Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Truyền thừa của phái Liễu Quán
13/10/2012 09:02 (GMT+7)


Ở Huế có một dòng sông tên là sông Hương và một ngọn núi tên là núi Ngự. Dưới chân núi có chùa Viên Thông, trong chùa có một vị thiền sư nuôi dạy đồ chúng, đó là thiền sư Liễu Quán. Hồi đó đất nước Việt Nam cũng bị chia đôi, từ sông Gianh ra ngoài Bắc là Chúa Trịnh cai trị còn trở vào Nam là chúa Nguyễn. Các Chúa ở trong Nam tuy gọi là Chúa nhưng kỳ thực họ là những ông vua, xưng là An Nam quốc vương. Chúa Nguyễn Phúc Khoát rất sùng đạo, nhưng vì thiền sư Liễu Quán không ưa lui tới tới phủ Chúa cho nên chúa thường hay tới chùa Viên Thông dưới chân núi để học đạo và cũng vì lý do đó nên người ta gọi ngọn núi đó là núi Ngự, tức là núi mà vua hay tới để nghe pháp.

Thiền sư sinh năm 1670, ở tỉnh Phú Yên, đến năm 6 tuổi thì mẹ mất. Chú bé ấy thường được cha dắt lên chùa Hội Tôn ở Phú Yên. Trong chùa có một thầy tên là Tế Viên rất cưng chú bé đó và chú bé đó cũng rất mến thầy. Năm 12 tuổi chú đòi đi tu và được cha cho phép. Chú tập sự xuất gia, làm chú điệu nhỏ ở chùa Hội Tôn dưới sự dẫn dắt của thầy Tế Viên. Bảy năm sau thì thầy Tế Viên viên tịch, lúc đó chú vẫn chỉ là điệu, còn để chỏm, chưa thọ mười giới (giới Sa Di). Chú điệu đó nghe nói ở Huế có nhiều thầy giỏi cho nên tìm đủ mọi cách ra Huế tầm sư học đạo. Hồi đó làm gì có xe bus, xe lửa, máy bay như bây giờ, vì vậy chú điệu từ Phú Yên phải vượt núi băng ngàn mà đi, cả mấy tháng mới ra tới Huế và tới Huế thì tìm tới được chùa Thiên Thọ (Hàm Long Sơn Thiên Thọ Tự). Chùa này là một trong những ngôi chùa cổ ở Huế, nằm trên một ngọn đồi cao, gọi là Hàm Long Sơn và sau đó đổi tên là Chùa Báo Quốc.

Hồi còn làm Sa di, tôi cũng được đi học ở Chùa Báo Quốc (Chùa Thiên Thọ). Hồi đó Phật Học Đường được tổ chức ở Chùa Báo Quốc. Tôi xuất gia tại chùa Từ Hiếu, mỗi tháng chùa Từ Hiếu phải đóng hai giạ lúa để cho tôi đi học. Chùa Từ Hiếu có ruộng, có lúa, thay vì đóng tiền thì đóng lúa, thành ra tôi đi học cũng tốn lúa của chùa lắm đấy. Hiện giờ chùa Từ Hiếu cũng vẫn còn ruộng, mỗi năm các thầy các sư cô cũng đi gặt lúa. Năm 2007 khi các thầy, các sư cô Tây phương về Huế cũng đã có dịp đi gặt lúa chung với các thầy, các sư cô của mình ở chùa Tổ rồi, rất là vui.

Chú điệu trẻ tuổi ra chùa Thiên Thọ tu học được một năm thì nghe tin cha bị bệnh nên phải về nuôi cha. Ngày ngày phải đi vào rừng đốn củi đem bán để đổi lấy gạo nấu cơm cho cha ăn và chăm sóc cha cho đến khi cha mất. Tang lễ cho cha xong thì chú ra lại Huế để tiếp tục tu học. Vào năm 1697 thì có Đại giới đàn ở Chùa Thiền Lâm và chú được thọ giới Sa di. Đại giới đàn do thiền sư Thạch Liêm ở Quảng Đông qua tổ chức, dưới sự bảo trợ của chúa Nguyễn Phúc Chu. Thiền sư Thạch Liêm còn để lại một cái bình bát ở Chùa Trúc Lâm (Huế). Năm 27 tuổi chú mới được thọ giới Sa Di, được làm một sư chú và hai năm sau đó thì được thọ giới lớn tại chùa Từ Lâm. Đó là năm 1697.

