Aśoka được xem là vị hoàng đế vĩ đại nhất của Ấn Độ,
người đầu tiên thống trị toàn cõi Tiểu lục địa Ấn. Đối với Phật giáo,
Aśoka là người Phật tử có công lớn trong việc xiển dương Phật giáo, bằng
sự nhiệt tâm ủng hộ Tăng đoàn và gửi các phái đoàn đi truyền đạo khắp
nơi. Chính nhờ vào những nỗ lực này của ông, Phật giáo đã trở thành một
tôn giáo thế giới từ thế kỷ thứ III (tr. TL); và cũng chính dưới triều
đại của ông, Phật giáo đã đạt đến điểm xán lạn nhất của nó trong dòng
lịch sử phát triển tại Ấn, không chỉ vì nó trở thành quốc đạo của Ấn mà
còn bởi những nguyên tắc đạo đức Phật giáo đã được ứng dụng vào trong
đời sống xã hội một cách thiết thực.
Tượng vua Asoka
Thân thế và sự nghiệp của Aśoka có thể tìm thấy nơi
hai nguồn tài liệu: những sắc lệnh của ông được ghi trên các bia ký và
trụ đá, và những phác họa về ông ở trong nhiều nguồn tài liệu Phật giáo
như Divyāvadāna, Aśokāvadāna và đặc biệt là Mahāvamsa của Sri Lanka.
Aśoka trong các nguồn tài liệu Phật giáo chính yếu được đề cập như là
một vị vua Phật tử thuần thành, người có công lớn trong việc hộ pháp và
truyền bá Phật giáo đến những xứ sở khác nhau bên trong và bên ngoài Ấn
Độ. Aśoka qua các sắc lệnh được ghi chép trên các bia ký và trụ đá, vừa
cho biết ông là vị vua Phật tử nhiệt tâm với Phật giáo, đồng thời cũng
cho biết những chính sách của ông đối với vấn đề lãnh đạo đất nước.
Những chính sách cai trị này của Aśoka được gọi là pháp của Aśoka (Aśoka
Dhamma). Ở bài viết này, tôi không đi sâu vào tìm hiểu về tiểu sử và sự
nghiệp của Aśoka, mà chỉ tìm hiểu một vài khía cạnh về pháp của ông.
Pháp của Aśoka là một nỗ lực trong việc giải quyết
những vấn đề mà xã hội thời ông đang đối mặt. Xã hội thời Aśoka thường
được nhắc đến như một xã hội thịnh trị. Tuy nhiên, khi Aśoka thừa kế
ngai vàng, xã hội Ấn vẫn là một xã hội phức tạp và đa dạng với những đối
kháng chính trị, tôn giáo, chủng tộc và văn hóa. Sự tồn tại song song
của tôn giáo chính thống Bà la môn cùng với các tôn giáo không chính
thống như Kỳ na, Phật giáo, Ajivika... không phải đều luôn êm thắm. Phật
giáo và Kỳ na vào thời này vẫn bị xem là không chính thống đối với Bà
la môn giáo; và có một sự phân chia rạch ròi giữa các Bà la môn và Sa
môn, một sự phân chia giữa những gì gọi là chính thống và những gì không
thuộc vào dòng chính đó.
Đời sống văn hóa xã hội Ấn bấy giờ được đặt cơ sở
trên hai hệ thống chính: Bà la môn và Sa môn. Dân chúng nói chung thuộc
về một trong hai nền tảng văn hóa này. Tuy nhiên, cũng có những vùng đất
không thuộc văn hóa của một truyền thống tôn giáo nào, đặc biệt là
những xứ sở biên địa. Sự đa dạng của xã hội Maurya thể hiện ở nơi những
gì khảo cổ được và cả ở nơi những nguồn văn học. Cai trị một xã hội phức
tạp như vậy không chỉ dựa vào bộ máy chính trị với sự hỗ trợ của tài
chính và vũ lực, mà còn cần đến một sự sáp hợp bằng thuyết phục. Sáp hợp
bằng thuyết phục phải cần đến một hệ tư tưởng mà nó dung hóa được sự đa
dạng của xã hội ở tất cả mọi cấp độ(1).
