Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Cuộc phỏng vấn Hòa Thượng Tuyên Hóa
22/11/2012 17:11 (GMT+7)

 Họ ăn ngày một bữa và mặc áo quần cũ. Họ chưa hề chấp thuận phỏng vấn hay cho chụp hình từ các giới truyền thông báo chí. Lần đầu tiên khi tôi xin phép phỏng vấn Hòa Thượng, Ngài đã từ chối. Lần thứ nhì, sau khi nói rõ về mục đích của nguyệt san Lão Thiên, Hòa Thượng đáp: "Vì báo Lãng Thiên đã gởi ông đến đây, chúng ta hãy nói chuyện với nhau một chút". Nhưng Ngài có một điều kiện là không được chụp hình. Dưới đây là bài nói chuyện của tôi với Hòa Thượng.

Đôi Nét Về Một Bậc Vĩ Nhân Từ Thế Giới Ô Trược Mà Không Nhiễm Trược

Cuộc phỏng vấn Hòa Thượng Tuyên Hóa do Bằng Đan Mỹ thực hiện,

Bằng Đan Mỹ: Thưa Hòa Thượng, con trước hết xin hỏi tại sao Ngài quyết định xuất gia?

Hòa Thượng Tuyên Hóa: Tôi tin là mình sanh ra là để trở thành tu sĩ. Tôi sanh tại tỉnh Kiết Lâm, Trung Hoa. Trước khi xuất gia tôi họ Bạch, lúc mười hai tuổi tôi đã có ý định xuất gia. Cố nhiên cha mẹ tôi đã không cho phép. Tôi đã lễ lạy cha mẹ tôi hằng ngày. Sau này, tôi cũng lạy những người trong làng tôi, tôi lạy trời đất, vua chúa, bà con, thầy giáo. Tôi cúi lạy những người hiền lành nhất và những người hung ác nhất.

Bằng Đan Mỹ: Xin lỗi cho con ngắt lời. Làm như vậy người ta sẽ không cho Thầy là kỳ quặc hay sao?

Hòa Thượng Tuyên Hóa: Vậy tôi vẫn không còn là người "kỳ quặc" hay sao? Cho dù có kỳ quặc hay không, ai sẽ là người phê phán?

Bằng Đan Mỹ: Dạ con sẽ không hỏi về việc đó nữa. Xin Thầy tiếp tục.

Hòa Thượng Tuyên Hóa: Lúc tôi 19 tuổi thì mẹ tôi qua đời. Tôi đã thủ hiếu ba năm bên phần mộ của mẹ tôi, sau đó tôi xuất gia và không hề trở về nhà nữa.

Bằng Đan Mỹ: Vậy Thầy có sư phụ không?

Hòa Thượng Tuyên Hóa: Cố nhiên là tôi có. Thật ra tôi có rất nhiều vị thầy. Trên nhiều phương diện ông cũng có thể là thầy của tôi. Tôi đã theo học với nhiều đại sư nhưng Hòa Thượng Hư Vân là người đã giúp cho tôi nhiều nhất.

Bằng Đan Mỹ: Dạ Hoà Thượng Hư Vân là ai vậy?

Hòa Thượng Tuyên Hóa: Ông chưa hề nghe nói về Hòa Thượng Hư Vân à, đúng không? Ông muốn đại diện cho tờ Lão Thiên mà không biết chi về Ngài cả, thật ông còn nhiều điều để học hỏi.

Bằng Đan Mỹ: Dạ con đồng ý. Cho phép con hỏi, duyên lành nào khiến Thầy đến xứ Hoa Kỳ này để truyền bá Phật Pháp?