Lúc đó tại chùa Ấn Tôn (nằm trên ngọn đồi còn cao hơn ngọn Hàm Long là Long Sơn, tên mới là Từ Đàm) có một vị thiền sư đang giảng dạy và hướng dẫn thiền tập ở đó, vị thiền sư này tên là Minh Hoằng Tử Dung. Chùa Ấn Tôn được khánh thành năm 1702 nhưng thực ra hai mươi năm trước đó đã được thành lập. Đầu thế kỷ thứ 18 tức là vào năm 1702 thầy Liễu Quán được gặp thiền sư Tử Dung và thiền sư có trao cho thầy một công án, công án đó là:

- Vạn pháp quy nhất, nhất quy hà xứ?

Tất cả các pháp chảy về một pháp vậy cái một đó chảy về đâu? Mười ngàn pháp đi về cái một, vậy cái một đi về chỗ nào? Sau khi nhận công án, thầy Liễu Quán về Phú Yên và tu tại đó. Sau năm sáu năm tham cứu mà công án đó chưa vỡ ra được, thầy chưa chứng ngộ được. Tự nhiên một hôm đó, đang đọc cuốn Truyền Đăng Lục, ngang qua câu:

- Chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ.

(Chỉ vào sự vật với mục đích là truyền tâm mình cho người đệ tử thì điều này có thể là chướng ngại cho người đệ tử) tự nhiên thầy hiểu được, và thầy đặt cuốn kinh xuống. Thầy nhất định phải đi ra Huế trở lại để trình cho thầy biết là mình đã thấy được đạo rồi và cũng để xem thử là thầy có thấy mình đã thật sự đạt đạo hay chưa. Thầy vượt núi băng ngàn ra Huế trở lại, đó là vào năm 1708. Sau khi trình bày công phu của mình, thầy nghe thiền sư Tử Dung nói:


Hố thẳm buông tay

Một mình cam chịu

Chết đi sống lại

Ai dám chê mình


Thầy Liễu Quán vỗ tay cười. Thiền sư nói:

- chưa được.

Thầy Liễu Quán chỉ vào trái cân để gần đấy và nói

- Trái cân vốn là sắt.

Thiền sư vẫn lắc đầu. Thầy Liễu Quán buồn lắm. Nhưng qua ngày hôm sau, thấy thầy Liễu Quán đi ngang, Thiền Sư gọi lại. Thiền Sư bảo:


- chuyện ngày hôm qua nói chưa xong, hôm nay hãy nói tiếp đi.
Lúc bấy giờ thầy Liễu Quán mới mỉm cười và đọc:

Sớm biết đèn là lửa

Thì cơm chín đã lâu rồi!

Thiền Sư Tử Dung rất vui mừng và hết lời khen ngợi. Thầy Liễu Quán đã được đắc pháp.


Khi nghe thầy Liễu Quán đọc câu: “Trái cân vốn là sắt ta có thể nhớ tới con sư tử vàng của thầy Pháp Tạng. Con sư tử vàng chỉ là một huyễn tướng, chỉ có vàng mới thật sự là chân thực. Đó là giáo lý tánh khởi, từ bản thể mà biểu hiện ra hiện tượng. Có thể là thầy Liễu Quán đã muốn trình kiến giải trong cái thấy tánh khởi của kinh Hoa Nghiêm, nhưng thiền sư đã không ấn chứng, có lẽ vì đấy chỉ mới là cái thầy của khái niệm. Đến khi nói chuyện đèn lửa nấu cơm thì mới thực sự là cái thấy thực chứng.


Liễu là hiểu được, quán tức là quán chiếu, là nhìn cho sâu. Tên hiệu là Liễu Quán, pháp danh là Thật Diệu. Thật là sự thật, diệu là sáng tỏ, chiếu sáng, sự thật chiếu sáng. Thầy truyền đăng cho mình là Minh Hoằng, bắt đầu chữ Minh (Minh Hoằng Tử Dung) và khi mình đắc pháp thì được chữ Thật. Bài kệ là:


Minh Thật Pháp Toàn Chương

Ấn Chân Như Thị Đồng.


