Căn cứ Phật sử, đạo Phật truyền vào nước Việt khoảng đầu kỷ nguyên DL. Riêng vùng đất Hoan, Diễn do vị trí địa lý tiếp giáp với các lân bang phía Nam chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ, nên Phật Giáo phát triển rất sớm. Khảo cổ học phát hiện được tấm bia đá do đạo tràng Bảo An dựng vào thời Tùy (589 – 617) tại núi Quỳnh Viên, cửa Sót (Đại Tùy Cửu Chân quận, Bảo An đạo tràng chi bi) chứng minh từ đầu TK VII, quần chúng Phật tử ở địa phương này đã được tổ chức (đạo tràng) tu học theo đúng giới pháp.
Tiến sĩ, nhà thơ Thẩm Thuyên Kỳ (655 – 713) thời gian bị đày sang Hoan Châu (701 – 704) có làm bài thơ tả cảnh chùa Thiệu Long:
Ta lâu theo bóng Thích
Thầy vô thượng niết bàn
Ba mươi năm tìm đạo
Được đạo ngõ trời Nam
Không may đến phương này
Lẽ về bảo sao đành
Duyên lành lúc đày ải
Đời nghĩ không từng can
Cõi thơm vây bến Bắc
Chùa hoa nép sườn Nam
Cấp dưới cheo leo đá
Sóng vỗ nghe hồ lan
Mây che trông cây tốt
Trời nắng ngó mây dang
Ở đời thích ngồi định
Sống nghèo việc nghĩa làm
Thử đem thân hữu lậu
Dựng lấy quán không sanh
Rõ ràng đọc các sách
Càng biết tịnh là an (1)
(Lê Mạnh Thát dịch)
Thẩm Thuyên Kỳ chú thích: “Chùa Thiệu Long, ngôi chùa lạ nhất của vùng Giang Lịch, cách thành Hoan Châu khoảng 25 dặm. Khách miền Bắc hễ hết ngày thì đến dạo chơi nghĩ ngơi theo lệ mà cúng hương. Tôi làm bài thơ này khi trở về trong thuyền”. Theo GS. Lê Mạnh Thát: “Chùa Thiệu Long phải nằm cách xa thành Hoan Châu 25 dặm và phải đi bằng thuyền lên. Do đó nó phải nằm trên thượng lưu sông Lam, khi sông này chảy qua huyện Nam Đàn. Phải chăng đó là ngôi chùa Đại Huệ hay Hương Lãm trên sông Sài ?”
Qua bài thơ “Thiệu Long Tự”, tác giả giới thiệu ngôi chùa nổi tiếng nhất ở Châu Hoan gần 1500 năm trước. Thú vị nhất là Tiến sĩ, nhà thơ lớn của triều Đường cho biết ông tín ngưỡng Phật giáo, trải qua 30 năm tìm hiểu nhưng mãi đến lúc bị lưu đày có duyên lành đến chùa Thiệu Long mới đắc đạo. Phải chăng tại chùa này Thẩm Thuyên Kỳ đã gặp được Thượng nhân Vô Ngại, một bậc cao tăng giác ngộ, đầy đủ uy đức nhiếp phục quần chúng và kể cả giới quan chức, danh sĩ Trung Quốc đương thời mà chính Thẩm Thuyên Kỳ hết lòng ngưỡng mộ, ca tụng:
Đại sĩ sinh Thiên Trúc
Phân thân dạy Nhật Nam
Trong đời khỏi phiền não
Dưới núi tức già lam... (2)
Trong “Toàn Đường thi”, còn ghi lại ba bài thơ của Trương Tịch làm tặng các vị tăng sĩ ở Hoan Châu sang dịch kinh, thuyết pháp tại cung đình, thiền viện Trung Quốc:
Tam quan chùa Diệc trơ trọi và hư hoại như thế này.