Hòa Thượng Tuyên Hóa: Lúc tôi xuất gia phần lớn người Trung Hoa đều tin vào đạo Phật. Tuy nhiên đa số họ không hiểu gì về Phật pháp. Họ chỉ tìm cầu được nhiều phước đức, sống lâu, bình an và hòa thuận. Không một ai cầu trí huệ. Giáo nghĩa Phật Giáo rất thâm sâu nhưng rất ít người biết được điều này, vì vậy cho nên đạo Phật đã không được truyền bá sâu rộng. Nếu ông thử nhìn cuốn Kinh Thánh của Thiên Chúa Giáo, nó đã được phiên dịch ra nhiều ngôn ngữ, ngược lại, kinh sách Phật vẫn chưa được phiên dịch sang Anh ngữ. Cho nên người Tây phương không có những phương tiện để tìm hiểu ý nghĩa thâm sâu của Phật Giáo. Các vị xuất gia đã không nổ lực truyền bá đạo Phật đến các cộng đồng. Tại các chùa Trung Hoa, họ chỉ thưc hành các thời khóa buổi sáng và chiều là cảm thấy đầy đủ lắm rồi, còn về việc thuyết giảng và phiên dịch kinh điển thì không có ai làm cả. Nếu phật tử chúng ta biết nhìn xa, chúng ta ngày nay đáng lẽ đã hoàn tất phiên dịch kinh sách ra các ngôn ngữ của thế giới rồi. Dĩ nhiên chúng ta không có đủ nhân lực để làm chuyện khó khăn này. Tuy nhiên người Trung Hoa ngày xưa chỉ biết có nước Trung Hoa mà thôi và không nhận thức được thế giới quá là rộng lớn như vậy. Vì thế tôi quyết định, bước đầu tiên để truyền bá đạo Phật là phiên dịch kinh điển. Khi tôi đến Hoa Kỳ năm 1962, tôi đã thành lập Hội Phật Giáo Trung Mỹ. Hiện nay ở chùa Vạn Phật Thánh Thành, chúng ta có Viện Phiên Dịch Kinh Sách Phật Giáo Quốc Tế với hơn 40 vị Tăng Ni thông thạo với nhiều ngôn ngữ của nhiều quốc gia. Họ đã làm việc vất vả cho việc dịch thuật, và trong 20 năm qua, đã có hơn 100 quyển Kinh đã được phiên dịch sang Anh ngữ.

Bằng Đan Mỹ: Những người Hoa ở San Francisco cho rằng những người sống tại Vạn Phật Thánh Thành là...

Hòa Thượng Tuyên Hóa: Ông muốn nói là những người kỳ quái?

Bằng Đan Mỹ: Dạ không, không phải. Họ nghĩ đó là vùng đất của chư Phật, nơi chư Tăng Ni tu hành nếp sống khổ hạnh.

Hòa Thượng Tuyên Hóa: (Hòa Thượng bật cười thật lớn). Chúng tôi không cảm thấy khổ, ngược lại chúng tôi cảm thấy có đầy đủ những gì mình cần. Ông chắc không biết đâu, ngoài việc phiên dịch kinh sách ra, chúng tôi có chùa Kim Sơn Thánh Tự tại San Fracisco, ở Los Angeles thì có chùa Kim Luân Tự, ở Vạn Phật có Như Lai Tự, ở Seattle có trung Tâm Bồ Đề Đạt Ma . Ngoài ra ở Vạn Phật còn có trường Đại Học Phật Giáo Pháp Giới, trường trung học Bồi Đức và trường tiểu học Dục Lương.

Bằng Đan Mỹ: Thật à! Con xin lỗi, con thật không hề biết. Để thành lập ra nhiều trường và tu viện như vậy chắc Thầy cần rất nhiều ngân quỹ. Thầy đã quyên tiền như thế nào?

Hòa Thượng Tuyên Hóa: Quyên tiền à? (Hòa Thượng lại cười to) Tôi thà chết đói còn hơn đi xin tiền (hóa duyên). Hãy nghĩ xem, khi tôi mới đến Hoa Kỳ, không ai biết gì đến đạo Phật. Nếu tôi đi vòng quanh để khất thực chắc mọi người sẽ sợ hãi bỏ chạy hết. Tăng đoàn của chúng tôi chắc chắn là không có quyên tiền gây quỹ, trừ khi có người đến tu viện chúng tôi và tự ý muốn cúng dường.

Bằng Đan Mỹ: Ở Mỹ này đã có bao nhiêu người quy y với Thầy?

