Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
thi sĩ Thiền Sư Nhật Bản Ryokan
10/06/2011 06:27 (GMT+7)





  mông tuyết phủ, tọa lạc tại phía Bắc Honshu, giáp biển Nhật Bản. Cha ông là một trưởng làng, đồng thời là một thi sĩ chuyên sáng tác thể thơ “hài cú” (Haiku). Ryokan được hấp thụ một nền giáo dục triệt để cổ điển của Trung Hoa và Nhật Bản. Nhút nhát và siêng học khi còn bé, Ryokan là một Don Juan tại địa phương một thời gian ngắn trong thời thơ ấu của ông. Tiếp theo đó là sự khủng hoảng tinh thần trong lứa tuổi đôi mươi, tuy nhiên ông đã khước từ di sản của cha mẹ, và bước chân vào thiền viện.
Năm 1780, Ryokan trở thành một môn đệ của Thiền sư Kokusen, một Thiền sư lỗi lạc nhất lúc bấy giờ, và đã theo thầy đến thiền viện Entu-di tại Tamashima. Ryokan cần cù rèn luyện tại thiền viện nhỏ bé và thân thương ấy cho đến khi Kokusen qua đời năm 1791. Mặc dù Ryokan được công nhận là người thừa kế của Kokusen, nhưng ông đã từ chối lời mời làm người trụ trì tại thiền viện, và dấn thân vào một cuộc hành hương dài, rong ruổi khắp Nhật Bản trong những thập niên kế tiếp. Sau bốn thập niên trôi nổi, Ryokan trở lại nguyên quán, và ông đã sống tại đó những ngày tháng còn lại của cuộc đời, ẩn dật lặng lẽ trên những ngọn núi. Ông tự túc bằng cách đi khất thực, chia sẻ thức ăn cho muông thú và dành thì giờ để suy ngẫm về Thiền, ngắm trăng, chơi đùa với trẻ em tại địa phương, thăm bạn bè, uống rượu nếp với các nông dân, nhảy múa trong những buổi lễ lạc, và sáng tác những vần thơ chải chuốt bằng thư họa (calligraphy).
Một người bạn của Ryokan viết về ông như sau : “Khi Ryokan đến thăm, dường như mùa xuân đã đến trong một ngày đông u ám. Cá tính ông trong sạch, không lừa dối và xảo quyệt. Ryokan giống một trong những vị thần bất tử trong văn học và tôn giáo cổ. Ông không hề giận dữ, và không nghe lời chỉ trích của kẻ khác. Chỉ có tiếp xúc với ông, mới thấy rõ ông là một con người hoàn thiện nhất”.
Có lần, một người thân của Ryokan nhờ ông khuyên bảo đứa con trai hư đốn của ông ta. Ryokan đến thăm gia đình này, nhưng không đưa ra một lời khuyên bảo nào đối với thằng bé. Ông nghỉ qua đêm và chuẩn bị ra đi vào sáng hôm sau. Khi thằng bé ương ngạnh đang giúp Ryokan để buộc đôi dép rơm, nó cảm thấy những giọt nước nóng hổi đang rơi trên vai nó. Ngước nhìn lên, thằng bé thấy Ryokan đầm đìa nước mắt, đang cúi nhìn nó. Ryokan lặng lẽ ra đi. Chẳng bao lâu, thằng bé tu tỉnh và trở thành một đứa con ngoan.
Một lãnh chúa tại địa phương nghe danh tiếng Ryokan là một Thiền sư đáng kính, nên muốn xây dựng một ngôi chùa và đặt ông làm người trụ trì. Vị lãnh chúa này viếng thăm Ryokan tại Gogõ-an, nơi ẩn dật của ông trên núi Kugami, nhưng ông đã đi ra ngoài để tụ hội cùng các loài hoa. Vị lãnh chúa kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi Ryokan trở lại với một chậu đầy hoa thơm. Ông này ngỏ lời, nhưng Ryokan lặng thinh. Rồi sau đó, ông thảo một bài thơ hài cú trên một tờ giấy, và trao cho vị lãnh chúa:

The wind gives me
Enough fallen leaves
To make a fire


Tạm dịch :