Bài 1:
Đưa khách trời Nam
Trời xa khách cứ bước
Lam chướng bịnh suy thân
Non xanh đường thăm thẳm
Đầu bạc chẳng quay chân
Hải quốc cưỡi voi đánh
Dùng bạc chợ châu Man
Một nhà chia mấy chốn
Ai thấy Nhật Nam xuân (3)
( Lê Mạnh Thát dịch )
Bài 2 :
Đưa khách miền Nam
Đường đi dài thăm thẳm
Núi xanh bám biển trời
Chân trời người xa bước
Non Bắc nước luống trôi
Chợ đêm đồng cột nối
Ở tổ dân châu voi
Bạn cũ khi đến viếng
Ai hỏi Nhật Nam chơi (4)
( Lê Mạnh Thát dịch )
Bài 3 :
Trong núi tặng nhà sư Nhật Nam
Song phong già riêng nhắm
Cửa tùng đôi cánh gài
Lá chuối trên kinh dịch
Bông mây rụng áo phơi
Lật đá khơi giếng mới
Trồng chè rừng tự xoi
Khi gặp khách Nam hải
Tiếng mọi hỏi nhà ai (5)
( Lê Mạnh Thát dịch )
Về các công trình kiến trúc Phật Giáo, theo sách “Cổ châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục”, hay “Cổ châu Diên Ứng tự Hòa phong tháp”, có ghi: Thời Tùy, vua Cao Đế có ban năm hòm xá lợi Phật sai Thái thú Lưu Phương xây tháp phụng thờ tại chùa Pháp Vân và tại Châu Ái (Thanh Hóa), Châu Hoan (Nghệ An). Triều Đường, Tiết độ sứ Cao Biền đã xây tháp Phương Tích và Nhạn Tháp để thờ Phật tại Nam Đàn. Các ngôi tháp này về sau bị đổ nát nhưng tên gọi vẫn mãi lưu truyền theo tên làng xã.
Năm 1911, ông H.Maspéro thuộc trường Viễn Đông Bác Cổ đã đến Nghệ An điều tra khảo cổ học, kết quả phát hiện được những viên gạch có hình tượng Đức Phật ngồi thuyết pháp tại phế tích Nhạn Tháp. Thông tin này thực thú vị, vì chúng ta biết rằng theo Phật điển “Nhạn Tháp” nguyên là ngôi tháp trước chùa Đông Phong, hang núi Đế Thích thuộc nước Ma-kiệt-đà, Ấn Độ thời cổ. Do chúng tăng chùa này vẫn dùng tam tịnh nhục(6), nên một vị Bồ-tát muốn chuyển hóa họ bèn biến thành chim nhạn từ trên không rơi xuống chết trước mặt tăng chúng. Chư tăng nhìn thấy hổ thẹn, hối hận nên xây tháp chôn cất chim nhạn rồi phát tâm ăn chay, tháp được gọi là “Hamsa-Stupa” (Cắng sa tháp). Pháp sư Huyền Tráng sau khi du học ở Ấn Độ trở về Trung Quốc, theo điển tích xưa xây một tòa Nhạn Tháp rất đẹp tại chùa Đại Từ Ân vào năm Đường Vĩnh Huy thứ 3 (652). Nhà thơ Phật tử Thẩm Thuyên Kỳ có câu thơ tả cảnh “Tháp Nhạn đan thanh cổ. Ao rồng năm tháng sâu.” Như vậy cùng thời đại, tại kinh đô Trường An có Nhạn Tháp, thì ở Nam Đàn, Châu Hoan cũng kiến tạo một tháp Nhạn rất nổi tiếng vậy.
Sự phát triển về văn hóa, tín ngưỡng, kinh tế của vùng đất Hoan, Diễn như trên đã làm cơ sở cho người anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan đủ uy tín, điều kiện liên hệ với các nước trong khu vực Đông Nam Á, đoàn kết phất cờ khởi nghĩa phá đổ chế độ đô hộ của nhà Đường, xây dựng nhà nước Vạn An độc lập khoảng 10 năm (713 – 723).
Sau khi Mai Hắc Đế thất bại, các lãnh tụ yêu nước ở các châu ngoài Bắc Bộ ( Giao Châu, Lục Châu, Phong Châu…) như Bố Cái đại vương Phùng Hưng (791) tiết độ sứ Khúc Thừa Dụ (906 – 907), Khúc Hạo (907 – 91), Dương Diên Nghệ (931 – 937), Ngô Quyền (939 – 965)... kế tiếp nhau lãnh đạo nhân dân nổi lên chống chế độ Bắc thuộc, giành lại chủ quyền dân tộc, độc lập đất nước. Trải qua hai triều đại chính thống đầu tiên Đinh (968 – 980), tiền Lê (980 – 1009), Châu Hoan vẫn là vùng đất biên cương phía Nam, chưa có những tác động mạnh để phục hưng.
Năm 1010, Lý Công Uẩn bước lên ngai vàng xây dựng kinh đô Thăng Long mở ra thời đại hoàng kim của dân tộc Việt. Năm 1020, vua Lý Thái Tổ thân chinh bình định phương Nam, sau ngày chiến thắng khải hoàn vua phong cho hoàng tử thứ tám là Minh uy vương Lý Nhật Quang làm Tổng quản chỉ huy sứ Hoan Châu. Nhờ tài đức của Lý Nhật Quang, Châu Hoan phát triển nhanh chóng thành một trung tâm văn hóa Đại Việt ở phía Nam. Đến nay nhân dân vẫn còn tưởng niệm Minh uy vương tại đền Quả, chùa Quan Âm làng Nhân Bồi, Nhân Trung (huyện Anh Sơn).