Thầy là chữ Minh, trò là chữ Thật. Thật Diệu là pháp danh của thiền sư Liễu Quán và khi thiền sư Liễu Quán đặt tên cho đệ tử thì ngài đặt tên theo bài kệ này:

Thật Tế Đại Đạo

Tánh Hải Thanh Trừng

Tâm Nguyên Quảng Nhuận

Đức Bổn Từ Phong …


Tên thầy Liễu Quán bắt đầu bằng chữ Thật cho nên tên tất cả các đệ tử xuất gia và tại gia của thầy bắt đầu bằng chữ Tế. Tất cả đệ tử của các thầy có chữ Tế thì có pháp danh chữ Đại. Tất cả đệ tử thế hệ thứ tư đều có pháp danh chữ Đạo và thế hệ thứ năm là chữ Tánh. Hòa thượng Tánh Thiên Nhất Định khai sinh chùa Tổ của mình ở Huế là thuộc về thế hệ thứ năm. Thiền sư Tánh Thiên Nhất Định có nhiều vị đệ tử giỏi với pháp danh bắt đầu chữ Hải như Hải Thiệu Cương Kỷ và các đệ tử của thế hệ chữ Hải có pháp danh bắt đầu bằng chữ Thanh. Thầy của tôi, tức là sư ông của các vị ngồi đây là Hòa thượng Thanh Quý Chân Thật, thuộc thế hệ thứ bảy. Tôi là Trừng Quang, thế hệ thứ tám, pháp danh của tôi bắt đầu bằng chữ Trừng. Trừng là lắng đọng lại. Tất cả đệ tử xuất gia cũng như đệ tử cư sĩ của tôi đều có pháp danh bắt đầu bằng chữ Tâm, thuộc về thế hệ thứ chín của phái Liễu Quán.

Thiền thuộc tông Lâm Tế truyền sang Việt Nam nhiều lần và lần đầu tiên vào khoảng thế kỷ thứ 12, 13. Vua Trần Thái Tông cũng có tiếp nhận truyền thừa của tông Lâm Tế. Vào Thế kỷ thứ 17, thiền tông Lâm Tế lại vào Việt Nam thêm một lần nữa (không biết là lần thứ mấy). Hòa thượng Minh Hoằng Tử Dung là người đã trao truyền thiền tông Lâm Tế lại cho thiền sư Liễu Quán. Thiền sư Liễu Quán đặt ra một pháp phái mới, một ngành mới của tông Lâm Tế, pháp phái đó về sau lấy tên là phái Liễu Quán.


Tôi là thế hệ thứ tám của phái Liễu Quán còn quí vị ở đây nếu có pháp danh chữ Tâm là thế hệ thứ chín của phái Liễu Quán. Đệ tử của quí vị sẽ có pháp danh bằng chữ Nguyên. Thành ra các vị nào mà có pháp danh Nguyên phải kêu tôi bằng ông, có pháp danh Tâm mới được kêu bằng thầy. Sư thúc Chí Mậu (vừa mới viên tịch) cũng thuộc về chữ Trừng. Những người có chữ Trừng hiện nay còn ít lắm. Bây giờ còn có khá nhiều chữ Tâm. Sau đó là chữ Nguyên, Quảng, Nhuận, Đức. Mình là con cháu Lâm Tế, mình là con cháu của thiền sư Liễu Quán, mình phải học thuộc bài này để biết các tổ tiên tâm linh của mình thuộc về chữ gì và thuộc thế hệ nào


Thật tế đại đạo

Tánh hải thanh trừng

Tâm nguyên quảng nhuận

Đức bổn từ phong

Giới định phước huệ

Thể dụng viên thông

Vĩnh siêu trí quả

Mật khế thành công

Truyền trì diệu lý

Diễn xướng chánh tông

Hạnh giải tương ưng

Đạt ngộ chơn không


Dịch:

Đường lớn thực tại

Biển thể tính trong

Nguồn tâm thấm khắp

Gốc đức vun trồng

Giới định phước huệ

Thể dụng viên thông

Quả trí siêu việt

Hiểu thấu nên công

Truyền giữ lý mầu

Tuyên dương chính tông

Hành giải song song

Đạt ngộ chân không.

