Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Tỏa sáng
20/10/2017 20:27 (GMT+7)

***

Ni sư trụ trì Fushimi sanh ngày 1, tháng 12, 1939 tại Tokyo, Nhật Bản. Bà là cháu cố của vị lãnh chúa cuối cùng của Nhật, Yoshinobu Tokugawa. Năm lên 9, mẹ kế mang bà đến tu viện Tokujo Myoin sau khi cha bà tử nạn trong chiến tranh thế giới thứ II. Năm 14, bà làm lễ phát nguyện. Năm 1962, bà hoàn tất chương trình Phật học tại Đại học Bukkyo, là đại học chuyên về pháp môn Tịnh độ. Giờ bà là Ni trưởng của tu viện Tokujo Moyin. 

Ni sư Fushimi bắt đầu thích thú với nhiếp ảnh trong chuyến viếng thăm Ấn Độ lần đầu tiên vào năm 1966. Vào những năm 1980, bà chụp ảnh theo chủ đề về hoàng hôn tại nhiều nước như Ấn Độ, Miến Điện, Trung Quốc, Campuchia, Indonesia và Nepal. Ngoài việc là bậc thầy về Nghệ thuật cắm hoa và Trà đạo ở các trường thuộc Keiho, Ni sư Fushimi còn là một nhà thơ và nhà thư pháp nổi tiếng. Dưới đây là bài phỏng vấn Ni sư bằng tiếng Nhật và chuyển ngữ sang tiếng Anh của Elizabeth O’Brien.

---------

Đối với tôi, nhiếp ảnh là một thú tiêu khiển. Tôi không theo đuổi nhiếp ảnh như là một cách khai phóng thêm cho sự thực hành tâm linh của tôi. Tôi lớn lên trong niềm tin vào Tịnh độ, nên tôi đến với nhiếp ảnh một cách tự nhiên như tôi đã đến với tôn giáo của mình. Tôi hoàn toàn quên mình trong lúc chụp ảnh. Tôi dường như đạt đến trạng thái trống vắng của cái ngã, là trạng thái mà chúng tôi phải duy trì nếu muốn trở thành Phật. Bất cứ khi nào nhìn thấy mặt trời lặn, dầu tôi có chụp ảnh hay không, tôi luôn tưởng tượng ra Đức Phật đang ở cõi Tây phương. Tuy nhiên, tôi không có thời gian để chụp nhiều ảnh ở quê hương Nhật Bản. Công việc chụp ảnh không phải là công việc tôi chấp tác hàng ngày; đó chỉ là việc tôi thích làm khi đi du lịch.


Tôi chụp chủ yếu là phong cảnh, luôn là ảnh màu. Chủ đề tôi ưa thích là cảnh hoàng hôn. Tôi nhớ rất rõ lần đầu tiên tôi chụp ảnh mặt trời lặn là vào năm 1984, tại miền Nam Ấn Độ. Một buổi chiều, tình cờ từ lan can khách sạn, tôi nhìn thấy một cảnh mặt trời lặn rực rỡ mà tôi chưa từng thấy bao giờ. Cảnh mặt trời lặn về phương Tây đó xâm chiếm tôi, tôi vội chạy lấy máy ảnh để chụp. Từ đó, dầu đi bất cứ nơi nào, tôi luôn bị cuốn hút bởi cảnh hoàng hôn. Hình ảnh đó mang một ý nghĩa quan trọng trong niềm tin Tịnh độ của tôi. Chúng tôi tin rằng phía mặt trời lặn là Cực lạc ở phương Tây, là nơi Đức Phật A Di Đà có mặt, chờ đón những chúng sanh đã quá vãng. Chúng tôi nguyện cầu được tái sinh vào mảnh đất giác ngộ này, vào cõi Niết-bàn Tịnh độ. Khi chụp ảnh, tôi không quan tâm đến việc lưu giữ ảnh mà chỉ quan tâm đến việc giữ lại giây phút thoáng qua khi mặt trời lặn và Đức Phật ở Tây phương chờ đón những ai được tái sinh vào cõi Cực lạc.

