Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
"Chung Sơn Bảo Quang Tự Bi” - dấu tích ngôi chùa thời Lê Trung Hưng trên đất Nghệ An
01/09/2012 14:41 (GMT+7)


Cho đến nay, về lịch sử Phật giáo Nghệ An vẫn chưa có một công trình khoa học nào nhắc tới một cách đầy đủ và hệ thống, khiến cho chúng ta vẫn chưa có được một cái nhìn toàn diện về sự hình thành và phát triển của Phật giáo trên mảnh đất xung yếu của tổ quốc và được xem là “địa linh nhân kiệt” này. Nhắc tới Phật giáo Nghệ An, chắc phải nhắc tới chùa Linh Vân, chùa được sách Đại Nam nhất thống chí (1) cho biết đây là ngôi chùa được xây dựng dưới thời thuộc Bắc do chính Cao Biền chủ trương xây dựng và Thiền sư Nguyễn Y Sơn, sách Việt điện u linh (2) cho biết đây là vị thiền sư nổi tiếng của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Đây chắc hẳn là những hình ảnh sớm nhất của Phật giáo Nghệ An trong lịch sử.

Trải qua những biến thiên thăng trầm của thời đại, những ngôi chùa cổ trên địa bàn Nghệ An hiện nay hầu như không còn nguyên vẹn nữa. Nhưng may mắn ở đâu đó trong dân gian vẫn còn lưu giữ được những di tích của tiền nhân để lại. Chính vì vậy đây chính là những nguồn tư liệu hết sức quan trọng và cần thiết để khẳng định sự xuất hiện và ăn sâu của tư tưởng Phật giáo tại mảnh đất này. Chắc có lẽ do cơ duyên với tiền nhân mà trong một lần điền dã, chúng tôi đã gặp được một tấm văn bia của một ngôi chùa được dựng nên từ hơn 400 năm trước. Sự xuất hiện của tấm văn bia cho ta biết sự có mặt của một ngôi chùa cổ tại đây. Và chắc cũng không phải ngẫu nhiên mà ngôi chùa này lại được xây dựng tại một quả núi nổi tiếng trong thời hiện đại: Núi Chung ở thôn Ngọc Đình nay thuộc xã Kim Liên huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An. Theo một số tài liệu thì xưa kia trên núi có đền Thánh Cả thờ tướng quân Nguyễn Đắc Đài thời Trần, bên cạnh đền là chùa Đạt, chính là ngôi chùa Bảo Quang, có quả chuông to nổi tiếng đã đi vào câu ca dao:

“Vui nhất là cảnh chợ Cầu

Ngoài đền Thánh Cả trên lầu gác chuông”

Xung quanh núi Chung là những địa danh nổi tiếng gắn với những nhân vật kiệt xuất kiệt xuất của dân tộc. Phía bắc núi Chung là làng Sen, quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh:

“vui nhất là cảnh xã mình

Kim Liên sen tốt, Ngọc Đình chuông kêu”

Phía nam là làng Hữu Biệt, nay là xã Nam Giang nổi tiếng với ngôi đền thần Độc Lôi thờ phụng vị danh tướng họ Phạm đời Lý:

“Quê em anh hỡi đừng quên

Có sông Rào Mượu có đền Độc Lôi”

Phía tây núi khoảng 4km là làng Đan Nhiễm nay là xã Nam Hòa, quê hương nhà yêu nước Phan Bội Châu. Chỉ trong vòng bán kính chưa đầy 10km mà đã có nhiều địa danh nổi tiếng và những nhân vật kiệt xuất của dân tộc Việt Nam thời hiện đại. Phải chăng đây là vùng đất hội tụ được khí thiêng của núi sông mà người xưa đã dày công chọn lựa để dựng xây nên ngôi chùa ngôi đền nổi tiếng và được sự quan tâm của nhà nước phong kiến và toàn thể nhân dân lúc bấy giờ.

Ngôi chùa Bảo Quang từng hiện diện trên núi Chung từ lâu. Vật chuyển sao dời, ngôi chùa nay không còn, dấu vết duy nhất để lại là tấm văn bia cổ. Tấm văn bia này có tên: “Chung Sơn Bảo Quang Tự Bi” có niên đại đời vua Lê Thần Tông niên hiệu Vĩnh Tộ năm thứ 3. Tính tới thời điểm hiện tại tấm bia có niên đại 391 năm.