Phần đầu một trụ đá do vua Aśoka tạo dựng
Chính sách pháp của Aśoka, do vậy, nhằm đến việc duy
trì vương quốc và cố kết thần dân trong một xã hội có nhiều khác biệt về
văn hóa. Pháp ấy là những nguyên tắc hành xử xã hội mang tính phổ quát
mà mọi người trong xã hội với những nền tảng văn hóa khác nhau có thể
đón nhận. Mặc dù mang khuynh hướng duy linh, pháp của Aśoka không phải
là một niềm tin tôn giáo, không phải là những giáo huấn rút ra từ một
tôn giáo cụ thể. Aśoka sử dụng khái niệm pháp khác với cả Bà la môn và
Phật giáo. Pháp (dharma) của Bà la môn là những luật tắc và bổn phận mà
người ta cần tuân theo; các luật tắc, bổn phận đó gắn liền với sự phân
chia đẳng cấp và có sự nối kết với thần linh. Pháp (dhamma) của Phật
giáo, vào thời Aśoka, chính yếu vẫn được hiểu là giáo pháp của Đức Phật.
Pháp của Aśoka tập trung vào hai vấn đề cơ bản, đó là
đạo đức nhà nước và đạo đức con người. Đạo đức nhà nước là những nguyên
tắc mà trên đó Aśoka thực hiện đường lối cai trị của mình với mong muốn
tạo nên một xã hội công bằng, hòa hợp, và theo khuynh hướng duy linh.
Đạo đức con người là những điều ông khuyên dân chúng nên tự nguyện thực
hành theo để có được một đời sống tốt và an lạc. Bản khắc chữ trên trụ
đá II định nghĩa Pháp là: ít điều xấu, nhiều điều tốt, nhân từ, khoan dung, chân thật và trong sạch. Giáo
sư Robert Thurman đã phân những sắc lệnh của Aśoka, hay nói cách khác
là pháp của Aśoka, thành 5 điểm chính: 1. vượt qua cá nhân; 2. phi bạo
lực (ahimsa); 3. nhấn mạnh vào giáo dục và đa nguyên tôn giáo; 4. những
chính sách công ích xã hội; và 5. phân quyền chính trị(2).
Tuy nhiên, dù không phải là những luật tắc được rút
ra từ kinh sách tôn giáo, pháp của Aśoka được cho là có những liên hệ
đến những nguyên tắc đạo đức căn bản của Phật giáo như lòng từ bi, sự
tiết độ, lòng khoan dung và tôn trọng đời sống(3).
Khoan dung là một trong những điểm quan trọng mà
Aśoka nhấn mạnh. Khoan dung ở đây bao gồm khoan dung đối với con người
và với những niềm tin cũng như quan điểm mà những người đó đang theo
đuổi. Về con người, Aśoka đưa ra cách hành xử xã hội giữa người với
người mà nó được xây dựng trên sự thông hiểu và tình thương, những điều
được đề cập đến nhiều trong các kinh sách Phật giáo, đặc biệt trong kinh
Sigala: con cái nên hiếu kính với cha mẹ, học trò phải kính
trọng thầy giáo, người chủ phải đối xử đúng đắn với thuộc cấp và những
người làm công, rộng lượng với bạn bè, thương yêu và giúp đỡ người
nghèo…(4) Khoan dung cũng là tha thứ những lỗi lầm của người khác, xem xét lại những hàm oan, thể hiện bi mẫn đối với những phạm nhân…
Thứ đến là khoan dung tôn giáo và tư tưởng. Dưới
triều đại Aśoka, như đã nói, có nhiều tôn giáo cùng hành hoạt; và sự
xung khắc giữa các tôn giáo cũng đã xảy ra. Mặc dù tuyên bố mình là một
Phật tử, nhiệt tâm ủng hộ Tăng đoàn và mạnh mẽ hỗ trợ phát triển Phật
giáo, Aśoka kêu gọi dân chúng nên kính trọng tôn giáo của nhau. Những
sắc lệnh trên các bia ký III, IV khuyên dân chúng nên kính trọng và rộng
lượng đối với các Sa môn và Bà la môn. Riêng bản thân mình, dù đã là
một tín đồ Phật giáo, Aśoka vẫn cúng dường cho những giáo phái khác,
chẳng hạn như Ajivika, một giáo phái thường có những xung khắc với Phật
giáo.
