càng chạy mau thì cái bóng càng
theo bén gót. Thấy như vậy vẫn còn chậm, anh lại càng ráng chạy mau hơn
nữa, không ngừng, tới nỗi kiệt lực mà chết.
Trong
thời đại ngày nay, dường như một giờ của chúng ta mỗi lúc lại đầy kín
thêm hơn. Chúng ta rất bận rộn. Bận rộn sống, bận rộn đi làm, bận rộn
vui chơi, bận rộn cho đủ mọi chuyện, ngay cả trong sự nghỉ ngơi của
mình… Tốc độ của đời sống mỗi lúc một tăng nhanh, mà chừng như thời gian
không còn bắt kịp theo nữa. Nhưng ngày nay mấy ai dám buông bỏ sự bận
rộn của mình được, phải không bạn? Vì nếu buông bỏ chúng rồi chúng ta
còn lại gì đây, hay chỉ là một sự trống vắng mà thôi! Và vì vậy, chúng
ta tiếp tục cứ đi tìm cầu một cái gì đó trong sự bận rộn của mình.
Xia chia sẻ với bạn một nhận xét của ông Carl Honoré về tốc độ của cuộc
sống, sự nhanh lẹ có thật sự cần thiết và mang lại hiệu quả tốt như ta
nghĩ chăng?
Tốc độ của hạnh phúc là chậm rãi
"Sự
nhanh lẹ không phải lúc nào cũng là một đường lối tốt. Sự tiến bộ mà
chúng ta có được ngày nay là nhờ ở những người biết thích ứng với hoàn
cảnh, chứ không phải từ những người nhanh lẹ nhất. Chắc bạn còn nhớ câu
chuyện về con thỏ và con rùa? Trong khi chúng ta vội vã lao mình theo
những bận rộn của cuộc sống, mỗi giờ của ta càng lúc mỗi càng đầy kín,
bạn nhìn lại đi chúng ta có thật sự cảm thấy hạnh phúc hơn không?
Nhưng
bạn đừng hiểu lầm là tôi chống đối sự nhanh lẹ. Tốc độ (speed) đã giúp
chúng ta có được một cuộc sống và thế giới như ngày nay, rất kỳ diệu và
nhiều tự do. Ai lại không muốn những tiện nghi mà internet hay phi cơ
phản lực đã mang lại cho chúng ta? Những phương tiện ấy có thể giúp mang
chúng ta gần lại nhau hơn. Nhưng vấn đề ở đây là cái dính mắc và sự đam
mê của chúng ta vào tốc độ đã đi quá xa. Chúng ta muốn càng ngày mình
càng có thể làm nhiều việc hơn, hiệu quả hơn, trong một khoảng thời gian
chỉ có giới hạn của ta. Và điều ấy đã trở thành một vấn đề rất nguy
hại.
Ngay cả những lúc mà tốc độ mang lại những tác dụng xấu, chúng ta vẫn cứ
tiếp tục vội vã nhanh hơn. Công việc làm bị chậm trễ? Ta gắn một đường
dây internet nhanh lẹ hơn. Không có thì giờ đọc một quyển sách ta mua
vài tháng trước? Ta học cách đọc cho nhanh hơn. Muốn xuống cân? Đi viện
thẩm mỹ. Không có thì giờ nấu nướng? Mua microwave.
Nhưng trong cuộc sống này có những cái mà ta không nên và cũng không thể
làm cho chúng nhanh lên được. Chúng cần thời gian, chúng cần sự chậm
rãi. Và khi ta thúc hối những gì không thể thúc hối, khi ta không còn
biết cách sống chậm lại, ta phải trả một giá rất đắt là hạnh phúc của
mình và người chung quanh.
Một cuộc sống bận rộn, vội vã là một cuộc sống hời hợt bên ngoài. Bạn
nghĩ đi, làm sao ta có thể tiếp xúc được với cuộc sống, với người chung
quanh, cho sâu sắc nếu ta lúc nào cũng vội vã?