Hòa Thượng Tuyên Hóa: Tôi không có đếm và điều đó cũng không quan trọng đối với tôi. Quy y với tôi cũng tốt, không quy với tôi cũng tốt, tất cả đều giống nhau. Chỉ có một Pháp Giới, không hề có sự xung đột nào cả. Ngay cả khi ông có phản đối tôi, tôi cũng không phản đối ông. Dù ông tin theo đạo Thiên Chúa, đạo Do Thái hay đạo Hồi Giáo, tất cả không hề chi. Khi Đức Hồng Y Vu Bình đến viếng thăm, tôi bảo các đệ tử tôi "Ai muốn theo đạo Ki-Tô, đây là thời điểm tốt nhất để đổi đạo". Lúc đó Đức Hồng Y Vu Bình đã rất đổi ngạc nhiên. Sự thật là có các sự tranh chấp trong nhân loại chỉ vì chúng ta không thể đàm luận với nhau. Nếu chúng ta không có những quan điểm bị chia rẽ bởi phe phái, và chúng ta không có những xung đột về quan điểm thì chiến tranh sẽ không có trên thế gian này.

Bằng Đan Mỹ: Theo Thầy tình hình xã hội Hoa Kỳ tiếp thu Phật Pháp như thế nào?

Hòa Thượng Tuyên Hóa: Đã có rất nhiều người Mỹ tự tìm đến tôi. (Trong lúc đang nói chuyện thì có một vị đệ tử người Mỹ đi qua. Hòa Thượng chỉ tay vào người này). Người mới đi qua đây là thầy Hằng Thuận, ông ấy đã xuất gia tại Thái Lan và trước tiên tu theo Nam Tông. Ho mặc y phục màu vàng . Sau đó khi ông nghe nói về chùa Kim Sơn ở San Francisco, ông ta đã tìm đến. Một khi đến đây ông ấy chịu không nổi vì chúng tôi chỉ ăn ngày một bữa cho nên ông đã về lại Chicago. Khi đến nơi ông ta gởi thư hỏi một vài chuyện. Tôi bảo: "Khi ông còn ở đây, ông đã không hỏi. Ông chỉ hỏi sau khi ra đi, cho nên tôi sẽ không trả lời ông". Ông ấy chịu không nổi do đó ông ấy quay trở lại San Francisco. Sau khi đến đây ông ta đã phụ giúp nấu ăn và rửa chén. Trong mấy tháng đầu tôi không hề nói chuyện với ông ta. Một ngày kia chúng tôi có một buổi lễ. Thông thường sau 12 giờ trưa thì chúng tôi không ăn bất kỳ cái gì cả. Thầy Hằng Thuận lúc đó đang rửa chén đĩa đến gần 3 giờ chiều và cảm thấy đói bụng. Ông ấy đi tìm cái gì đó để ăn, ông thấy trong sọt rác còn một miếng bánh nhìn vẫn còn rất sạch. Ông ta nhìn quanh từ trái sang phải, nhìn lên nhìn xuống không thấy ai thì luợm lên và ăn. Ông ta nghĩ sẽ không ai biết chuyện này.

Vào ngay tối hôm đó trong khi thuyết pháp, tôi nói: “Ở chùa Kim Sơn khi chúng ta ngồi thiền, có nhiều người chịu đựng không nổi. Do không ăn vào buổi sáng hay tối nên phần lớn chúng ta đều nhịn đói đến khi bao tử bắt đầu cồn cào. Nếu ai không chịu nổi thì tôi sẽ chỉ cho một cách đánh cắp đồ ăn. Quý vị đi đâu để lấy cắp đồ ăn? (Ngay lúc đó, thầy Hằng Thuận đi ngang qua, Hoà Thượng bèn trêu ghẹo bằng cách nói : “Ta đang kể về chuyện con đánh cắp thức ăn từ thùng rác). Tất cả quý vị đây đều có thể đến thùng rác để tìm đồ ăn. Trong đó còn nhiều bánh trái mà chưa có ai ăn, ngay cả con chuột cũng không màng ăn nữa. Đó là chỗ thật tốt để tìm thức ăn. Trong 3 ngày liền, thầy Hằng Thuận trốn biệt trong phòng và không dám ra ngoài nữa. Thế là tôi phải đi lên lầu tìm ông ta. Khi nhìn thấy tôi ông ấy hoảng sợ như chú chuột nhắc. Tôi hỏi: “ Chuyện gì vậy?” Ông ta đáp: “Con rất sợ Sư phụ.” Tôi bảo: “Ta có gì đáng sợ hả?” Ông ta trả lời: "Sư phụ có thể nhìn thấu tâm ý con.” Tôi lại hỏi “Tâm con nó ra sao? Nó trắng, xanh, đỏ hay đen vậy? Hãy đem ra đây để ta xem. Nó dài hay tròn, hình tam giác hay hình vuông hả? Nó có chất gì đó không?” Ông ta ngẫm nghĩ rồi đáp: Con không biết cách đem nó ra và bày tỏ với Sư phụ. Tôi nói: Thế thì tại sao con lại sợ ta chứ?”