 

Tấm văn bia cao khoảng 1,6m và rộng khoảng 0,9m đứng trơ trọi giữa một bãi đất bằng phẳng rộng rãi dưới chân núi Chung, xung quanh là những cây bụi cỏ mọc um tùm kín lối. Theo Văn khắc Hán Nôm Việt Nam (1) thì đây là bia đình Ngọc Đình, trong Văn bia Nghệ An (2) là bia chùa Ngọc Đình. Còn theo như trên văn bia thì đây lại là bia chùa Bảo Quang. Dựa vào nội dung có thể phỏng đoán chùa có quy mô lớn nhưng nay đã bị mất hoàn toàn, nay chỉ còn lại tấm văn bia. Theo dòng đầu tiên trên văn bia “Trùng tu Chung sơn Bảo Quang tự ký” và niên hiệu ta đoán định được rằng chùa được xây dựng từ rất lâu trước thời vua Thần Tông triều Lê, bởi văn bia này ghi lại việc trùng tu chứ không phải ghi lại việc xây dựng. Bốn câu đầu trong bài minh cũng chứng minh điều đó:

“Nam Đường huyện danh

Chung đại cảnh mỹ

Sơn hữu Phật cung

Tích triệu cơ chỉ”

(Tiếng huyện Nam Đường

Hun đúc nên cảnh đẹp

Trên núi có cung thờ Phật

Nền gây dựng từ xưa)

Về địa danh Nam Đàn, trong văn bia ghi: “Nam Đường” (南塘) cho ta biết bia khắc vào thời Lê. Bởi sang giữa thời Nguyễn, Nam Đường mới được đổi thành Nam Đàn do tránh húy của vua Cảnh Tông (Nguyễn Phúc Đường) do đó tên gọi Nam Đàn có từ thời Đồng Khánh (1885 - 1889) trở về sau.

Tấm bia gồm có 2 mặt. Mặt trước là dòng chữ to “Chung sơn Bảo Quang tự bi” còn mặt sau là dòng chữ “Thập phương tín thí công đức”. Diềm bia trang trí hoa lá uốn lượn rất tinh vi và mềm mại. Xen lẫn vào đó là hình ảnh chim trĩ đang đậu. Đặc biệt ở trán bia điêu khắc hình Lưỡng long triều nhật. Còn ở chân bia là hình sóng biển trông rất uyển chuyển và thanh thoát. Tất cả đều mang dấu ấn và phong cách điêu khắc thời Lê rất rõ nét. Mặt trước gồm 25 hàng còn mặt sau 11 hàng, toàn bộ văn bia gồm khoảng hơn 1500 chữ. Đặc biệt, văn bia này có những chữ kiêng húy tên của vua và hoàng hậu triều Lê:

1. Húy chữ Trần do kiêng tên bà Phạm Thị Ngọc Trần 范氏玉. Bà Ngọc Trần là vợ vua Lê Thái Tổ, mẹ vua Lê Thái Tông, bà nội vua Lê Thánh Tông

2. Húy chữ Thành do kiêng tên Lê Tư Thành 黎思  (Lê Thánh Tông)

Hai chữ húy này đều bị đảo nét trong mỗi chữ và có bộ xuyên 川 gãy nét ở trên đầu. Cách thể hiện văn bản cũng mang đậm phong cách cổ khi những chữ liên quan tới các đối tượng cao quý được đài lên cao hơn và tách ra viết riêng ở một dòng khác:

聖朝 (Thánh triều) chỉ triều đại của bậc Thánh nhân.

皇上 (Hoàng thượng) chỉ Vua.

玉皇 (Ngọc hoàng) chỉ Vua trời cai quản tam giới. Chữ này được đài lên cao nhất  (2 hàng) so với tất cả các dòng trong văn bia.

Còn một đối tượng khác cũng nằm trong danh sách này là Bình An vương tức Trịnh Tùng – vị chúa đầu tiên của họ Trịnh. Tuy không được đài lên hẳn như 3 đối tượng kể trên nhưng vẫn được đặt cao hơn và đặt riêng ở một dòng riêng biệt so với các dòng khác.