Mùa hè, tháng 4 năm Thông Thụy thứ 3 (1036) vua Lý Thái Tông (1028 – 1053) xây dựng hành dinh tại Châu Hoan và chính thức đổi tên là Nghệ An, hàm nghĩa cai trị nhân dân được yên ổn. Thời Lý, ở Nghệ An xuất hiện các vị cao tăng đạt đạo như:
Thiền sư Y Sơn, họ Nguyễn. Năm 30 tuổi ngài xuất gia tại chùa Đại Từ, sau đó theo tu học với quốc sư Viên Thông. Đắc đạo, sư trở về ẩn trú tại chùa Nam Vô, làng An Lãng đến năm 1213 viên tịch. Sư thuộc thế hệ thứ 19 thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi.
Thiền sư Tĩnh Giới, họ Chu tên Hải Ngung, quê làng Giang Mão. Năm 26 tuổi sư xuất gia tại chùa Quốc Thanh, núi Bí Linh. Sau đó sư theo hòa thượng Bảo Giác chuyên học tạng Luật. Tuổi già sư về nguyên quán trùng tu chùa Quảng Thánh. Ngài Viên Tịch năm 1207, thuộc đời thứ 8 thiền phái Vô Ngôn Thông.
Thiền sư Pháp Giới, ẩn tu trên núi Uyên Trừng là thầy của sư Hiện Quang. Về sau ngài đến truyền pháp tại núi Yên Tử, viên tịch năm 1220.
Triều Trần (1225 – 1400), vua Thái Tông (1258 – 1278) cử Tỉnh quốc đại vương Trần Quốc Khang vào trấn thủ lộ Nghệ An. Tại đây ông cho xây dựng một tịnh xá to lớn để thờ Phật, thuyết pháp (Đời sau gọi là chùa Thông, Diễn Châu).
Nghệ An không chỉ là phên dậu phía Nam bảo vệ đất nước mà còn được xây dựng thành hậu phương vững chắc chống lại quân xâm lược phía Bắc. Nhằm động viên tinh thần tướng sĩ chống giặc, vua Nhân Tông khẳng định:
Cối Kê chuyện cũ người nên nhớ
Hoan Diễn vẫn còn chục vạn binh
Tiếc thay hào khí Đông A ngút trời phá tan quân xâm lược Nguyên Mông, đến cuối thế kỷ XIV dần dần lụi tàn vì sự hôn ám, phân hóa của triều đình nhà Trần, đẩy đất nước vào thảm họa thuộc Minh (1406 – 1427). Quân Minh lần này quyết tâm tiêu diệt văn hóa Đại Việt. Trong 20 năm đô hộ, chúng tận lực tịch thu, phá hủy thư tịch, di sản văn hóa thành tựu của 400 năm dưới thời đại quân chủ Phật giáo Lý Trần.
Triều Lê (1428 – 1778), Nguyễn (1802 – 1945) chọn Nho giáo làm hệ tư tưởng chính thống để xây dựng chế độ quân chủ chuyên chế. Đạo Phật chỉ đóng vai trò tín ngưỡng thuần túy, phục vụ việc cúng bái, cầu khẩn không tác động được triều đình trong công việc trị quốc an dân. Riêng ở Nghệ An, giai đoạn này rất thịnh đạt Nho học, sĩ phu phần lớn xu hướng theo từ chương, khoa bảng để tiến thân. Thỉnh thoảng mới có vài Nho sĩ giữ theo nếp nhà “Cư Nho mộ Thích”, uyên thâm kinh điển, có cái nhìn đúng đắn Phật Giáo.
Thời Lê – Trịnh (1533-1788), xuất hiện thiền sư Minh Châu Hương Hải (1628-1715). Sư dòng dõi công thần triều Lê, nguyên quán làng Áng Độ, huyện Chân Phúc, phủ Đức Quang, xứ Nghệ An. Tổ 4 đời là Khởi nghĩa Kiệt tiết công thần Trung Lộc Hầu đi theo chúa Nguyễn Hoàng vào trấn Quảng Nam. Sư thuở nhỏ học Nho, đậu Hương tiến, bổ làm tri phủ Triệu Phong. Năm 30 tuổi từ quan xuất gia, theo tu tập với thiền sư Lục Hồ Viên Cảnh, được ban pháp tự là Minh Châu Hương Hải (MCHH), pháp hiệu Huyền Cơ Thiện Giác. Đạo phong của sư được chúa Nguyễn Phước Tần (1648-1687) và triều thần ngưỡng mộ, thỉnh về trú trì Thiền Tịnh Viện trên núi Quy Cảnh, Phú Xuân.