Gió cho tôi
Đủ lá rơi
Để nhóm lửa rồi


Vị lãnh chúa hiểu ý, nhẹ nhàng lui bước, trở về tòa lâu đài của ông ta.
Một lần, sau mùa đông dài giam hãm, Ryokan đến một tiệm hớt tóc trong làng để cạo mái tóc bờm xờm. Người thợ ranh mãnh, chỉ cạo một nửa mái tóc, rồi ngừng lại, yêu sách, nếu muốn anh ta hoàn tất nửa mái bên kia, Ryokan phải tặng cho anh ta một bức thư họa của ông. Ryokan liền cầm bút lông, phóng tay viết lên trên tờ giấy lớn tên của thần Shinto, một vị thần tượng trưng cho sự may mắn. Hài lòng vì đã thắng mẹo đối với vị Thiền sư, người thợ cạo đã hoàn tất mái tóc cho Ryokan. Sau đó, anh ta đã hí hửng đóng khung bức thư họa và treo giữa nhà. Ngày kia, một người khách đã lưu ý người thợ cạo :”Bạn biết không, tên của vị thần đã bị thiếu một nét đấy !” Sợ bị xui xẻo, anh ta liền đi tìm vị Thiền sư để phàn nàn. Ryokan nhẹ nhàng bảo anh ta :-Bánh ít đi, bánh quy lại mà cậu. Cậu thấy không, bà già ở cuối xóm lần nào bán bánh cho tôi cũng cho tôi thêm một cái. Do đó, khi viết thư họa cho bà, tôi cũng đều thêm một nét.
Vì già yếu, sau cùng Ryokan buộc lòng phải rời túp lều của ông trên núi và sống những ngày tháng còn lại tại nhà của một trong những người bảo trợ ông ở trong làng. Gần cuối đời, ông đem lòng yêu mến một nữ tu trẻ đẹp tên là Teishin. Nàng đã ở bên ông khi ông qua đời vào ngày 6.1. 1831, lúc 73 tuổi.
Ryokan đã viết hàng ngàn bài thơ và thi thư (poems-letter) theo văn phong của cả Trung Hoa lẫn Nhật Bản, và ném chúng vương vãi. Những bài thơ này đã được dân địa phương bảo tồn và sau đó, đã được các học giả trân trọng nghiên cứu, sưu tập. Ấn bản đầu tiên của thơ Ryokan tựa đề “Hachisu no Tsuyu” (Những Giọt Sương Trên Lá Sen), được Teishin biên soạn, xuất hiện năm 1835. Những tuyển tập của Ryokan tiếp tục được xuất bản qua nhiều năm, và dường như ông là một thi sĩ Thiền tông của Nhật Bản được yêu mến nhất, ưa chuộng nhất. Nét bút đầy thú vị của Ryokan hoàn toàn chân thật và phóng khoáng, được đánh giá cao, và Ryokan được sùng kính như là một trong những thư họa gia vĩ đại nhất của mọi thời tại Đông Á.
Ngày nay, do sự học hỏi về Thiền và sự ngưỡng mộ nghệ thuật Thiền tông đã trở nên phổ cập, đời sống và tinh thần của Ryokan đã ngự trị trong lòng những người mộ đạo, yêu thơ, yêu cái đẹp ở khắp mọi nơi. Thơ ông phản ảnh chiều rộng và chiều sâu về cái nhìn của ông đối với Thiền. Ông tập trung vào “sự vật sâu lắng bên trong tâm hồn” và thơ ông bao quát kinh ngiệm của con người, hân hoan và sầu thảm, khoái lạc và đau khổ, giác ngộ và vô minh, tình yêu và nỗi cô đơn, con người và thiên nhiên. Giống như huyền thoại thơ Thiền của đời Đường bên Trung Hoa, thơ Ryokan đã bộc lộ sự kết cấu dồi dào, phong phú của Thiền :

Who says my poems are poems ?
My poems are not poems
When you know that my poems are not poems
Then we can speak of poetry

Tạm dịch :

Ai bảo thơ tôi là thơ ?
Thơ tôi không phải là thơ
Khi bạn biết rằng thơ tôi không phải là thơ
Rồi ta có thể nói về thơ

Hoặc bài thơ sau :

