Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Đại hội PG toàn quốc 7 cần chiêm nghiệm những lời mộc mạc của Đức Pháp Chủ
23/11/2012 20:42 (GMT+7)


Trang tin Phật tử Việt Nam vừa truyền tải cuộc thỉnh vấn Đức Pháp Chủ Thích Phổ Tuệ trước thềm Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ 7 do phật tử Huệ Minh thực hiện.

Trước nhất xin được nói về công hạnh của cư sĩ Huệ Minh; tuy còn trẻ, xuất thân từ lòng đất mà tuổi đời của tác giả được bao trọn bởi chủ nghĩa thế tục, thế mà tâm đạo vẫn không thui chột và mất gốc.

Một thuở, Huệ Minh cũng từng là hành điệu thị giả cho Đức Pháp Chủ, một ngôi cổ tự vùng quê nghèo thiếu mọi tiện nghi vật chất.

Với nhà Phật thì Huệ Minh đã gieo trồng hạt giống Đạo từ tiền duyên nên hiếm ai có căn duyên hầu cận bậc chân đức như thế, trong khi tuổi trẻ cùng thời lấm bụi đời và hậu quả ngày nay rộ lên bao tệ nạn do mất chất tín ngưỡng tôn giáo mà đạo Phật từng là linh hồn của dân tộc.

Tuy ngày nay, lăn lộn vào cuôc sống, không còn hầu cận Đức Pháp Chủ, nhưng Huệ Minh vẫn không gián đoạn với chùa Ráng, giữ được trọn vẹn tâm đạo, vì thế, đời sống thường nhật của Huệ Minh vẫn là đời sống của một cư sĩ sung mãn tâm linh.

Cái đóng góp giá trị nhất cho Đại hội kỳ 7, không là phong cách tổ chức chuyên nghiệp đem lại hoàn hảo mọi mặt cho ngàn đại biểu về tham dự, cái giá trị to lớn về tinh thần – đó là lời dạy mộc mạc đầy trí tuệ của một bậc minh sư khi Huệ Minh thực hiện bài thỉnh vấn này!

Đức Pháp Chủ Thích Phổ Tuệ, liên tục nhiều nhiệm kỳ, ngài vẫn là bậc mô phạm đạo đức nhân thân và trí tuệ tâm linh đủ làm bóng mát cho thế hệ tăng tín đồ Việt Nam nương tựa.

Suốt thời gian đất nước chìm trong binh biến cũng như say mê xây dựng xã hội chủ nghĩa thì tự thân ngài vẫn không bị cuốn hút theo giòng đời; Tự cày cấy mà sống, tự lao động để phục vụ bản thân. Ngài sống theo tinh thần Bách Trượng: “nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực”.

Chính vì “lao động là vinh quang” đó mà tuổi gần 100, vẫn khỏe tuy gầy, da nhăn má hóp nhưng đầy trí tuệ. Thân thể khô khốc nhưng vẫn dí dỏm vui tươi.

Khi Huệ Minh thỉnh vấn về sức khỏe, ngài đáp: "Ở độ tuổi như chúng tôi thì sự mệt mỏi là không tránh khỏi. Qua cảm nhận nghe nhìn, hẳn quý vị cũng thấy, chúng tôi vẫn còn đang tự điều hòa được thân thể, chưa phải làm phiền đến mọi người nhiều. Tuy vậy, thời gian vẫn cứ trôi, hai người bạn Bệnh, Tử còn đang dong ruổi đâu đó nhưng rồi cũng sẽ vui vẻ ghé thăm thôi…”

Tuy chuyên tâm tu tập và lao động, nhưng ngài vẫn nắm sát tình hình Phật giáo  và nêu lên nguyên nhân bất toàn trong những phật sự, do: "Đương nhiên, có làm tất có lỗi. Lỗi hơn cả là nhiều khi còn chạy theo hình thức bề ngoài, hình thức thế gian mà quên đi phương tiện đặc thù và mục đích cứu cánh. Cho nên, làm nhiều mà kết quả chẳng được bao nhiêu. Nguyên nhân là do từ tâm mình, là do tu học và hành đạo không đến nơi đến chốn mà thôi."

Thật là lời dạy đầy minh triết và trải nghiệm tâm linh. Ngài không lên án lầm lỗi. Ngài cảm thông, vì có làm là có lỗi, nhưng lỗi do tu học và hành đạo không đến nơi đến chốn vì cứ chạy theo hình thức bề ngoài.

Tuy lời dạy mộc mạc, nhưng nếu không thâm nhập tâm linh thì khó mà nói được điều với cái tuổi thuộc thế kỷ về trước cho thế hệ sau một cách chính xác.

Về phương diện tổ chức hành chánh cho một cơ chế giáo hội, một số có cái hiểu bất toàn về GH vì lo sợ làm mờ nhạt tông môn, ngài đáp:“Tổ chức sơn môn, trong nội bộ có nhiều điểm mạnh như nề nếp, quy củ, giáo dục, truyền thừa, vân vân, nhưng về đối ngoại thì mỗi nơi mỗi khác, rời rạc nên kém sức mạnh ứng phó với thế gian, mạnh ai nấy lo.

Do vậy, cần có giáo hội. Các bậc tiền bối nhọc công vận động thống nhất Phật giáo là vì lẽ đó chứ không phải để làm hỏng nề nếp truyền thừa của các tổ đình sơn môn. Đó là điều mà tùy theo điều kiện, chúng ta cần suy ngẫm.”

Sơn môn pháp phái là cơ chế gia tộc, là giềng mối duy trì đạo đức gia phong. Giáo hội là một cơ chế xã hội; gia tộc không thể tách rời xã hội.

Cũng thế, giáo hội không thể làm nhạt nhòa tính đặc thù của sơn môn pháp phái, mà phải hòa nhập để tồn tại và phát triển. Ngài đã nhìn tận gốc giá trị của từng vấn đề.

Thế thì một giáo hội được điều hành từ những trưởng tử Như Lai cũng phải thể hiện tính dung hợp với tinh thần trách nhiệm chung, đừng lấy tư kiến nhân ngã để  làm suy vi Phật giáo.

Đại hội là thủ tục để kết nối chu kỳ kế thừa, mang tính kỷ thuật; tinh thần đại hội hàm dưỡng “tứ vô lượng tâm” “lục hòa” và “tứ nhiếp pháp” là tố chất kết nối và tăng trưởng để thành công.

Đại hội cần lắng nghe và chiêm nghiệm những lời cô đọng mộc mạc của Đức Pháp Chủ để luôn điều chỉnh trong những phật sự cho nhiệm kỳ mới.

Hà Nội mạnh Đông, 23/11/2012

Minh Mẫn (Đặc phái viên của Chùa Phúc Lâm online gửi về từ Hà Nội)

http://chuaphuclam.com/index.php?/phat-giao-trong-nuoc/dai-hoi-pg-toan-quoc-can-chiem-nghiem-nhung-loi-moc-mac-cua-duc-phap-chu.html

Các tin đã đăng:
Về đầu trang