(Thiền Sư Nhất Hạnh dịch)


Đó là dòng kệ của mình, mỗi chữ đại diện cho một thế hệ. Quí vị thuộc thế hệ thứ chín và thứ mười. Nếu truyền đạt tâm tông tại Tây phương thì mình không có dùng chữ Hán mà phải dùng chữ Anh, chữ Pháp: Of The Heart, Of The Source.


Thật Tế Đại Đạo


Là con đường lớn của thực tại. Đại đạo là đường lớn (the great way), Thật Tế là danh từ chuyên môn, có nghĩa là lĩnh vực của sự thật, tiếng Phạn là bhutakoti, dịch ra tiếng Anh là reality. Trong biên tế, chữ tế có nghĩa là biên giới (Frontier), là phạm vi (Domain). Chữ thật là reality, tức chân như (Reality as is it, Suchness). Bản thể, chân như không phải là ý niệm mà là sự thật và sự thật đó không thể nào diễn tả được bằng lời nói, bằng ý niệm, cái đó gọi là Bhutakoti (the Realm of the Ultimate). Con đường đưa mình về cái đó, gọi là đường lớn thực tại (the great Way that leads us to the Ultimate Reality).

Tánh Hải Thanh Trừng


Đó là biển thể tính, trong và lắng lại. Con đường lớn đưa về sự thực tuyệt đối, nó là biển thể tánh (the Ocean of True Nature). Đứng về phương diện hiện tượng thì thấy có sóng gió, còn đứng về phương diện bản thể thì dưới lòng biển rất yên, không có sóng gió. Sự yên lặng, sự bình an đó mình đi tìm ngay trong thể tánh (True Nature) của mình. Đứng về hiện tượng thì giống như có sanh, có diệt, có lên, có xuống, có yên tĩnh, có ồn ào, có có, có không, nhưng đứng về phương diện bản thể thì nó lắng và trong. Bản chất của mình là vừa trong vừa lắng. Khi mặt nước lặng yên, nó phản chiếu được hình ảnh của mặt trăng, không bị lung lay, cái đó gọi là trừng. Trừng tức là lắng lạị, lắng lại cho nên trong. Sư Ông đặt cho tôi pháp danh là Trừng Quang, nghĩa là khi lắng lại rồi thì nó phát ra hào quang, phát ra ánh sáng (Trừng Quang). Con đường lớn đưa mình tới chân lý nhiệm mầu của thực tại đó, nó vốn là cái biển của thể tánh, nó vốn là trong, là lặng và nếu mình tu tập cho đàng hoàng thì mình có thể tiếp xúc được với thể tánh trong và lắng đó ở trong con người của mình.


Tâm Nguyên Quảng Nhuận


Tâm của mình là một nguồn suối. Nếu tu tập cho thành công thì nguồn suối đó là nguồn suối của trí tuệ, của từ bi, của hiểu và của thương. Nguồn suối đó sẽ đi khắp nơi và nó sẽ thấm nhuần vào trong cuộc đời, gọi là tâm nguyên quảng nhuận. Quảng là rộng lớn, nhuận là thấm (Penetrate, Absorbing). Một giòng sông có thể chảy thấm vào hai bên ruộng đồng, tưới mát cho ruộng đồng, nhưng nguồn tâm này thấm rất là sâu rộng. Tu học cho giỏi thì tâm của mình thành một nguồn suối của hiểu biết, của thương yêu và nguồn suối của hiểu biết và thương yêu đó thấm vào trong xã hội, thấm vào loài người, thấm vào loài vật, thấm vào loài cây cỏ, loài đất đá. Nguồn tâm thấm vào sự sống rất là rộng rãi.