Nét chữ Hán ở bia được khắc đều đặn và sâu nên trải qua 4 thế kỷ vẫn còn rất rõ ràng. Tuy nhiên do không có nhà bia nên trên bề mặt đã có dấu hoen rêu. Toàn bộ văn bia đều nguyên vẹn và bảo toàn được những chi tiết ban đầu mà không hề có dấu hiệu nào của việc khắc lại hay khắc mới. Do đó tấm bia này thực sự là bia gốc có xuất xứ và niên đại rõ ràng. Theo Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, tấm bia này đã được in dập và thác bản hiện nay đang nằm tại Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm với số hiệu No 2389 – 2390. Còn trong cuốn Văn bia Nghệ An cũng có nói đến tấm văn bia này nhưng đáng tiếc cả 2 cuốn đều chỉ ghi phần nội dung tóm tắt chứ không chép lại nguyên văn chữ Hán cũng như phần phiên âm dịch nghĩa. Hơn nữa, cuốn sách Văn khắc Hán Nôm Việt Nam (3)  đã chú nhầm một số chữ như:

1. Tuyết Đường Nguyễn Lễ Thuần giữ chức Thượng thư bộ Hình kiêm Đông các học sỹ, Tế tửu Quốc tử giám, có tước là Nghĩa Khê hầu 義侯 bị ghi nhầm thành Nghĩa Nghê hầu

2. Quang tiến Thận Lộc Đại phu Thái thường tự thiếu khanh, tước Văn Tuấn tử là Nguyễn Hoành Tài (阮材) bị ghi nhầm thành Nguyễn Hoằng Tài (阮材)

3. Húy chữ Thành 誠 trong tên Tư Thành của vua Lê Thánh Tông chứ không phải là chữ “cỏ

Còn trong cuốn Văn bia Nghệ An (4) ngoài ba chữ bị chú nhầm trên còn chú nhầm ở hai chỗ:

1. Người khắc chữ là Phạm Văn Thuyết người xã Lương Kiệt 傑 chứ không phải là Lượng Kiệt. Xã này xưa thuộc huyện Thiên Bản, nay là huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

2. Trồng hơn 150 cây (nguyên văn: 種樹一百五十餘株 chủng thụ nhất bách ngũ thập dư chu: trồng hơn 150 gốc cây) chứ không phải là trồng đích xác 160 cây.

 

Về mốc thời gian gắn với các công việc cụ thể được nói đến trong văn bia. Ta thấy trong phần nội dung có nói đến thời gian bắt đầu việc trùng tu rất cụ thể “…Đến ngày tốt tháng 5 mùa hè năm Đinh Tị cho cất 3 thượng điện, …” ta truy năm Đinh Tị được nói đến ở đây là năm 1617 tức niên hiệu Hoằng Định thứ 18 đời vua Lê Kính Tông. Thời gian hoàn thành việc trùng tu: “…Trong vòng 3 năm mà quang cảnh như xưa, trở về gốc cũ…” là 3 năm sau năm Đinh Tị được nói ở trên, tức năm đầu niên hiệu Vĩnh Tộ đời Lê Thần Tông (1619). Còn thời gian lập bia, phần lạc khoản ghi:“ Vĩnh Tộ vạn vạn niên chi tam cốc nguyệt nhật” nghĩa là: ngày tháng tốt năm Vĩnh Tộ thứ 3 tức năm 1621 (từ “vạn vạn” mang ý nghĩa ca tụng triều đại lâu dài mãi mãi) truy ra thời gian lập bia là năm 1621. Như vậy ta biết được thời gian trùng tu chùa Bảo Quang là năm 1617, thời gian hoàn tất việc trùng tu là 1619 và thời gian lập bia  ký là 1621.

Về tác giả, trên văn bia ghi rõ bài văn do Tế tửu Quốc tử giám là Nguyễn Lễ Thuần soạn. Theo cuốn Di sản văn chương Văn miếu Quốc tử giám (5) thì Quốc tử giám nước ta từ khi thành lập cho tới lúc cáo chung có 45 vị Tế tửu và Tư nghiệp. Trong số 45 vị này chúng tôi không thấy ghi tên Tuyết Đường Nguyễn Lễ Thuần. Có thể vào giai đoạn lịch sử lúc bấy giờ, vua Lê và Trịnh Tùng vừa mới khôi phục lại kinh đô Thăng Long và vẫn đang phải lo tập trung binh nhung để đối phó với triều đình nhà Mạc tại Cao Bằng cũng như kiềm chế sự cát cứ của Nguyễn Hoàng tại Thuận Quảng. Chính vì vậy mà việc thi cử và học hành đã bị ảnh hưởng nên có nhiều hạn chế. Việc biên soạn và ghi chép vì thế mà không đầy đủ. Các tài liệu khác ghi chép về Nguyễn Lễ Thuần cũng rất ít nên chúng tôi chưa thể cung cấp được đầy đủ và chính xác. Vì vậy tấm bia này còn cung cấp thêm thông tin về vị Tế tửu trường Quốc tử giám mà xưa nay chúng ta chưa biết tới. Qua đó tiến hành tìm hiểu và sưu tầm các tài liệu có liên quan để ghi chép lại tiểu sử và hành trạng cũng như chức vụ Tế tửu của nhân vật quan trọng này.