Thời gian sau, Chúa Nguyễn nghe lời vu cáo, tỏ ý nghi nghờ Sư thông mưu với họ Trịnh nên đưa vào an trí ở Quảng Nam. Năm 1682, sư cùng 50 đệ tử đóng thuyền vượt biển về Nghệ An. Chúa Trịnh Tạc (1653-1682) được tin, triệu ra kinh đô Thăng Long ủy dụ, ban thưởng rồi cho lập Thiền Tịnh Viện ở trấn Sơn Nam tu hành. Tiếp theo, đồ chúng thỉnh thiền sư làm trú trì khai sơn chùa Nguyệt Đường ở Phố Hiến. Tại đây, nhờ được các quý nhân trong triều ủng hộ kiến tạo chùa viện quy mô trở thành một đạo tràng tu học, đào tạo tăng tài.
Quan điểm của thiền sư MCHH về tam giáo (Nho-Phật-Lão) được phát biểu rõ ràng trong bài “Sự lí dung thông”:
Luận chung thánh tổ Nho gia,
Trong đời trị thế người là nhân sư.
Sao bằng Đâu-suất vị cư,
Lão quân tiên chủ đại từ dược phương.
Phật là vạn pháp trung vương,
Làm thầy ba cõi đạo trường nhân thiên.
…
Trong nơi danh giáo có ba
Nho hay giúp nước sửa nhà trị dân.
Đạo thì dưỡng khí an thần,
Thuốc trừ tà bệnh chuyên cần luyện đan
Thích độ nhân miễn tam đồ khổ
Thoát cửu huyền thất tổ siêu phương.
Thiền sư MCHH là một tác gia về lịch sử và văn học Phật giáo. Trong 33 năm hoằng pháp ở Bắc Hà, ngài chuyển ngữ được 20 tác phẩm Kinh, Luật chữ Nho sang Quốc ngữ (Nôm) để phổ biến. Ngài đào tạo nhiều môn đồ nối nhau phát huy thiền phái Trúc lâm Yên tử. Ngài viên tịch vào ngày 12 tháng 5, năm Ất Mùi (1715), trụ thế 88 năm.
- Thời Nguyễn, tiêu biểu như Tiên Điền Nguyễn Du cảm tác trước đài đá phân kinh của thái tử Lương Chiêu Minh :
...Ta nghe đức Thế Tôn ở trên Linh Sơn
Thuyết pháp độ người nhiều như cát sông Hằng.
Người hiểu rõ tâm mình tức được giải thoát
Linh Sơn chính thực trong lòng người
Gương sáng vốn chẳng có đài
Bồ đề cũng không phải cây
Ta từng đọc kinh Kim Cương hàng ngàn lần .
Ý nghĩa sâu xa phần nhiều chưa rõ .
Chỉ lúc dến được dưới đài đá phân kinh này
Mới biết kinh không chữ mới thực là kinh Phật. (7)
Hay Uy Viễn Nguyễn Công Trứ có bài Vịnh Phật:
Thuyền từ một lá vơi vơi
Bể trần chở biết mấy người trầm luân
Thiên thượng thiên hạ vô như Phật
Nhỏ không trong mà lớn cũng không ngoài
Chiếc thuyền từ một lá vơi vơi
Vớt chìm đắm đưa lên cõi tĩnh
Chữ kiến tính cũng là suất tính
Trong ống dòm đổ tiếng hư vô
Kẻ muốn đem nhân kì nhân, hỏa kì thư, lư kì cư
Song đạo thống hởi rành rành công cứ...(8)
Từ giữa TK. XIX, nước Việt Nam chuyển vào khúc quanh đối đầu với Đế quốc Pháp. Trong quá trình xâm lược, bình định, quân Pháp đã phá hủy một số di tích lịch sử văn hóa của nước ta. Tại Gia Định: Quốc tự Khải Tường, Tổ đình Từ Ân, Kim Chương, Mai Sơn…; ở Phú Yên: Tổ Đình Hội Tông; ở Hà Nội: Quốc tự Báo Thiên, Báo Ân; tại Kinh đô Huế: Quốc tự Giác Hoàng, Linh Hựu… lần lượt bị phá hủy để xây dựng cơ quan công quyền hay nhà thờ Thiên chúa giáo. Riêng Nghệ An vốn là cái nôi của các phong trào yêu nước Cần Vương, Văn Thân, Đông Du nên bị giết hại, tàn phá rất nặng nề. Năm 1878 (Tự Đức thứ 31), sứ đoàn Pháp ép buộc triều đình phải triệt hạ 18 sở đền chùa của lương dân để bồi thường cho giáo dân. (9)
Đứng trước cảnh nước mất nhà tan, chùa chiền, di sản văn hóa dân tộc bị hủy hoại, chí sĩ Sào Nam Phan Bội Châu trong bài thơ Hoài cảm chùa Non Nước ngậm ngùi hỏi Phật:
Say non say nước lại say chùa
Mến nước non càng mến cố đô
Đuốc tuệ lừng trời tà muội dẹp
Gương khôn phất gió quỷ ma trừ
Bùi ngùi tháp cũ trên nền cỏ
Cám cảnh bia tàn trước gió mưa
Vịnh cảnh bao lâu xin hỏi Phật
Có chăng non nước đặng như xưa.