Đức Bổn Từ Phong


Nguồn suối của hiểu biết, thương yêu đó cũng là gốc rễ của đạo đức. Một bên là nguồn suối, một bên là gốc rễ. Một bên là cội, một bên là nguồn. Cây có cội, nước có nguồn, mình cũng vậy, mình có cội và nguồn của mình. Mình phải trở về để tiếp nối được cội nguồn ấy. Nguồn ấy có thể do mình khơi mà chảy khắp, thấm nhuận trong cuộc đời. Cội đó có thể do mình trồng lên mà tạo thành một phong cách, một nếp sống từ hòa đẹp đẽ, gọi là từ phong. Từ phong tức là một nền văn minh, một nếp sống từ bi. Phong ở đây là phong cách, là một nếp sống, một truyền thống. Khi lập phong trào Wake Up cho người trẻ thì mình đặt tên là Young Buddhists and Non-Buddhists for a Healthy and Compassionate Society - để tạo dựng một xã hội lành mạnh và một nếp sống từ bi. Mình phải tạo ra một phong cách, một nếp sống, một nền văn minh có từ bi, gọi là từ phong. Cái gốc của mình là gốc đức hạnh, gọi là đức bổn. Đức ở đây tức là virtue, trước hết là đức hiểu, rồi đến đức thương (Understanding and Love). Mình có cái gốc đó và nếu biết vun trồng cái gốc đó thì mình có thể giúp tạo ra một nếp sống từ bi trong xã hội, gọi là đức bổn từ phong. Nếp sống bây giờ có quá nhiều bạo động, hung dữ, hận thù và làm cho bao nhiêu người đau khổ, thành ra chúng ta phải tu tập để cho nguồn suối cũng như gốc rễ đem tới từ bi cho xã hội.

 

 

Giới Định Phúc Tuệ

 


Đây là bài kệ bốn chữ cho nên thay vì giới định tuệ (tam học) thì thiền sư đã thêm vào chữ phước. Khi mình tu huệ thì tự nhiên có phước. Tu phước và tu huệ đi đôi với nhau, giới định phước tuệ. Chữ phước ở đây có thể hiểu là hạnh phúc.


Thể Dụng Viên Thông


Cái thể và cái dụng của giới định tuệ tròn đầy và bao trùm lấy nhau. Trong giới có định, trong định có giới, trong giới có tuệ, trong tuệ có giới và có định, gọi là viên thông, cả ba bao trùm lấy nhau. Ba cái đó (giới, định, tuệ) không phải là ba cái riêng biệt mà chúng chứa đựng nhau, trong một có ba, trong ba có một, gọi là thể dụng viên thông


Khi tới với nhau để tu tập, ví dụ như ngồi thiền chung sáng nay thì trước hết mình dùng hơi thở để điều hòa thân thể của mình. Mình ngồi như thế nào để cho những căng thẳng trong cơ thể được buông bỏ và có an bình. Mình phải tập thở như thế nào để tới phút thứ hai, thứ ba là cơ thể của mình lắng dịu xuống, những căng thẳng của cơ thể được buông bỏ, rồi những lo lắng, buồn phiền cũng tiêu tan và thân tâm của mình trở nên êm dịu. Khi hai ba trăm người ngồi với nhau mà người nào cũng làm cho thân tâm êm dịu thì năng lượng mà mình chế tác chung đó rất tốt, nó là thức ăn của mình trong khi ngồi thiền và cái đó là do giới, định mà có. Giới tức là chánh niệm và chánh định. Khi đã làm cho thư giãn thân thể, đã làm cho nhẹ bớt những nỗi khổ niềm đau trong lòng rồi thì mình bắt đầu quán chiếu.


Mục đích của quán chiếu là đạt tới tuệ giác. Tên của Tổ là Liễu Quán, tức là thành công trong sự quán chiếu. Quán chiếu để làm gì? Quán chiếu là để đạt tới tuệ giác mà có tuệ giác thì tháo gỡ được những khổ đau, những khó khăn trong cuộc đời. Có những hệ lụy, khổ đau, những trái ngang, bế tắc thì những khổ đau đó chỉ có thể giải quyết được khi có tuệ giác. Muốn có tuệ giác thì phải có định, định đưa tới tuệ giác mà muốn có định thì phải có niệm, tức là phải có giới. Giới định tuệ hay niệm định tuệ thì cũng vậy. Khi thực tập hơi thở hay bước chân có ý thức thì mình thực tập chánh niệm, mình đi vào giới, rồi mình sử dụng định của mình. Mình quán chiếu về vô thường, về vô ngã, về tương tức, về duyên sinh, tất cả những cái đó gọi là định. Nương vào những cái định đó mà quán chiếu thì một lúc nào đó mình sẽ đạt tới cái tuệ mà khi đạt được cái tuệ thì mình tháo gỡ được những khó khăn, những khổ đau của mình.