Trong pháp hành của tôi không có thiền. Chúng tôi chỉ chuyên tâm niệm “Nam-mô A Di Đà Phật”.  Đó là cách thể hiện sự nhất như - Phật A Di Đà và tôi - và cũng là một cách để diễn tả lòng biết ơn đối với tâm từ bi trùm phủ mà Đức Phật đã ban tặng cho những chúng sanh còn sinh tử như chúng ta.  Chúng tôi luôn tụng niệm, khi nằm, ngồi, đi đứng, và ngay cả khi đang giao tiếp với người, chúng tôi niệm thầm trong tâm.

Tôi nghĩ rằng người ta thường chọn con đường đạo thích hợp cho mình bởi duyên nghiệp. Có người được làm quen với con đường đạo dễ theo như pháp môn Tịnh độ. Có người chọn con đường đạo khó khăn hơn như là thiền định. Theo hệ phái Tịnh độ, chúng tôi tin rằng tất cả mọi chúng sanh đều thiếu sót, do đó không thể tự mình đạt đến giác ngộ. Cho nên chúng tôi cố gắng từ bỏ cái ngã, và nương tựa vào Đức Phật để được giải thoát. Uy lực chính là Tha-lực (Other-power), không phải Tự lực. Dầu ở vị trí nào trong xã hội, tất cả chúng ta đều trải nghiệm những khổ đau và dục lạc thế gian. Tuy nhiên, theo hệ phái Tịnh độ của tôi, không có sự tự quán chiếu về các lỗi của mình. Chúng tôi tin rằng mình có thể đẩy lùi các khía cạnh tiêu cực này bằng cách niệm Phật không ngừng nghỉ với tâm chân thật. Có thể nói rằng, nhìn chung, chúng tôi không thực hành pháp tự quán chiếu.

Cuộc sống ở tu viện không thay đổi nhiều trong suốt khoảng một trăm năm qua.

Khi xã hội hiện đại hóa hơn, cuộc sống trở nên hào nhoáng hơn, con người càng muốn trải nghiệm một cuộc sống đơn giản hơn, nên họ muốn thử sống ở tu viện. Ngay lập tức họ phải đối mặt với điều luật đầu tiên, dọn vệ sinh. Đối với nhiều người, đó có nghĩa là sayonara (từ biệt).

Không chỉ ở trong các tu viện, mà cả ở các cơ quan Phật giáo nói chung, có các quy định cơ bản: (1) dọn vệ sinh, (2) hành lễ, và (3) tu học. Sự thật thì ở tu viện tôi đang lưu trú, các quy luật giống như là: (1) làm vệ sinh, (2) làm vệ sinh, và (3) làm vệ sinh. Chúng tôi thực sự dốc toàn lực vào việc dọn dẹp vệ sinh. Tuy nhiên, khi tôi nói “dọn vệ sinh”, tôi không chỉ muốn nói đến việc dọn dẹp vườn tược, vệ sinh phòng ốc tu viện. Nó cũng có nghĩa là quét sạch tất cả mọi tham ái và phiền não khỏi tâm trí. Dầu bạn đang ở cấp độ tu nào, giữ vai trò gì trong tu viện, bạn cũng phải làm vệ sinh. Thực ra, các vị tu lâu năm còn phải giữ vai trò đầu tàu nếu họ muốn kẻ dưới noi theo gương họ.

Nhiều người đến với chúng tôi với tà kiến rằng chúng tôi chỉ ngồi ngắm vườn tược suốt ngày. Họ không muốn nhổ cỏ. Họ đến đây, nghĩ rằng họ sẽ có phòng riêng, với truyền hình, ít nhất là thế! Họ không muốn chung đụng với chúng. Họ không muốn tuân theo tôn ti trong tu viện.