Like A Dream

Blending with the wind
Snow falls
Blending with the snow
The wind flows
By the hearth
I stretch out my legs
Idling my time away
Confined in this hut
Counting the days
I find that February
has come and gone
Like a dream

Như Giấc Chiêm Bao

Hòa cùng với gió, tuyết rơi
Hòa cùng với tuyết, tơi bời gió dâng
Bên lò sưởi, duỗi đôi chân
Thời gian ta cũng dần dần tiêu hao
Đếm ngày đếm tháng trôi mau
Lều tranh một túp giam vào riêng ta
Tháng hai đến, lại vèo qua
Cho ta cứ ngỡ như là chiêm bao


Nguyễn Kinh Bắc
phỏng dịch theo John Stevens



Những bước chân sương



Sương về bên lũng núi trắng ngát đường quanh. Mù là áo của sương, phơn phớt đợi tay ôm vào lòng mát lụa. Hơi se lạnh làm làn da săn, tai không nghe gì khác ngoài thanh âm chập chùng của từng làn sương mỏng phủ xuống núi đồi. Tiếng chuông sớm từ chùa trên vọng xa. Trùng trùng âm biển. Vang nỗi sóng ngàn. Hải triều âm vọng giữa lòng sâu. Khoan khoái hít vào chậm rãi, tận đáy phổi hơi sương chen lẫn mùi ẩm mốc lá khô, thu về miên man trong từng hơi thở. Đầu thấy loáng, óc choáng ngợp ảnh hình không thu nhận kịp, ký ức nhập trùng hiện tại, người xóa tan tên quá khứ. Biên giới mờ dần. Mờ như sương. Mờ có thể vì thị giác giới hạn, mờ vì đôi mắt khép kín đấy thôi, chứ sương vẫn long lanh trắng hạt châu. Sương ghé về lá, có chiếc nhàu vàng ôm lấy sương rồi lịm xuống đất thu. Đôi khi sương đáp vào ngọn sen, tàng lục thoa phấn như trải thảm đón mời. Sương bồng bềnh người trên phấn. Phấn nâng sương đùa cợt đến cuối tàng. Trong một phút giây bất chợt, thân rơi tõm xuống, sương về lại với nước. Chỉ còn một làn hơi mỏng thấp thoáng mặt ao. Thiền sư nhìn thấy thế bảo, ừ kiếp người như sương. Sư vận dụng chân khí, điều hợp hơi thở rồi buông dăm bảy lời sương, Ni cô nghe thấy thơ sương thắm thiết, gom góp thành tập để lại cho đời sau. Sư mỉm cười, giơ tay bắt lấy sương rồi nhẩn nha nhỏ giọt: Ai bảo thơ ta là thơ, chỉ khi quên đi đó là thơ rồi mình mới cùng nhau nói chuyện thơ. Đó là thứ ngôn ngữ của thiên tài, phủ nhận không nhằm phá hủy mà để thiết lập một ý nghĩa mới không dựa vào những bế tắc của hiện tại. Phủ định không có nghĩa là đề nghị "có một cái gì đó" hay "không có một cái gì đó" vào thay thế, vì như vậy chỉ là phủ định tương đối. Làm như vậy chỉ là cơn phẫn nộ vặt vãnh của Zarathrustra đi xuống núi sau khi tuyên ngôn giết Thượng Đế. Phải phủ nhận với hết tất cả sức bình sinh để đập vỡ ngay cả chính mình. Đập phá đến tận cùng mọi ngọn ngành của ý thức để không còn CÓ, cũng không còn KHÔNG. "Này Kàsyapa, đó chính là tánh KHÔNG đoạn tận hết thảy mọi luận chấp" . Ông Lão Tử cỡi trâu về phương tây cũng nói nôm na rằng đạo khả đạo phi thường đạo... Thơ, đạo, đời, chỉ là danh xưng con người ôm lậm vào lòng, chịu khó gỡ rối một nút thắt thì ông Lão sẽ vuốt râu cười ha hả, yên chí về tây phương, tay vỗ vào lưng trâu mà hát, danh khả danh phi thường danh... Thế thì hãy quên hết thơ để nói về thơ, quên hết sương để nói về sương. Từ đó sương - cùng với thơ, về bên lá, nếu có rơi thì cũng là chuyến trở về với đại thể. Không hư hao chẳng thêm bớt. Ni cô đạt ý, giật bấn thần hồn, khối sầu thiên thu vạn cổ vỡ vụn theo lời sương. Ba nghìn thế giới rơi rớt rụng trong giây phút nhân duyên trùng phùng, Ni cô lẩm bẩm :

Có thật chăng là Thầy
Em đã gặp
Hay niềm hân hỉ
Vương vấn trong em
chỉ là cơn mơ ?