Thực tập ở trong truyền thống thiền là như vậy. Mình tới tu tập chung với nhau, giữ giới, giữ chánh niệm chung với nhau là để làm chuyện đó. Mình sử dụng những phương pháp như là quán vô thường, quán vô ngã, quán không, quán vô tướng, quán vô tác, quán tương tức, đó đều là những phương pháp, gọi là định (Samadhi). Khi sử dụng một trong những phép quán đó thì thế nào mình cũng đạt tới cái thấy, tức là tuệ mà có tuệ rồi thì mình tháo gỡ được những khó khăn, những bế tắc rất là dễ dàng. Theo lời dạy của Tổ thì cái thể và cái dụng của giới định tuệ vốn tròn đầy, nó dung chứa nhau. Hễ có niệm là bắt đầu có định, hễ có định là bắt đầu có tuệ. Thí dụ như mình thở vào thì mình biết mình đang thở vào, mình chuyên chú vào hơi thở vào, tức là có niệm và có định. Có niệm và có định thì tự nhiên mình thấy được liền một cái gì đó: Thở vào, a mình đang còn sống đây! Mình biết mình đang còn sống, đó đã là tuệ rồi. Hễ có niệm, có định là có tuệ. Niệm càng vững thì định càng kiên cố và tuệ càng lớn mạnh.


Thành ra trong mỗi bước đi, trong mỗi hơi thở, trong mỗi hành động của mình mà nếu có niệm, có định thì mình đang ở trên con đường đạt tới tuệ giác. Ban đầu là những cái tuệ nho nhỏ rồi từ từ tới những cái tuệ lớn. Niệm và định làm cho chín củ khoai tuệ giác mà mình nấu ở trong nồi. Niệm là lửa ở dưới cái nồi, định là cái nắp, nó giữ hơi nóng đừng thất thoát ra ngoài và càng ngày nó càng tạo ra sức nóng nhiều hơn để cho củ khoai đó chín. Niệm và định là năng luợng đưa tới tuệ, nếu không có niệm, không có định thì không bao giờ có tuệ cả mà hễ có niệm và có định thì chắc chắn thế nào cũng có tuệ. Tuệ tức là hoa trái mà mình gặt hái khi mình tu tập. Mình không cầu xin cái tuệ đó từ một vị thần linh, mình biết cái tuệ đó có sẵn ở trong mình dưới dạng những hạt giống và nếu mình cho phép những hạt giống đó được tưới tẩm, được nâng niu thì nó sẽ bắt đầu nẩy mầm. Một người tu giỏi thì ngày nào cũng có thêm tuệ, mỗi ngày mỗi thông minh, mỗi ngày mỗi sáng suốt và khi mình có tuệ rồi mình giải quyết được những vấn đề trong đời sống hàng ngày rất dễ dàng và giúp cho người khác chung quanh giải quyết những vấn đề của họ dễ dàng hơn, đó là cái mà mình chế tác ra.


Ba nguồn năng lượng giới, định và tuệ, tuy có ba tên khác nhau nhưng mà cái thể của nó cùng chung. Trong niệm có định và có tuệ, hễ có niệm là bắt đầu có định và có tuệ, hễ có tuệ tức là đã có niệm, có định rồi. Công dụng của niệm, định, tuệ là khả năng tháo gỡ những khổ đau, những khó khăn cho mình. Ví dụ như mình từ thiền đường đi về phòng trong buổi sáng mai, đi từng bước thảnh thơi và thở trong chánh niệm. Nhờ thở trong chánh niệm, đi trong chánh niệm cho nên mình tiếp xúc được không khí trong lành của buổi ban mai. Mình thấy không khí trong lành ban mai có đó và mình đã được thở, được bước đi những bước chân rất nhẹ nhàng, thảnh thơi. Công dụng và lợi ích của chánh niệm là giúp cho mình tiếp xúc được với những mầu nhiệm như vậy để mình tự nuôi dưỡng mình, tự chữa trị cho mình, đó gọi là dụng, dụng là công dụng.