Bạn
biết không, tất cả những gì nối liền chúng ta lại với nhau, và mang đến
cho cuộc sống này ý nghĩa, đều cần một yếu tố mà ta không bao giờ có đủ
là: thời gian. Hạnh phúc mà chúng ta muốn phải là tức thì và ngay
bây giờ. Mà trong thời đại ngày nay thì điều ấy cũng vẫn chưa đủ, như
Carrie Fisher có lần nói như vầy, "Sự thoả mãn tức thì cũng còn là quá
chậm!" Instant gratification takes too long.
Và các bạn hãy nhìn lại những đứa trẻ bây giờ, rất là tội nghiệp! Gần
đây tôi có xem một tranh biếm họa. Có hai em bé gái nhỏ đứng với nhau
chờ xe bus đi học. Mỗi em cầm trong tay một cái điện thoại di động. Một
bé gái quay sang nói với bạn mình, ‘Thôi bây giờ để mình dời giờ tập vũ
lại một tiếng, chuyển giờ học bơi sang giờ khác, và bỏ giờ piano… còn
bạn thì ráng dời giờ học violin sang thứ Năm, bỏ giờ đá banh, và rút
ngắn giờ tập hát lại… thì tụi mình có từ 3:15 đến 3:45 hôm thứ tư này để
hai đứa mình chơi chung với nhau nhé!’
Lần
cuối bạn được nhìn một người ngồi trên xe, lặng yên ngắm nhìn cảnh vật
hai bên đường là lần nào bạn hả? Ngày nay, mọi người ai lúc nào cũng bận
rộn làm một điều gì đó: đọc báo, chơi video games, nghe tin tức, nghe
nhạc trên iPhones, làm việc trên laptop, hay nói chuyện qua điện thoại…
Tôi nghĩ, sự bận rộn bắt đầu không phải vì hoàn cảnh chung quanh, mà
ngay chính bên trong mỗi chúng ta. Chúng ta sẽ tiếp tục vội vã cho đến
khi nào ta quyết định thay đổi thái độ của mình mà thôi. Nhưng thay đổi
thái độ của mình cũng chỉ mới là sự bắt đầu mà thôi. Thật ra muốn thật
sự thay đổi, ta cần phải thay đổi cách suy nghĩ của mình."
Đức Phật ngồi yên
Tôi
nhớ một câu chuyện trong Nam Hoa Kinh. Một người sợ cái bóng của mình,
ghét những vết chân của mình bèn chạy trốn. Nhưng anh càng bước nhiều
thì vết chân càng nhiều, càng chạy mau thì cái bóng càng theo bén gót.
Thấy như vậy vẫn còn chậm, anh lại càng ráng chạy mau hơn nữa, không
ngừng, tới nỗi kiệt lực mà chết. Người đó thật dại khờ, không biết rằng
chỉ cần dừng lại đứng vào chỗ bóng mát sẽ không còn thấy bóng mình nữa.
Và nếu chỉ cần ngồi yên xuống sẽ không còn thêm vết chân của mình nữa.
Thật
ra, chúng ta đâu cần phải đi tìm một nơi xa xôi nào đó để được an vui,
hay để tránh xa những bận rộn, phiền toái của cuộc sống. Vì nơi nào
chúng ta tìm đến thì nơi ấy cũng chỉ có thể là bây giờ và ở đây. Nếu nơi
này ta đang vội vã và lo âu, thì nơi xa xôi kia cũng sẽ là vậy thôi.
Thật ra sự an tĩnh chỉ có thể có mặt bên trong mỗi chúng ta.
Trên bàn viết tôi có tượng một đức Phật nhỏ ngồi tĩnh lặng, mỗi khi
nhìn nụ cười trên gương mặt của ngài, tôi chợt cảm thấy rằng vạn pháp
vẫn là yên.
Nguyễn Duy Nhiên