Nhưng sau đó, Sào Nam Tử bỗng ngộ ra: “Ôi! Ta nhầm rồi. Phật chỉ ở trong lòng, phải quay lại mà tìm ngay trong lòng rồi phát triển cho rộng ra. Một người yêu nước tức người ấy đã là Phật. Mọi người cùng yêu nước tức mọi người đều là Phật. Phật có rất nhiều, nhiều vô tận, hằng hà sa số Phật. Phật tức là các vị anh hùng yêu nước vậy…Ta yêu nước ta, nước ta nhờ vào ta để tồn tại. Danh dự của thiền môn sẽ không bị sa đọa, chính là do ở ta.” (Phan Bội Châu toàn tập, tập 4, Chương Thâu dịch)
II. DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA: DIỆC CỔ TÙNG LÂM. (亦 古 樷 林 )
Các pho tượng được tôn trí trong tam quan
Khoảng đầu TK XX, hòa thượng Thanh Hoán ở Nam Định, có nhân duyên vào xứ Nghệ, chứng kiến cảnh đồi phế của chùa cổ Diệc nên Ngài phát tâm nhận lãnh chức trú trì và kêu gọi quần chúng phật tử góp công, của trùng tu quy mô hoàn chỉnh, chùa Diệc trở thành danh lam thắng cảnh bậc nhất ở trung tâm thành Vinh tỉnh Nghệ An. Với uy đức của bậc cao tăng, nhà chùa đã hưởng ứng, tác động mạnh mẽ việc chấn hưng Phật Giáo tại địa phương.
Rất tiếc sau cuộc kháng chiến giữ nước (1945-1975), “Diệc Cổ Tùng Lâm” bị tàn phá, hoang phế. Rất may đến nay còn sót lại cổng tam quan, vài pho tượng và hai tấm bia đá trơ gan với mưa nắng, để làm chứng tích.
Chúng tôi xin tạm dịch văn bia “SẮC TỨ DIỆC CỔ TỰ BI KÝ” để tất cả chúng ta ngày nay có cơ sở hồi tưởng lại cảnh quan u nhã, chùa viện trang nghiêm của chốn đạo tràng một thời hưng thịnh tại vùng núi Hồng - sông Lam này.
“BÀI KÝ KHẮC TRÊN BIA CHÙA SẮC TỨ DIỆC CỔ”
“Chùa đứng riêng biệt về phía đông bắc thành tỉnh (Nghệ An), thuộc đất ấp An Trường châu Hoan xưa. Từ lâu đời ấp này có một am tranh. Kể từ khi Triều Nguyễn đóng đô ở Phú Xuân (Huế), thiết lập tỉnh Nghệ An làm trấn lớn bên phải Kinh đô, am thuộc về trại binh ở ngoài thành giữ gìn thờ phụng. Trước đây các vị quan lớn cai quản địa phương mỗi khi gặp hạn hán lâu ngày đến am cầu nguyện tức thì ứng nghiệm. Đầu tiên Tướng công Nguyễn Đức Cửu (1) thay tranh làm rộng ra. Tiếp theo Tướng công Nguyễn Đăng Giai (2) lại sửa chữa rồi treo bảng ghi “DIỆC CỔ TỰ”. (3) Tên của chùa bắt đầu từ đó, có sư tăng cư trú lo việc đèn hương lâu dài. Nhưng nhìn quanh chùa bốn bề vẫn ao hồ, cỏ sậy như cũ. Nhơn duyên chưa đủ nên còn chờ đợi tương lai chăng?
