Những nhân chứng
sinh sống tại địa phương khẳng định: “Chuyện này có thật. Thuở Phật
ngự, chỉ cần dùng nước giếng uống, tắm là tất cả mọi loại bệnh tật đều
được chữa khỏi”.
“Giếng Bà Về” cho nước cứu dân
Ông Bùi Văn Hòa - Tổ trưởng Tổ
An ninh nhân dân khu phố 5, sống trong ngôi nhà nằm cạnh lối lên chùa
Bửu Phong kể về sự kiện hy hữu "bà về": Ngày 19-9 năm Quý Mão (tức năm
1963) là ngày vía Bồ Tát Quán Thế Âm, chùa có tổ chức đàn cúng. Lúc 12
giờ, bỗng dưng một số phật tử và các sư trong chùa đều trông thấy một
trái cầu lửa màu đỏ có đường kính khoảng 60 cm từ lưng chừng trời sa
xuống phía thung lũng trước chánh điện.
Yết Ma Thiện Giáo - Sư tổ trụ
trì đời thứ 16 chùa Bửu Phong cùng một số tín đồ lấy làm lạ chạy ra xem
thì quả cầu biến mất. Mọi người phán đoán, nơi quả cầu sa xuống là chiếc
giếng cổ nằm dưới thung lũng.
Không chỉ những người có mặt
trên chùa chứng kiến hiện tượng đó, mà rất nhiều người ở cách đó vài
chục cây số cũng trông thấy. Mặc dù đã nửa khuya, họ vẫn kéo nhau đến
chùa xem để thỏa mãn tính hiếu kỳ.
Mọi người ở chùa còn đang thắc
mắc về hiện tượng lạ thì từ dưới chân núi, người dân ùn ùn kéo lên xem.
Trong đó có những gia đình ở tận Sài Gòn. Những gia đình ở Sài Gòn không
trông thấy quả cầu lửa mà đến vì được báo mộng. Họ cho biết trong gia
đình có người bị bệnh nan y, bán thân bất toại suốt mấy năm nay. Mấy đêm
trước, người nhà ngủ mơ thấy Phật Bà Quan Âm bảo họ nửa đêm ngày vía
Phật Bà đến ngôi giếng cổ ở chùa Bửu Phong lấy nước uống trị bệnh. Họ
đến đây mới biết có quả cầu lửa vừa sa xuống.
Thế là hàng trăm người truyền
tai nhau rằng: Đó là Phật Bà giáng thế cứu độ chúng sinh. Họ quỳ sụp
xuống trước giếng cổ tụng niệm kinh rồi thi nhau múc nước giếng đem về.
Đến khoảng 3 giờ sáng, dòng người tựu về chùa đọc kinh, múc nước giếng lên đến cả ngàn.
Thời điểm đó, phong trào Phật
giáo đấu tranh chống chính quyền Ngô Đình Diệm đang dâng trào khắp miền
Nam. Lượng người tụ tập về chùa càng lúc càng đông, viên sĩ quan chỉ huy
một đơn vị bộ binh của Việt Nam Cộng hòa đang đóng quân trên núi Bình
Điện e ngại xảy ra chuyện không hay nên yêu cầu sư trụ trì giải tán. Vị
sư yêu cầu mọi người ra về nhưng những phật tử đến cầu kinh không đồng
ý. Họ la ó phản đối viên sĩ quan.
|
Ngày xưa căn hầm bí mật nuôi giấu cán bộ cách mạng được xây phía dưới chân Phật |
Viên sĩ quan nổi nóng rút khẩu
súng ngắn ra chĩa lên trời bảo: "Nếu Phật Bà giáng thế thật sự thì làm
phép lạ cho súng của tôi không nổ. Nếu súng nổ, bà con phải giải tán".
Viên sĩ quan bóp cò. Súng không nổ. Viên sĩ quan thay băng đạn mới rồi
lại siết cò. Súng vẫn không nổ.
Sau 3 lần siết cò, súng vẫn
không nổ, viên sĩ quan đành xuống nước: "Tôi đã tin nhưng phải xin ý
kiến trung tá Quận trưởng Đức Tu (Thời điểm này, xã Bửu Long thuộc quận
Đức Tu, TP Biên Hòa) mới dám cho bà con tiếp tục cầu kinh". Viên sĩ quan
dùng máy truyền tin báo cáo mọi diễn biến, kể cả việc bắn 3 phát súng
không nổ. Viên trung tá quận trưởng tức tốc dùng xe Jeep đến ngay hiện
trường.
Vừa đến nơi, viên trung tá quận
trưởng giật khẩu súng của viên sĩ quan rồi nói lớn với bà con: "Nếu
Phật Bà linh nghiệm thì cho nổ súng. Tôi chỉ bắn 1 phát. Nếu súng nổ,
tôi cho bà con ở lại cầu kinh. Nếu súng không nổ, bà con phải giải tán".
Viên trung tá siết cò. Súng nổ. Bà con reo hò vang dậy. Viên trung tá
quận trưởng đành để bà con cầu kinh.
Hàng tháng trời sau đó, mỗi
ngày có hàng ngàn lượt người kéo nhau đến cầu kinh và xin nước giếng
Phật về trị bệnh. Điều kỳ lạ là bệnh gì nước giếng cũng trị khỏi. Bệnh
ngoài da thì tắm, nội khoa thì uống. Trang 37 quyển "Lịch sử Bửu Phong
cổ tự" ghi rõ: "Điều kỳ diệu thật sự là ai xin nước về uống cũng hết
bệnh. Những nhân chứng đến nay vẫn còn như gia đình phật tử Nguyễn Thị
Tám, địa chỉ 60/218, Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1, TP HCM…".
Trước những điều linh diệu đó,
sư Yết Ma Thiện Giáo đã cho tạc một bức tượng Bồ Tát Quán Thế Âm trước
giếng và tạc 1 bia đá khắc chữ Hán, đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Bài thơ
chữ Hán được dịch nghĩa khắc cạnh dòng Hán tự: "Bửu Phong cổ tự
nguyên đề/ Nhằm năm Quý Mão, Bà về cứu dân/ Mười chín tháng chín khởi
lần/ Dương lịch thì nhằm 1963/ Người ta vô số hằng hà/ Tật nguyền đui
điếc hiểm nguy thiếu gì/ Trước chùa giếng nước Cam Lồ/ Uống vô hết bệnh,
phun vào tật yên/ Nên nay kỷ niệm lưu truyền/ Xây đà tượng cốt Bà lên
nơi này/ Đặng đời ghi nhớ công dày/ Yết Ma Thiện Giáo bút ghi để đời".
|
Mặt tiền ngôi chánh điện. |
Hiện nay, một số người bị bệnh
hiểm nghèo, y học bó tay vẫn tìm đến giếng cổ xin nước để tìm hy vọng
cuối cùng của sinh mạng. Nước giếng có thể không còn linh thiêng như
giai thoại nhưng vẫn là chiếc phao niềm tin cho rất nhiều sinh mạng
trong cơn tuyệt vọng.
|