Sắc lệnh trên các bia ký VII, XII cũng đưa ra nhưng
lời lẽ tương tự, kêu gọi các tôn giáo hãy nên khoan dung nhau. Không chỉ
những người khác tôn giáo, những người chung tôn giáo nhưng khác bộ
phái cũng cần nên như vậy. Sắc lệnh ở trụ đá XII ghi rằng, người dân
không nên chỉ trích và chê bai tôn giáo của nhau. Những ai chỉ biết có
tôn giáo mình, chỉ trích tôn giáo của người khác, thì chính người ấy
đang làm hại tôn giáo của họ. Và vì vậy, người ta nên lắng nghe và kính
trọng những giáo thuyết mà người khác tôn giáo tin, thậm chí nên học
những giáo lý hay của tôn giáo người khác(5). Ở trong một xã
hội có nhiều tôn giáo hành hoạt, có cạnh tranh và xung đột, khoan dung
tôn giáo là cần thiết để giữ cố kết xã hội. Aśoka nói rằng quan tâm của
ông về vấn đề khoan dung là vì lợi ích của toàn thể cõi đời, giúp ông
trả món nợ đối với dân chúng. Xã hội Ấn Độ cổ đại, trước khi người Hồi
giáo đến, ít thấy nhắc đến sự xung đột tôn giáo bằng bạo lực, nhưng sự
xung đột bằng ngôn ngữ là thường xuyên xảy ra. Vì vậy ở sắc lệnh này
Aśoka nói rằng sự khoan dung tôn giáo có thể bằng nhiều cách, nhưng
trước hết phải ở nơi ngôn ngữ.
Trụ đá vua Aśoka tại Vesali
Điểm quan trọng thứ hai ở nơi pháp của Aśoka là tinh
thần bất bạo động. Trước khi quy y Phật giáo, Aśoka được biết đến như là
một vị vua hiếu chiến. Nhưng sau chiến trận Kalinga, hối hận vì đã
khiến cho nhiều người phải thiệt mạng, ông đã sám hối bằng việc quy y
Phật giáo, thực hiện đường lối cai trị theo con đường hòa bình, từ bỏ
chiến tranh và xâm lược. Ở bia ký XIII, Aśoka nói về việc ông đánh chiếm
xứ Kalinga cùng những thảm hoạ mà ông đã gây ra tại cuộc chiến đó; và
việc từ bỏ chiến tranh để thực hiện một đường lối cai trị mới, không gây
chiến và không đánh chiếm, thay tiếng trống trận bằng tiếng trống pháp.
Nhưng phi bạo lực không chỉ dừng lại ở việc không gây
chiến và không xâm chiến, mà còn là việc từ bỏ sát sanh và tế lễ. Lặp
đi lặp lại ở các sắc lệnh là những lời khuyên nên tránh các việc tế lễ,
nên dừng lại việc sát hại muông thú. Và Aśoka đã áp dụng điều này trước
hết cho chính bản thân mình, bằng việc tiết giảm giết hại muông thú nơi
nhà bếp của hoàng gia. Chính ông về sau được nói đã trở thành một người
ăn chay. Tinh thần bất bạo động và không gây hại được đề cao trong Phật
giáo. Và bởi vì Aśoka là một Phật tử, người ta có thể nói rằng ông đã
rút nguyên tắc này ra từ giáo lý đạo Phật (!).
Một khía cạnh khác của pháp Aśoka là đề cao vấn đề
công ích xã hội. Những hoạt động công ích mà Aśoka chủ trương bao gồm:
mở bệnh viện chăm sóc miễn phí, khuyến khích trồng thảo dược, giúp đỡ
người nghèo, xây dựng đường sá, trồng cây, lập nhà dưỡng lão, cấp vốn
cải tiến nông nghiệp, và bổ nhiệm những viên chức lo công việc phúc lợi
xã hội… Nhà xã hội học người Đức Max Weber cho rằng, lần đầu tiên trong
xã hội Hindu xuất hiện khái niệm "hệ thống phúc lợi xã hội" và "lợi ích
cộng đồng"(6). Thực ra, những chính sách phúc lợi này đã được
đề cập nhiều trong các kinh Pali. Nhưng chính Aśoka đã biến những lời
dạy trong kinh sách thành những chuẩn tắc chung cho xã hội của ông.
Một khía cạnh nữa nơi pháp của Aśoka là sự nối kết
chính trị với tôn giáo. Aśoka nói rằng ông là "Người con yêu quý của các
thần linh" (Priyadarśī). Xét từ một góc độ, quan điểm này giống với
quan niệm về vương quyền của Bà la môn giáo: một vị vua trị vì hợp pháp
phải có "phả hệ" từ thần linh, với huyết thống truyền thừa mang tính
đẳng cấp, có sự chứng nhận và ban phép của tu sĩ Bà la môn. Có thể Aśoka
không ảnh hưởng quan niệm này của Bà la môn giáo, nhưng khi ở một vương
quốc mà niềm tin vào thần linh và sự nối kết giữa thần linh và con
người vẫn còn phố biến, thì việc thông báo đến với mọi người rằng mình
là "Người con yêu quý của các thần linh" là cần thiết để duy trì sự hợp
pháp của một vị đế vương.
