“Gió đưa cành trúc la đà/Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương”.
Đã hơn 300 năm qua, tiếng chuông Thiên Mụ vẫn đều đặn giữ nhịp thời
gian. Nhưng, chuông ấy mỗi ngày hai buổi được gõ như thế nào thì mấy ai
biết ?
Tương truyền về linh khí
Chùa Thiên Mụ (còn gọi là Linh Mụ) tọa lạc trên một ngọn đồi xã Hà
Khê (cũ) mặt nhìn xuống dòng sông Hương, như thể đầu rồng ngoảnh lại,
cách Cố đô Huế về phía Tây khoảng 5 km. Sách Ô Châu Cận Lục của Dương
Văn An viết năm 1553, đã mô tả về ngôi chùa: Chùa nằm phía Nam xã Hà Khê
huyện Hương Trà, ở trên đồi núi, dưới giáp dòng sông, cảnh đẹp vượt hẳn
ba nghìn thế giới, gần gang tấc với thiên trì. Khách tản bộ đăng lâm
bỗng chốc phát lòng lành, tiêu tan tục lụy...”.
Tương truyền, năm Tân Sửu (1601), chúa Nguyễn Hoàng, nhân buổi dạo
chơi phong thủy, thấy vùng đồng bằng xã Hà Khê, có một ngọn đồi cao nổi
lên như hình rồng quay đầu nhìn lại, phía trước trông ra sông dài, phía
sau có hồ lớn, cảnh trí rất đẹp, hỏi người dân địa phương, người ta cho
biết: Ngọn đồi này linh lắm, xưa có bà lão mặc áo đỏ quần xanh, ngồi
trên ngọn đồi nói rằng: “Rồi sau sẽ có vị chân Chúa đến đây sửa núi lập
chùa để tụ linh khí, giữ bền long mạch”.
Nói xong bà lão biến mất. Chúa Nguyễn Hoàng cho rằng đất này có khí
thiêng mới lập chùa gọi tên là chùa Thiên Mụ. Đến đời chúa Nguyễn Phúc
Chu (1691-1725), ông là một cư sĩ tại gia thọ giới với ngài Thạch Liêm
hòa thượng, phái Tào Động, pháp danh là Hưng Long, rất chú trọng đến
việc chăm lo kỷ cương phép nước, khuyến khích xây dựng chùa chiền, chấn
hưng Phật giáo.
“Bách bát hồng thanh”
Chùa Thiên Mụ hiện có hai quả chuông. Một quả chuông được đúc vào
năm Canh Dần (1710) đặt trong một ngôi nhà bát giác phía bên phải tháp
Phước Duyên (nhìn từ trong ra). Chuông cao 2,50m, đường kính miệng
1,40m, cân nặng 3.285 cân (tương đương 1.986 kg). Trên chuông có khắc
bài minh của chúa Nguyễn Phúc Chu “chú nguyện mưa thuận gió hòa, quốc
thái dân an”. Tương truyền trong ngày rằm Phật đản, chú nguyện đúc
chuông có hàng trăm quan viên Phật tử đến quy y, thọ giới đã phát tâm
thả vào vạc đồng sôi rất nhiều vật quý giá... bằng một niềm tin bất
hoại.
Tháp Phước Duyên.
Chính vì vậy chiếc chuông đã mang trong mình cả những giá trị tâm
linh và một hàm lượng hợp kim đặc biệt tạo nên âm thanh ngân nga siêu
thoát. Đến thời vua Thiệu Trị, vua đã cho xây tháp Từ Nhân (sau đổi tên
thành tháp Phước Duyên) cao bảy tầng và xây đình Hưng Nguyện, viết văn
bia để lưu giữ công đức xây tháp và đình. Vua cũng cho xây dựng hai tiểu
đình trước Nghi môn để dựng bia đá khắc bài minh Thiên Mụ chung thanh
và đưa chùa Thiên Mụ vào danh mục 20 cảnh đẹp chốn Thần kinh.
Trong bài minh, có đoạn: “Bách bát hồng thanh tiêu bách kết/Tam
thiên thế giới tỉnh tam duyên... (Một trăm lẻ tám tiếng chuông tiêu tan
trăm nỗi oan kết muộn phiền/Ba ngàn thế giới tỉnh ba duyên...” (ngộ lý
duyên khởi của nhà Phật). Chuông này hiện nay chỉ được đặt như một pháp
khí của chùa mà không đánh. Còn chiếc chuông đang làm nhiệm vụ giữ nhịp
thời gian của “tiếng chuông Thiên Mụ” hiện nay được đúc vào năm Gia Long
thứ 14 (1815), đặt trên lầu chuông bên trái cổng Tam Quan, để đi vào
điện Đại Hùng.
