Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Bảo vật quốc gia: Huyền thoại quả chuông đồng thời loạn
Trinh Nguyễn
20/01/2014 20:16 (GMT+7)


Trong lần công nhận bảo vật quốc gia này, Bảo tàng Lịch sử quốc gia (LSQG) không gửi nhiều hồ sơ hiện vật. Trong số ít hồ sơ đó có chuông chùa Vân Bản. Quả chuông quý này ngay lập tức trở thành bảo vật quốc gia. Nó cũng là một trong số ít hiện vật bằng đồng được tuyển chọn trong cuốn Cổ vật Việt Nam do bảo tàng in cách đây vài năm.

Hồ sơ tại Bảo tàng LSQG cho biết chuông Vân Bản được phát hiện năm 1958 tại Đồ Sơn, Hải Phòng. Quai chuông trang trí hai con rồng đấu lưng vào nhau. Nơi tiếp giáp ở vị trí cao nhất là hình búp sen vảy cá chép bao phủ toàn bộ thân rồng. Trên thân chuông có nhiều đường gân ngang dọc tạo thành 8 ô. Trong đó, 4 ô trên hình thang đứng, 4 ô dưới hình chữ nhật. Trong hai ô trên có hai bài minh văn khắc chìm chữ Hán, 4 ô dưới đế trơn. Chuông có 6 núm tròn, xung quanh mỗi núm lại có 16 núm nhỏ tạo thành hình bông cúc. Phần vành miệng trang trí 52 cánh sen. 

Nổi chìm cùng quốc sự



Chuông chùa Vân Bản, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Hà Nội - Ảnh: Ngọc Thắng

Đẹp, độc bản, tiêu biểu, song quả chuông này danh nổi như cồn còn nhờ những huyền thoại quanh nó. Người dân vẫn truyền miệng nhau câu chuyện đây là quả chuông vô cùng đặc biệt. Khi đất nước có chiến tranh, loạn lạc thì chuông lại ẩn thân dưới biển. Mỗi lần như thế đều tự nhiên xuất hiện giông bão khiến chùa đổ, chuông rơi mất tăm. Sau đó, khi can qua, chuông lại nổi lên để người dân tìm thấy.

Chẳng hạn, ở Đồ Sơn người ta vẫn truyền tụng câu nói: “Lý gia truyền được mấy đời/Chùa tan, tháp đổ, chuông rơi Nò Hầu”. Câu này nói về tháp Tường Long, thời Lý, nơi đặt quả chuông Vân Bản đầu tiên. Khi tháp đổ, chuông lăn xuống Nò Hầu - là một khe ở gần hai di tích, ăn sâu xuống biển. Ít lâu sau, người dân mò được, đưa vào chùa gần đó - tức Vân Bản.

Cũng theo truyền thuyết dân gian, chuông từng biến mất một lần vào thế kỷ 15, lần khác vào thế kỷ 19. Tuy nhiên, cũng tồn tại một cách lý giải khác. Chuông biến mất do người dân chủ động chôn giấu hoặc lăn xuống biển để tránh bị tàn phá. Theo đó, lần thất lạc thế kỷ 15 ứng với cuộc phá hoại di sản văn hóa Đại Việt của quân Minh. Vào thời đó, chuông Quy Điền - một bảo vật quý của nước ta đã bị giặc phá hủy. Còn lần chuông biến mất vào thế kỷ 19 là để tránh việc phá chùa tháp của Hoàng Cao Khải.

Lần gần nhất được phát hiện là năm 1958, quả chuông đã mắc vào lưới một người đánh cá ở Đồ Sơn. Khi đó, người ấy đã không thể kéo lên được. Thợ lặn được mời đến, mau chóng phát hiện quả chuông đồng cực lớn mắc trong đó. Những người cao tuổi và giám định khảo cổ cho thấy đó chính là chuông chùa Vân Bản xưa.

Về huyền thoại nhiều lần ẩn thân dưới biển của chuông chùa Vân Bản, TS Vũ Quốc Hiền, nguyên Phó giám đốc Bảo tàng LSQG nói: “Tôi nghĩ quanh các vật quý bao giờ cũng có những câu chuyện thần bí bao phủ. Những câu chuyện đó có thể chẳng bao giờ xác minh được, hoặc khi xác minh lại thấy không đúng. Tuy nhiên, báu vật trong dân gian luôn có màn sương bao phủ huyền thoại như vậy. Vì thế, bảo vật đã quý lại càng quý”. 