Bằng Đan Mỹ: Con nghe nói Thầy có hai vị đệ tử hành hương Tam Bộ Nhất Bái từ Los Angeles đến chùa Vạn Phật Thánh Thành. Lái xe thôi cũng cần 8 tiếng vậy thì họ làm sao đi được?

Hòa Thượng Tuyên Hóa: Chuyện này thật không đáng chi. Hai thầy Hằng Thật và Hằng Triều đều là người Mỹ trẻ, thầy Hằng Thật từng học Hoa ngữ tại Đại Học Đông Hải ở Đài Loan, trước khi xuất gia thầy đã có bằng Cao Học ở trường Đại Học UC Berkeley. Lúc thầy xin phép hành hương Tam Bộ Nhất Bái để cầu nguyện cho hòa bình thế giới tôi đã không cho phép, cố nhiên cũng là vì sự an toàn. Lý do là theo quy luật của Tam Bộ Nhất Bái thì cho dù trời mưa hay trời tuyết, ông không thể ngừng được. Thêm nữa, trên đoạn đường từ Los Angeles đến San Francisco có rất nhiều nguy hiểm, có những làng xóm nơi đó có nhiều băng đảng, những người say rượu và những thành phần xấu khác. Tuy nhiên thầy Hằng Thật đã quyết tâm nên tôi bảo: "Chỉ khi nào con tìm được người hộ pháp đi cùng với con". Sau đó không lâu, thầy Hằng Triều quy y Tam Bảo và cũng muốn tham dự cuộc hành hương. Chỉ khi đó tôi mới cho phép họ.

Cậu chuyện quy y của Hằng Triều cũng khá ly kỳ. Sau khi tốt nghiệp đại học , một ngày kia anh ta đi bộ dọc trên đường và nhìn thấy hình tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát. Không hiểu lý do vì sao mà tự nhiên cả người anh ta rúng động run cả lên. Anh ấy sợ quá không dám nhìn thêm lần nữa. Sau đó không cưỡng lại được, anh liều lén nhìn thêm một lần và như lần trước, cả người anh run như cầy sấy. Anh ta bèn hỏi thăm xem hình tượng đó đến từ đâu. Có người bảo là từ chùa Kim Sơn Thánh Tự, do đó anh ấy đến tìm tôi mong giải thích sự bí ẩn này. Khi đó tôi dặn khi rảnh rỗi hãy đến đây nghe thuyết pháp. Kể từ đó anh ta ngày nào cũng đến cả. Một hôm trong khi thuyết pháp, tôi nói: "Có một số người đến chùa Kim Sơn Thánh Tự nhưng không chú tâm vào công án thiền mà cũng không màng đến ngồi thiền, vậy quý vị đến đây có lợi ích gì? Quý vị không cần đến đây nữa đâu." Sau khi nghe nói như vậy, thầy Hằng Triều mới bắt đầu ngồi thiền với những vị khác. Ngay lập tức khi vừa mới ngồi thiền, anh ấy nhìn thấy nhiều điều trong những kiếp trước. Anh bừng chợt nhận ra những chuyện mình đã làm trong nhiều kiếp về trước, bao gồm cả chuyện làm hoàng đế!

Bằng Đan Mỹ: Là vị hoàng đế nào?

Hòa Thượng Tuyên Hóa: Lương Võ Đế (Hoàng đế nhà Lương).

