Quảng
bình chỉ có chừng 600 mét đường chim bay. Trước đó, cả làng định cư bao
giờ không rõ, chỉ biết vì chậm chân nên ngoài số ruộng đất không đáng
kể, làng tôi phải làm muối, vì con sông của làng là nhánh sông lớn Nhật
lệ, nước mặn. Do đó mà có tên Diêm điền, cấp phường chứ không phải xã,
thuộc tổng Long đại, phủ Quảng ninh, 1 trong 5 phủ huyện của Quảng bình.
Vị trí gần tỉnh lỵ, nhưng làng không có truyền thống học chữ Tây. Vẫn
học Nho, nhưng không có tiếng là làng Nho học hay khoa bảng gì.
Một bí mật mà nay nên nói ra. Làng tôi có liên hệ khá chặt chẽ với
phong trào Văn thân của chí sĩ Phan đình Phùng. vùng núi phía tây của
làng có 2 quân thứ của phong trào. Bác họ tôi là một chỉ huy cấp trung,
ông ngoại tôi là một đội viên, của một trong 2 quân thứ. Cha tôi là
“người của vua Minh”, tiếng gọi kín vua Hàm nghi. Năm tôi 14 tuổi, cha
tôi bảo đi theo ra thăm đám ruộng cạnh giếng Nĩ, vùng Ải dài, nghiêm
trọng kể cho tôi, và bảo, “phải biết và nhớ lấy”. Tôi hỏi, làng mình có
ai là “người của vua Minh” nữa không, cha tôi đắn đo rồi bảo, có, làng
mình và các làng chung quanh, nhất là dưới tỉnh, có cả. Nhưng, này,
“quốc tặc” là gì, con biết không, tôi thưa, dạ biết. Cha tôi bảo, biết,
biết nó là gì thì không được sợ, cũng không được khinh suất...