Niên đại Lý hay Trần ?

Trên thân chuông chùa Vân Bản có khắc một bài minh. Tuy nhiên, bài minh này hiện chưa dịch được trọn vẹn. Bản dịch còn chưa có thống nhất cao, và cũng không nói rõ nguồn gốc của chuông.

Trong một khảo cứu về chữ Nôm của mình, nhà văn hóa Đào Duy Anh có nhắc tới các chữ viết trên chuông chùa Vân Bản. “Trong báo Tổ quốc số 3 năm 1963, ông Trần Huy Bá có giới thiệu một cái chuông đồng của chùa Vân Bản ở Ðồ Sơn mà năm 1958 ngư dân vùng Ðồ Sơn vớt được ở đáy biển lên. Ông thấy trong những hàng chữ Hán khắc ở thành chuông có lẫn ba chữ Nôm là “xứ Ông Hà”. Chúng tôi kiểm tra lại thì thấy chỉ là hai chữ “Ông Hà” chứ không có chữ “Xứ”, cụ Đào Duy Anh viết.

Cũng theo học giả Đào Duy Anh, những hàng chữ trên chuông ấy cho thấy người xây dựng cảnh chùa là người có công trong việc xây dựng bốn tháp có tiếng thời Lý. Đó là tháp Báo Thiên, tháp Đồ Sơn, tháp Cổ Châu và tháp Xá Lỵ.

Cụ Đào Duy Anh cũng cho biết, căn cứ vào chữ Bính Thìn trên chuông, ông Trần Huy Bá đã đoán rằng chuông được đúc vào năm Bính Thìn 1076 đời Lý Nhân Tông. “Chúng tôi chưa thể khẳng định về niên đại của chuông. Song chúng tôi nghĩ rằng nếu chuông không phải được cúng ngay sau khi dựng chùa mà là về sau nữa thì cũng khoảng giữa thời nhà Lý thôi”, cụ Đào Duy Anh viết.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Bảo tàng LSQG, chuông được đúc trong thời Trần. Đây cũng là thông tin đi kèm hiện vật trong quyết định công nhận của Thủ tướng Chính phủ. Điều này dựa trên nghiên cứu Hán Nôm của GS Ngô Đức Thọ, Viện Hán Nôm và nghiên cứu về phong cách mỹ thuật của ông Nguyễn Đình Chiến, Bảo tàng LSQG.

Nghiên cứu của GS Ngô Đức Thọ cho thấy tại bài minh có mô tả các phía đông tây nam bắc. Tuy nhiên, chữ Nam lại bị viết thành Bính. Điều này, theo nhận định của GS Thọ là do kỵ húy. Tuy nhiên, việc kỵ húy phải đổi chữ Nam thành Bính không phải câu chuyện của thời Lý. Những văn bản thời Lý khác mà ông Thọ nghiên cứu chưa từng có trường hợp nào phải đổi như vậy. Trong khi đó, lại có rất nhiều văn bản thời Trần khi mô tả ruộng đất đã thay chữ Bính vào các từ có vị trí chỉ nghĩa phương nam. Do đó, theo ông Thọ chuông Vân Bản có niên đại thời Trần, làm vào thế kỷ 13.

“Tôi căn cứ vào cách tạo hình để xác định niên đại. Với hình tượng rồng và đặc biệt là cách tạo hình hoa sen trên chuông, tôi cho rằng đây là chuông thời Trần”, PGS-TS Nguyễn Đình Chiến kết luận.

(TNO)

http://www.lieuquanhue.vn/van-hoa-lich-su/7732-b%E1%BA%A3o-v%E1%BA%ADt-qu%E1%BB%91c-gia-huy%E1%BB%81n-tho%E1%BA%A1i-qu%E1%BA%A3-chu%C3%B4ng-%C4%91%E1%BB%93ng-th%E1%BB%9Di-lo%E1%BA%A1n.html

Các tin đã đăng:
Về đầu trang