boston Park Plaza Hotel, chỗ mà Thiền sư đang hướng dẫn một khóa tu hai ngày cho 1,120 bác sĩ y khoa và tâm lý trị liệu do Ðại Học Harvard tổ chức để hát cho thầy nghe bài Bên Mé Rừng Ðã Nở Rộ Hoa Mai một lần nữa. […] không ngờ đó là lần chót Hà Thanh hát cho Thầy và tăng thân nghe”. (Hết trích).
Sau một thời gian bị ung thư máu[2], ca sĩ Hà Thanh qua đời vào lúc 19h30' ngày 1 tháng 1 năm 2014 (giờ Boston) tại thành phố Boston, tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ. Lễ Cầu siêu và Tưởng niệm: 12 tháng 1, 2014 được tổ chức vào gần trưa ngày 12 tháng 1 năm 2014 tại chùa Việt Nam, Roslindale, quận Suffolk, Massachusetts.
Hà Thanh đã rời cõi tạm về chốn vĩnh hằng 49 ngày. Người yêu nhạc trong và ngoài nước vô cùng thương tiếc. Bởi vì thời gian sống trong cõi tạm chị cũng như Trịnh Công Sơn đã để lại “một tấm lòng”, để lại một mẫu người tiêu biểu cho Cố đô Huế.
Đề cập đến giá trị của tiếng hát Hà Thanh, người sành điệu quý mến chị ở những điểm chị hát tự nhiên, nhẹ nhàng, thanh thoát, không một chút diễn, không làm dáng, làm bộ, tạo cho mình một phong cách riêng không giống bất cứ ai, trước đó và sau nầy. Chị hát bằng giọng Huế sang trọng, phát âm chuẩn theo đúng chính tả c-t, hỏi- ngã, huyền-nặng, g và không g giống như tiếng Bắc. Chị có một cách luyến láy riêng, rất kín, tự nhiên, giúp cho bài nhạc gây cảm ứng mạnh hơn và sâu hơn. Giọng chị có một âm vưc rộng, cất lên cao vút bay bổng như cánh diều gặp gió và đáp xuống nốt thật thấp nhẹ nhàng mềm mại cũng giống như chiếc diều đáp xuống bãi cỏ xanh. Khăn áo, trang phục đi hát, lên sân khấu quen thuộc bình thường của phụ nữ Huế khi ra khỏi nhà. Chị còn thích mặc áo lụa Hà Đông.
H.10.Hà Thanh trên sân khấu với “áo lụa Hà Đông”
Chị tự đệm đàn để tập hát, và hát. Không cần tập trước, chị có thể hát bất cứ nhạc phẩm mới nào. Cuối đời ở nước ngoài chị chuyên hát nhạc Thiền, nhạc Phật. Chị còn phổ nhạc cho thơ, và sáng tác nhạc Thiền để hát.
Những nhận xét trên không có gì mới. Nhưng có một câu hỏi chưa được trả lời thỏa đáng:
- Do đâu mà Huế có một ca sĩ tên là Hà Thanh đặc biệt đến thế?
Nghiên cứu Huế tôi thấy không riêng gì ca sĩ Hà Thanh, mà ở Huế còn có các nghệ sĩ “đặc biệt” khác nữa như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Đạo diễn Điện ảnh Đặng Nhật Minh, Họa sĩ Bửu Chỉ. Cả bốn người nầy không do một Trường, một Viện về âm nhạc, mỹ thuật, điện ảnh nào đào tạo nên cả. Cả bốn người đều có một điểm xuất phát chung là tự học, tự rèn luyện mà thành tài. Cái điểm chung đó đã giúp tôi trả lời câu hỏi trên như sau:
- Hà Thanh là một ca sĩ có năng khiếu âm nhạc bẩm sinh;
- Chị tự rèn luyện ca hát từ bản chất, từ phong cách của một cô gái Huế, chị không bị ghép vào, ép vào, uốn nắn theo bất cứ một trường phái, một khuôn mẫu thường có của các Trường, các Học Viện âm nhạc. Phong cách của Hà Thanh là của riêng chị về mọi mặt. Có thể xem đó là “trường phái” Hà Thanh.
Trí thức văn nghệ sĩ Huế giữ lại Kỷ niệm 49 ngày ca sĩ Hà Thanh giã từ cõi tạm.
Ảnh NĐX
Từ trường hợp của ca sĩ Hà Thanh, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Đạo diễn Đặng Nhật Minh, họa sĩ Bửu Chỉ đặt ra một vấn đề về đào tạo nhân tài văn học nghệ thuật. Nhân tài văn học nghệ thuật chỉ có khi họ được phát triển tự do trên cơ sở bẩm sinh của họ.
Phải chăng đó là thông điệp của ca sĩ Hà Thanh mà chúng ta đã nhận được từ buổi sinh hoạt tưởng nhớ ca sĩ Hà Thanh hôm nay?
Huế, 19g ngày 17-2-2014
N.Đ.X.
[*] Tổng thuât từ những tài liệu hình anh trên Internet và riêng của Nguyễn Đắc Xuân
[1] Cũng có nhiều tài liệu viết cuộc thi mở vào năm 1955. Lục Hà sinh năm 1937, đến năm 1955 thì chị đã 18 tuổi (1955-1937=18), quả đủ tuổi để đi thi cần gì phải khai thêm mới đủ tuổi cần thiết là 16? Theo tôi Lục Hà sinh năm 1939 mà cuộc thi mở ra vào năm 1953, chị mới 14 tuổi (1953-1939=14) nên phải khai thêm tuổi để đi thi. Chị đã khai thêm 2 tuổi nên về sau trong tiểu sử đi hát của ca sĩ Hà Thanh ghi chị sinh năm 1937. Nếu đúng như thế thì trong gia phả và cúng giỗ chị nên lấy lại đúng năm sinh 1939 của chị. NĐX
[2] Sau đó Giáo sư Lê cưới một cô bạn của em gái Hà Thanh. Hai người có một con trai nay là một bác sĩ thụ tinh nhân tạo rất giỏi của Bệnh viên Trung ương Huế đã giúp cho nhiều cặp vợ chồng vô sinh có con.