Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Mưu đồ ẩn sau tấm văn bia tháp xá lợi ở Bắc Ninh
03/05/2013 20:11 (GMT+7)


Hộp xá lợi đã bị mở

Những đối thoại khoa học tại Hội nghị thông báo khảo cổ học mới đây đã cho thấy văn bia tạm coi là cổ nhất được tìm thấy ở Bắc Ninh chính là văn bia của tháp xá lợi. Theo đó, trong vòng 4 năm, từ năm 601 (Nhân Thọ 1) đến năm 604 (Nhân Thọ 4), Tùy Văn Đế Dương Kiên đã ba lần phân phát xá lợi và tổ chức xây dựng bảo tháp an trí xá lợi tại hơn 100 châu thuộc bản đồ đế quốc. “Đây cũng là một dịp để nhà Tùy xác lập cương giới, khẳng định lại quyền thống trị đối với những phần lãnh thổ đã chinh phục trực tiếp hoặc kế thừa một cách gián tiếp từ các vương triều đi trước”, ThS Phạm Lê Huy, Khoa Đông phương học, ĐH KHXH-NV Hà Nội cho biết.

Theo TS Nguyễn Viết Nga (Bảo tàng Bắc Ninh) thì văn bia này được ông Nguyễn Văn Đức (Thuận Thành, Bắc Ninh) tìm thấy trong lúc đào đất làm gạch tại địa phương. Bia bao gồm 2 phần úp khít vào nhau, tạm gọi là nắp và thân bia. Hai phần này được kết dính bằng "một chất gì đó" mà phải cạy bằng mai đào đất mới tách đôi ra được. Phần nắp và phần thân cùng có kích thước 45x46 cm, phần nắp đậy dày 4 cm. Mặt dưới phần nắp tạo gờ nổi xung quanh. Mặt trên tạo góc bạt chéo hình trụ. Bia được tìm thấy cùng một hòm đá cũng bao gồm phần nắp và phần thân. Phần trên nắp hòm cũng tạo góc bạt chéo hình trụ. Bên trong hòm có "tạp chất màu thâm đen".

Qua so sánh, các nhà khoa học thấy có nhiều điểm tương đồng về mặt hình dáng giữa hòm đá tìm thấy ở Bắc Ninh và hai hòm đá đựng xá lợi từng được phát hiện tại chùa Tiên Du và Thần Đức ở Trung Quốc. Tuy kích thước khác nhau nhưng chúng có hình dáng tương đối giống nhau, đặc biệt là phần nắp có góc bạt chéo. “Qua so sánh, có thể suy đoán hòm đá tìm thấy tại Bắc Ninh chính là hòm đá đựng xá lợi”, ThS Phạm Lê Huy nhận định.

Cũng theo ông Huy, tài liệu và kết quả khai quật ở chùa Tiên Du cho thấy cấu trúc an trí xá lợi 3 lớp hòm đá - hòm đồng - bình lưu ly, vốn được chép trong Quảng hoằng minh tập. Đây là tác phẩm ghi rõ danh sách 30 châu được phát và xây tháp xá lợi. “Như vậy, nếu khai báo của ông Nguyễn Văn Đức là chính xác, tức là trong hòm đá tại Bắc Ninh chỉ còn một lớp "tạp chất màu thâm đen" mà không có hòm đồng và bình lưu ly nạm vàng, thì nhiều khả năng hòm đá ở Bắc Ninh đã từng bị khai quật, lấy đi xá lợi và sau đó được chôn lại”, ông Huy phân tích.

Văn bia tháp xá lợi tìm thấy ở Bắc Ninh - Ảnh: Phạm Lê Huy

Muốn ràng buộc nhà Tiền Lý

Theo các nhà nghiên cứu, vào thời điểm năm 601 khi tháp xá lợi Giao Châu - chính là tháp xá lợi kèm văn bia trên tại Bắc Ninh - được xây, quan hệ giữa nhà Tùy và chính quyền Lý Phật Tử nước ta rất phức tạp. Trong khi nhà Tùy muốn coi nước ta là một nước châu thuộc, thì nhà Tiền Lý thực chất đã là một chính quyền độc lập. Tuy nhiên, Lý Phật Tử vẫn “đóng vai” một thần tử của chính quyền Trung Hoa, và chuẩn bị cuộc kháng chiến chống Tùy.

Mối quan hệ phức tạp này còn thể hiện qua mộ chí của Tô Hiếu Từ - một viên quan nhà Tùy chết năm 601. Mộ chí của Tô Hiếu Từ được khắc năm 603, hiện đang được lưu giữ tại Nhà văn hóa Bồ Thành, Trung Quốc. Theo đó, Tô Hiếu Từ đã được vua Tùy phong làm Giao Châu đạo hành quân tổng quản để chinh phạt Giao Châu.

Như vậy, nhờ mộ chí của Tô Hiếu Từ, ta thấy trước tháng 6 năm 601, nhà Tùy đã chuẩn bị cho việc tấn công Giao Châu. Tuy nhiên, cuộc hành quân này trên thực tế đã bị hoãn, có lẽ là do cái chết đột ngột của Tô Hiếu Từ vào đầu tháng 6. Đến ngày 13 tháng 6, Tùy Văn Đế xuống chiếu ra lệnh phân phát xá lợi cho Giao Châu. “Việc phân phát xá lợi của vua Tùy vào tháng 6 năm 601 không chỉ đơn thuần là một hoạt động tôn giáo, mà còn có âm mưu sâu xa là nhằm kiểm tra lại sự thần phục của Giao Châu đối với nhà Tùy”, ông Huy cho biết. Sau đó năm 602, nhà Tùy xâm lược nước ta.

Như vậy, theo ông Huy, ngay từ năm 601, nhà Tùy đã ý thức về sự tồn tại của chính quyền độc lập của Lý Phật Tử và có ý đồ xâm lược Giao Châu. Do đó, việc vua Tùy xuống chiếu cử sứ giả hộ tống xá lợi đến Giao Châu xây tháp vào ngày 10 tháng 6 năm 601 không đơn thuần là một hoạt động tôn giáo. “Nó ẩn chứa ý đồ chính trị sâu xa là nhằm kiểm tra sự thần phục của Lý Phật Tử đối với nhà Tùy”, ông Huy nói.

Theo Trinh Nguyễn - TNO

Các tin đã đăng:
Về đầu trang