Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Ký ức về chùa Láng
07/07/2013 20:14 (GMT+7)



Ăn Tết ở ký túc xá của nhà trường cũng đồng nghĩa với ăn Tết ở nhà chùa. Thế nhưng tôi không cô độc, vì ở chùa còn có sư thầy và sư cụ. Mặt khác tranh thủ lúc mọi sinh viên về quê ăn Tết, tôi tập đàn piano nên không thấy buồn (vì hồi đó toàn trường chỉ có 2 cây đàn piano). Lớp học ven chùa rất vắng vẻ. Về đêm cảnh quan nơi đây rất tĩnh mịch, thanh vắng. 

Trời đêm 30 Tết tạo cảm giác trong tôi tối hơn mọi ngày, chỉ một màu đen thăm thẳm. Cảm giác nhớ quê, nhớ nhà, nhớ mẹ dậy sóng trong tôi. 

Chùa Láng năm 1941 - Ảnh tư liệu

Đất trời cuối năm của người con sống xa quê, hiện diện trong huyền ảo và hư vô. Thỉnh thoảng, tiếng gió rít rợn người từ bên kia bờ tường ùa vào lạnh buốt. Tôi ngồi say sưa tập đàn. Tiếng dương cầm vang lên, tôi thấy lòng mình được thăng hoa. Nguồn cảm xúc đam mê âm nhạc trong tôi bấy lâu như đã dâng trào. Tôi hòa mình vào tiếng nhạc dưới trời đêm không trăng, không sao.

Bỗng dưng có tiếng động mạnh, tôi dừng tay. Tiếng động mỗi lúc một gần. Ngẩng đầu nhìn lên trần nhà, tôi bất ngờ vì rắn hàng chục, hàng trăm con xuất hiện. Chúng bò, đeo ngổn ngang trên đòn tay, kèo… trần nhà. Không chỉ có vậy, chúng còn gieo mình rơi xuống bàn học, xuống sàn nhà lộp độp như mưa. Đêm vắng, tiếng động lớn nhỏ rất rõ rệt và lạ lùng. 

Trong giây phút hoảng sợ, tôi cố trấn tĩnh mình, mắt hướng về tiếng động. Bầy rắn rất dạn dĩ, trong khi tôi rất hoảng sợ. Dưới ánh sáng duy nhất của bóng đèn tròn treo giữa lớp, chúng bò tản mác khắp nơi, con bò nghênh ngang trên mặt bàn, con khó nhọc chui vào hộc bàn… Tôi ngồi co ro ở góc lớp, bất an. Tôi không dám đứng lên chạy vào trong vì rắn đang bao vây. Đường vào chỗ nghỉ của tôi khoảng 100 mét, xung quanh chỉ một màu đen của bóng tối ngày cuối năm. Cho nên, tôi kiên nhẫn chờ sự xuất hiện của ai đó cùng với ánh đèn pin để cùng tháp tùng vào trong, nhưng sự trông đợi của tôi rơi vào tuyệt vọng. Cũng may là lúc ấy, bầy rắn bò tản ra ngoài rất nhanh.

Yên tâm, tôi tranh thủ tập đàn piano tiếp. Không ngờ lần này, rắn xuất hiện nhiều hơn lần trước, với số lượng không ai có thể đếm xuể. Tôi có cảm giác, chúng tấn công tôi. Nhiều con đang bò trên trần nhà, chúng gieo mình ngay chỗ tôi ngồi đánh đàn. Những con bò dưới sàn nhà cũng vậy, chúng đều hướng về phía tôi. Tôi hoảng sợ quá đứng lên và cầm lấy chân bảng gãy tự vệ. Bỗng dưng, hai con rắn hổ rất to, phùng mang tiến gần đến tôi. Cả hai con rắn lắc lư cái đầu như đang múa. Tôi hốt hoảng cầm chân bảng gãy đánh bừa, không ngờ đánh chết hai con rắn. Cầm chân bảng gãy, tôi dọn đường và làm vũ khí tìm lối thoát.

Sáng hôm sau, thanh niên sống xung quanh chùa Láng phản ứng gay gắt. Họ bảo sinh viên trường nhạc đập chết hai rắn thần. Lúc này, tôi mới biết bên cạnh chùa Láng có một khu đất cây cối rậm rạp, hoang vu. Theo người trong làng, rắn tập trung về đây để tu hành rất đông. Một số sinh viên sau khi ăn Tết, họ quay lại trường học, nghe tin này tỏ ra rất khó chịu vì bị nghi oan. Tôi ái ngại và lo sợ trước hành động của mình. Tôi lặng im, giấu bặt chuyện này với mọi người, ngay cả nhà chùa và bạn bè.

Chùa Láng ngày nay

Sau đó không lâu, nhà trường tổ chức cho sinh viên tham gia cuộc họp ở Hội Nhạc sĩ. Ngoài giới âm nhạc đến tham dự còn có Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Trong lúc phát biểu, Thủ tướng có kể cho giới âm nhạc chúng tôi một thông tin về rắn liên quan đến âm nhạc. Ông kể là vừa đọc báo Pháp bằng tiếng Pháp đăng một thông tin rất lạ. Bài báo viết rằng có một người chồng đang ngủ rất say thì một con rắn hổ trườn đến. Người vợ sợ quá nên rời khỏi giường và nhanh tay lấy cây sáo treo trên tường xuống thổi. Con rắn nghe sáo liền hướng về chị. Khi tiếng sáo dừng, con rắn bỏ đi.

Tôi nghe câu chuyện này rất hối hận vì mình đã đánh chết rắn. Có lẽ, rắn nghe tiếng đàn piano của tôi nên đã bò vào nghe. Rất buồn, tôi tâm sự nhiều người bạn trong trường nhạc về chuyện đánh chết rắn khi chúng nghe nhạc. Chẳng mấy chốc, đám bạn tôi đồn đại rằng Nguyễn Văn Nam đánh đàn có hàng trăm, hàng nghìn rắn kéo vào nghe. Với họ là chuyện vui, chuyện lạ như một giai thoại mỗi khi nhắc về tôi, nhưng tôi thấy rất buồn về hành động của mình.

Câu chuyện xảy ra lâu lắm rồi, đã mấy mươi năm. Thế nhưng mỗi khi ngậm ngùi nhớ đến hành động của mình không hay với loài rắn, tôi lại nhớ đến chùa Láng. Ngôi chùa đã tạo điều kiện cho tôi có những năm tháng đầu tiên bước chân vào con đường học tập âm nhạc chính quy. Tôi bây giờ không còn là người học trò chập chững học nhạc ngày nào dưới mái chùa mà là một người thầy đang dạy cao học chuyên ngành sáng tác âm nhạc ở hai nhạc viện lớn của cả nước. 

Tôi luôn kể cho học trò nghe về những ngày đầu tôi đi học nhạc ở chùa Láng. Trong ký ức tôi, hình ảnh nhà sư bao dung độ lượng luôn hiện diện, dù năm tháng có đi xa hơn nữa…

GS.TS. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam

Nguon: http://giacngo.vn/tuvien/chuavntrongnuoc/2013/07/07/16C203/

Các tin đã đăng:
Về đầu trang