Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Hòa thượng Thích Minh Châu Nhà giáo dục Phật giáo lỗi lạc
05/09/2012 08:17 (GMT+7)


Hòa thượng Thích Minh Châu - nguyên Viện trưởng Đại học Vạn Hạnh, nguyên Viện trưởng sáng lập Học viện Phật giáo Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, nguyên đại biểu Quốc hội từ khóa VII đến khóa X, đã viên tịch vào lúc 9g5 ngày 1-9-2012 tại thiền viện Vạn Hạnh (750 Nguyễn Kiệm, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hưởng thọ 95 tuổi.

Tổng thống Ấn Độ đích thân trao bằng tiến sĩ cho Hòa thượng Thích Minh Châu

Hòa thượng Thích Minh Châu thế danh Đinh Văn Nam, là con trai thứ tư trong một gia đình khoa bảng. Cha là cụ ông Đinh Văn Chấp, đỗ Tiến sĩ khoa Quý Sửu (Duy Tân năm thứ bảy) lúc mới 21 tuổi. Mẹ là cụ bà Lê Thị Đạt, một người phụ nữ miền Trung chịu thương chịu khó, chuyên tâm chăm sóc chồng con. Nguyên quán gia đình ở làng Kim Khê, xã Nghi Long, huyện Nghi Xuân, tỉnh Nghệ An.

Thuở thiếu thời, theo nếp nhà, Hòa thượng có điều kiện học hành, đỗ bằng cao đẳng tiểu học Đông Dương (1939), rồi tú tài toàn phần tại Trường Khải Định (tiền thân của Trường Quốc Học Huế - 1940), sau đó được bổ nhiệm làm thư ký Tòa Khâm sứ tại Thừa Thiên. Nhận thức về sự bất công xã hội, cậu thanh niên Đinh Văn Nam đã thôi việc, dồn tâm lực cho phong trào chấn hưng Phật giáo do các vị cao tăng và trí thức ở cố đô Huế khởi xướng và trở thành hạt nhân nòng cốt cho phong trào này. Sau đó, người thanh niên đầy nhiệt huyết với các phong trào giáo dục thanh thiếu niên theo tinh thần Phật giáo dấn thân quyết định xuống tóc xuất gia tại chùa Tường Vân (Huế).

Sau khi xuất gia, vị thầy trẻ Thích Minh Châu được chọn xuất dương du học tại Sri Lanka, rồi sang Ấn Độ và bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ Phật học tại Đại học Phật giáo nổi tiếng thế giới Nalanda (1961), được mời giảng dạy tại Đại học Bihar.

Hòa thượng Thích Minh Châu trở về quê hương sau khi du học

Tuy nhiên, nỗi trăn trở quê nhà đã thôi thúc vị tu sĩ trí thức này sớm trở lại quê hương để phục vụ. Thầy được bổ nhiệm nhiều chức vụ quan trọng của Phật giáo, trong đó phải kể đến vai trò Viện trưởng Đại học Vạn Hạnh (1965 - 1975).

Bền bỉ và cần mẫn, dù công tác rất bận rộn, nhưng Hòa thượng vẫn âm thầm dịch các kinh điển Phật giáo nguyên thủy bằng ngôn ngữ Pali sang tiếng Việt, biên soạn hơn 30 đầu sách chuyên ngành, tham gia các diễn đàn quốc tế về Phật giáo và hòa bình… Vì thế, nhiều người nhận xét, Hòa thượng là một nhà giáo dục Phật giáo lỗi lạc của Việt Nam ở thế kỷ XX. Những công trình dịch thuật, biên soạn của Hòa thượng đã góp phần rất quan trọng trong việc xây dựng nhận thức Phật học giản dị, trong sáng và nguyên thủy.

Hơn hết, ấn tượng mà Hòa thượng Thích Minh Châu để lại mãi trong lòng nhiều thế hệ, đó là vị thầy kiệm lời nhưng thường trực nụ cười trong giao tiếp, khiến bất cứ ai có duyên tiếp xúc đều cảm nhận sự gần gũi và ấm lòng.

Hoàng Độ (theo Báo Phụ nữ)

Các tin đã đăng:
Về đầu trang