Chúng ta thấy rằng xã hội Việt Nam sang đến thời Lê, khi nhà nước phong kiến Đại Việt chuyển dần sang hệ tư tưởng thống tư tưởng quan liêu Nho giáo thì ảnh hưởng của Phật giáo đối với chính quyền cai trị không còn thịnh như thời Lý - Trần. Năm 1429, vua Thái Tổ lệnh cho các nhà sư nếu như thông thạo kinh điển và đủ phẩm hạnh thì đến trình diện để thi kiểm tra cho tiếp tục để tu hành, ai không thi đỗ thì bắt hoàn tục. Cho tới năm 1461 khi vua Thánh Tông lên ngôi, vị vua mang theo tư tưởng Nho học này đã ra lệnh cho các lộ, phủ không được tự tiện xây chùa chiền và tô tượng Phật nhằm hạn chế bớt ảnh hưởng của Phật giáo trong xã hội lúc bấy giờ. Tuy vậy, về đời sống tinh thần và tâm linh thì Phật giáo vẫn còn sự ảnh hưởng đáng kể cả trong cung đình lẫn ngoài dân chúng. Vua Lê Thái Tông  Lê Nhân Tông đã làm lễ Phật để cầu mưa. Các quan đại thần như Lê Văn Linh, Lê Ngân rất sùng đạo Phật. Một điều đặc biệt trong thời gian này đó là tại khoa thi năm Nhâm Tuất, niên hiệu CảnhThống thứ 5 (năm 1502), vua Lê Hiến Tông đã ra đề thi về Phật giáo khiến những người dự thi đều bỡ ngỡ. Trong đề thi, ông đã ra hơn 100 câu hỏi rất cụ thể về các kiến thức Phật học. Lê Ích Mộc làm bài đối bàn về đạo Phật rất xuất sắc và đã đỗ Trạng nguyên khoa này.

Cho tới thời Lê Trung hưng, Phật giáo lại được phục hưng mạnh mẽ không chỉ ở kinh thành Thăng Long mà phát triển rộng khắp cả nước. Nguyên nhân là do chính trị xã hội cuối thời Lê sơ thối nát, vua chúa độc ác, ăn chơi phè phỡn khiến cho đời sống nhân dân vô cùng cơ cực. Rồi sự thành lập của nhà Mạc khiến cho cựu thần nhà Lê nổi lên chống đối. Gây ra cuộc chiến tranh Nam Bắc triều kéo dài hơn nửa thế kỉ với bao đau thương tàn khốc. Sau gần một thế kỷ đất nước chịu nhiều cảnh tang thương, loạn lạc người ta bắt đầu quay trở về với tư tưởng từ bi, hỷ xả của Phật giáo. Các chúa Trịnh không phải là những người học Phật uyên thâm và có ý chí tu học như các vua Trần, nhưng đã quy hướng về đạo Phật, lấy đó làm nơi nương tựa tinh thần. Chính vì vậy mà chúa Trịnh cũng cho tu tạo, sửa chữa nhiều ngôi chùa trong cả nước mà chùa Bảo Quang tại Nghệ An là một trong số đó. Văn bia chùa Bảo Quang có ghi rõ: “Thánh triều Hoàng thượng ta ngự ở kinh thành trung hưng đế nghiệp. Đô nguyên soái Tổng quốc chính Thượng phụ Bình an vương sửa sang việc nước, xét đền chùa trong nước không thể không sửa sang...” đủ cho chúng ta thấy sự quan tâm to lớn của vua chúa đối với Phật giáo. Thời kỳ này các chúa Trịnh cho trùng tu một số ngôi chùa danh tiếng ở kinh thành như chùa Khai Quốc (năm 1624), chùa Hồng Phúc (năm 1687)...

