Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Ai đi làng cổ Đường Lâm chưa nhỉ?
15/10/2010 22:57 (GMT+7)




Làng cổ nằm bên sông Nhuệ, nổi tiếng từ bao đời nay bởi có nghề truyền thống gắn liền với văn hóa ẩm thực của dân tộc: món giò chả. Ước Lễ còn chứa đựng trong lòng mình nhiều di tích độc đáo của văn hóa dân tộc.
Ngay từ đầu làng, chiếc cầu gạch cong cong duyên dáng bắc qua con sông nhỏ và cổng làng bề thế với dòng chữ Hán "Ước Lễ thôn", đưa chúng ta vào không gian của làng cổ. Miếu chợ nằm bên gốc đa cổ thụ có lẽ 300-400 tuổi rủ rễ dài chạm đất, tán lá rộng che rợp cả ngôi miếu nhỏ.
Bên kia chợ, đình làng thờ Thành Hoàng Lữ Gia còn giữ nguyên vẹn kiến trúc thời Hậu Lê, đẹp sánh ngang với đình Quảng Bá (Hà Nội). Trong các gian đình, tất cả đầu vì kèo và đầu xà ngang đều được nghệ nhân chạm khắc nổi hết sức sinh động, mềm mại, uyển chuyển hình tứ linh long-ly-quy-phượng và mặt trời cùng mai-lan-cúc-trúc.
Ðặc biệt, khác hẳn với nhiều đình của các làng Bắc Bộ, đầu vì kèo ở mái hiên chỉ được chạm khắc đơn giản hoặc không chạm khắc; xà ngang và vì kèo của mái hiên đình Ước Lễ đều được chạm khắc rất tỉ mỉ, tinh tế. Trên nóc đình, ngoài đôi rồng chầu mặt trời, còn có đôi cá chép uốn cong được ghép bằng các mảnh sứ xanh lam. Hai đầu đình có hai bầu rượu tròn cao ngất là những chi tiết độc đáo, riêng biệt, đặc sắc của kiến trúc đình Ước Lễ mà ở một số đình nổi tiếng như Tây Ðằng, Ðình Bảng không có. Ðôi cá chép để trên nóc đình chắc có liên quan đến sự tích "cá vượt vũ môn" để nêu cao tinh thần hiếu học cho dân làng Ước Lễ.
Cuối làng, ngôi chùa Sổ còn lưu giữ được hiện vật quý hiếm của thời Lý - Trần. Chùa nằm trên khu đất cao giữa cánh đồng. Xa xưa hơn nữa, chùa vốn là Quán Hội Linh thờ thần của Ðạo giáo. Ðến thời Lý, quán được tu sửa thành chùa. Hiện tượng quán biến thành chùa cũng đã xuất hiện ở ngay kinh thành Thăng Long (Quán Huyền Thiên ở phố Hàng Khoai, sau thành chùa, nhưng trong chùa vẫn thờ thần Huyền Thiên).
Còn chùa Sổ thờ Thái thượng Lão quân, Thượng Thanh, Thái Thanh, Ngọc Thanh và các môn đệ mà không thờ Phật Tam thế và Cửu Long như các chùa khác. Chùa Sổ được đại trùng tu vào đời Lê Trung Hưng (1634) và đời Nguyễn, năm Thành Thái thứ 5 (1901).
Di vật quý hiếm nhất mà chùa còn giữ được là những viên gạch ở chân tường có hình con rồng thời Lý, chung quanh rồng là những cánh hoa cúc mềm mại.
Cho đến nay, những chùa còn giữ được hình rồng thời Lý trên gỗ hoặc trên gạch và đất nung, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ðó là văn hóa vật thể quý hiếm cần phải được bảo tồn. Riêng bốn tấm bia đá đặt trong nhà bia là những trang sách vô giá của người xưa để lại, trong đó bia quán Hội Linh đã được Viện Hán - Nôm khảo cứu và dịch. Nhờ văn bia này, chúng ta mới được biết: Quán Hội Linh là danh lam nổi tiếng của nước Nam ta...
Bốn bề chung đúc khí thiêng, người tài vật quý, chư vị thảy đều linh ứng, phúc đến lộc về. Quận công Ðào Quang Hoa, vốn người xã Tuyền Cam, huyện Thanh Oai, làm Quận công ở Trấn Lạng Sơn, cùng vợ là bà Trần Thị Ngọc Lâm, mến mộ cảnh vật Ước Lễ, đem của cải trong nhà và tiền công đức đứng ra xây dựng chùa, khởi công vào ngày 19-12 năm Kỷ Tỵ (1527); từ đó, ông bà cho xây tam quan, gác chuông, nhà bia, đúc 17 tòa tượng Phật mới, tô các tòa tượng Phật cũ, đúc chuông, cúng 10 mẫu ruộng cho chùa. Vì vậy, trên khu đất cao giữa cánh đồng làng Tân Ước, Quán Hội Linh thành chùa Sổ với kiểu kiến trúc chữ Công, mang đậm kiến trúc nghệ thuật Lý Trần; trải 10 thế kỷ mà dấu tích vẫn còn lưu giữ đến ngày nay. Chùa Sổ đã được Bộ Văn hóa công nhận di tích lịch sử văn hóa năm 1986.
Ngoài chùa Sổ, Ước Lễ còn có chùa Sùng Phúc, dân làng thường gọi là chùa Mới vì chùa được xây cách đây khoảng 150 năm, mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Những năm chống Pháp xâm lược, Hòa thượng Thích Thanh Nhân đã đào hầm nuôi cán bộ kháng chiến. Chùa trở thành cơ sở an toàn cho bộ đội, cán bộ kháng chiến hoạt động.
Cùng với đình chùa có những nét kiến trúc độc đáo trên, làng cổ Ước Lễ còn giữ được khá nhiều nếp nhà và cổng ngõ theo lối nhà cổ của nông thôn đồng bằng Bắc Bộ đầu thế kỷ 20. Qua sân gạch rộng lát gạch vuông là "dại tre" đã cũ che trước hiên nhà và những mái ngói vẩy cá thấm đẫm mầu thời gian như đưa ta trở về thuở ngày xửa ngày xưa êm đềm với tiếng chày giã giò đều đặn nhịp nhàng. Làng nghề chuyên làm ra miếng ngon Ước Lễ, sớm mở rộng giao lưu buôn bán với khách bốn phương, vẫn giữ được văn hóa làng cổ thuần Việt, ít bị pha tạp bởi cơ chế thị trường. Bà bán chè ngồi dưới gốc đa đầu chợ đon đả mời tôi bát chè cốm dẻo thơm, đúng là hương vị cốm thứ thiệt, không nhuộm phẩm xanh, ăn đến đâu mát ruột đến đó.
Ðình chùa, cổng làng cây đa, bến nước đẹp nên thơ trong chiều quê tĩnh mịch. Tiếng chuông chùa buông từng tiếng và tiếng chuông nhà thờ binh boong cùng hòa trong không gian bình yên. Về thăm làng cổ, đứng dưới mái đình, mới thấy rõ nét tinh túy của văn hóa làng - văn hóa dân tộc vẫn trường tồn trong mạch sống ở làng nghề Ước Lễ mà cháu con phải biết cùng nhau giữ lấy.

Theo báo Nhân dân điện tử

Các tin đã đăng:
Về đầu trang