Dịp may, hội Cẩm Trà nghe tiếng tìm thăm chốn lan nhã này, trong đó có thượng nhân Thanh Hoán. Ngài quê ở xã Dương Hồi, phủ Đại An, tỉnh Nam Định, sinh trong Họ lớn, tuổi nhỏ sớm xuất gia. Kính theo chính tông Lâm Tế, làm người nối pháp của tôn sư Quảng Thọ ở Thanh Hóa. Ngài từng tham học tại các trường Tổ Bắc Hà, giới đức đầy đủ, hạ lạp cao, văn học giỏi cùng các bạn tu hành từng trải sâu sắc. Đến được chùa này, ngài vui mừng như đã có nhân duyên từ trước vậy.
Sau ngày Ngài dừng gậy thiền ở đây, trên từ các quan lớn của tỉnh, dưới khắp thân hào, thiện tín hết lòng kính mộ. Chế quân Hà Tướng Công cũng rất lưu ý nhân viên thuộc quyền lo việc vận động sửa chữa điện Phật, tiền đường, xây hai lầu chuông khánh. Trưng bày đầy đủ tượng pháp, đồ thờ cúng. Làm thêm bảy gian nhà Tổ, kiến tạo tam quan có gác cao. Phía trước xây hồ, mặt sau đào giếng, trong dựng hành lang, ngoài làm nhà khách. Tường bao hoa cỏ ngát hương, cổ thụ chen nhau từng lớp xanh ngắt, trở thành một cảnh quan to lớn của non sông. Người lễ bái, ngước mắt thấy trang nghiêm ca ngợi: Thực rực rỡ như rừng cây quý bên nước Phật. Khách tham quan, tình cảm vui vẻ, trí óc thư giãn bảo rằng: Huy hoàng như ngôi chùa vàng trong cung vua vậy. Bấm đốt tay vừa mới hơn mười năm mà quan cảnh Phật đài rạng rỡ. Một phen đổi mới nếu không có nhân duyên to lớn làm sao thành công tốt đẹp được?
Kịp đến mùa xuân này, triều đình ban biển ngạch: “SẮC TỨ” cho chùa, cấp giới đao độ điệp chứng nhận trú trì thật là ơn huệ đặc biệt. Ơn nước nhuần thấm, gần xa từ Bắc vào Nam đều nghe biết khiến mọi người luôn miệng ngợi khen sự kiện vinh diệu này. Nhà chùa làm sao hiển dương đạo pháp được rạng rỡ như thế?
Nên biết rằng, lấy việc xưa mà xem xét việc nay tức nay đã khác xưa rồi. Lấy ngày sau mà xem xét chuyện nay, thì nay là cơ sở cho ngày sau đó. Danh tiếng của chùa ở tỉnh thành (Nghệ An) nhờ có nhiều thiện duyên đầy đủ mà gây dựng được, nhưng rốt ráo cũng nhờ Phật Tổ của chúng ta thiêng liêng gia hộ mới thành tựu viên mãn.
Bia "Kỷ niệm công đức các vị xây dựng chùa" (Kỷ niệm chư công đức bi ký"
Thơ xưa có câu:
Trời chiều ráng đỏ thế giới vàng
Trăng khuya cảnh Phật càn khôn ngọc
Dùng để ca ngợi “Diệc Cổ Tự” cũng rất thích hợp.
Minh rằng: Núi Hồng, Sông Lam
Tươi đẹp thịnh vượng
Chung đúc chùa xưa
Cảnh giới rạng rỡ
Ân phong trú trì
Giới đao, độ điệp
Thông suốt chánh pháp
Vô ngại đèn tâm
Phước lành không cùng
Thấm khắp Tăng chúng
(Lễ Phật Đản mồng tám tháng tư, năm Canh ngọ (1930).
Phật tử ở thành đô Nam Phong Mai Khôi Hy, rửa tay bái ghi.
Sắc tứ Tiến Sĩ khoa Tân Sửu (1901) nguyên Đốc học tỉnh Hải Phòng Nguyễn Văn Tính kính duyệt.4)
Kính ghi tên các quan đóng góp công đức:
Phụ chánh thân thần Thái Tử Thiếu Phó Cần Chánh Điện Đại Học Sĩ Phò Quang Hầu Tôn Thất tướng công
Tổng Đốc An Tịnh Nguyễn Khoa An Chu đại nhân
Tả Quân Đô Thống Phủ Đô Thống Phạm đại nhân
Thừa đương trú xứ sơn môn:
Thanh Vinh, Thanh Sính, Thanh Đăng, Thanh Ký, Thanh Tập
Pháp Tử: Thanh Ân, Thanh Toại
Pháp Tôn: Thanh Chúc, Thanh Anh, Thanh Văn
Các vị chấp sự kính ghi.”
KHẢO XÉT:
Tướng công Nguyễn Đức Cửu (Hoạt) Người Hải Lăng - Quảng Trị. Đỗ Cử Nhân năm Minh Mạng thứ 6 (1825). Quyền hộ ấn quan phòng Tổng đốc An Tịnh năm 1847 (Triệu Trị thứ 7). Thăng lên Thượng Thư Bộ Hộ.