Nhìn vào tờ giấy ta thấy cái thể của nó là bột giấy, còn công dụng của nó là để viết chữ, in chữ. Như cây bút thể của nó bằng plastic và cái dụng của nó là để viết chữ. Cái gì cũng có thể và có dụng. Thật ra ta có thể nói tới ba cái : thể, tướng và dụng. Thể tức là bản chất, tướng là hình tướng, dụng là công dụng. Bột giấy là thể, tờ giấy mỏng là tướng và để dùng in sách gọi là dụng. Niệm, định và tuệ đều có thể, có tướng và có dụng của chúng. Khi thiền sư nói thể dụng viên thông, mình có thể hiểu : thể, tướng, dụng viên thông. Nếu để thêm tướng vào đây thành năm chữ, thành ra để hai chữ thể và dụng là đủ rồi cũng như bên này (giới, định, tuệ) có ba chữ thôi, cho nên thêm chữ phúc vào giữa để đọc cho êm tai. Thể dụng viên thông, tức là thể, tướng và dụng, đi chung với nhau, cái này ôm lấy cái kia, cái này chứa đựng cái kia. Ba nguồn năng lượng giới định tuệ và thể tướng dụng của ba cái chung với nhau và thông với nhau.


Vĩnh Siêu Trí Quả


Hoa trái của trí tuệ mà mình đạt tới giúp mình vượt thoát vĩnh viễn những hệ lụy, những khổ đau, gọi là vĩnh siêu. Siêu tức là vượt thoát, vĩnh có nghĩa là vĩnh viễn.


Mật Khế Thành Công


Mật tức là âm thầm không lộ liễu, còn khế nghĩa là ăn khớp với nhau, mật khế nghĩa là không cần phải nói ra nhưng rất ăn khớp với nhau, giống như hai thầy trò, tuy họ không nói năng nhưng họ rất hiểu nhau, làm gì cũng có hòa điệu.


Giới định tuệ là một bộ ba với nhau, rất sít sao, phù hợp nhau,chúng đưa tới sự thành công của trí tuệ. Hoa trái của trí tuệ giúp ta vượt thoát vĩnh viễn những khổ đau và khi phối hợp lại đưa chúng ta tới sự thành công lớn. Vậy thì sau khi đạt đạo rồi phải làm gì?


Truyền Trì Diệu Lý


Truyền tức là trao truyền cho thế hệ kế tiếp. Trì tức là giữ gìn, đừng để mất. Mình đạt được tuệ giác nhiệm mầu đó rồi thì phải nắm cho vững và phải trao truyền lại cho hậu thế.


Diễn Xướng Chánh Tông


Diễn xướng tức là làm cho nhiều người biết tới, giới thiệu làm cho nó hưng thạnh. Chánh tông tức là tông phái chánh thức, tông chỉ của thiền tông. Chánh tông ở đây là thiền tông (True Zen). Ở bên Nhật Bản có loại rượu Sake gọi là Cúc chánh tông. Ở Việt Nam hồi xưa có loại nước ngọt chánh hiệu con nai vàng và ở Sài gòn có một tiệm cơm chay Phật Hữu Duyên chánh tông. Chánh tông tức là một truyền thống. Tông ở đây là tông phái, tức thiền phái chánh tông. Thiền phái của mình có nội dung, có bản chất, có tuệ giác. Vì vậy mình phải nắm cho được, truyền lại cho được và phải đem công bố ra, gọi là diễn xướng chánh tông. Và nên nhớ, đây là lời dặn của Ngài.