Văn bia “Chung sơn Bảo Quang tự bi” ghi rõ việc trùng tu chùa Phật chứng tỏ Phật giáo đã sớm có mặt tại Nghệ An, ăn sâu bám rễ vào quần chúng nhân dân lao động. Văn bia lại do chính quan Tế tửu Quốc tử giám soạn chứng tỏ Phật giáo được tầng lớp quan lại quý tộc đương thời quan tâm, ủng hộ. Lịch sử ghi nhận thời Trần, đạo Phật đã được phát triển sâu rộng trong đời sống nhân dân, mỗi làng xã đều có chùa để thờ Phật. Nội dung văn bia chùa Bảo Quang cho thấy triều đình Lê Trịnh sau khi đánh đuổi họ Mạc, khôi phục kinh thành Thăng Long liền chủ trương xây dựng và sửa sang lại đất nước, tiến hành xây dựng lại các công trình văn hóa, trong đó có việc trùng tu chùa Phật. Trong văn bia còn cho biết một số nhân vật có danh tiếng đứng ra trùng tu chùa như Quang tiến Thận lộc đại phu Nguyễn Hoành Tài, Đô chỉ huy sứ Hoàng Nghĩa Phúc hay Dũng Trí hầu phu nhân Hoàng Thị Ngọc Bảo... Những nhân vật này đều sinh ra trong gia đình danh gia thế phiệt ở đất Nghệ An và có công lớn trong việc trung hưng nhà Lê.

Do tầm quan trọng của tấm văn bia nên thời gian qua, Thư viện tỉnh nghệ An  và Ban quản lý Di tích - Danh thắng tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Ban quản lý khu di tích Kim Liên tiến hành sao dập tấm bia, đồng thời sưu tầm thêm tài liệu có liên quan. Trước tiên khôi phục lại ngôi chùa lịch sử này, sau đó tiến hành xây dựng hồ sơ đệ trình Bộ Văn hóa TT&DL xin công nhận thêm di tích chùa Bảo Quang nằm trong khu di tích Kim Liên. Hiện thác bản tấm bia đang được lưu giữ tại Kho tài liệu quý hiếm - Thư viện tỉnh Nghệ An. Văn bia có nhiều giá trị trong việc nghiên cứu nên chúng tôi xin được giới thiệu toàn bộ nguyên văn chữ Hán cùng phần phiên âm, dịch nghĩa như sau:

鍾山寶光寺碑

重修鍾山寶光寺碑記

洪惟

聖朝

皇上御京城中興恢復都元帥總國政尚父平安王理國事係天下神祠寺觀無不修葺營繕之本心 體德意玆惟光進慎祿大夫太常字少卿文俊子阮宏材字福生南塘鍾大壽鄉閥閱名家也歷有任官牧民治政多有陰功廣開方便大材梁大貲力有古跡名藍鍾山寶光寺年久跡陳 疊能振作舊然用力於人敬勸乂安處屬鎮守官揚武威勇理造像功臣特進輔國上將軍錦衣衛都指揮使司都指揮使暑衛事美陽侯黃義福興元揚舍名鄉素兵家將種才德兼優與 勇智侯夫人黃氏玉寶共發家貲巿材木集工匠以丁巳年夏五月轂日峻三上殿燒香前堂後堂左右行廊三關等堂並全鐵林覆蓋蓮尾加以塑繪三世聖僧二地共三座理造像

玉皇觀音南曹北斗護法八部金剛四大菩薩十八龍神掌孤魂等共四十八相丹青圓像塑繪生光金碧樓臺煇煌出色及砌立石墻四圍基址開千里路種樹一百五十餘株及內景園生花等物砌石井開池一口又三年以簡山五?依舊付還本寺三寶田各處所共五畝香惋越辛酉月功德圓成前後峻福材棟巍峨如來文香娑婆世界優缽生花應千年文瑞也誠道應感祥至福臻真應自然也福于家福于其子孫材為梁棟世世公侯將相功德河沙福無窮矣於是鐫立于碑以永其傳云

南塘縣名

鍾大景美

山有佛宮

昔肇基址

誰作棟梁

公卿等貴

內重朝廷

外安都鄙

德以潤身

仁嘗有志   

大發家財

重修佛寺

永永皇圖

綿綿基緒

國保常強

家益昌盛

身保壽康

日增爵位

孫子繩繩

公侯世世

慶享有餘

善政所至

盛大德功

久長天地

阮宏材黎氏玉莊

黃義福黎氏玉特范仁琦黃氏玉寶阮氏李胡氏堂阮氏慪黎氏竹阮宏綱

黃義猷黃義德黃氏玉行黃氏玉仁黃氏玉義黃氏玉理

陳氏瑞黎氏澤阮氏祿

附會主

陳明杜氏鮮阮宏偉黎氏泰陳氏威

阮久錂阮氏璃阮蔓阮氏官 陶仕

永祚萬萬年ㄓ三穀月日

奉寫光進慎祿大夫太常寺少卿文俊子阮宏材字福生

刑部尚書兼東閣學士國子監祭酒義溪侯住國雪堂阮澧醇卿撰

奉刻天本縣良傑社范文說

CHUNG SƠN BẢO QUANG TỰ BI

TRÙNG TU CHUNG SƠN BẢO QUANG TỰ BI KÍ

Hồng duy!