Tướng công Nguyễn Đăng Giai (tự Toản phu) Người Lệ Thủy, Quảng Bình. Đậu cử nhân năm Minh Mạng thứ 6 (1825). Làm quan trải qua 3 triều Minh Mạng - Thiệu Trị - Tự Đức. Năm 1850 ông giữ chức Tổng đốc An Tịnh. Sau thăng lên thượng thư bộ Hình, Tổng tài Quốc Sử quán. Năm 1854 sung chức kinh lược Bắc Kỳ, mất tại thành Hà Nội, được thờ vào đền Hiền lương. Ông giữ nếp nhà “Cư Nho mộ Thích” quy y với hòa thượng Phúc Điền, thọ tại gia Bồ Tát giới, pháp danh Đại Phương. Ông chủ trì xây dựng chùa Báo Ân (Hà Nội), chùa Diệc (Nghệ An), viết văn bia chùa Từ Hiếu (Huế).
Diệc Cổ Tự (亦 古 寺), Theo truyền thuyết dân gian địa phương, thì chùa đã có từ thời Trần được xây trên gò đất chôn xác loài chim Diệc chết trong một năm hạn hán lâu ngày.
Các vị học Nho giải thích, Diệc trích từ câu “Diệc bộ diệc xu” (亦步亦趨) nghĩa: Cũng bước theo, cũng chạy theo, như học trò học theo những điều thầy dạy.
Chúng tôi căn cứ vào văn bia, thấy ghi rõ sau khi ông Nguyễn Đăng Giai trùng tu mới: treo bảng đề “Diệc Cổ Tự” tên của chùa bắt đầu từ đó, có Sư tăng cư trú lo việc đèn hương lâu dài”.
Căn cứ chữ Diệc(亦) tên chính thức của chùa ghi trên bảng gỗ, bia đá hiện còn thì dứt khoát không phải chỉ loài chim Diệc (易). Ông Nguyễn Đăng Giai thuộc một gia đình Nho học thành đạt nổi tiếng vào đầu triều Nguyễn, lại là một Bồ Tát tại gia uyên thâm kinh điển nhà Phật, chúng tôi nghĩ rằng ông đã chọn tên chùa theo Phật điển “DIỆC HỮU DIỆC KHÔNG MÔN” (亦 有 亦 空 門): một trong 4 môn của 4 giáo do Thiên Thai lập ra. Là pháp môn quán các pháp nhân duyên sinh diệt cũng có cũng không để phá trừ phiền não thiên chấp có, không tương đối mà vào pháp môn Đệ nhất nghĩa đế, tức pháp môn Song Chiếu có và không để hiển bày lý Trung đạo (Phật Quang Đại Từ điển - Thích Quảng Độ dịch - Hội VHGD LINH SƠN ĐÀI BẮC XUẤT BẢN)
Nguyễn Văn Tính, Sinh năm 1861 tại xã Cựu Hào, Vụ Bản, Nam Định. Đỗ tiến sĩ khoa Tân Sửu (1901) triều Thành Thái từng giữ chức Đốc học Hải Dương, Hải Phòng rồi từ quan về quê ẩn dật.
Nhằm cung cấp thêm tư liệu, chúng tôi xin sao lục hai bài thơ của hai vị cư sĩ Chùa Diệc đã tham dự cuộc thi thơ do “Phật học tạp chí Tiếng chuông sớm” tổ chức tại chùa Bà Đá - Hà Nội năm 1936. Chủ khảo: Tiến sĩ Nguyễn Văn Bân (người xã Hữu Bằng, Thạch Thất, Sơn Tây) đỗ cử nhân 1897, Tiến sĩ năm 1901) Đề: “Chùa Đá chuông vàng báo sớm mai”
Bài 1
Thức người mê mộng cõi trần ai
Chùa đá chuông vàng báo sớm mai
Non Thứu mây tan trời rạng mặt
Tăm kình gió thoảng khách êm tai
Diễn tờ bối diệp nghe càng rõ
Lần chuỗi bồ đề đếm chẳng sai
Vâng lãnh lời vàng thêm ý ngọc
Nhờ tay tế độ đức Như Lai
(Hải Bình cư sĩ Chùa Diệc Cổ, Vinh)
Bài 2
Trống điểm trên thành đã dứt hồi
Bổng đâu Bà Đá báo chuông mai
Chày sương dục giã vừng đông sáng
Búa nguyệt khoan thai bóng thỏ khơi
Lắng tựa cung đàn không nhắp mắt
Nghe như diều sáo thổi bên tai
Gió từ đưa tiếng về Nam Bắc
Ai chẳng say mê cảnh Bụt Trời
(Đạo sĩ Phạm Ngọc Tuyên chùa Diệc Cổ - Nghệ An)
Lịch sử minh chứng suốt 2000 năm tồn tại, đạo Phật đã gắn liền với vận mệnh dân tộc Việt Nam. Vinh quang của đất nước cũng là vinh quang của đạo pháp, tủi nhục của dân tộc chính là nỗi tủi nhục của Phật tử. Từ xưa đến nay, nhân dân Việt Nam trong đó phần đông tín ngưỡng Phật giáo không từ chối bất cứ sự hy sinh nào từ thân mạng đến tài sản để giành lại chủ quyền dân tộc, độc lập đất nước. Được biết sau cuộc kháng chiến vừa qua (1945 - 1975), hằng trăm ngôi chùa ở Nghệ An đã bị tàn phá nặng nề, trong đó có Diệc Cổ Tùng Lâm.
