Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Những gì tôi đã học được nơi Trịnh Công Sơn
28/03/2011 19:15 (GMT+7)


LTS: Hoàng Tá Thích là em rể của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Quen biết nhạc sĩ từ thời thanh niên và sau này là "người trongnhà", nên tác giả có điều kiện để hiểu và viết đúng về đời thường của nhạc sĩ. 1/4 sắp tới, tròn 10 năm ngày mất của nhạc sĩ tài hoa, Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết có tựa đề: Những gì tôi đã học được nơi Trịnh Công Sơn.

Trong phần dẫn nhập cho một tuyển tập các ca khúc, Trịnh công Sơn đã viết: "Ban đêm tôi nhìn trời đất để học về lòng bao dung, nhìn đường đi của kiến để biết về sự nhẫn nhục. Sông vẫn chảy đời sông, suối vẫn trôi đời suối. Đời người cũng chỉ để sống, và hãy thả trôi những tỵ hiềm".

Nhìn trời để thấy mình nhỏ trong vũ trụ vô biên, con người chỉ là hóa thân của một hạt bụi trong mênh mông trần thế. Nhìn đất để học cái hạnh tha thứ bao dung của đất. Đất nhận biết bao nhiêu là chất thải dơ bẩn của con người, nhưng lại chuyển hóa tất cả để lại nuôi sống mọi loài.

Kiến biểu hiện cho lòng kiên nhẫn. Người ta nói kiến tha lâu đầy tổ chẳng khác gì nước chảy đá mòn. Hình ảnh một đàn kiến bò luôn luôn giữ đúng đường đi còn gợi cho ta về sự nhẫn nhục.

Nhẫn nhục làm nguôi sự giận dữ và bắt đầu cho sự tha thứ. Tha thứ trong ý thức con người nhỏ bé đối với vạn vật. Tha thứ trong ý thức quên mất cái ngã của mình. Cho nên "Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì, em biết không? Để gió cuốn đi" là thế. Chung quy cũng tại người đời thường thấy cái "Tôi" của mình quá lớn. Không ai muốn người khác hơn mình. Tham - sân - si vốn là ba nghiệp lớn của con người. Mọi tỵ hiềm, ganh ghét cùng những tính xấu khác đều do chấp ngã mà ra. Không chấp ngã mới có thể khiêm nhường và bao dung.

Ảnh: VietNamNet

Khiêm nhường là một phẩm hạnh cao quý. Có khiêm nhường mới có thể tha thứ. Nhưng tha thứ không phải là chuyện dễ làm đối với mọi người.

Người ta thường có thể tha thứ mà không thể quên. Tha thứ biểu hiện bên ngoài. Quên là thầm lặng bên trong. Điều thầm lặng bên trong mới làm người ta ray rứt.

Trịnh Công Sơn là một người nổi tiếng. Nổi tiếng quá sớm và đương nhiên phải có những người ganh ghét, mặc dù  anh  là một người rất khiêm tốn.

Sống giữa những ganh ghét tục lụy, chưa bao giờ nghe một người bạn nào nói Trịnh công Sơn có lòng tỵ hiềm với bất cứ ai. Trái lại, anh đã từng gặp những  người ganh tỵ, đối xử  không công bằng với anh. Có những người thể hiện một cách trắng trợn vì đố kỵ, cũng có những người nói xấu anh với mục đích đẩy anh ra khỏi lòng yêu thương của quần chúng. Chưa bao giờ thấy anh có phản ứng. Nhiều lắm thì cũng là những lời than phiền nhẹ  nhàng. Lòng bao dung và tha thứ của anh đã thể hiện rất nhiều ngay cả với những kẻ không xứng đáng với tình yêu của anh đối với họ. Quên hay không chỉ trong lòng anh biết, nhưng mãi đến khi nhắm mắt, không bao giờ nhắc đến điều mình đã tha thứ thì có lẽ anh đã quên hẳn trong lòng.

Hai chữ "Thôi kệ" của anh vẫn thường được bạn bè nhắc đến như một ấn tượng về người nghệ sĩ tài hoa này. Hiếm khi anh thắc mắc khi nghe  một điều nói không đúng về mình, và không bao giờ anh có ý định cải chính những điều sai lầm đó.

Từ hai chữ Thôi kệ của anh, tôi đã học được nhiều điều. Hãy bắt đầu bằng chữ Nhẫn: Có một người làm bực mình, thay vì phản ứng ngay lúc đó thì tôi tự nhủ lòng, để mai hẵng nói. Hôm sau thì sự giận dữ của mình đã nguội rồi và không còn hứng thú để nói chuyện hôm qua.

