Bee xin giới thiệu bài viết giới thiệu sơ lược về di sản văn hóa thế giới mới được công nhận này.
Thành Tây Đô, còn có tên gọi khác là Thành nhà Hồ. Được Hồ Quý Ly xây
dựng vào năm 1397, đời vua Trần Thuận Tông. Trải qua hơn 6 thế kỷ, thành
Tây Đô Thành vẫn còn khá nguyên vẹn. Cho đến hôm nay, kỹ thuật xây
dựng thành vẫn còn nhiều bí ẩn.
|
Các cổng thành được thiết kế hình chữ U, những phiến đá tạo vòm xếp hình múi cam chồng khít không dùng chất kết dính |
Thành Tây Đô được các nhà khoa học nhận định là một trong số ít những
thành đá còn sót lại trên thế giới. Ở Đông Nam Á đây là tòa thành bằng
đá có giá trị nhất, độc đáo nhất và duy nhất còn lại.
Theo sử sách, chỉ trong vòng 3 tháng mùa xuân năm 1397 tòa thành kiên
cố, đồ sộ có chu vi hơn 3.5 km với diện tích gần 77ha đã được hoàn
thiện. Thành được xây dựng hình chữ nhật song các cạnh tương đối bằng
nhau. Tường thành phía Nam và phía Bắc dài khoảng 877m, bức tường phía
Tây dài 880m, còn phía Đông là 879.3m.
|
Tường thành vẫn còn khá nguyên vẹn |
Tòa thành có 4 cổng dù không tương ứng với 4 hướng nhưng vẫn được gọi là
Cửa Nam, Cửa Bắc, Cửa Đông, Cửa Tây với các vị trí tương ứng: Tiền,
Hậu, Tả, Hữu. Trong đó cửa Nam là cửa chính (cửa Tiền) và được xây dựng
công phu và rộng hơn cả. Đến nay, cổng còn nguyên vẹn nhất. Vì là cửa
chính nên từ đây có con đường lát đá hoa chạy xuyên suốt trục bắc nam
của thành và dẫn đến cuối đường là đàn tế Nam Giao của nhà Hồ.
Hồ Quý Ly chọn điểm xây thành tại An Tôn (nên thành có tên gọi khác là
Thành An Tôn) - một vùng đất hẻo lánh, chật hẹp. Đây cũng là vùng đất có
phong thủy rất đẹp để xây thành: Lưng tựa núi, mặt giáp sông. Phía Bắc
thành là núi Thổ Tượng, Phía Đông là núi Hắc Khuyển, Phía Tây có núi
Ngưu Ngọa, còn phía Nam là nơi hội tụ của Sông Mã và sông Bưởi đổ về.
Bây giờ vẫn có hai con đường nhỏ nối cửa Đông với cửa Tây và cửa Bắc
với cửa Nam tạo thành hình chữ thập và giao nhau tại tâm điểm của tòa
thành.
|
Những viên bi đá tìm thấy được cho là dùng để trượt những phiến đá khổng lồ |
Điều đặc biệt nhất của tòa thành chính là kỹ thuật xây dựng, một bằng
chứng về sức lao động phi thường, khả năng sáng tạo tài hoa của nhân dân
ta thời xưa.
Bốn cổng thành đều được xây dựng bởi những tảng đá xanh, đẽo gọt công
phu, vuông vắn, mài hình muối cam tạo ra nhiều mặt phẳng. Những phiến
đá này được xếp với nhau vừa khít mà không cần chất kết dính tạo thành
các vòm mái theo hình chữ U. Tại mỗi cổng đều có ba cửa, một cửa to ở
chính giữa và hai cửa phụ ở hai bên. Trong đó to nhất, đẹp nhất là Cửa
Nam, với cửa giữa cao hơn 8m, rộng 5.8m, 2 cửa bên rộng 5m, cao 7.8m.
|
Giếng Vua 600 năm tuổi,được phục chế nguyên trạng |
Mặt thành có đường đi rộng khoảng 4.5m, thoải dần vào trong. Tường thành
cao trên 6m, được xây dựng bằng những viên đá lớn cỡ 2m x 1m x 0,7m.
Phía ngoài ốp đá dựng đứng, mặt trong thành lèn đất chặt như nhà trình
tường. Có những phiến đá rất to nặng chừng gần 20 tấn, tại cửa Tây có
tấm đo được dài hơn 5m, rộng 2m, cao 1.3m. Bằng cách nào để đưa những
phiến đá này lên cao, mài các cạnh vừa khít nhau trong quá trình xếp đá
để xây thành, đến nay vẫn còn là bí ẩn với các nhà khoa học. Hiện nay,
một số bi đá được tìm thấy khiến nhiều người giả thuyết, đây chính là
công cụ được sử dụng để trượt những tấm đá khổng lồ lên trên.
Cuốn “Đại Nam nhất thống chí” nêu rõ, cùng với thành lũy kiên cố thành
phần kiến trúc của tòa thành gồm có: Tường thành, cửa thành, hào thành,
kiến trúc và các hồ nước. Hiện nay những hào thành sâu và rộng bên
ngoài thành cùng với các hồ nước vẫn còn rất nhiều dấu tích đã và đang
được nghiên cứu. Trong đó Giếng Vua tại khu vực đàn tế Nam Giao đã được
khôi phục nguyên trạng. Cấu trúc giếng hình vuông, lòng hình tròn với
chiều sâu 5.6m, có 9 bậc thành, chiều dài mỗi thành là 13m. Các bậc
thành cao 30cm, rộng 30cm…
Hạ Nguyên (tổng hợp)
Nguồn ảnh: Internet
http://bee.net.vn/