Ngày nay, trong hoàn cảnh nước nhà hòa bình thống nhất, hy vọng Diệc Cổ Tùng Lâm cũng như các danh lam thắng cảnh khác của vùng đất thiêng liêng Hoan Diễn nhanh chóng hội đủ điều kiện phục hồi, tôn tạo. Đó không chỉ là niềm mơ ước, hãnh diện của riêng người Phật tử Nghệ An mà của cả dân tộc Việt Nam trong nhiệm vụ chung, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc.
T.Đ.S
Chú thích :
1 . Thiệu Long tự - Toàn Đường thi 95 tờ 1024 (LSPGVN tập 2 – Lê Mạnh Thát, NXBTPHCM 2001).
2 . Cửu chân sơn Tĩnh cư tự yết Vô Ngại thượng nhân – Toàn Đường thi 97 tờ 1047 (LSPGVN tập 2 – Lê Mạnh Thát).
3, 4, 5. Tống Nam thiên khách, Tống Nam khách, Sơn trung tặng Nhật Nam tăng – Toàn Đường thi 384 tờ 4304, 4309, 4308 (LSPGVN tập 2 – Lê Mạnh Thát).
6. Tam tịnh nhục: ba trường hợp được phép dùng thịt: không thấy giết, không nghe sinh vật vì mình mà bị giết, không nghi sinh vật ấy vì mình ăn mà bị giết.
7. Bài “ Lương chiêu Minh thái tử phân kinh thạch đài” – Nguyễn Du (1765 – 1820) – Tinh tuyển văn học VN, tập 5 quyển 2 – Nguyễn Thạch Giang (NXBKHXH 2004).
8. Bài “ Vịnh Phật” Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858) – Nguyễn Công Trứ cuộc đời và thơ (NXB. Lao Động 2011, Đoàn Tử Huyến chủ biên).
9. Tự Đức 31 ngày 13 tháng Giêng: Thương Bạc tâu việc dân Nghệ An phải đem đền thờ, chùa chiền bồi thường cho dân đạo Thiên Chúa:
5 giờ chiều hôm qua bọn thần đến dinh Thương Bạc một lúc thì tiếp sứ Pháp đến mời vào dinh tòa cùng nhau hỏi han. Bọn thần bảo rằng lương dân Nghệ An đã đem 18 sở đền chùa bồi thường cho giáo dân, trong đó 10 sở đã triệt hạ rồi chỉ còn 8 sở (Tự Đức 31 tháng 1-4, Cơ Mật - Q.295, HTCB No.2170, 9 tờ - Châu bản Triều Nguyễn - Lý Kim Hoa sưu khảo - Biên dịch. NXB Văn Hóa Thông Tin - 2003).
Tài liệu tham khảo :
Việt Nam Phật Giáo sử lược – Mật Thể ( Hà Nội 1944 )
Việt Nam Phật Giáo sử luận – Nguyễn Lang ( NXB Văn Học 1992 )
Phật Giáo Việt Nam – Trần Văn Giáp ( Tuệ Sĩ dịch , Viện đại học Vạn Hạnh 1968 )
Lịch sử Phật Giáo Việt Nam – Lê Mạnh Thát ( Tập I,II – NXB TP HCM 2001 )
Việt Nam sử lược – Trần Trọng Kim ( NXB Tân Việt 1937 )
Đại Việt sử ký toàn thư ( NXB KHXH – 1998 )
B.A.V.H tập XXII , XXIII 1935, 1936
Source : http://www.lieuquanhue.vn/index.php/80/6399.html
Link: http://www.giaodiemonline.com/noidung_detail.php?newsid=6864