Hạnh giải tương ưng

Đạt Ngộ Chân Không


Mình nói chánh niệm thì mình phải sống chánh niệm, mình nói hiểu thì mình phải hiểu, mình nói thương thì mình phải thương, mình dạy sư em như thế nào thì mình phải làm như thế đó, cái đó gọi là hành giải tương ưng, tức là nói và làm đi đôi với nhau, cái hiểu và cái làm đi đôi với nhau, lý thuyết với thực hành đi đôi với nhau.


Hồi tôi còn học tiểu học có cô giáo dạy chúng tôi là không nên đi giày cao gót vì có thể bị trẹo chân và đi đứng không tự nhiên trong khi đó thì cô giáo lại đang đi giày cao gót. Khi học sinh hỏi : « Sao cô dạy là không đi giày cao gót mà cô lại đi ? » Cô giáo trả lời : « Em hãy làm những gì cô nói, đừng làm những gì cô làm » (Fais ce que je dis, pas ce que je fais). Cái đó không phải là hành giải tương ưng. Hành giải tương ưng tức là cái mình nói, cái mình rao giảng và cái mình làm nói phải đi đôi với nhau. Đạt ngộ tới thực tế, chân không, nó chính là thực tế đó.


Vào đầu thế kỷ thứ 18, thiền sư Liễu Quán có lập thêm một ngôi chùa lớn ở Huế, gọi là Chùa Thiền Tôn. Nếu ai có dịp về Huế thì có thể đi thăm mộ của thiền sư Liễu Quán sát Chùa Thiền Tôn ở tháp Tổ. Ở Huế mỗi năm đều tổ chức tảo tháp và tất cả các con cháu của tổ đều tới để lượm rác, quét tước, nhổ cỏ, rất là vui. Tại Làng Mai một số các thầy, các sư cô ở đây đã từng được về Chùa Thiền Tôn và đã được tới thăm tháp của tổ Liễu Quán. Hiện bây giờ 95 % các thầy, các sư cô, các Phật tử ở Thừa Thiên và các tỉnh lân cận đều là con cháu của Tổ Liễu Quán. Chúng ta đã nối tiếp được Tổ tới mười mấy thế hệ rồi, quý vị ngồi đây là thuộc thế hệ thứ chín và bây giờ đã tới thế hệ thứ mười, thứ mười một, thứ mười hai. Chùa Viên Thông ở dưới chân núi Ngự và chùa Thiền Tôn ở trên núi Thiên Thai là hai ngôi chùa mà Tổ đã thành lập ở Huế. Ngoài ra Tổ cũng có lập nhiều chùa ở Phú Yên. Cái gốc của phái Liễu Quán là Lâm Tế. Ban đầu thì được các thầy từ Quảng Đông truyền sang nên có tính cách rất Quảng Đông, nhưng từ thiền sư Liễu Quán trở về sau thì truyền thống này càng ngày càng được Việt hóa. Bây giờ đây nghi lễ, kiến trúc, thực tập đều đã được Việt Nam hóa. Có những bài tán, những bài tụng có giọng Huế, những bài Cực Lạc Từ Hàng xướng lên đúng là giọng Huế, không còn giọng Quảng Đông nữa. Cho nên phái Liễu Quán này đã Việt hóa thiền Lâm Tế tới cái mức rất hay. Chùa Tổ Từ Hiếu đã ấn hành sách Thiền Môn Nhật Tụng bằng chữ Hán, còn Mai Thôn Đạo Tràng tiếp nối đã ấn hành Nhật Tụng Thiền Môn toàn bằng quốc văn. Mình tiếp tục Việt hóa thiền và hiện bây giờ đây trong Nhật Tụng Thiền Môn mình có rất nhiều bài Sám, bài Kinh quốc ngữ rất hay. Sáng nay thầy Pháp Niệm hô canh rất hay, bài hô canh hoàn toàn nhạc Việt Nam và lời Việt Nam, đó cũng là một công trình nối tiếp sự nghiệp hoằng pháp của chư tổ. Chúng ta đã hết lòng để nối tiếp sự nghiệp của chư tổ, là con cháu của tổ bây giờ mình phải học thuộc lòng bài này kệ truyền thừa này.
 

Tháp Tổ sư Liễu Quán

Các tin đã đăng:
Về đầu trang