Trong thời đại phong kiến, người đánh chuông chùa Thiên Mụ do Tăng
cang (chức danh do triều đình phê chuẩn) của chùa phân công. Kế tục hạnh
nguyện và giữ hồn cho tiếng chuông Thiên Mụ hiện nay là các nhà sư trẻ
đang tu học tại chùa. Thượng tọa Thích Trí Tựu cho biết từ xưa đến nay,
chuông chùa vẫn được đánh mỗi ngày hai thời (hai lần), vào lúc 19 giờ 30
và 3 giờ 30 sáng. Mỗi lần đánh trong thời gian một tiếng đồng hồ (60
phút) bằng 108 tiếng chuông để xóa đi 108 nỗi phiền muộn trong thế
gian.
Theo giáo lý nhà Phật, chúng sinh trong tam giới (gồm dục giới, sắc
giới và vô sắc giới) đều có chung bát khổ (sinh khổ, lão khổ, bệnh khổ,
tử khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ, oán tằn hội, ái biệt ly khổ và cầu bất đắc
khổ). Từ căn bản của 8 điều khổ sẽ dẫn đến 108 nỗi phiền não được chia
nhỏ theo trạng thái tâm lý và tình cảm. Trong mỗi tiếng chuông của người
thiền giả đều mang theo tâm nguyện từ bi gửi gắm đến chúng sinh giải
tỏa mọi muộn phiền đau khổ.
Công phu gõ chuông Thiên Mụ
Cái khó của việc gõ chuông Thiên Mụ là không phải bất kỳ ai cũng
làm được. Tiếng chuông đầu tiên phải cất lên đúng vào lúc 3 giờ 30 mỗi
sáng, đều đặn trong một tiếng đồng hồ và phải đủ 108 dùi (lần gõ). Với
người tu luyện chưa có đủ công phu thì chắc chắn sẽ không làm chủ được
bản thân để mỗi sáng thức dậy đúng và đủ thời gian để đánh đủ 108 tiếng
chuông trong thời gian 60 phút mà không phải canh đồng hồ hay dùng bất
cứ phương pháp nào để giữ nhịp.
Mỗi sáng sau khi thức dậy tĩnh tọa hành thiền, người đánh chuông
bước xuống khỏi thiền sàn và đi trong bước chân thiền từ tăng phòng đến
tháp chuông, đánh tiếng đầu tiên đúng vào lúc 3 giờ 30, không được sai
lệch. Giai thoại thiền môn kể rằng, cố hòa thượng Thích Đôn Hậu (1) là
một thiền sư gắn liền nhiều nhất với hạnh nguyện đánh chuông.
Tháp Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu.
Lúc sinh thời, những khi còn khỏe, hòa thượng vẫn thường thức dậy
đánh chuông hằng đêm và tiếng chuông của ngài có âm thanh vang vọng
thanh thoát một cách lạ thường. Những người cao niên ở các làng xung
quanh khu vực chùa Thiên Mụ như Nguyệt Biều, An Ninh Thượng, Long Hồ,
Ngọc Hồ, Lựu Bảo, Xuân Hoa... cho biết, khi nào hòa thượng đi vắng hay
đau ốm là biết liền. Bởi tiếng chuông được người khác thay thế là biết
ngay; âm sắc và nhịp điệu của tiếng chuông sẽ khác hẳn.
Tiếng chuông Thiên Mụ ngoài âm sắc của tiếng đồng được chế tác bằng
một kỹ thuật đúc truyền thống hoàn hảo, nó được vang xa nhờ vào vị trí
đặt chuông trên đồi cao, lại có dòng sông Hương trải dài như một chất
dẫn truyền tự nhiên huyền diệu... Nhưng trên tất cả những yếu tố ấy còn
có ẩn chứáa một âm sắc vi diệu khó diễn đạt từ chính công phu thiền định
và hạnh nguyện từ bi được chuyển tải trong mỗi tiếng chuông của người
hành đạo.
Ngày nay, trước hàng vạn tạp âm của nhịp sống đô thị, tiếng chuông
Thiên Mụ hằng đêm vẫn giữ nhịp thời gian, gửi vào trần thế tiếng thiền
vi diệu.
(1) Hòa thượng Thích Đôn Hậu - Đại biểu Quốc hội nước CHXHCNVN, Đệ nhất Phó Pháp chủ GHPGVN
Theo Bùi Ngọc Long
Phật tử Việt Nam