Tuy nhiên, là một Phật tử và ủng hộ Phật giáo hết
mình, trong đời sống thực tế, Aśoka đã tạo nên một mối liên hệ thay thế
mối liên hệ giữa người trị vì và người đại diện cho thần linh là các Bà
la môn, đó là mối liên hệ giữa hoàng gia và Tăng đoàn. Nhà vua tìm lấy
sự ủng hộ từ Tăng đoàn Phật giáo để duy trì sự trị vì đất nước của mình.
Hoàng gia và Tăng đoàn, cùng nương tựa vào nhau để tồn tại.
Các Tăng sĩ không tham gia vào đời sống chính trị;
nhiệm vụ của họ là thiết lập một xã hội có đạo đức bằng việc truyền bá
những giá trị đạo đức của Phật giáo. Và nhà vua sẽ hỗ trợ Tăng đoàn bằng
việc cúng dường các nhu yếu phẩm, xây dựng chùa tháp và gửi đi các phái
đoàn truyền giáo. Aśoka từng nói ông là một thành viên của Tăng đoàn,
mặc dù ông không phải là một người xuất gia. Và tuy không phải là người
lãnh đạo Tăng đoàn, nhưng trong một số trường hợp ông vẫn có thể can
thiệp vào một số việc của Tăng đoàn. Các nguồn tài liệu Phật giáo có
nhắc đến những nỗ lực "thanh lọc Tăng đoàn" của nhà vua. Tuy nhiên không
phải vì các Tăng sĩ xen vào việc triều chính, mà chính yếu họ vi phạm
giới luật của Phật giáo, và xuất gia không phải để tu tập mà nhằm nhận
lấy sự cúng dường của nhà vua và dân chúng.
Khái niệm Chuyển luân thánh vương (Cakkavatti) xuất hiện trong tư tưởng Phật giáo cũng được cho là bắt đầu từ thời vua Aśoka(7).
Quan điểm một đất nước rộng lớn đứng đầu với một vị Chuyển luân thánh
vương cùng tồn tại bên cạnh một Tăng đoàn Phật giáo với Đức Phật đại
diện - một đại diện cho đời sống thế tục và một đại diện cho đời sống
tâm linh - là một mô hình chính trị mới của Aśoka. Nhưng Chuyển luân
thánh vương không chỉ có quyền lực ở lĩnh vực thế tục, mà cũng còn được
thánh hóa và vị trí được nâng ngang tầm với một vị Giáo chủ tôn giáo.
Bố thí là một trong những chính sách được Aśoka rất
chú trọng, không chỉ bố thí cho người nghèo, mà còn "bố thí" cho các tôn
giáo, đặc biệt là Phật giáo. Việc xây dựng chùa tháp, cúng dường cho
Tăng đoàn, một mặt thể hiện tín tâm của một người Phật tử, nhưng mặt
khác nhằm tạo nên sự phụ thuộc và khiến cho người nhận phải trung thành
với người ban(8). (Các vị vua hay những người lãnh đạo tại
các nước theo Phật giáo Theravada, mỗi khi lên ngôi hay nhậm chức, cũng
thường có những việc làm tương tự).
Không chỉ dừng lại ở chỗ quy y và hỗ trợ Tăng đoàn,
Aśoka còn cho phép con trai và con gái của mình xuất gia. Như vậy, ngay
trong hoàng gia, Aśoka cũng đã tạo nên mối quan hệ song song này. Và
Tăng đoàn, thông qua việc truyền giáo, cũng đã giúp hoàng gia thiết lập
mối quan hệ hòa bình với các lân bang. Việc truyền bá Phật giáo đến Sri
Lanka là một trường hợp.
Mô hình nương tựa lẫn nhau giữa nhà vua và Tăng đoàn
này được các nước Phật giáo Theraveda về sau sử dụng. Những vị vua Thái
Lan trong quá khứ, và thậm chí ngày nay, cũng tạo nên một mối quan hệ
tương tự như vậy. Nhà vua không chỉ đóng vai trò thế tục, mà cũng thể
hiện vai trò của mình trong Tăng đoàn. Việc hỗ trợ thiết lập cơ sở Phật
giáo, kiết tập kinh sách, truyền bá Phật giáo và cả việc làm trong sạch
Tăng đoàn, đều nhờ vào sự hỗ trợ của nhà vua. Các vị vua của Sri Lanka
trong quá khứ cũng tạo nên một mối quan hệ tương tự như vậy. Và một vài
chính sách pháp của vua Aśoka, như ngăn cấm sát sanh, phát triển chùa
viện thành những cơ sở giáo dục phổ cập… cũng được những vị vua ở các
nước như Miến Điện, Thái Lan và Sri Lanka áp dụng.