Bằng Đan Mỹ: (Cười)

Hòa Thượng Tuyên Hóa: Chẳng có gì đáng cười hết. Có một người kia cười khi người ta bảo tay của ông ấy có nhiều vi khuẩn. Nếu ông cười (tỏ ra không tin), ông cũng y như kẻ kia cho là tay mình không có vi trùng. Chuyện này chính nó mới thật đáng cười .

Bằng Đan Mỹ: Con xin lỗi. Xin Thầy cứ tiếp tục nói tiếp.

Hòa Thượng Tuyên Hóa: Sau đó, thầy Hằng Triều đã quy y Phật và rất thành tâm học hỏi Phật pháp. Anh ta rất giỏi về võ thuật Trung Hoa, tôi đã để cho anh ấy đi cùng với thầy Hằng Thật để hoàn thành chuyến hành hương Tam Bộ Nhất Bái. Trong cuộc hành trình của họ đã có nhiều chuyện kỳ lạ xảy ra. Có một lần có một cơn bão lớn xảy ra tại Los Angeles khiến 9 người thiệt mạng. Lúc đó họ đang lạy ngang qua trung tâm của cơn bão , họ tiếp tục lạy và chung quanh họ thì chỉ có một vài cơn mưa phùn nhỏ thôi. Đôi lúc những bọn cướp đến làm phiền họ. Khi sự việc trở nên nghiêm trọng và Hằng Triều chỉ nghĩ đến việc dùng đến võ thuật của mình thì bọn cướp lại quay đầu bỏ đi.

Bằng Đan Mỹ: Vậy họ có đến Vạn Phật Thánh thành bình an vô sự chứ?

Hòa Thượng Tuyên Hóa: Chuyện này cần phải hỏi à? Không phải hai người họ đang ở đây an toàn với chúng ta hay sao?

Bằng Đan Mỹ: Xin cám ơn Hòa Thượng. Thầy có còn điều gì muốn nói với độc giả của báo "Lão Thiên"?

Hòa Thượng Tuyên Hóa: Lão Thiên là một cái tên khá hay, nguyên tắc của nó cũng rất tốt. Quý vị nên xem lại mối quan hệ giữa Trời và Người. Đây là một tham vọng lớn tuy nhiên tôi nghĩ nó thật quan trọng để giúp con người chỉnh đốn lại trạng thái băn khoăn, lo lắng trong tâm mình. Ngày xưa người ta không thấu hiểu đạo Phật và chỉ tìm cầu được nhiều phước đức, sống lâu, bình an và hòa thuận. Mặc dù Đức Phật có thể phù hộ cho họ nhưng người ta không bao giờ nghĩ là mình cần nên suy nghĩ về những lỗi lầm của mình. Nếu người ta có thể tuân theo các tôn chỉ “Không Tranh, Không Tham, Không Cầu, Không Ích Kỷ, Không Tự Lợi và Không Nói Dối” thì đây chính là sự bình an và hòa thuận. Tại sao chúng ta phiền não, tại sao chúng ta không hạnh phúc? Tại vì chúng ta luôn luôn tranh giành, tham cầu, ích kỷ và mưu lợi cho bản thân. Vì chúng ta là như vậy nên chúng ta phải lường gạt, dối trá với kẻ khác. Lường gạt kẻ khác là chuyện buồn nhất người ta có thể làm. Tại sao con người trên đời này khổ như vậy? Đó là vì họ thích lường gạt kẻ khác. Có câu rằng: “Khi biết đủ, đó là hạnh phúc. Khi biết nhẫn, đó là hòa bình(Tri túc thường lạc, năng nhẫn tự an)”. Người ta khổ vì họ không biết nhẫn, họ không nhẫn nhịn được vì họ tham lam, mong cầu đủ thứ. Khi không đạt được những điều họ muốn, họ trở nên buồn phiền. Ý của trời cao không phải là gây phiền muộn cho chúng sanh mà đó là vì chúng sanh đi lầm đường và tự tạo nên phiền phức cho mình.

Chuyển dịch Anh ngữ: Peter Wu.

Trích từ Nguyệt san Lão Thiên.

http://tuvienhuequang.com/phat-hoc/phap-thoai/2610-cuoc-phong-van-hoa-thuong-tuyen-hoa.html

Các tin đã đăng:
Về đầu trang