Thánh triều Hoàng thượng ngự kinh thành trung hưng khôi phục. Đô nguyên soái Tổng quốc chính Thượng phụ Bình an vương lý quốc sự, hệ thiên hạ thần từ tự quan vô bất tu tập, doanh thiện chi bản thiện tâm thể đức ý. Tư duy! Quang tiến thận lộc đại phu Thái thường tự thiếu khanh Văn tuấn tử Nguyễn Hoành Tài tự Phúc Sinh, Nam Đàn Chung Đại Thọ hương phiệt duyệt danh gia dã. Lịch hữu nhậm quan mục dân, trị chính đa hữu âm công quảng khai phương tiện. Đại tài lương, đại ty lực, hữu cổ tích danh lam Chung sơn Bảo Quang tự, niên cửu tích trần lũy, năng chấn tác cựu nhiên. Dụng lực ư nhân, kính khuyến Nghệ An xứ thuộc Trấn thủ quan Dương Vũ Uy Dũng lý tạo tượng. Công thần Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân Cẩm y vệ Đô chỉ huy sứ ty Đô chỉ huy sứ Thử vệ sự Mỹ dương hầu Hoàng Nghĩa Phúc Hưng Nguyên huyện Dương Xá danh hương, tố binh gia tướng chủng, tài đức kiêm ưu, dữ Dũng trí hầu phu nhân Hoàng Thị Ngọc Bảo cộng phát gia ty thị tài mộc tập công tượng. Dĩ Đinh Tị niên hạ ngũ nguyệt cốc nhật tuấn tam thượng điện, thiêu hương, tiền đường, hậu đường, tả hữu hành lang, tam quan đẳng đường. Tịnh toàn thiết lâm phúc cái liên vĩ. Gia dĩ sóc hội Tam thế thánh tăng, nhị địa cộng tam tòa lý tạo tượng.

Ngọc hoàng, Quan âm, Nam tào, Bắc đẩu, Hộ pháp, Bát bộ kim cương, Tứ đại bồ tát, Thập bát long thần, chưởng cô hồn đẳng cộng tứ thập bát tướng đan thanh viên tượng sóc hội sinh quang, kim bích lâu đài huy hoàng xuất sắc. Cập thiết lập thạch tường tứ vi cơ chỉ, khai thiên lí lộ. Chủng thụ nhất bách ngũ thập dư chu. Cập nội cảnh viên sinh hoa đẳng vật. Thiết thạch tỉnh, khai trì nhất khẩu, hựu tam niên dĩ giản sơn ngũ ? y cựu, phó hoàn bản tự. Tam bảo điền các xứ sở cộng ngũ mẫu hương oản. Việt Tân Dậu nguyệt công đức viên thành, tiền hậu tuấn phúc tài đống nguy nga. Như lai, Văn Hương sa bà thế giới, ưu bát sinh hoa, ứng thiên niên văn thụy dã. Thành đạo ứng cảm, tường chí phúc trăn chân ứng tự nhiên dã. Phúc vu gia, phúc vu kỳ tử tôn, tài vi lương đống, thế thế công hầu tướng tướng, công đức hà sa, phúc vô cùng hĩ. Ư thị thuyên lập bi dĩ vĩnh kỳ truyền vân vu:

Minh:

Nam Đàn huyện danh

Chung đại cảnh mỹ

Sơn hữu Phật cung

Tích triệu cơ chỉ

Thùy tác đông lương

Công hầu đẳng quý

Nội trọng triều đình

Ngoại an đô bỉ

Viết:

Đức dĩ nhuận thân

Nhân thường hữu chí

Đại phát gia tài

Trùng tu Phật tự

Vĩnh vĩnh hoàng đồ

Miên miên cơ tự

Quốc bảo thường an

Gia ích xương thịnh

Thân bảo thọ khang

Nhật tăng tước vị

Tử tôn thằng thằng

Công hầu thế thế

Khánh hưởng hữu dư

Thiện chính sở chí

Thịnh đại đức công

Cửu trường thiên địa

Hội:

Nguyễn Hoành Tài, Lê Thị Ngọc Trang, Hoàng Nghĩa Phúc, Lê Thị Ngọc Đặc, Phạm Nhân Cơ, Hoàng Thị Ngọc Bảo, Nguyễn Thị Lý, Hồ Thị Đường, Nguyễn Thị Âu, Lê Thị Trúc, Nguyễn Hoành Cương.