Chính sách hòa bình và bất bạo động của của Aśoka đã
bị một số sử gia Ấn quy kết là đưa đến sự suy tàn nhanh chóng của triều
đại Maurya sau khi ông qua đời. Bên cạnh, một vài câu chữ ở nơi các sắc
lệnh cũng bị quy kết là ông đã chống lại Bà la môn giáo, tạo nên sự xung
đột tôn giáo. Tuy nhiên, ý kiến này gần đây bị bác bỏ bởi không có
chứng cớ rằng việc theo đuổi chính sách hòa bình đã khiến Aśoka làm yếu
đi khả năng quân sự và sự phòng thủ vương quốc. Và những sắc lệnh của
ông trên các bia ký và trụ đá đã thể hiện sự kính trọng đối với mọi tôn
giáo, như là một phần chính yếu của pháp, mà không hề có sự bài xích Bà
la môn giáo như đã bị quy kết. Những phê phán về pháp của Aśoka phần lớn
thuộc về các sử gia Ấn giáo. Điều đó cũng dễ hiểu khi những sắc lệnh
của Aśoka đã liên hệ quá nhiều đến Phật giáo, cũng như hình ảnh một
Aśoka vô cùng nhiệt tâm trong việc phát triển và truyền bá Phật giáo
được thể hiện nơi các nguồn sách sử Phật giáo. Và dù không dẫn ra những
câu kinh hay thuật ngữ Phật giáo cụ thể, thì pháp của Aśoka rõ ràng đã
"vay mượn" những hàm ý từ giáo pháp Đức Phật. Và dù không hề phê phán Bà
la môn, thì những chính sách như bãi bỏ tế lễ và sát hại muông thú, hẳn
không đem lại sự hài lòng cho các nhóm Bà la môn, khi mà những việc như
tế lễ thường gắn liền với lợi ích kinh tế và quyền lực tôn giáo.
Tuy nhiên, khuynh hướng chung vẫn xem vua Aśoka là "vĩ
đại trong mọi mặt; ông không chỉ là người vĩ đại nhất trong số những
người Maurya, mà cũng là một trong số ít những người trị vì vĩ đại nhất
thế giới"(9). Và "Người trị vì phi thường này, vẫn
được yêu quý ở Ấn Độ và ở nhiều khu vực khác ở châu Á, đã hiến dâng đời
mình cho việc truyền bá giáo pháp của Đức Phật, cho sự công bằng và
thiện chí, và cho những công việc chung vì lợi ích của con người. Ông
không phải là một khán giả thụ động của các sự kiện, mê man trong trầm
tư và phát triển riêng tư. Ông đã lao động tích cực vì công việc cộng
đồng và tuyên bố sẵn lòng cho điều đó"(10).
Thích Nguyên Hiệp (Nguyệt San Giác Ngộ số 178)
(1) Romila Thapar, "Asoka and Buddhism as
Reflected in The Asoka’s Edicts", trong King Asoka and Buddhism, Kandy:
Buddhist Publication Society, 1994, tr. 28.
(2) Dẫn lại từ Ken Jones, The Social Face of Buddhism: An Approach to
Political and Social Activism, London: Wisdom Publications, 1989, tr.
128.
(3) Xem S. Dhammika, The Edicts of King Asoka, Kandy: Buddhist
Publications Society, 1994, tr. x.
(4) Xem Trường Bộ kinh III, bài kinh 31.
(5) Xem thêm sắc lệnh XII, S. Dhammika, The Edicts of King Asoka, tr. 8.
(6) Max Weber, The Religion of India: The Sociology of Hinduism and
Buddhism, Delhi: Munshiram Manoharlal, 2007, tr. 242.
(7) Khái niệm Chuyển luân thánh vương (Cakkavatti) đã xuất hiện ở nơi
các kinh Pali, như kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống (Trường bộ),
tuy nhiên điều này được cho là bổ sung về sau, bởi trước thời Asoka, Ấn
Độ là một sự tập hợp các tiểu vương quốc, không hề có một tiểu lục địa
rộng lớn với biên giới địa lý nối từ bờ biển này đến bờ biển kia, mà nó
làm cơ sở cho khái niệm Chuyển luân thánh vương cai trị một cõi Diêm phù
đề rộng lớn xuất hiện.
(8) Xem Romila Thapar, "Asoka and Buddhism as Reflected in The Asoka’s
Edicts", trong King Asoka and Buddhism, tr. 35.
(9) K.A. Nilakanta Sastri, Age of the Nandas and Mauryas, Delhi: Motilal
Banarsidass, 1988, tr. 247.
(10) Jawaharlal Neruh, The Discovery of India, New Delhi: Penguin Books,
2004, tr. 136.