Tôi có cảm giác như xã hội Nhật tân tiến này đang xa rời dần các tôn giáo truyền thống. Ở tu viện của tôi chỉ có bốn Ni, kể cả tôi. Như thế có nghĩa là chúng tôi không tham gia nhiều công tác hoằng pháp, chiêu sinh. Tôi không thạo việc đi ra ngoài và tiếp xúc với đám đông quần chúng.

Nhưng tôi có dạy nghệ thuật cắm hoa, pha trà và thư pháp cho dân địa phương. Học viên thuộc nhiều lứa tuổi cùng đến tu viện để học. Ngay cả những người chưa từng biết đến Phật giáo, họ cũng cảm nhận được sự hiện diện của Đức Phật suốt thời gian họ ở trong khuôn viên tu viện. Tôi không muốn chiêu dụ ai. Tôi chỉ muốn làm tăng con số người bước vào cửa tu viện, dầu chỉ là một bước nhỏ.

Rất khó nếu bắt đầu với tâm của học viên, nên tôi bắt đầu từ bên ngoài, dạy họ cách chào, cách ngồi cho đúng. Tôi không nói đến những điều khó khăn; tôi chỉ muốn họ thực hành đúng cách. Nhờ đó, họ tiếp thu mọi thứ rất tự nhiên. Tôi cũng cố ý lồng một số yếu tố tâm linh vào trong việc dạy học của mình. Thí dụ, đối với môn học cắm hoa, chúng tôi tổ chức lễ phát bằng năm năm trong chánh điện của chùa, trước tượng Phật. Khi học viên nhận bằng, học viên chắp tay lại và vái chào trước tượng Phật. Tất cả các học viên đều rất phấn khởi, dầu họ thuộc tôn giáo nào. Đó là bước khởi đầu. Nhiều học viên cũng thấy đó là bước khởi đầu, sau đó họ phát khởi lòng tin.

Dầu ở trong môi trường giáo dục nào, sự liên hệ giữa thầy-trò vẫn giống nhau. Đó là mối liên hệ giữa mẹ-con. Sư phụ của tôi qua đời, khi tôi vừa được truyền giới.  Tôi rất nhớ thương người và cần đến sự dìu dắt của người xiết bao, may nhờ các vị Ni sư khác bảo bọc, tôi đã vượt qua để tiếp tục trên con đường đạo. Giờ chính tôi cũng trở thành một người dìu dắt tâm linh, tôi thấy rằng công tác giáo dục là hai chiều. Tôi đã học rất nhiều thứ từ các học viên của mình. Trước đây tôi là người không kiên nhẫn, rất dễ bị lay động bởi những gì người khác nói hay làm. Nhưng các em học viên đã mở rộng tầm nhìn của tôi. Tôi nhận thấy rằng người khác có thể có những suy nghĩ mà mình chẳng bao giờ nghĩ đến trước đây. Khi lắng nghe các em, tôi đã trưởng thành thêm nhiều. Tôi nghĩ đó là cách Đức Phật đã dạy bảo tôi, qua các em học viên.

Nói về mình là việc cá nhân tôi không thích, mà hệ phái cũng không khuyến khích. Tôi nghĩ là người ta không thực sự có khả năng hiểu được chính xác họ là ai, và tôi không ngoại lệ, vì thế khi cố gắng để định nghĩa “cái tôi” này là việc ngông cuồng. Tâm trí ta đổi thay từng giây phút, giống như mây bay trên bầu trời chiều khi mặt trời lặn. Chúng ta là ai mà nghĩ rằng mình có thể nắm bắt được bản chất thực sự của tâm? Tâm Phật trong mỗi con người không thể bị gò bó bởi sự giới hạn của ngôn ngữ.

Ni sư Fushimi
Diệu Liên Lý Thu Linh - 2-2017
(Chuyển ngữ từ Shedding the Lights, tạp chí Tricycle, Xuân 2001)

http://giacngo.vn/nguyetsan/phathocungdung/2017/07/25/7AC081/

Các tin đã đăng:
Về đầu trang