Vương:

Hoàng Nghĩa Du, Hoàng Nghĩa Đức, Hoàng Thị Ngọc Hạnh, Hoàng Thị Ngọc Nhân, Hoàng Thị Ngọc Nghĩa, Hoàng Thị Ngọc Lý, Trần Thị Thụy, Lê Thị Trạch, Nguyễn Thị Lộc.

Phó hội chủ:

Trần Minh, Đỗ Thị Tiên, Nguyễn Hoành Vĩ, Lê Thị Thái, Trần Thị Uy, Nguyễn Cửu Tiễn, Nguyễn Thị Ly, Nguyễn Thị Mạn, Đào sỹ.

Vĩnh Tộ vạn vạn niên chi tam cốc nguyệt nhật.

Phụng tả: Quang tiến thận lộc đại phu Thái thường tự thiếu khanh Văn tuấn tử Nguyễn Hoành Tài tự Phúc Sinh.

Hình bộ thượng thư kiêm Đông các học sỹ Quốc tử giám Tế tửu Nghĩa khê hầu Trụ quốc Tuyết Đường Nguyễn Lễ Thuần khanh soạn.

Phụng khắc: Thiên Bản huyện, Lương Kiệt xã Phạm Văn Thuyết

VĂN BIA CHÙA BẢO QUANG NÚI CHUNG

BIA KÝ VIỆC TRÙNG TU CHÙA BẢO QUANG NÚI CHUNG

Kính nghĩ! Thánh triều Hoàng thượng ta ngự ở kinh thành trung hưng đế nghiệp. Đô nguyên soái Tổng quốc chính Thượng phụ Bình an vương sửa sang việc nước, xét đền chùa trong nước không thể không sửa sang. Gốc của việc sửa chữa đó thể hiện cái ý của tâm đức vậy. Nay nghĩ! Quang tiến Thận lộc đại phu Thái thường tự thiếu khanh Văn tuấn tử Nguyễn Hoành Tài tự là Phúc Sinh sinh trưởng trong gia đình danh gia thế phiệt ở đất Nam Đường, đã từng gánh vác việc quan chăm lo dân chúng, việc chính trị được nhiều âm phù dương độ mở mang phương tiện. Là trụ cột nước nhà có nhiều công của. Thấy chùa Bảo Quang trên núi Chung là danh lam cổ tích đã bao năm vết tích đã bày ra có thể sửa sang lại như xưa. Kính khuyên quan trấn thủ Dương Vũ Uy Dũng xứ Nghệ An lo việc tạo tượng, công thần Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân Cẩm y vệ Chỉ huy sứ ty Đô chỉ huy sứ Thử vệ sự Mỹ Dương hầu Hoàng Nghĩa Phúc, quê tại Dương Xá huyện Hưng Nguyên, vốn dòng dõi nhà binh, tài đức vẹn toàn; cùng với Dũng Trí hầu phu nhân Hoàng Thị Ngọc Bảo cùng góp của cải mua gỗ tốt. Để đến ngày tốt tháng 5 vào mùa hè năm Đinh Tị cho cất 3 thượng điện, lò thiêu hương cùng các công trình tiền đường, hậu đường, hành lang bên phải bên trái và tam quan; dùng gỗ lim để làm ngói đuôi sen. Thêm nữa là đắp tô tượng Tam thế Thánh tăng, Nhị địa cùng với Tam tòa.