(Was it really you
I saw
Or is this joy
I still feel
only a dream?)
Teishin


Sư trầm mặc, những cơn mộng đến rồi đi, người có giữ hay níu kéo, mở mắt ra hết thảy cũng chỉ là mộng. Có gì đâu mà bận lòng, Sư an ủi:

Ở trần gian huyễn hoặc
Người lim dim mắt
Hý luận về mơ
Này Ni cứ mộng
Cho tràn mộng ước dâng

(In this dream world
We doze
And talk of dreams --
Dream, dream on,
As much as you wish)
Ryokan


Đó là con đường sương. Một đoạn đường ngắn ngủi mà Ryokan cùng Ni cô Teishin chung lối ở cuối đời Sư. Ryokan xuất gia từ lúc thiếu thời, tu học với nhiều thiền viện danh tiếng thời bấy giờ ở Nhật trong nhiều năm. Đời sống thiền viện cuối cùng không giữ được Ryokan, một tâm hồn phóng khoáng, phải chứng kiến cảnh tu sĩ chạy chọt, đút lót để được cấp độ điệp chứng nhận rằng mình đã “giác ngộ”. Chùa chiền trở thành nơi tranh giành thế lực và quyền lợi. Người ta quên rằng tự do tuyệt đối chỉ đạt được một khi họ chịu vứt bỏ cái bản ngã nhỏ nhoi của mình. Loài người tội nghiệp kia, làm sao họ hiểu được thế nào là thơ, liệu họ có biết chăng thơ không là thơ mới là thơ đấy ru. Nhà sư thi sĩ Ryokan lang thang nhiều năm ở vùng Shikoku và Kyoto, sau lui về chốn núi Kugami sống cuộc đời giản dị, ngày ngày khất thực và đùa giỡn với trẻ con nơi làng cũ dưới chân núi. Năm 70 tuổi, Ryokan gặp ni cô Teishin, 28 tuổi, họ quyến luyến và trao đổi cùng nhau những vần thơ thơ mộng nhất trong suốt ba năm cho đến khi Sư viên tịch. Một cuộc đời không sở hữu gì ngoài một tâm hồn tự tại và lòng biết ơn những gì giản dị nhất mà cuộc đời dâng hiến. Trên giường bệnh hấp hối Sư viết cho Teishin :

Di sản ta -
Sẽ là chi ?
Hoa xuân thắm
Chim gáy hạ
Và phong đỏ
Của mùa thu...

(My legacy -
What will it be?
Flowers in spring,
The cuckoo in summer,
And the crimson maples
Of autumn... )


Thiên hạ bàn tán đã nhiều đến mối liên hệ giữa Ryokan và Teishin. Có cần thiết cho một tên gọi về sự giao tiếp giữa hai người? Tình yêu? Ân ái? Hay sự giao thoa của hai tâm hồn cô đơn nhất trên cuộc đời gặp nhau qua mối nhân duyên kiều diễm. Mượn ngôn ngữ của Ryokan, ai bảo đó là tình yêu, khi tình yêu không phải là tình yêu thì chúng ta chạm trán tình yêu. Đường lên núi Kugami mây trắng thong dong. Sư học sự phơi phới từ mây và tánh đơn giản nơi lá . Chuyện kể một vị tướng quân cùng đoàn tùy tùng lên núi mời Sư về trụ trì ngôi chùa mới trong vùng nhưng Ryokan đang bận đi hái hoa ở xa. Vị tướng quân và tùy tùng kiên nhẫn đợi cho đến khi Sư về. Sau khi nghe lời mời, Ryokan bỏ giỏ hoa xuống, không nói một lời nào. Lẳng lặng Sư lấy bút viết một bài haiku và đưa cho vị tướng quân:

Gió góp cùng ta
Vừa bao lá rụng
Nhóm đủ bếp hồng

(The winds gives me
Enough fallen leaves
To make a fire)


Một lần khác, một tên trộm lẻn vào lều ăn cắp những đồ sở hữu vặt vãnh của Ryokan. Vừa lúc đi về, nhìn thấy ánh trăng chiếu qua mành cửa, Ryokan viết:

Đạo chích bỏ quên
Vầng trăng
Lửng ở bên song

(Left behind by the thief -
The moon
In the window.)


Sư ẩn ở Gogo-an an tĩnh giữa rừng thông, tùng già, mây, hoa dại và lá rừng. Trong chốn ấy, người ta dễ thành thi sĩ, nhưng thi sĩ trần gian vốn ưa thích đu dây giữa triền vực của lựa chọn hiện sinh mà lựa chọn nào cũng hiu hắt đoạn trường. Marilyn hay Brigitte, gái-lạ-thiên-thu-thánh-nữ-thấp-thoáng Adrienne hoặc nghìn-thu-thuần-nhiên Sylvie phơ-phất như Bùi Giáng sống chết trong từng giây phút một đời? Đó là cuộc chơi bi thảm của chọn lựa nhị nguyên. Ryokan không thế. Mẫu đơn phơi phới đùa trước gió, Ryokan an nhiên nhìn. Vào hay không vào cuộc chơi thân thiết ?

Chúng em mẫu đơn dại
Đang độ mãn khai hoa
Khoe dáng lộng rộ ràng:
Quý quá sao mà hái
Quý quá sao không hái

(Wild peonies
Now at their peak
In glorious full bloom:
Too precious to pick
Too precious not to pick)


Hái hay không hái không còn là một sự lựa chọn. Thơ không còn ở chữ, nghĩa, vần, điệu, mà ở sự đối đáp với ý thức để đập vỡ ý tưởng. Hoa như là hoa, mẫu đơn như là mẫu đơn, hải đường như là hải đường, không thông qua trung gian nào cả. Như vậy thơ lắng đọng thành nguyên chất mà đồng thời cũng sống sượng công phá trong tâm thức cho nàng thơ mặc áo bước ra. Câu hỏi đặt ra không để trả lời vì câu hỏi không cốt được trả lời. Đó là một công án. Công án khiến con người như đi trên đầu ngọn tre trăm đốt. Tâm trạng ấy được ví như tâm trạng của người leo lên cây cao, miệng cắn vào một cành cây, hai tay buông thỏng giữa hư không, hai chơn không vịn được vào đâu hết. Tình cờ dưới gốc cây có người hỏi vọng lên : “Ý của Tổ Sư qua Tàu là gì?”. Người trên cây không trả lời thì không được mà trả lời thì rơi chết hốt xương. (Huệ Khai - Vô môn quan)

oOo

Đỉnh Kugami muôn đời sương phủ trước cũng như sau Ryokan Taigu. Giọt sương ghé qua tàng sen không ghi lại dấu, có còn chăng là những lời thơ sương. Những lời sương có thật, hay không bao giờ có thật? Có hề chi. Issa, nhà thơ cùng thời với Ryokan, không nói gì hết mà nói hết, tiếng nói vô ngôn dậy đất trời như tiếng đại hồng chung âm vang đến ngàn năm...

cõi này
là thế giới sương
đúng rồi…
nhưng…

(this world
is a dewdrop world
yes...
but... )
Issa


Tiếng nhưng… cuối cùng, sắt ngọt dao chém haiku, không thừa không thiếu, như đường kiếm bén samurai múa tung máu kẻ thù mà cũng là con truỷ thủ nhọn hoắt xuyên suốt hara-kiri. Trong im lặng vô biên, hốt nhiên lục bát Việt trở về, êm đềm như giọt tròn lăn nghiêng xuống rèm mi cong Teishin thế kỷ trước, lệ hay sương ?

trần gian
một cõi mù sương
ừ thôi là vậy...
thế nhưng có là...

Vũ Hoàng Thư

Các tin đã đăng:
Về đầu trang