Anh thường nói cuộc đời không có bao năm, tại sao lại phải phí mất thì giờ làm những chuyện đó. Anh nói, nếu người ta nói một điều sai lầm về mình và mình thưc sự không làm điều đó, thì cần gì phải cải chính. Trong những năm tháng trước lúc từ giã cuộc đời, anh thường hát cho bạn bè nghe ca khúc "Mưa hồng" và "Một cõi đi về" như một lời nhắn cho những ai còn ham mê vọng động, chưa thoát ra khỏi cái Ngã của mình.

Anh Sơn uống rượu từ thời còn trẻ, và rượu trở thành không những là một người bạn, mà còn là một nhu cầu. Bởi vì có bạn thì phải cần có rượu để làm mồi câu chuyện. Thường nói rượu gọi bạn. Không ngày nào anh không uống rượu, cho đến một thời gian rất ngắn trước khi qua đời, vì tình trạng sức khỏe trầm trọng, anh đành phải ngừng.

Đó là một trong những tiến thóai lưỡng nan của anh.

Anh không thể tiếp tục uống rượu nhưng không bao giờ muốn mất bạn. Vì vậy, anh lúc nào cũng sẵn sàng rượu để mời bạn và ngồi nhìn bạn bè uống. Không phải dễ dàng để có thể làm như thế. Nó phải xuất phát từ sự nhẫn nhịn và lòng bao dung để nhìn người khác đang hưởng thụ cái thú mà mình thèm muốn được thụ hưởng.

Tôi đã từng nghe một vị cao tăng nói: "Làm từ thiện nhiều sẽ mở mang trí tuệ." Và Ngài giải thích: "Nếu có thể lấy của cải của mình để làm từ thiện thì rõ ràng là minh không quá tham luyến vật chất. Bớt tính toán chuyện tiền bạc vật chất, trí óc sẽ luôn luôn được tỉnh táo sáng suốt.".

Có những người không những hà tiện, keo kiệt về vật chất mà còn keo kiệt cả lời nói.

Ảnh: VietNamNet

Không phải mất tiền để nói một lời cảm ơn một người nào đó đã làm cho mình một điều nhỏ nhặt như nhường một chỗ ngồi, mở hộ cánh cửa, mà cũng không mở miệng được. Cho nên có hạnh bố thí không phải chỉ cho người khác vật chất mà còn cho người khác sự quan tâm, an ủi.

Tôi chưa bao giờ nghe anh Sơn nói một câu làm xúc phạm người khác.

Đã có lần anh  đến thăm một nơi ở của  những người bị tàn phế vì chiến tranh và anh nói với họ: "Các bạn không nên măc cảm vì mình là người tàn phế. Đó chỉ là thể xác. Tôi nghĩ tâm hồn các bạn vẫn lành lặn và đẹp, TÀN mà không PHẾ. Ngoài đời chúng tôi, ngược lại có những người lành lặn, nhưng đôi khi lại tàn phế trong tâm hồn."

Bản thân cũng đã có lúc tuyệt vọng, nhưng anh lại tự nhủ lòng: "Tôi ơi đừng tuyệt vọng". Ca khúc "Tôi ơi đừng tuyệt vọng" đã từng giúp cho nhiều người thoát khỏi cơn tuyệt vọng và can đảm trở lại với cuộc sống, trân trọng cuộc sống, vì "Cuộc đời đó có bao nhiêu mà hững hờ."

Gần anh Sơn từ lúc còn trẻ cho đến khi anh nằm xuống, tôi chưa bao giờ tìm thấy nơi anh chút bụi hận thù. Trong suốt cuộc đời, anh đã "để  gió cuốn đi" không chỉ một tấm lòng mà còn thả trôi đi những hỷ nộ ái ố của những kẻ đôi khi đã vô tình ngược đãi anh.

Có người hỏi anh làm thế nào để có thể toàn vẹn trong cuộc sống với đủ loại bạn bè với những tình cảm yêu ghét, anh trả lời: "Mình luôn luôn cố gắng sống thế nào cho tử tế."

Khó khăn làm sao hai chữ  "tử tế" ấy.

Đối với tôi, anh Sơn không phải là một thần tượng. Có những tài năng lớn và những nhân phẩm lớn. Nhưng một tài năng lớn ẩn trong một nhân phẩm lớn thì rất hiếm có. Trịnh Công Sơn  là một người hiếm có.

Riêng tôi đã học được nơi anh từ hai chữ "thôi kệ" cùng rất nhiều điều. Và, tôi luôn luôn tâm niệm phải cố gắng sống thế nào cho thật tử tế.


Tác giả: Hoàng Tá Thích
http://tuanvietnam.vietnamnet.vn

Các tin đã đăng:
Về đầu trang