Ngọc Hoàng, Quan Âm, Nam Tào, Bắc Đẩu, Hộ Pháp, Bát bộ Kim Cương, Tứ đại Bồ Tát, mười tám Long Thần và cô hồn cùng bốn mươi tám bức tượng đỏ xanh tô đắp sáng ngời. Lâu đài vàng xanh huy hoàng rực rỡ. Lại xếp đặt tường đá vây quanh nền móng, mở mang nên con đường ngàn dặm. Trồng hơn 150 gốc cây. Cảnh bên trong thì vườn đầy hoa nở. Khơi giếng đá, đào ao, trong vòng 3 năm mà quang cảnh như xưa, trở về gốc cũ. Ruộng tam bảo ở các nơi tổng cộng tất cả 5 mẫu hương oản. Sang đến tháng Tân Dậu thì công đức tròn đầy, bên trước đằng sau mở nên nền phúc, rường cột nguy nga. Như Lai, Văn Hương sa bà thế giới, điềm lành nở hoa, ứng với sự tốt đẹp của ngàn năm văn vật. Đạo thành ứng cảm, lành đến phúc tới thật đúng tự nhiên vậy. Phúc truyền cho nhà, truyền cho con cháu, Tài năng thì trở thành rường cột nước nhà, đời đời công hầu văn võ tướng quan, công đức tựa hà sa, phúc vô cùng tận. Bởi thế, lập khắc bia đá để mãi mãi lưu truyền. Minh rằng:

Tiếng huyện Nam Đàn

Hun đúc nên cảnh đẹp

Trên núi có cung thờ Phật

Nền gây dựng từ xưa

Ai làm nên cột rường

Mà công khanh phú quý

Trong trụ cột triều đình

Ngoài giữ yên kinh thành, bờ cõi

Rằng:

Đức để nhuần thân

Người có nhân thường có chí

Dốc hết gia tài

Trùng tu chùa Phật

Tiếp hoàng đồ mãi mãi

Giữ vững chắc móng nền

Nước càng thêm giàu mạnh

Nhà càng được thịnh vượng

Thân thì được thọ khang

Ngày càng thêm tước vị

Con cháu được đầy đàn

Công hầu nối đời đời

Hưởng phúc vững bền lâu

Nền chính trị khoan hòa

Công đức thêm cường thịnh

Vững bền cùng trời đất

Hội gồm:

Nguyễn Hoành Tài, Lê Thị Ngọc Trang, Hoàng Nghĩa Phúc, Lê Thị Ngọc Đặc, Phạm Nhân Cơ, Hoàng Thị Ngọc Bảo, Nguyễn Thị Lý, Hồ Thị Đường, Nguyễn Thị Âu, Lê Thị Trúc, Nguyễn Hoành Cương.

Vương gồm:

Hoàng Nghĩa Du, Hoàng Nghĩa Đức, Hoàng Thị Ngọc Hạnh, Hoàng Thị Ngọc Nhân, Hoàng Thị Ngọc Nghĩa, Hoàng Thị Ngọc Lý, Trần Thị Thụy, Lê Thị Trạch, Nguyễn Thị Lộc.

Phó hội chủ:

Trần Minh, Đỗ Thị Tiên, Nguyễn Hoành Vĩ, Lê Thị Thái, Trần Thị Uy, Nguyễn Cửu Tiễn, Nguyễn Thị Ly, Nguyễn Thị Mạn, Đào sỹ.

Ngày tháng tốt niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 3.

Phụng mệnh viết chữ: Quang tiến thuận lộc Đại phu Thái thường tự thiếu khanh, Văn tuấn tử Nguyễn Hoành Tài tên chữ là Phúc Sinh.

Thượng thư bộ Hình kiêm Đông các học sĩ Quốc tử giám Tế tửu Nghĩa Khê hầu Trụ quốc, khanh là Tuyết đường Nguyễn Lễ Thuần phụng soạn.

Phụng khắc: Phạm Văn Thuyết người xã Lương Kiệt huyện Thiên Bản.

(Mặt sau bia ghi tên những người công đức. Vì bài đã quá dài, xin lược bỏ)

Trần Tử Quang - Thư viện tỉnh Nghệ An

________________________

(1). Đại Nam nhất thống chí

(2). Việt điện u linh

(3). Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Nguyễn Quang Hồng, NXB. Khoa học xã hội, 1992, trang 187

(4). Văn bia Nghệ An, Ninh Viết Giao chủ biên, NXB Nghệ An, 2004, trang 406

(5). Di sản văn chương Văn miếu Quốc tử giám, Phan Văn Các - Trần Ngọc Vương, NXB. Hà Nội, 2010

 Trần Tử Quang

http://nguoiphattu.com/?id/34770/chung-son-bao-quang-tu-bi--dau-tich-ngoi-chua-thoi-le-trung-hung-tren-dat-nghe-an

Các tin đã đăng:
Về đầu trang